Sự kiện & Bình luận

Hồ Quý Ly và giai thoại văn chương

Tô Như
Lăng kính văn nghệ 08:00 | 06/05/2025
Hồ Quý Ly – vị vua cải cách nhiều tranh cãi trong lịch sử Đại Việt – không chỉ để lại dấu ấn về chính trị và quân sự mà còn gắn liền với những giai thoại văn chương ly kỳ. Từ câu đối "Nhất chi mai" đến bài thơ được cho là sáng tác trong lúc bị giam cầm ở Kim Lăng, những mẩu chuyện này từng được xem như chứng tích về tài hoa của ông. Thế nhưng, khi lần theo dấu vết văn bản học và khảo cứu sử liệu, thì truyền thuyết dần hé lộ nhiều nghi vấn.
aa

Hồ Quý Ly là ông vua sáng lập nên triều đại nhà Hồ ngắn ngủi trong lịch sử nước ta. Mặc dù còn có nhiều tranh cãi về tính hiệu quả của các công cuộc cải cách mà ông khởi xướng, nhưng ở phương diện cá nhân, Hồ Quý Ly được thừa nhận là người có trình độ cả văn lẫn võ. Về võ, ông từng nhiều lần cầm quân đánh trận (tuy có thắng có thua). Về văn, ông là người có nhiều cố gắng đưa chữ Nôm vào văn chương cung đình, cụ thể như Đại Việt sử ký toàn thư đã chép: “Quý Ly nhân biên chép thiên Vô dật , dịch ra quốc ngữ để dạy Quan gia”; “Quý Ly làm sách Quốc ngữ Thi nghĩa và bài tựa, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân học tập”. Ông còn nổi tiếng là giỏi làm thơ Nôm (Toàn thư chép: “Vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ, Nguyễn Trãi sưu tập được vài chục bài thơ, văn bằng quốc ngữ dâng lên.”), thậm chí, chiếu chỉ của triều đình cũng từng sử dụng Nôm. Một ông vua như vậy, tất nhiên sẽ gắn kết với nhiều giai thoại văn chương. Nhắc tới Hồ Quý Ly, người ta sẽ nhớ ngay tới câu đối “Nhất chi mai” và bài thơ “Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục”, tiếc thay, cả hai giai thoại này đều không đáng tin.

I. QUẢNG HÀN CUNG LÝ NHẤT CHI MAI

Hồ Quý Ly và giai thoại văn chương

Giai thoại kể rằng Hồ Quý Ly thuở hàn vi đi buôn, đến bến nọ, tình cờ thấy một câu được viết trên cát “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai”. Sau này làm quan, vua ra vế đối “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”, Quý Ly chợt nhớ câu trên cát, ứng khẩu đối ngay. Hóa ra vua có con gái tên Nhất Chi Mai, cho ở cung Quảng Hàn, cho rằng đó là duyên tiền định, vua liền gả công chúa cho ông.

Sự thực trong lịch sử, Quý Ly được vua Trần Nghệ tông gả công chúa Huy Ninh, và cũng chẳng có cung điện nào tên Quảng Hàn cả. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép lại, công chúa Huy Ninh trước đó đã được gả cho tông thất Trần Nhân Vinh. Sau Nhân Vinh chết trong loạn Dương Nhật Lễ, vua Nghệ tông cho bà tái giá với Hồ Quý Ly. Như vậy, ngoài đời thực, không có công chúa Nhất Chi Mai ở cung Quảng Hàn nào được gả cho Hồ Quý Ly cả.

Giai thoại câu đối này vốn được lấy trong sách Nghiêu sơn đường ngoại kỷ của Tưởng Nhất Quỳ thời Minh. Tưởng Nhất Quỳ đỗ tiến sĩ năm Vạn Lịch thứ 22 (1594), làm quan tới chức Nam kinh Hình bộ chủ sự, có thư trai đặt tên là Nghiêu sơn đường. Sách Ngoại kỷ này do ông viết khoảng năm 1597, gồm 100 quyển. Quyển thứ 100 kể vài giai thoại về ngoại quốc như Nhật Bản, An Nam, Chiêm Thành. Giai thoại Nhất chi mai chính là trong quyển này.

Tuy nhiên, khi chế tác sang giai thoại của Đại Việt, các nhà Nho nước ta lại cắt đi đoạn đầu trong sách Ngoại kỷ. Nguyên văn: “Giao Chỉ vương nguyên họ Trần, sau có Lê Quý Ly là người Giang Tây, thời trẻ đi buôn ở nước đó, lên bờ thấy mặt cát có dòng chữ Quảng Hàn cung lý nhất chi mai...” Đoạn sau thì tương tự như đã thuật lại ở trên. Dĩ nhiên chuyện Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) là người Giang Tây, Trung Quốc là hoàn toàn hư cấu. Toàn thư cho biết “Quý Ly tên tự là Lý Nguyên, tự suy tổ tiên là Hồ Hưng Dật vốn người Chiết Giang, đời Hậu Hán thời Ngũ Quý sang làm Thái thú Diễn Châu. Sau đó, làm nhà ở hương Bào Đột châu này, rồi là trại chủ. Đến đời Lý, [có người] lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan, đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Thanh Hóa, làm con nuôi Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy lấy Lê làm họ mình. Quý Ly là cháu bốn đời của Huấn.”

