Sự kiện & Bình luận

Mênh mang ngọn sóng Trường Sa

Bút ký phóng sự
08:44 | 30/01/2020
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào lý giải nổi một điều rằng, trong “bộ sưu tập” những chuyến đi của mình (tính đến năm 2019), tôi đã có tổng cộng 13 chuyến hành trình đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trong vòng 19 năm qua.
aa

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào lý giải nổi một điều rằng, trong “bộ sưu tập” những chuyến đi của mình (tính đến năm 2019), tôi đã có tổng cộng 13 chuyến hành trình đến quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 trong vòng 19 năm qua.

Đó có thể là một con số kỷ lục của bản thân tôi cũng như không ít người Việt Nam ta tính đến thời điểm này. Nhưng vấn đề ở chỗ, người ta thường bảo, chỗ nào đi đến nhiều quá cũng trở thành nhàm chán. Còn với tôi, Trường Sa và con số 13 lần đặt chân đến sẽ chưa dừng lại ở đó. Trường Sa vẫn luôn tươi mới trong từng chuyến đi. Cái cảm xúc phấn chấn, rạo rực, hăm hở vẫn vẹn nguyên, thường trực trong tôi mỗi khi bắt đầu nghe tin được đi Trường Sa từ chuyến đầu tiên đến giờ. Mỗi chuyến đi đều cho tôi những góc nhìn, những cảm nhận mới về mảnh đất và những con người đầy chất thép nơi ngàn trùng sóng gió này.

… Chia tay Nam Yết, hòn đảo xanh ngăn ngắt giữa biển trời Trường Sa, con tàu lại tiếp xuôi về phía Nam. Điểm đến của chúng tôi là đảo Trường Sa lớn và nhà giàn DK1/15. Ngày hôm nay, đoàn công tác chúng tôi sẽ thực hiện một nghi thức tâm linh đặc biệt mà bất cứ con tàu nào đi qua khu vực này đều không thể bỏ qua. Đó là lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Mạc Ma. Dù đã qua lại nơi đây và thực hiện nghi lễ này rất nhiều lần nhưng lần tưởng niệm này, không chỉ tôi mà tất cả các thành viên đoàn công tác đều cảm nhận rất rõ một điều, có những sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa thế giới tâm linh và thiên nhiên diễn ra một cách hết sức kỳ lạ mà hôm nay là một minh chứng cho điều đó. Để có một buổi lễ tưởng niệm chu viên hoàn tất, những công việc dù là nhỏ nhất đều được anh em chuẩn bị từ đất liền. Từ ma két, hương hoa, bàn thờ, vòng hoa đến đội ngũ tiêu binh, lời điếu… làm sao để buổi lễ diễn ra một cách nghiêm trang, xúc động, thể hiện được lòng thành kính với những người đã ngã xuống vì độc lập chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đã đến vùng biển thiêng, con tàu trôi chầm chậm. Tôi nhướng mắt nhìn ra xa, dưới cái nắng gắt của Trường Sa, đảo Gạc Ma hiện ra chỉ bằng một chấm nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện trong từng chớp mắt. Gạc Ma, cái tên gợi lên biết bao niềm xúc động khôn nguôi mỗi khi nhắc đến. Giờ đây, tôi đang ở nơi mà hơn 30 năm trước, những người lính Hải quân nhân dân Việt Nam đã hòa tan thân xác của mình vào lòng biển và viết lên khúc tráng ca đầy bi thương trong một chương lịch sử của dân tộc. Gạc Ma ở đằng kia mà sao lại cách xa vời vợi? Hòn đảo chìm như một đứa con của bà mẹ Việt Nam đang phải lưu lạc mà ai ai cũng đang ngày đêm mong ngóng sẽ trở về. Càng nhìn về phía Gạc Ma càng cảm thấy đau thương, ai oán lắm thay…!

