Văn hóa nghệ thuật

Từ trường hợp nổi tiếng của Quang Đại, nhìn về nghệ thuật thị giác Việt Nam đương thời

Tèo Phạm
Mỹ thuật
06:00 | 16/10/2024
Baovannghe.vn - Sự nổi tiếng của người mẫu, travel blogger. Trần Quang Đại với liên tiếp các triển lãm trong nước và quốc tế đặt ra một câu hỏi
aa

Nghệ thuật truyền thông đánh bại nghệ thuật truyền thống

"Đẹp trai, nổi tiếng, đi vòng quanh thế giới, nói đạo lý…’’ - đó là những từ ngữ để mô tả một người hoàn hảo, một “con nhà người ta” đích thực. Nhưng chúng ta có thể tìm được tất cả điều đó ở Trần Quang Đại - một người mẫu, diễn viên, influencer (người có sức ảnh hưởng trên internet), một “chàng thơ” bước ra từ trong mơ. Nhưng Quang Đại chưa thỏa mãn, anh muốn tìm thêm những thử thách để chinh phục, và nghệ thuật thị giác chính là điểm đến tiếp theo.

Kể từ năm 2022, How are you these days? là một câu nói không còn xa lạ với công chúng trẻ khi Quang Đại đã nói về triển lãm này khắp mọi nơi, từ trong nước đến quốc tế. Có những nghệ sĩ làm việc cả đời với mong muốn được tổ chức triển lãm ở Bangkok, Paris, Lyon, Amsterdam, Hàn Quốc. Chỉ cần 2 năm, Quang Đại làm được tất cả điều đó. Nhưng thực tế tác phẩm của Quang Đại có thực sự đạt phẩm chất hay giá trị đến như vậy không?

Đối với tôi, dưới tư cách là một hoạ sĩ, Quang Đại chỉ nên dừng ở việc đẹp trai và chia sẻ những đạo lý (thường là cóp nhặt đâu đó), thay vì trở thành một nghệ sĩ thị giác. Nghệ thuật của Quang Đại không đến từ thị giác mà đến từ nghệ thuật truyền thông. Tiếp bước theo xu hướng người nổi tiếng làm nghệ thuật trên thế giới, Quang Đại cũng chọn cho mình một lối đi tương tự, nhưng có chiến lược hơn. Những triển lãm đầu tiên của anh nhận lại những phản hồi tiêu cực và thậm chí là chỉ trích, nhưng rồi những lời chê bai dần ít đi, thay vào đó là một sự bối rối với liên tiếp những triển lãm quốc tế. Dù nhận về chỉ trích, Quang Đại vẫn thành công khiến người khác nói về mình. Hiệu ứng truyền thông vượt xa hơn bất kỳ nghệ sĩ nào trong giới. Anh đã tạo ra một xu hướng người nổi tiếng làm nghệ thuật, dù trước đó Hứa Vĩ Văn cũng đã từng làm nhưng không thể tạo được hiệu ứng tương tự. Theo sau Đại là Touliver, Suboi cũng dùng triển lãm nghệ thuật thị giác.

Trường hợp Quang Đại có thật sự là xấu? Theo tôi là không hẳn. Điều mà cựu người mẫu tạo ra đã kéo sự chú ý của mọi người tới nghệ thuật thị giác hơn, đó là điều tốt đối với một cộng đồng còn tương đối khép kín. Nhưng từ đó tạo ra một tư duy “cầm cọ lên là thành hoạ sĩ”, điều đó giảm giá trị của nghệ thuật đi rất nhiều khi những người nghệ sĩ phải bỏ hàng năm trời để học tập và rèn luyện mới cho ra được những tác phẩm đẹp. Từ đó xu hướng ai cũng mở triển lãm cá nhân trở nên ồ ạt dù sản phẩm của họ chưa có chất lượng đủ tốt. Dù sao đi nữa, trong thế giới nghệ thuật vàng thau lẫn lộn thì Quang Đại là một trường hợp rất thú vị để nghiên cứu. Ai biết được Quang Đại lại như Nikocado Avocado, luôn đi trước mọi người hai bước và đang có những tuyệt tác được giấu kín.

Từ trường hợp nổi tiếng của Quang Đại, nhìn về nghệ thuật thị giác Việt Nam đương thời
Tác phẩm trong triển lãm Tình yêu là tất cả của người mẫu Quang Đại. Ảnh: TN

Nghệ thuật chân chính có được nhận diện đúng?

Quay lại thực tế, làm sao những người làm nghệ thuật chân chính có thể đạt được mức độ nhận diện như vậy? Quang Đại đã đầu tư rất nhiều, không vào nghệ thuật, nhưng vào những mối quan hệ, truyền thông, địa điểm. Điều đó tiêu tốn của nam người mẫu rất nhiều tài nguyên, chứng tỏ nền tảng tài chính của anh cực kì vững chắc.

“Có thực mới vực được đạo” là câu nói luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Để theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, bạn cần có nền tảng tài chính ổn định. Đừng nên học theo các giai thoại về những bậc thầy sống trong nghèo đói rồi để lại kiệt tác, mà quên rằng họ phải vứt bỏ cả một cuộc đời. Nếu quá khó về tài chính, nghệ sĩ vẫn cố gắng tìm những nguồn tài trợ từ những tổ chức, nhưng đó là một câu chuyện khác. 8 triệu trong 2 tháng, 5 triệu trong 1 tháng…, đó không phải là mức lương của các sinh viên thực tập, mà là số tiền hỗ trợ nghệ sĩ tham gia một chương trình lưu trú nghệ thuật. Với sự hỗ trợ ít ỏi đó, làm sao để nghệ thuật đích thực cất cánh?

