Xét trên đại lượng lớn, mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ) tương ứng tiêu biểu. Tuy nhiên, do quyền lực ý hệ, trong số một/hơn một mô hình đó, sẽ có một mô hình duy nhất được lựa chọn làm đại diện, ở vị trí trung tâm, những mô hình còn lại trở thành thứ yếu, ngoại biên. Nhưng rồi cũng lại do sự biến thiên của lịch sử, vai trò trung tâm/ngoại biên có thể có sự đắp đổi, luân phiên, không thứ tự, và tùy thuộc.
Có thể nhìn lịch sử văn học Việt Nam nói chung, và nền thơ nói riêng qua các mô hình nghệ sĩ, từ đó sẽ gợi lên một số vấn đề thuộc về sự sáng tạo và chất lượng nghệ thuật.
Mỗi thời đại sẽ sinh ra một/hơn một mô hình nghệ sĩ tương ứng tiêu biểu… Ảnh: Một số tác giả tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam |
1.
Trong lịch sử văn học Việt Nam trung đại, các tác giả văn học, chủ yếu là các nhà thơ được hình dung theo một số kiểu tác giả như: nghệ sĩ-thiền sư, nghệ sĩ-nhà Nho (được hình dung qua ba kiểu: hành đạo, ẩn dật, tài tử). Đến thời thơ văn yêu nước cuối XIX đầu XX, nền văn học xuất hiện một mô hình khác: nghệ sĩ-chí sĩ. Ở đây, khái niệm “chí sĩ” nhằm chỉ những người mang tinh thần yêu nước, chống xâm lược, không chịu làm nô lệ, lấy thơ ca để nói chí, kêu gọi ý thức và sức mạnh đoàn kết dân tộc. Với những tấm gương xuất sắc như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng… các nhà nghệ sĩ này được gọi là “nhà thơ chí sĩ”, tiếp tục mô hình nghệ sĩ nhà Nho hành đạo của văn học trung đại trong bối cảnh mới.
Sang thập niên thứ ba của thế kỷ XX, khi các điều kiện đô thị, văn hóa, tư tưởng, con người cá nhân phát triển dưới sự ảnh hưởng của phương Tây, văn học cũng thay đổi theo. Các chủ thể sáng tạo văn học thời kỳ từ những năm 1930 trở đi đã hầu như đoạn tuyệt với tinh thần “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí” của văn học trung đại. Họ tiến hành theo đuổi “mỹ văn”, văn học được là văn học, văn học thuộc nghệ thuật ngôn từ. Phong trào Thơ Mới, văn xuôi Tự Lực Văn Đoàn, các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930-1945 ý thức rất rõ công việc sáng tạo văn học, đề cao tính nghệ thuật, đưa nghệ thuật lên bình diện thứ nhất, hoặc ít nhất là song hành với tính xã hội...
Trong giai đoạn từ 1930-1945, Đảng cộng sản được thành lập và dần dần xác quyết vai trò kiến thiết xã hội mới, nên có một bộ phận các văn nghệ sĩ đi theo lý tưởng này. Nhiệm vụ của các văn nghệ sĩ là ca ngợi tuyên truyền đường lối cách mạng, chiến đấu chống kẻ thù, xây dựng xã hội mới, văn nghệ trở thành công cụ và phương tiện của cách mạng. Từ bài thơ Là thi sĩ (1942) của Sóng Hồng đến câu nói của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa nghệ thuật là mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (1952) đã dần xác nhận một danh xưng mới: “Nghệ sĩ-chiến sĩ”. Khi công cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp thắng lợi, từ sau 1954 ở miền Bắc chủ trương xây dựng nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa và là duy nhất, không chấp nhận bất kỳ các trường phái, trào lưu, phương pháp văn nghệ nào khác. Có thể nói, kéo dài suốt từ sau năm 1945 đến công cuộc Đổi mới được khởi xướng (1986), toàn bộ nền văn nghệ chính thống của chúng ta là sản phẩm trọn vẹn của các chủ thể sáng tạo thuộc mô hình “Nghệ sĩ/Nhà văn/Nhà thơ-chiến sĩ”. Những nghệ sĩ thuộc mô hình này đề cao lý thuyết lấy phản ánh hiện thực làm phương pháp sáng tác duy nhất, lấy nội dung tư tưởng xã hội làm giá trị cao nhất, không chấp nhận con người cá nhân, không thừa nhận những trào lưu văn nghệ hiện đại của thế giới…
2.