Tất cả đã chuẩn bị xong, đội ngũ trên boong tàu đã chỉnh tề, hai chiến sĩ tiêu binh bồng súng đứng hai bên ban thờ nghiêm trang vững chãi trước anh linh của các liệt sĩ, buổi lễ tưởng niệm được bắt đầu. Khi những nén nhang đầu tiên vừa được đốt lên cắm vào bát thì bỗng dưng bầu trời tối sầm lại, mây đen ùn ùn kéo đến. Mặt biển đang xanh biếc bỗng trở nên đen thẫm khiến ai nấy đều bất ngờ. Những hạt mưa bắt đầu đổ xuống, tiếng mưa quện trong tiếng đọc lời điếu của người trưởng đoàn, quện cùng tiếng nhạc trầm hùng vang lên giữa mịt mùng trời nước. Mưa giăng khắp mặt biển Gạc Ma khiến những thành viên trong đoàn công tác không khỏi bùi ngùi xúc động. Vòng hoa, những cành huệ trắng được anh em nhẹ nhàng thả xuống mặt biển thay cho lời chào, lời nguyện cầu của những người lính hôm nay đối với anh linh của những cán bộ, chiến sĩ đã xả thân mình vì Tổ quốc. Tôi đưa tay vuốt những giọt mưa rơi trên mặt mà lòng nghẹn ngào, đắng đót. Những giọt mưa hay giọt nước nước mắt linh thiêng của những người đồng đội đang ở dưới thẳm sâu kia, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng, khi những bông huệ trắng cuối cùng được thả xuống mặt biển, buổi lễ tưởng niệm kết thúc, con tàu tiếp tục hành trình thì tự nhiên bầu trời lại trở lại bình thường như trước khi làm lễ. Điều kỳ lạ này đã cho tôi nhiều cảm xúc và tôi đã viết xong bài thơ “Nước mắt Gạc Ma” ngay sau đó:

Rờn rợn sóng, mịt mùng mưa

Biển quê nức nở như vừa biệt li

Vẳng đâu đây tiếng rầm rì

Gạc Ma ơi, biết nói gì cho vơi…

Ở nơi thăm thẳm đất trời

Lẫn trong sóng tiếng ru hời oán thương

Khói nhang uất nghẹn dẫn đường

Vòng hoa quặn khóc, âm dương trùng phùng

Đại dương gió giật, sấm rung

Bao năm cương thổ bão bùng chưa yên

Cát vùi xương cốt triền miên

Thành hàng mộ chí dưới miền âm u

Trở mình trong giấc thiên thu

Mảnh xương vỡ nhắc bạn - thù - gian - ngay

Hằn sâu trong khóe mắt cay

Đồng đội ơi, nỗi đau này - Gạc Ma…!

*

Khi bình minh vừa ló rạng khỏi chân trời thì con tàu chúng tôi đã đến Trường Sa lớn và từ từ tiến vào cập cảng. Đoàn công tác hầu hết đã ra mặt boong để ngắm đảo dưới ánh nắng ban mai. Nhìn từ xa đảo như một tam giác vuông, cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài khoảng 650m. Nằm ở 8 độ 38’ vĩ độ Bắc, 111 độ 55’ kinh độ Đông, đây là đảo lớn nhất trong cụm đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 0,2 km2. Trường Sa lớn là cách gọi dân dã để phân biệt nhanh đảo này với đảo Trường Sa Đông. Còn trong các văn bản hành chính thì nơi đây chỉ được gọi bằng cái tên chung cho cả quần đảo: Trường Sa.

Không hổ danh với tên gọi là “thủ đô”, là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa nổi lên như một pháo đài sừng sững, kiên trung giữa biển Đông. Con tàu càng vào gần, những công trình càng hiện rõ mà nổi bật nhất là đường băng hạ cánh cho máy bay chạy xuyên suốt chiều dài trên đảo. Cùng với các đơn vị quân đội, ở đây còn có các cơ quan dân chính đảng, các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh để phục vụ đời sống của quân và dân cũng như đón tiếp khách ở đất liền ra như cầu cảng, âu tàu, nhà khách Thủ đô, nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, chùa Trường Sa lớn, Trạm Khí tượng thủy văn, Trạm phát sóng Viettel…Xin nói thêm, Trạm Khí tượng thủy văn Trường Sa nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực biển Đông. Đặc biệt, nơi đây đã in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ năm 1995 của Viện Khảo cổ học Việt Nam là căn cứ lịch sử và pháp lý đanh thép để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay.

