Vào lúc 12h30 theo giờ Hàn Quốc (tức 10h30 theo giờ Việt Nam) ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ IX, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới (MOW) khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP), chuỗi văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn (tên hồ sơ đệ trình là Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam), đã chính thức được công nhận là “Di sản tư liệu” thuộc MOWCAP.
Chuỗi văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm) được khắc trên vách đá và hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, đã chính thức được công nhận là “Di sản tư liệu” thuộc MOWCAP |
Đây cũng là di sản được công nhận ở tầm khu vực đầu tiên của thành phố Đà Nẵng.
Tính độc đáo, hiếm có của di sản Ma Nhai
“MA” là mài giũa, “NHAI” là vách núi. “Ma nhai” là một loại hình văn khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm được khắc trực tiếp lên các phiến đá trên vách núi tự nhiên, sau khi đã gia công mài giũa bề mặt phiến đá.
Di sản “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Việt Nam” là chuỗi 79 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm (Hán Nôm), được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài hình thức (khắc) độc đáo, nội dung của tư liệu này được các vị vua, quan triều Nguyễn, những bậc danh thần sáng tác; bên cạnh đó, là sáng tác của các bậc cao tăng, trí thức, với tính đa dạng về thể loại văn học (ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối…). Niên đại chuỗi văn bản (nêu trên) trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, vì thế nội dung rất đa dạng.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Thành uỷ viên (nguyên Chủ tịch UBND Quận, sau đó là Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn), nay là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng đón nhận “Chứng nhận chữ viết (certified the inscription) của Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ. |
Thân thế (về con người, niên hiệu cụ thể) của các tác giả đều được sử sách ghi chép lại. Và giai đoạn trị vì của triều đình nhà Nguyễn, cũng là thời gian Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn phát triển mạnh về số lượng.
Ban đầu, hồ sơ đệ trình có tên là “Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”. Tuy nhiên, sau quá trình tham vấn ý kiến các chuyên gia, hồ sơ được đổi tên thành “Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Hội nghị toàn thể lần thứ IX của MOWCAP, diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 26/11/2022 tại Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Chương trình nghị sự lần này xem xét các hồ sơ đệ trình và tiến hành bỏ phiếu cho 13 hồ sơ của 7 nước thành viên. Hàn Quốc, Indonesia, mỗi nước có 3 hồ sơ; Trung Quốc, Việt Nam, mỗi nước có 2 hồ sơ; Singapore, Iran, Bangladesh mỗi nước có 1 hồ sơ đệ trình công nhận Di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam chúng ta đăng ký và trình 2 hồ sơ là “Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” và “Văn bản Hán Nôm (1689-1943) làng Trường Lưu, tỉnh Hà Tĩnh” thì đều được vinh danh, công nhận cả hai.
Ma nhai Bạch thạch hoàng sa 白石黄沙(Động Huyền Không) Nội dung: Thơ vịnh cảnh sắc non nước Ngũ Hành Sơn Thời gian: Thành Thái Nhâm Thìn trọng thu (1892) Tác giả: Đông các Đại thần Trương Quang Đản 東阁大臣張光憻 Ảnh trích từ báo cáo đệ trình MOWCAP |
Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế
Ma Nhai là loại hình độc đáo, gần như ở Việt Nam rất hiếm và trong danh mục di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đây cũng là điểm nhấn để thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản – một trong những tiêu chí quan trọng nhất của hồ sơ đề cử và mang tính cạnh tranh so với các hồ sơ của 5 địa phương còn lại (của Việt Nam).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, “Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế. Chuỗi văn bản khắc lên đá này được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, bởi giá trị nhiều mặt về lịch sử, quan hệ bang giao, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.
“Chứng nhận chữ viết (certified the inscription) của Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng |
Đặc biệt nhất, tính quý hiếm của di sản tư liệu này được thể hiện rất cụ thể ở văn bia“Phổ Đà Linh Trung Phật” – 1 trong 79 Ma Nhai tại Ngũ Hành Sơn. Nội dung của Ma Nhai này, đã luôn là nguồn dẫn liệu lịch sử chân xác và quan trọng của tất cả các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi đề cập đến vấn đề ngoại giao, phản ảnh mối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Quốc – Nhật Bản (nói riêng), và giao lưu hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Ngoài ra, còn có tư liệu về vai trò của người Phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế vào thế kỷ XVII.
Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn còn là nguồn sử liệu về địa danh của địa phương; nguồn tư liệu quý cho biết diện mạo, vẻ đẹp nguyên thủy của một vùng thắng tích nổi tiếng trong lịch sử. Đặc biệt nhất, là nguồn sử liệu cho thấy tư tưởng chính trị của triều đình nhà Nguyễn, và là sử liệu về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.
|
Theo hồ sơ đệ trình của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tại kỳ họp, tính quý hiếm của hệ thống Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn còn được thể hiện về mặt số lượng. Nhận định của các nhà nghiên cứu Ma Nhai tại Việt Nam cho biết “So với các địa chỉ lưu dấu văn khắc trên đá nổi tiếng của Việt Nam, Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng (với 79 văn khắc), tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều, mà còn hơn thế, văn khắc trên vách đá ở Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ký tại Việt Nam”.
Hơn nữa, hệ thống Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động
Xét về hình thức, trước khi được MOWCAP công nhận – UNESCO vinh danh, các nhà nghiên cứu Ma Nhai ở Việt Nam từng đánh giá Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, rằng “đây là hệ hoa văn trang trí mang đặc trưng mỹ thuật thời Lê Trung Hưng tinh xảo và đặc sắc nhất, so với tất cả bia Ma Nhai tại các di tích thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mà chúng tôi từng gặp”. Như vậy, thông qua các Ma Nhai, thế hệ hậu sinh còn được biết thêm những thông tin quý giá về nghệ thuật chạm khắc của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng.
Các thành viên của MOWCAP đã đánh giá cao, thống nhất với nhận định “Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà UNESCO đưa ra như: tính xác thực và vẹn toàn; ý nghĩa khu vực; ý nghĩa về giới; có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bền vững và khoa học”.
“Đây là di sản quý hiếm của tiền nhân, của ông cha để lại, được công nhận ở tầm khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Lần đầu tiên, thành phố Đà Nẵng có được một di sản tầm vóc lớn. Thành phố sẽ nỗ lực hơn trong trách nhiệm bảo tồn bền vững và phát huy giá trị di sản này” - Bà Nguyễn Thị Anh Thi, chia sẻ thêm.
Nỗ lực tiếp cận và bảo tồn những di sản tài liệu có giá trị
Chương trình Ký ức thế giới, được UNESCO khởi xướng vào năm 1992, xuất phát từ yêu cầu ngày càng gia tăng của công tác tiếp cận và bảo tồn những di sản (ở dạng) tài liệu quý hiếm, có nguy cơ bị xâm hại và mai một ở nhiều nước và khu vực trên thế giới.
Nguyên nhân bị xâm hại, dẫn đến mai một hoặc nghiêm trọng hơn là biến mất bao gồm thiếu kho tàng để bảo quản, lãng quên và lãng phí, (đánh cắp) buôn lậu, bị huỷ hoại, hoặc tác động của thiên tai. Thực tế, di sản tài liệu của nhiều dân tộc đã và đang chịu nhiều số phận khác nhau.
Ma Nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện chỉ còn 52/79 Ma Nhai Hán Nôm là còn đọc được. Các chuyên gia đã đánh giá rất cao kế hoạch sớm bảo tồn các di sản tư liệu này (Ma Nhai Ngũ Hành Sơn), của chính quyền địa phương (UBND Quận Ngũ Hành Sơn), Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, khi đã sớm hợp tác cùng các chuyên gia trong nước để triển khai ngay.
Chương trình MOW ra đời nhằm ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia, đồng thời hướng sự chú ý của thế giới tới việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận chúng.
MOWđược quản lý bởi các ủy ban ở 3 cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia. Ở cấp quốc tế, Uỷ ban tư vấn quốc tế (IAC) do Tổng Giám đốc UNESCO chỉ định, có nhiệm vụ lập kế hoạch các chương trình hoạt động của MOW ở phạm vi thế giới, tìm các nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động, xem xét và công nhận “Ký ức thế giới” cho các dự án được chọn, quản lý Danh mục MOW của thế giới. Ở cấp khu vực có các ủy ban khu vực: Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Mỹ La tinh và Caribê, cùng Mạng lưới Ký ức thế giới khu vực Trung Á. Ở cấp quốc gia có các Uỷ ban quốc gia. Hiện nay đã có 58 ủy ban quốc gia của UNESCO được thành lập trên toàn thế giới.
Trần Ngọc