Trở lại với ý tưởng ban đầu đã nói, mỗi thời đại có thể sản sinh ra một vài mô hình nghệ sĩ, trong đó có một mô hình được/bị kiến tạo ở vào vị trí trung tâm. Vào thời kỳ Lý-Trần chẳng hạn, bên cạnh mô hình nghệ sĩ-thiền sư vẫn có mô hình nghệ sĩ-hoàng đế/quân vương/tướng lĩnh. Ngay cả mô hình nghệ sĩ-thiền sư này vẫn kéo dài sang triều đại nhà Lê khi mà Phật giáo đã chuyển giao vai trò quốc giáo sang Nho giáo, mở ra thời kỳ ba mô hình nghệ sĩ nhà Nho kể trên. Hay trong mô hình “nghệ sĩ-chiến sĩ” tiêu biểu của thời 1945-1986, nhà thơ Nguyễn Đình Thi từng vượt thoát để trở thành nhà thơ phi đại chúng hóa ở thời điểm ông chủ trương thơ không vần; nhà thơ Nguyễn Duy cũng lại vượt thoát để tồn tại như một nhà thơ “Hiện - đại - cổ - điển”. Đặc biệt, trong giai đoạn từ sau 1954 đến 1986, xét riêng ở phía Bắc, ngoài mô hình “nghệ sĩ-chiến sĩ” cũng đã xuất hiện một dòng ngoại biên, ngoài lề: các nhà văn/thơ trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm… Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Phùng Cung; sau chút là Đặng Đình Hưng, Dương Tường, Hoàng Hưng, mỗi người ít nhiều đã tạo nên một KHÁC BIỆT... Nhìn sang văn học miền Nam 1954-1975, xét riêng trong lĩnh vực thơ, cũng có một số gương mặt đủ mạnh xác lập cho mình một tiếng nói khác biệt như Thanh Thâm Tuyền, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên. Mỗi người một vẻ, họ đều là những nghệ sĩ độc lập.
Tất cả những đặc điểm và phẩm hạnh của các mô hình nghệ sĩ kể trên, tuy biến thiên theo lịch sử nhưng thực ra không hề biến mất, chúng chuyển hóa, tích hợp, góp phần xác lập những mô hình khác tương thích. Thí dụ ngày hôm nay, vẫn cần tiếng nói nhập cuộc, ưu thời mẫn thế của mô hình nghệ sĩ-nhà Nho hành đạo và mô hình nghệ sĩ-chiến sĩ. Hay tinh thần của mô hình nghệ sĩ độc lập thời nào cũng cần để thúc đẩy cho sự tìm tòi và sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật mới. Tuy nhiên, khi được chuyển hóa và tích hợp, chính chúng cũng thay đổi cho phù hợp, không còn giữ nguyên như trước nữa.
Ngày hôm nay đã có đủ cơ sở thực tiễn văn học và các tiền đề lý thuyết để gọi tên lên một mô hình khác: “Nghệ sĩ-trí thức”. Trong bối cảnh thời đại đang chuyển động dữ dội theo hướng ngày càng phức tạp hơn; các đe dọa từ chiến tranh, khí hậu, môi trường, dịch bệnh, nghèo đói ngày càng khốc liệt; sinh mệnh con người, quốc gia/dân tộc ngày càng bất trắc thì vai trò của trí thức trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tiếng nói của lực lượng trí thức nếu được coi trọng sẽ có khả năng điều hướng xã hội theo cách anh minh nhất. Văn học, nghệ thuật là một trong các lĩnh vực tất yếu của xã hội, nên không thể tách rời khỏi khung cảnh chung. Theo đó, các nghệ sĩ cũng phải chuyển đổi khác trước trong một tư thế và nội lực sáng tạo mới, với một tư thế và cốt cách trí thức.