Hơn nữa, bản chất câu đối này cũng xoàng. Cung trăng (cung Quảng Hàn) vốn gắn liền với cây quế, thế mà câu đối để quế ở điện Thanh Thử, cung trăng lại có cành mai. Dùng tích như thế là lạc quẻ. Cũng phải nói thêm rằng, ở quyển 100 của Nghiêu sơn đường ngoại kỷ, truyện mở đầu là kể về việc Việt vương Câu Tiễn diệt nước Ngô thời Xuân Thu, hậu duệ của Ngô vương Phù Sai ra hải đảo lập nên Uy quốc, tức Nhật Bản. Hai giai thoại cùng một mô típ, cho thấy các câu chuyện trong sách này không có bao nhiêu giá trị lịch sử cả.

Nhưng chưa hết. Câu chuyện mà Tưởng Nhất Quỳ viết ra lại là đạo văn. Trước đó mấy chục năm, Trần Toàn Chi (1512-1580), đỗ tiến sĩ năm Gia Tĩnh thứ 13 (1544), làm quan tới Sơn Tây Hữu Tham chính, đã viết cuốn Bồng song nhật lục. Quyển 2 (Hoàn vũ nhị) trong sách đó có câu chuyện tương tự, nguyên văn:

“Họ Lê nước An Nam, là con rể họ Trần, về sau soán ngôi họ Trần. Lê người Giang Tây, đem giấy sang buôn ở nước ấy [tức An Nam]. [Lê] giỏi phong thủy, táng cha mẹ ở nước ấy, rồi làm nhà ở đó. Trước mộ có con chim hót rằng: Quảng Hàn cung lý nhất chi mai. Sau, nước đó bất ngờ có tuyết lớn cao ba thước, họ Trần ở điện Thanh Thử, ra vế đối với quần thần: Thanh Thử điện tiền tam xích tuyết. Không ai đối được. Lê tử chợt nhớ lời con chim, liền đối lại. Bấy giờ, con gái quốc vương có tên là Nhất Chi Mai, ở trong Quảng Hàn cung, vua xúc động, liền gả con gái cho. Tục nước ấy vốn bất học vô thức, nhiều lần bị người Trung quốc mưu đồ...”

Hồ Quý Ly và giai thoại văn chương
Bồng song nhật lục - Trần Toàn Chi

Trong câu chuyện tạm gọi là bản gốc, tuy không nhắc tên Quý Ly nhưng chúng ta đều hiểu đó là Lê Quý Ly vì nhắc việc ông ta soán ngôi nhà Trần.

Trung Quốc từ xưa có trào lưu chế giai thoại giễu các triều đại ở Đại Việt, rằng các vị vua sáng nghiệp ở nước ta vốn đều là người Trung Quốc sang (như sách Tề đông dã ngữ thời Tống bịa ra chuyện vua Trần Thái tông vốn là người Phúc Châu, Trung Quốc, tên thật là Tạ Thăng Khanh, sang nước ta, cưới công chúa rồi đoạt ngôi vua). Sách lưu truyền sang nước ta, rồi các nhà Nho trong nước hiếu sự, thích đàm tiếu chuyện triều đình, đã thêm mắm dặm muối để biến thành một câu chuyện hoàn chỉnh và lưu truyền trong dân gian. Đôi khi người dân đọc và tin còn hơn cả sử sách.

II. ĐÁP BẮC NHÂN VẤN AN NAM PHONG TỤC

Bối cảnh của bài thơ là khi Hồ Quý Ly bị giặc Minh bắt giải sang Kim Lăng, hoàng đế nhà Minh là Minh Thành tổ hỏi về phong tục nước Việt, Hồ Quý Ly làm thơ đáp. Nguyên văn:

Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục

Dục vấn An Nam sự,

An Nam phong tục thuần.

Y quan Đường chế độ,

Lễ nhạc Hán quân thần.

Ngọc ủng khai tân tửu,

Kim đao chước tế lân.

Niên niên nhị tam nguyệt,

Đào lý nhất bàn xuân.

Dịch nghĩa:

Muốn hỏi về chuyện An Nam ư?

An Nam phong tục thuần hậu.

Áo mũ theo chế độ nhà Đường,

Lễ nhạc như vua quan nhà Hán.

Bình ngọc rót rượu thơm mới cất,

Dao vàng mổ cá nhỏ vảy.

Hằng năm tháng Hai, tháng Ba,

Đào, mận cùng một vẻ xuân.

Bài thơ này xuất hiện trong bộ Tân san Việt âm thi tập và cả trong bộ Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Tân san Việt âm thi tập được in khắc vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729), trước đó, vào đầu thế kỷ 15, Phan Phu Tiên và Chu Xa biên soạn bộ Việt âm thi tập, tiếp theo tới Lý Tử Tấn viết tiếp Tân tuyển Việt âm thi tập vào năm 1459. Nhưng hai bản Việt âm thi tậpTân tuyển đều đã thất truyền, chỉ còn lại bản Tân san của thế kỷ 18. Lê Quý Đôn cũng sống ở thế kỷ 18. Như vậy, về mặt văn bản học, bài thơ gắn với Hồ Quý Ly chỉ thực sự xuất hiện vào thế kỷ 18.