Theo chân của đồng chí chỉ huy đảo dẫn đoàn đi thăm các công trình trên đảo, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thú thực, trong 13 chuyến hành trình ra với quần đảo Trường Sa, đây là lần đầu tiên tôi mới có dịp đặt chân lên hòn đảo này. Những chuyến đi trước chủ yếu đi các đảo phía Bắc, hoặc đi phía Nam nhưng lại không ghé Trường Sa lớn. Vừa đi, tôi vừa nghe giới thiệu một số đặc điểm chính nổi bật của đảo. Mặt đảo ở đây khá bằng phẳng. Trên đảo có giếng nước lợ dùng cho sinh hoạt khá thuận tiện và trồng rau xanh, trồng cây bóng mát. Khi thủy triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 2,4 đến 3 mét. Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú, có giá trị kinh tế cao. Do vậy, thị trấn Trường Sa là nơi thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận, Phú Yên... đến khai thác đánh bắt. Với vị trí thuận lợi của mình, nhiều năm qua, ngư dân các địa phương mỗi khi ra khơi đánh bắt, khi gặp giông gió, đau ốm, bệnh tật, tai nạn… đã đến thị trấn Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, rau xanh. Ở đây đã trở thành một địa chỉ cung cấp dịch vụ nghề cá, cảng biển đáng tin cậy khắp cả vùng biển đảo xa xôi này.

Tôi ghé vào khu dân cư của đảo với mục đích tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Hình ảnh đầu tiên mà tôi bắt gặp là một nhóm người đang quây quần bên bàn cờ tướng dưới gốc cây bàng vuông phía trước dãy nhà của các hộ dân. Tiếng cười nói, tiếng “đại thí” của các “quân sư” ngồi ngoài làm cho cuộc cờ càng thêm rôm rả. Hỏi ra mới biết, đây là những công dân “xịn” của đảo như anh Nguyễn Xứ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại Trường Sa, anh Nguyễn Minh Vinh là chủ ngôi nhà số N-04 ngay sau lưng…

Thấy có khách từ đất liền ra, cuộc cờ tạm ngưng. Cả chủ và khách đã dành cho nhau những cái bắt tay thật chặt và lời chào hỏi thân tình. Chúng tôi ngồi quây quần trò chuyện cùng nhau trong mênh mang tiếng sóng và tiếng trẻ con học bài. Khái niệm xa xôi cách trở là cái gì đó giờ đây hầu như không còn ám thị trong đầu tôi nữa bởi những hình ảnh thân thương mà tôi đã tận mắt chứng kiến ở đây giống như một ngôi làng ven biển của đất liền mà thôi.

Dáng người thấp đậm, giọng nói lưu loát, dễ gần là ấn tượng đầu tiên khi trò chuyện cùng vị Phó chủ tịch thị trấn Trường Sa. Sinh năm 1982, tốt nghiệp khoa Luật kinh tế, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, chàng trai Nguyễn Xứ khoác ba lô lên tàu ra nhận nhiệm vụ tại Trường Sa với biết bao nhiệt huyết, khát khao của tuổi trẻ. Xứ kể, hồi đầu mới ra đây công tác, cũng như mọi người, bản thân anh cũng gặp một số khó khăn nhất định mà trở ngại đầu tiên đó là phải đối mặt với nỗi nhớ đất liền, sau đó mới đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Nhưng do đã xác định tốt tư tưởng trước khi lên đường và niềm tin tưởng vào con đường ở phía trước, với chức trách, cương vị được giao là Phó chủ tịch, Nguyễn Xứ đã tích cực động viên bà con các hộ dân an cư, nhanh chóng ổn định cuộc sống và thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho. 17 tháng bám trụ nơi đây, từ khi còn bỡ ngỡ với môi trường công tác mới, Nguyễn Xứ đã trở thành một công chức mẫn cán, cùng chính quyền, các lực lượng vũ trang và bà con nhân dân nơi đây hoàn thành tốt nhiệm vụ ở một đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Khánh Hòa.

Tôi theo chân anh Nguyễn Minh Vinh vào thăm căn nhà của vợ chồng anh. Anh Vinh và chị Võ Thị Sông đều quê ở xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa, ra cùng đợt với Phó chủ tịch Nguyễn Xứ. Vợ chồng anh chị có 2 con, cháu trai sinh 2005, năm nay học lớp 9, đang ở với ông bà nội trong đất liền. Cháu thứ hai là Nguyễn Xoan Trà, sinh năm 2011 hiện đang ở cùng vợ chồng anh chị tại đây.

