Văn hóa nghệ thuật

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2: Nhịp cầu nối điện ảnh Việt ra khu vực

Thảo Duyên
Điện ảnh
09:55 | 14/07/2024
Điện ảnh Việt Nam đạt thắng lợi không nhỏ tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 với chủ đề DANAFF - Nhịp cầu châu Á.
aa

Diễn ra từ ngày 2 đến ngày 6/7 với chủ đề DANAFF - Nhịp cầu châu Á, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 đã thành công với thắng lợi không nhỏ thuộc về điện ảnh Việt Nam. Điều này không chỉ mang đến bức tranh tươi sáng cho điện ảnh Việt mà liên hoan phim còn được kỳ vọng trở thành một sản phẩm lễ hội nổi bật của Đà Nẵng,Việt Nam.

Phim Việt "đại thắng"

Với chủ đề "Ra khơi", lễ bế mạc Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng lần thứ 2 (2024) đã tìm được chủ nhân cho các giải thưởng. LHP đã xác lập tiêu chí lựa chọn và vinh danh các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu tính nhân văn, có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo...

Vượt lên trên 13 tác phẩm dự thi, đặc biệt chiến thắng các đối thủ nặng ký là "Bên trong vỏ kén vàng" và "Cuộc đời của Ann", bộ phim "Culi không bao giờ khóc" (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) đã đoạt giải cao nhất tại hạng mục Phim châu Á dự thi. Đây là giải thưởng quan trọng nhất của DANAFF II. Tại DANAFF I (2023), giải này thuộc về bộ phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" (đạo diễn Hà Lệ Diễm).

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2: Nhịp cầu nối điện ảnh Việt ra khu vực
Một cảnh trong phim "Cu li không bao giờ khóc" - Ảnh: VNCA

"Culi không bao giờ khóc" (Cu li never cries) có nội dung xoay quanh người phụ nữ vừa góa chồng tên Nguyệt (NSND Minh Châu thủ vai). Người chồng của bà qua đời, để lại cho bà tài sản kế thừa là một con cu li. Cùng lúc đó, bà nghe tin đứa cháu gái ở nhà đang tức tốc đòi cưới, nhiều khả năng vì đã có bầu. Chuyến trở về khiến người phụ nữ sống lại trong những câu chuyện quá khứ, đồng thời đối diện với cuộc sống hiện tại của người thân. Ngoài NSND Minh Châu, phim có sự tham gia diễn xuất của một số gương mặt trẻ như Hà Phương, Xuân An, Hoàng Hà...

Trước đó, vào tháng 2/2024, tại LHP Berlin lần thứ 74, phim đã được chiếu ở hạng mục Panorama, dành để giới thiệu các phim nghệ thuật độc lập, được đánh giá là có góc nhìn điện ảnh sáng tạo, mới mẻ và vượt qua 16 tác phẩm, thắng hạng mục "Phim đầu tay xuất sắc".

Tương tự, vượt lên trên 10 phim tham gia hạng mục "Phim Việt Nam dự thi" là phim "Mai" (đạo diễn Trấn Thành). Việc phim "Mai" tiếp tục vinh danh ở giải thưởng cao nhất là niềm vui với điện ảnh Việt nhưng có lẽ cũng không quá bất ngờ. Ngay từ khi ra mắt, phim đã tạo được cơn sốt phòng vé với doanh thu khủng là gần 540 tỷ đồng. Hiện tại, phim đang đứng đầu danh sách những bộ phim Việt Nam có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Tại DANAFF năm 2023, giải đặc biệt của ban giám khảo, giải “Biên kịch xuất sắc”, giải “Nam/nữ diễn viên xuất sắc” thuộc về bộ phim "Đêm tối rực rỡ". Còn "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành nhận giải thưởng "Đạo diễn xuất sắc nhất" và giải "Phim Việt Nam hay nhất".

Như vậy, 2 năm liền, các bộ phim của Trấn Thành đều giành được thứ hạng cao ở một LHP có sự cạnh tranh lớn, với một ban giám khảo có sự góp mặt của những ngôi sao, nhà làm phim hàng đầu khu vực châu Á. Điều này cho thấy cái "duyên" của Trấn Thành với LHP cũng như khẳng định năng lực của anh trong đạo diễn, sản xuất phim. Thực tế, nhiều đạo diễn chuyên nghiệp của Việt Nam cũng chưa được sở hữu giải thưởng này. Đó còn là niềm tin cho điện ảnh Việt Nam khi tham gia sân chơi quốc tế.

Tại hạng mục phim châu Á dự thi, giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” thuộc về Phạm Thiên Ân với "Bên trong vỏ kén vàng". Tại hạng mục phim Việt Nam dự thi, bộ phim "Mai" thắng lớn khi giành 3 giải thưởng: “Đạo diễn xuất sắc nhất” (Trấn Thành), “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” (Phương Anh Đào) và “Phim Việt Nam dự thi hay nhất”. Nam diễn viên xuất sắc nhất thuộc về Thái Hòa trong phim "Con Nhót mót chồng". Ngoài ra, giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc do ban giám khảo NETPAC quyết định lựa chọn trong phim Việt Nam dự thi (không kèm giải thưởng) thuộc về "Lật mặt 7: Một điều ước" (đạo diễn Lý Hải).