Nhiều nghệ sĩ trẻ hiện tại vẫn phải làm thêm một hoặc nhiều công việc phụ để trang trải chi phí sinh hoạt, đặc biệt là ở những thành phố lớn nơi chi phí thuê nhà không hề rẻ. Điều này dẫn đến câu hỏi: với mức tài trợ như vậy, làm sao họ có thể tham gia vào các chương trình nghệ thuật, đặc biệt khi số tiền này không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, mua sắm dụng cụ và vật liệu cần thiết? Những nghệ sĩ trẻ như tôi rất hoan nghênh tinh thần hỗ trợ của các tổ chức, chỉ có điều nó chưa đủ thuyết phục.

Có thời điểm, các không gian nghệ thuật mọc lên như nấm. Ai có một cái phòng khoảng 30-50m2 thì nó sẽ trở thành một “art space”. Rất nhiều không gian nghệ thuật mọc lên rồi biến mất, phản ánh một sự đầu tư thiếu bền vững. Đây có thể chỉ là một công cụ cho những chủ đầu tư nhằm phục vụ mục đích riêng? Điều này dẫn đến việc nghệ sĩ không được hưởng lợi nhiều từ việc trưng bày tại các không gian này và thường phải đối mặt với sự thiếu nhất quán trong quản lý. Ví dụ như trường hợp của một văn phòng cho thuê luôn lấy mác là không gian kết hợp nghệ thuật, nơi hỗ trợ trưng bày cho nghệ sĩ. Thực chất là một nơi lợi dụng nghệ sĩ để làm đẹp cho không gian của họ, với những lời hứa hẹn khó diễn ra trong thực tế.

Bên cạnh đó, kiểm duyệt cũng là một vấn đề khá nhạy cảm trong nghệ thuật thị giác dù đây là điều cần thiết để kiểm soát những nội dung không tốt. Nhưng hiện tại chưa có một quy chuẩn thực sự nào về kiểm duyệt, mọi thứ vẫn rất cảm tính trong quá trình ấy. Đó cũng là một rào cản đến với công chúng cho những người trẻ đang muốn thử thách với những đề tài khó, những hướng tiếp cận nghệ thuật mới.

Con đường bền vững cho người mới chập chững

Nghệ thuật là một hành trình dài; và bạn cần có kế hoạch rõ ràng cho từng giai đoạn của sự nghiệp. Bạn không cần phải xuất phát thật nhanh hoặc đặt áp lực lớn lên bản thân. Thay vào đó, chúng ta có thể chậm rãi xuất phát từ việc tạo thói quen làm việc hàng ngày một cách khoa học. Ngoài ra bạn cũng cần biết nắm bắt các cơ hội tham gia những chương trình của những tổ chức nghệ thuật để có thêm trải nghiệm và cơ hội.

“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề” có lẽ đúng nhưng chưa đủ, đặc biệt là với nghệ thuật. Tất nhiên việc tạo ra tác phẩm vẫn là điều quan trọng nhất, nhưng bên đó bạn cần trang bị thêm nhiều kỹ năng hỗ trợ như viết đề xuất và hồ sơ, truyền thông, thi công trưng bày, xây dựng thương hiệu cá nhân và đọc hợp đồng. Không cần phải trở thành bậc thầy trong tất cả các lĩnh vực này, nhưng việc hiểu biết và áp dụng chúng một cách cơ bản sẽ giúp bạn rất nhiều trong sự nghiệp.

Trong thời buổi hiện nay, muốn bán được hàng thì giám đốc cũng phải nhảy TikTok. Nếu các bạn chưa biết thì ở thời hoàng kim của nghệ thuật, nghệ sĩ được xem như các ngôi sao. Khi ấy, các nghệ sĩ có trình độ truyền thông thượng thừa như Salvador Dali hay Pablo Picasso chiếm ưu thế vượt trội. Mặc dù truyền thông mạng xã hội là công cụ tuyệt vời, bạn cần cẩn thận không để nó làm lệch hướng mục tiêu sáng tạo của bạn.

Nghệ sĩ khi làm triển lãm thường gặp những khách hỏi mua tác phẩm với giá “tại xưởng”, tức là giá thấp hơn so với giá họ đang bán tại phòng trưng bày. Có những nghệ sĩ sẽ đồng ý, vì đó là cơ hội, là miếng cơm manh áo của họ, chẳng dễ gì để bán được tác phẩm với mức giá tại phòng tranh. Nhưng điều đó đang phá vỡ thị trường, tạo thói quen xấu cho người mua và thiệt hại cho đối tác (ở đây là phòng trưng bày).

Dù gì cũng là nghề chọn người nên nếu có bi quan thì hãy nhớ rằng: Nếu bạn làm nghề khác thì chưa chắc đã vui như vậy, nếu bạn lạc quan hơn thì quá trình làm việc sẽ thật tuyệt, nếu bạn có đủ kỹ năng thì công việc sẽ trở nên thật dễ dàng và nếu bạn thành công thì đừng có mà than thở nữa nhé, vì cảm giác tuyệt vời ấy sẽ không ai có được đâu.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Gỡ khó để phát triển sáng tác, quảng bá tác phẩm Văn học, nghệ thuật “Mặt Khác” của Hà Nội Ra mắt và tiếp nhận tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn và nhạc sĩ Paul Zetter Họa sĩ Hồ Hữu Thủ - Thả mình trong cõi vô niệm Phiên đấu giá tranh "Những huyền thoại từ Trường Mỹ thuật Đông Dương"
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.