Trước hiên nhà, cháu Nguyễn Xoan Trà cùng các bạn hàng xóm đang mải mê học bài. Tôi mới sực nhớ, hôm nay là Chủ nhật, các cháu tập trung sang ôn bài tập ở nhà. Những câu nói dễ thương, câu chào hỏi lễ phép của các con làm tôi không khỏi xúc động. Tiếng các con vang lên giữa biển khơi sao mà thân thương, mà tha thiết đến vậy. Cho dù không có được cuộc sống tiện nghi, hiện đại, đủ đầy như trong đất liền nhưng nhìn thấy những nụ cười trong vắt, những câu nói nghọng nghịu của đứa trẻ mới lên hai ở Trường Sa ta mới thấy sự sống ở đây vẫn bừng lên mãnh liệt. Các con vẫn hồn nhiên lớn lên như cây phong ba sừng sừng bám chặt vào mảnh đất nơi đây.

Căn nhà hai gian khang trang, sạch sẽ, ấm cúng nằm dưới bóng dừa, phi lao. Ti vi màn hình phẳng, quạt điện quay vù vù, phòng khách bố trí tủ thờ, bộ bàn ghế gỗ không kém phần sang trọng, lịch lãm. Khu vườn sau nhà trồng đầy đủ các loại rau xanh, giàn mướp trĩu quả, hoa vàng rung rinh trong gió biển trông thật đẹp mắt. Chị Sông đứng dậy chào tôi rồi tiếp tục công việc của mình phía sau bể nước. Chị đang bận tay rửa 5 ký thịt heo để cho vào tủ lạnh. Sáng nay, ở khu chăn nuôi tập trung của đảo làm thịt heo. Đây là số thịt gia đình chị vừa được anh em Hải quân đem đến chia phần. Chị Sông bảo, các hộ gia đình ở đây đều đăng ký nuôi heo, gà vịt chung với các đơn vị Hải quân, Biên phòng và các cơ quan khác tại khu chăn nuôi tập trung. Nghĩa là chăn nuôi theo hình thức hợp tác xã để đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm nguồn nước, nguồn thức ăn và phân công nhau chăm sóc, đến khi thu hoạch thì sẽ chia đều, ai cũng có phần của mình. Một ý tưởng hay và thắm đượm tình cảm quân dân nơi đầu sóng ngọn gió này. Nhìn căn bếp tương đối đầy đủ về lương thực, thực phẩm khô dự trữ, chị Sông tươi cười khoe với tôi: “Các tàu chở đoàn từ đất liền thường xuyên ra đây nên mọi thứ cũng không đến nỗi thiếu thốn. Ban đầu bà con tui ra đây còn chút bỡ ngỡ nhưng giờ ở riết nên quen rồi, thấy vui lắm anh ơi!”. Câu nói của chị Sông làm tôi vui lây bởi cuộc sống của bà con đã ăn sâu bám rễ nơi mảnh đất địa đầu, để cho câu hát “Không xa đâu Trường Sa ơi” càng thêm phần ý nghĩa.

Trước lúc chia tay gia đình anh Sông, những đứa trẻ đang học bài trước hiên nhà tiễn chân tôi bằng bài hát Quê em ở Trường Sa. Cả chủ và khách cùng đứng vỗ tay theo nhịp hát trong trẻo của các con. “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển/ Những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền…!”. Những câu hát cứ thế vang lên giữa biển trời Trường Sa đầy thao thiết, bâng khuâng.

Chiều muộn. Tôi rảo bước đi từ đường băng để trở về cầu cảng, nơi đó con tàu đang nằm nghỉ. Trên tay tôi là một kỷ vật đặc biệt, một bức thư pháp bằng chữ Việt với những nét chữ mềm mại, bay bổng. Đây là công sức của Đại đức Thích Tâm Tánh, trụ trì chùa Trường Sa lớn vừa viết tặng tôi. Thầy Thích Tâm Tánh làm phật sự tại Trường Sa đã 5 năm nay. Tôi nhớ như in câu nói của thầy trong lúc viết thư pháp tặng tôi: “Mục đích tu hành thì như nhau nhưng cách làm Phật sự so với các thầy ở trong đất liền có những điểm khác biệt. Đặc biệt là ở chỗ, mình ở đây là cùng chung tay với bộ đội để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ xã tắc non sông..!”.

Tôi vừa bước đi vừa cảm nhận cảnh sắc, cảm nhận hương vị mặn mòi của biển đảo Trường Sa trong ánh hoàng hôn. Bên các vị trí chiến đấu, những người lính đảo vẫn uy nghiêm đứng gác, không để Tổ quốc bất ngờ. Tiếng chuông chùa, những câu hát của con trẻ như vẫn vẳng đâu đây và đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh để đi về phía trước. Sáng mai, con tàu lại tiếp tục cưỡi sóng lướt đi.

Ngoài kia biển vẫn ầm ào…

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.