Giải thưởng với nhiều hy vọng

Ngoại trừ "Culi không bao giờ khóc" chưa ra rạp, những bộ phim Việt được vinh danh tại DANAFF II đều là những bộ phim tạo được hiệu ứng khán giả rất tốt trong thời gian qua. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa ban giám khảo và khán giả đã ngày một gần nhau hơn. Khác với tình trạng lâu nay, có không ít bộ phim được vinh danh tại các LHP lại không thành công khi ra rạp.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2: Nhịp cầu nối điện ảnh Việt ra khu vực
Đạo diễn Trấn Thành nhận giải thưởng của phim và giải cá nhân cho phim "Mai" - Ảnh: VNCA

Đạo diễn Trấn Thành cũng chia sẻ trăn trở này khi lên nhận giải "Một trong những bài toán nan giải của các nhà làm phim là làm sao cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và đại chúng để bán vé được nhiều hơn. Tôi vẫn muốn tìm kiếm điểm cân bằng đó, để làm ra các tác phẩm có tính chất nghệ thuật nhưng gần gũi và dễ tiếp cận đối với khán giả".

Trong khi điện ảnh Việt đang có những lo lắng về việc nhiều bộ phim thất bại khi ra rạp thì sự thành công của DANAFF mang đến hy vọng cho những người yêu nghệ thuật thứ 7. Những bộ phim mới được vinh danh có thể góp phần cải thiện tình trạng ảm đạm của phim Việt tại rạp chiếu thời gian gần đây. DANAFF được tổ chức với mục tiêu khích lệ tài năng, giới thiệu rộng rãi đến công chúng những tác phẩm điện ảnh mới, có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật của các nền điện ảnh Việt Nam, khu vực châu Á -Thái Bình Dương cùng các bộ phim chọn lọc của điện ảnh thế giới.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II khẳng định sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức LHP đã có bước tiến rõ rệt, nhất là ở màu sắc đa dạng và chất lượng của 2 hạng mục phim dự thi, của các phim được lựa chọn trình chiếu tại LHP, đặc biệt "Tiêu điểm điện ảnh Pháp" và "Tuyển chọn các tác phẩm của đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh".

TS Ngô Phương Lan cũng so sánh: nếu như ở lần tổ chức đầu tiên, có 2 cuộc hội thảo nghề nghiệp thì lần thứ 2 có đến 4 cuộc hội thảo và tọa đàm quốc tế với sự tham gia của các nhà làm phim về chuyên gia điện ảnh hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Từ đó, những vấn đề chuyên sâu của điện ảnh cùng các giải pháp để phát triển công nghiệp điện ảnh như hợp tác sản xuất phim, kết nối các LHP, chú trọng kết nối các LHP bờ biển như Cannes, Busan, DANAFF...

Một LHP thành công được đánh giá bằng chất lượng phim dự thi, chất lượng giải thưởng thông qua chất lượng của ban giám khảo. Với sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, nhà làm phim nước ngoài tên tuổi giữ vai trò "cầm cân nảy mực" nên dù là một LHP còn non trẻ nhưng DANAFF đã bước đầu khẳng định được uy tín của mình. 63 bộ phim tham gia LHP đã mang đến cho những người làm điện ảnh và khán giả bức tranh toàn cảnh của điện ảnh trong nước và khu vực. Từ đó cũng xác lập vị thế của điện ảnh Việt Nam trong khu vực này.

Đây là lần thứ 2 Đà Nẵng tổ chức thành công một sự kiện điện ảnh quốc tế, góp phần tạo lập những bước đi ban đầu trong việc xây dựng hệ thống sinh thái của thành phố nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, là nhịp cầu nối Việt Nam - Đà Nẵng với châu Á và thế giới. Không chỉ là ngày hội của những người làm điện ảnh, "bữa tiệc" cho những khán giả yêu mến nghệ thuật thứ 7, DANAFF còn là một trong những sự kiện về văn hóa nổi bật tạo sức lan tỏa, gắn kết du lịch - điện ảnh. Cùng với các hoạt động hấp dẫn, tập trung giới thiệu về văn hóa, nét độc đáo của thành phố biển Đà Nẵng cũng như đặc trưng của điện ảnh châu Á, DANAFF sẽ góp phần đưa thành phố biển này là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.

* Hạng mục phim châu Á dự thi:

1. Kịch bản phim xuất sắc nhất: Liu Jiayin (Những mảnh đời đáng giá)

2. Nam chính xuất sắc nhất: Wu Kang Reng (Nguyện ước vĩnh cửu)

3. Nữ chính xuất sắc nhất: Yuumi Kawai (Cuộc đời của Ann)

4. Đạo diễn xuất sắc nhất: Phạm Thiên Ân (Bên trong vỏ kén vàng)

5. Giải đặc biệt của ban giám khảo: "Cuộc đời của Ann"

6. Giải thưởng cho phim hay nhất: "Culi không bao giờ khóc".

* Hạng mục phim Việt Nam dự thi:

1. Nam chính xuất sắc nhất: Thái Hòa (Con Nhót mót chồng)

2. Nữ chính xuất sắc nhất: Phương Anh Đào (Mai)

3. Đạo diễn xuất sắc nhất: Trấn Thành (Mai)

4. Giải Dàn diễn viên hay nhất: "Lật mặt 7: Một điều ước"

5. Giải thưởng lớn cho phim hay nhất: "Mai".

--------

* Phim Việt Nam được khán giả yêu thích nhất bình chọn: Chùm phim hoạt hình "Cá chép của ông táo", "Đội lân sư nhí nhố", “Độc lạ làng khoai”.

Theo Thảo Duyên - Văn nghệ Công an

Khởi động "Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ Hai" (DANAFF II) Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ hai năm 2024: Sự gặp gỡ, tôn vinh các nền điện ảnh Khai mạc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng (DANAFF II) lần thứ hai Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng tôn vinh đạo diễn Đặng Nhật Minh Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ 2: Tôn vinh những tác phẩm điện ảnh xuất sắc
vnca.cand.com.vn
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà