Sự kiện & Bình luận

Laptop, tiểu học và nỗi lo lớn của xã hội

An Vinh
Giáo dục
07:00 | 15/10/2024
Baovannghe.vn - Ngôi trường tiểu học Chương Dương bé nhỏ nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM những ngày qua bỗng dưng trở nên nổi tiếng
aa

Ngôi trường tiểu học Chương Dương bé nhỏ nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM những ngày qua bỗng dưng trở nên nổi tiếng khắp cả nước.

Vụ việc cô giáo H, chủ nhiệm lớp 4 tại trường tiểu học này “xin” phụ huynh hỗ trợ mua laptop để phục vụ mục đích giảng dạy nhanh chóng đã vụt trở thành tâm điểm dư luận và dấy lên nhiều tranh luận trên báo chí và mạng xã hội.

Câu chuyện ầm ĩ này được bắt đầu từ một buổi họp cha mẹ học sinh ngày 14/9. Tại cuộc họp, cô H ngỏ ý muốn phụ huynh ủng hộ tiền để cô mua laptop vì máy của cô vừa bị mất. Một số phụ huynh tính toán và đưa ra mức hỗ trợ cô giáo để mua máy tính có giá 5-6 triệu đồng/chiếc. Hai ngày sau, cô giáo tiếp tục nhắn tin tới phụ huynh với nội dung cô đã mua máy 11 triệu đồng, cô xin hỗ trợ 6 triệu, bù vào 5 triệu đồng và laptop này là của cô.

Sau đó, khi chỉ có 26 phụ huynh đồng ý, 3 phụ huynh không đồng ý, 9 phụ huynh không ý kiến, cô H. lên tiếng không nhận khoản hỗ trợ mua laptop nữa, và cô sẽ tự mua và tự sử dụng.

Vụ việc, sau khi được các phụ huynh phản ánh với báo chí và đưa lên mạng xã hội (MXH), đã trở thành một câu chuyện không còn mang tính nội bộ của một trường học nữa, mà phản ánh những thách thức lớn hơn về quản lý, nhận thức về vấn đề “xã hội hoá giáo dục”, về mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Viết trên báo Tuổi trẻ, TS. Hoàng Ngọc Vinh đã rất chí lý khi cho rằng: Xã hội hoá (XHH) giáo dục là nhằm huy động nguồn lực xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng nó không có nghĩa là chuyển toàn bộ gánh nặng tài chính lên vai phụ huynh với chiêu bài XHH. Cô giáo tự kêu gọi phụ huynh hỗ trợ mà không thông qua ý kiến của nhà trường là sai. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của nhà giáo do hành xử không đúng thẩm quyền của giáo viên trong mối quan hệ với phụ huynh, tạo ra bức xúc không cần thiết.

TS. Hoàng Ngọc Vinh cũng lưu ý, việc mỗi gia đình đóng góp có thể xem là không lớn để có thêm dăm triệu mua máy tính, nhưng gộp vào nhiều khoản đóng góp cộng với chi phí mua sách vở, đồ dùng học tập đầu năm học sẽ trở thành món tiền không hề nhỏ với nhiều gia đình.

Nhà trường và ngành giáo dục cần quán triệt mạnh hơn, rõ ràng hơn và có quy định chặt chẽ về hiểu và thực hiện chính sách XHH. Theo đó, XHH không có nghĩa là chuyển trách nhiệm tài chính lên phụ huynh, mà là tìm kiếm sự phối hợp hợp lý giữa các bên liên quan để cải thiện điều kiện học tập và dạy học.

Ở một góc nhìn khác về vụ “xin” thêm tiền phụ huynh học sinh để mua laptop này, trên MXH cũng xuất hiện một số ý kiến cảnh báo mà ngành giáo dục và những ai quan tâm đến thế hệ tương lai của đất nước cần quan tâm lưu ý.

Laptop, tiểu học và nỗi lo lớn của xã hội
Nhà trường và ngành giáo dục cần quán triệt mạnh hơn, rõ ràng hơn và có quy định chặt chẽ về hiểu và thực hiện chính sách XHH. Tranh minh hoạ: Internet

Việc cô giáo hồn nhiên cho đó là việc “xã hội hoá” nên xin thêm 5 triệu đồng “là bình thường” như cô ta trình bày, vậy là cô ta đã rất sai trong suy nghĩ, quan niệm và hành động của mình, đã làm một việc mà người giáo viên không nên và không được làm trong nhà trường. Vì thế, cô có thể sẽ phải chịu nhận một hình thức kỷ luật nào đó tương xứng với lỗi sai của mình, và đó cũng là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, vụ việc chưa đáng để cả truyền thông và xã hội ầm ĩ đến mức như vừa qua, cho dù cô giáo H. đã sai lè. Truyền thống văn hoá “nhất tự vi sư” hình như đã bị mai một đi quá nhiều?

Việc một số tờ báo, rồi MXH, rất đông cư dân mạng, xúm vào phê phán, nhiếc móc, “vạch lá tìm sâu” về đời tư cô ta, rồi lên án cô ta không từ một lời nào… thật ra là quá đà và có phần ác độc. Nhưng, chuyện này rồi cũng sẽ qua đi, như mọi vụ ầm ĩ xưa nay trên MXH.

Điều ghê sợ nhất trong vụ này chính là tính chất “Gia-ve” trong một số ông bà anh chị phụ huynh học sinh, những người đã lộ ra cho cả cộng đồng xã hội biết những tin nhắn nội bộ trong nhóm kín giữa cô giáo và họ. Việc này, nối tiếp vụ em học sinh Yên Bái thi Đường lên đỉnh Olympia bị bạn cùng nhóm lộ ra các tin nhắn nhạy cảm, khiến chúng ta lo ngại vì sự xâm phạm quyền riêng tư tối thiểu của con người trong xã hội hiện nay, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Nhưng, tất cả những việc làm trên vẫn chưa ghê sợ, vẫn chưa kinh khủng bằng việc, từ vụ này, sẽ tạo ra một tiền lệ học trò có thể tố cáo thầy cô một cách đầy sảng khoái, có thể đấu tố thầy cô và nhà trường bất cứ lúc nào chúng có dịp và có thể.

Thầy Nguyễn Kim Sơn Bộ trưởng, toàn ngành giáo dục và tất cả chúng ta hãy dè chừng! Chúng ta gieo hạt nào sẽ được gặt quả ấy. Những “ông đội”, “bà đội” của một cuộc “cải cách ruộng đất” lần thứ hai (nếu có) rất có thể được sinh ra từ những cô cậu học trò hôm nay đang vô tư đến mức say sưa đấu tố thầy cô mình, không chỉ ở vụ việc tại trường tiểu học Chương Dương. Nhà báo, nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nguyên Tổng giám đốc, Tổng biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã thốt lên đầy lo lắng về hiện tượng học trò đấu tố thầy cô trong một comment của mình: “Đã có bài học Cách mạng Văn hoá và tấm gương Hồng Vệ binh mà chúng ta quên soi…”

Trên trang facebook cá nhân có nickname Hoàng Mạnh Cường, hình như chủ trang là một luật sư, có viết một status về vụ xin laptop này, tôi xin share lại đây vì thấy có lý, có tình:

“Tính công bằng, nhân văn và đạo đức khi phê phán đã ở đâu trong vụ việc này?

Tất nhiên, hành động xin laptop của cô giáo là không hay, không chuyên nghiệp. Nhưng, việc xin hỗ trợ này không đồng nghĩa với việc ép buộc, và bản thân cô cũng không hề lừa đảo hay lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Vậy mà, thay vì đưa ra những nhận xét mang tính chất xây dựng, những nhà đạo đức online lại đi quá đà bằng cách bêu riếu ngoại hình và cuộc sống cá nhân của cô trên mạng xã hội.