3.
Theo tôi, mô hình nghệ sĩ-trí thức ít nhất đòi hỏi cần có được một số phẩm chất tối thiểu dưới đây:
Thứ nhất, phải có một vốn liếng tri thức sâu rộng, đặc biệt là nền tảng triết-mỹ. Đây là điều mà ai ai cũng nói tới, nhưng để trở thành một ý thức mạnh mẽ, một thực hành thường xuyên trong đời sống và trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật thì đang còn rất khiêm tốn, và còn nhiều điều đáng bàn. Lâu nay vẫn nghe nói rằng nền văn học của chúng ta là nền văn học suy tư tưởng thì cũng không nên tự ái. Tư tưởng ở đây cần được hiểu là tư tưởng-thẩm mỹ, những suy tư sâu rộng về nghệ thuật và cuộc đời, về các giá trị thực sự cần theo đuổi. Nó không chỉ đơn giản là chuyện phản ánh, tố cáo, chống tiêu cực… Nó cần trầm tư vào số phận con người trong mối liên hệ với thế giới tự nhiên, với tha nhân, với lịch sử…
Thứ hai, cần có tiếng nói truy vấn, phản tư về đời sống và về chính mình theo cách của văn học, nghệ thuật. Một trong những chức năng của trí thức là phản tư, phản tỉnh, không để cho xã hội ngưng trệ, tự bằng lòng, hoặc rơi vào tình trạng phản bội các giá trị nhân văn cao quý. Nghệ sĩ sinh ra để thao thức và khiến người khác thao thức cùng. Xét theo tinh thần này, nền văn học của chúng ta đang còn khá khiêm tốn. Ở một phía, chúng ta đang tự trói buộc nhiều thứ... Ở phía khác, chúng ta đánh mất khả năng cảm thông một cách thật lòng và sâu xa với nhân quần, với tha nhân; ngược lại, tự phụ quá mức với cái tôi vô lối. Chưa một nền văn học nào, chưa có một tác giả nào trở nên thật lớn, kiệt xuất khi đánh mất mối dây liên hệ với cuộc đời, với tha nhân.
Thứ ba, nói tới tư cách trí thức là nói tới ý thức tự vượt các giới hạn; ở trong lĩnh vực văn học nghệ thuật là ý thức làm khác/mới, cách tân. Nó ngược lại với sự lặp lại lười biếng, cùn mòn, thiếu cá tính sáng tạo. Sinh thời, GS. Hoàng Ngọc Hiến đã nói ở đâu đó rằng, trong văn chương, chỉ cần có một chút khác/mới so với trước đó và cùng thời đã là quan trọng. Trong sự đổi mới, có những cách tân lớn như thay đổi hệ hình, có những cách tân nhỏ như một xu hướng, một lối viết… chẳng hạn. Dù thế nào cũng đáng quý. Một nền văn học luôn được thôi thúc bởi sự tìm kiếm, cách tân, làm khác, làm mới thường trực, chắc chắn sẽ có những thành quả xứng đáng.
Hiện nay nền văn học của chúng ta không phải không có ít nhiều thành tựu, nhưng chưa đủ mạnh để xác lập một tư thế văn chương đĩnh đạc trong cộng đồng văn chương thế giới. Một nền văn học “tự sướng” sẽ làm tê liệt kỷ luật và khát vọng sáng tạo. Điều này trái ngược với tinh thần trí thức. Phản biện và tự phản biện chính là sự bảo đảm cho sự sống còn của nghệ thuật, và không chỉ nghệ thuật…
Nền văn học nào rồi cũng sẽ có cách đi riêng của nó. Tuy nhiên, nếu mô hình nghệ sĩ-trí thức (nhà văn-trí thức) được ý thức như một mô hình chủ đạo của hôm nay, hy vọng nền văn chương sẽ chuyển động theo hướng tích cực hơn.
________
* Trích tham luận Hội thảo về Thơ nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21
Văn Giá
Nguồn Văn nghệ số 6/2023