Họ là ai, và có tư cách gì mà “chiếu trên” như vậy? “Hình hài của mẹ cha cho” nên dù có xấu đến mức quỷ hờn ma chê, thì ai cũng đều có quyền tự hào và vui lòng chấp nhận. Không ai có quyền chê bai hay bêu riếu ai, chỉ vì ngoại hình không đẹp mắt.

Chính vì vậy, trong câu chuyện laptop này chỉ đơn thuần là cơ chế xin cho, lại trao đổi trong một nhóm kín; các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể trả lời bằng hệ nhị phân: 1 là “Ok” mà 2 là “No”. Nếu phụ huynh nào thấy chưa phù hợp, thì cũng nên dựa trên tinh thần xây dựng và cảm thông bằng cách tiếp tục chat chit trong nhóm kín với nhau, thay vì tung lên mạng công khai, để cho các “nhà đạo đức online” liên minh đả phá…”

Cuối cùng thì, từ vụ việc này ta thấy, khi tính Ác trỗi dậy và lấn át tính Thiện trong con trẻ, học trò, ít nhất là trong cư xử với chính những người thay mặt cha mẹ, ông bà đang góp phần lớn vào việc dạy dỗ mình hằng ngày, đó mới là điều “ghê răng” nhất trong vụ này và những vụ tương tự, chứ không phải là chuyện tham lam 6 triệu đồng hay loay hoay tậu một chiếc laptop còi của một cô giáo.

Vụ cô giáo “xin hỗ trợ” mua laptop, vì vậy, đã không còn chỉ là câu chuyện cá nhân hay một nhóm nhỏ phụ huynh học sinh, mà còn là biểu hiện của nhiều vấn đề sâu xa về lạm dụng XHH trong hệ thống giáo dục. Việc rút ra bài học từ sự kiện này là cần thiết để đảm bảo một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng và bền vững trong tương lai, đồng thời tránh được nhiều hệ lụy cho thầy cô, phụ huynh và học trò; để tâm hồn trong trắng của các cháu học sinh không bị vấy bẩn, không bị kích động mà phá hỏng sự nghiệp trồng người cho đất nước ta hôm nay và mai sau...

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Niềm tự hào của Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ Chấn chỉnh hoạt động của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh Trao tặng 8 tủ sách cho các trường tiểu học tỉnh Nghệ An Trao tặng gần 5.000 cuốn sách cho học sinh tiểu học vùng cao Ra mắt “Tổ quốc bên bờ sóng” và “Bác Hồ với Ba Đình”
Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Bổ sung 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1372/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo,2 dự án luật, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Đi trong nhà - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Nhổm dậy mò mẫm đi
Bản tin Văn nghệ: Quảng Trị sắp có "Bảo tàng ký ức chiến tranh"

Bản tin Văn nghệ: Quảng Trị sắp có "Bảo tàng ký ức chiến tranh"

Baovannghe.vn - Dự án Bảo tàng Chiến tranh tỉnh Quảng Trị dự kiến được xây dựng trên diện tích khoảng 15 ha, gồm nhiều hạng mục.
Ý nghĩ cuối ngày - Thơ Niê A Dũng

Ý nghĩ cuối ngày - Thơ Niê A Dũng

Baovannghe.vn- Cuối cùng rừng chỉ còn lại đôi mắt xanh/ người trơ trụi nghĩ về ngày cũ
Dông. Truyện ngắn dự thi của Lệ Hằng

Dông. Truyện ngắn dự thi của Lệ Hằng

Baovannghe.vn- Mùa dông bắt đầu. Thành phố ngập trong những cơn dông xé hoàng hôn toang hoác. Nước bò trên cửa kính ngoằn ngoèo. Mùa dông cũng là mùa triều dâng