Trước đó khá xa, đã có vài phiên bản hầu như giống hệt bài thơ này, chỉ khác biệt vài chữ, được gắn với các tác giả khác. Cụ thể:

Sách Nguyệt lệnh quảng nghĩa ra đời vào khoảng niên hiệu Vạn Lịch nhà Minh (1572-1620) của Phùng Ứng Kinh chép bài thơ của Đằng Mộc Cát người Nhật Bản:

Quân vấn ngô phong tục,

Ngô phong tục tối thuần.

Y quan Đường chế độ,

Lễ nhạc Hán quân thần.

Ngọc ủng trữ tân tửu,

Kim đao phẫu tế lân.

Niên niên nhị tam nguyệt,

Đào lý nhất bàn xuân.

Sách Vinh tiến tập của Ngô Bá Tông (1334-1384) lại có bài thơ:

Thượng vấn An Nam sự,

An Nam phong tục thuần.

Y quan Đường nhật nguyệt,

Lễ nhạc Thuấn càn khôn.

Ngõa ủng trình thuần tửu,

Kim đao phá tế lân.

Niên niên nhị tam nguyệt,

Đào lý nhất bàn xuân.

Một phiên bản khác được gán cho sứ giả Đáp Lý Ma của Nhật Bản khi vào chầu Minh Thành tổ được thấy trong Nghiêu sơn đường ngoại kỷ quyển 100:

Quốc bỉ Trung nguyên quốc,

Nhân đồng thượng cổ nhân.

Y quan Đường chế độ,

Lễ nhạc Hán quân thần.

Ngân ủng sô thanh tửu,

Kim đao khoái tế lân.

Niên niên nhị tam nguyệt,

Đào lý nhất bàn xuân.

Ngoài ra, còn có một phiên bản rút gọn chỉ có bốn câu đầu, được chép trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đó là lời của Lý Tử Tấn, kể rằng thời vua Trần Dụ tông, sử giả Đại Việt là Doãn Thuấn Thần sang sứ nhà Minh, được Minh Thái tổ ban cho bài thơ cùng bốn chữ “Văn hiến chi bang”. Bài thơ như sau:

An nam tế hữu Trần,

Phong tục bất Nguyên nhân.

Y quan Chu chế độ,

Lễ nhạc Tống quân thần.

Trong bốn phiên bản này, bối cảnh sớm nhất thuộc về Đằng Mộc Cát - sứ giả người Nhật từng sang Trung Quốc vào thời nhà Tống. Tuy nhiên, văn bản ghi chép bài thơ lại chỉ ra đời ở niên hiệu Vạn Lịch, tức là cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.

Ngược lại, phiên bản của Ngô Bá Tông được sáng tác ở thời Minh Thái tổ (cuối thế kỷ 14) và bản thân Ngô Bá Tông từng đi sứ Đại Việt (không rõ năm nào) [Minh sử - quyển 137], nghĩa là ra đời sớm hơn phiên bản Đằng Mộc Cát, cũng sớm hơn Việt âm thi tập (cả ba bản) và Dư địa chí.

Với phiên bản Đáp Lý Ma, ông là sứ giả Nhật Bản sang Trung Quốc vào thời Minh Thái tổ, cùng thời đại của Ngô Bá Tông. Nhưng theo ghi chép của Minh sử thì Nhật Bản thông sứ với nhà Minh phải từ năm 1397 trở về sau. Tức là thời điểm Đáp Lý Ma làm bài thơ này thì Ngô Bá Tông đã chết. Chứng tỏ bối cảnh phiên bản Đáp Lý Ma ra đời muộn hơn phiên bản Ngô Bá Tông. Đồng thời, văn bản ghi chép bài thơ cũng khá muộn (niên hiệu Vạn Lịch thời Minh).

Phiên bản Minh Thái tổ lại có nhiều điểm kỳ lạ hơn hết. Đầu tiên về bối cảnh, Minh sử chép rất rõ lần đi sứ ấy: “Nhật Khuể [tức Dụ tông] bèn sai bọn Thiếu trung đại phu Đồng Thời Mẫn, Chính đại phu Đoàn Đễ, Lê An Thế, phụng biểu sang chầu, và cống phương vật. Tháng Sáu năm sau [1369], thì sứ đến kinh sư. Hoàng đế vui lòng, ban yến, sai Thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh, Điển bạ Ngưu Lượng sang phong cho [Nhật Khuể] làm An Nam quốc vương, ban cho ấn bạc mạ vàng núm hình lạc đà. (...) Bọn Dĩ Ninh tới nơi, thì Nhật Khuể đã chết rồi.” [Minh sử - quyển 321]. Hoàn toàn không thấy nhắc tới Doãn Thuấn Thần. Đây cũng là lần cống sứ duy nhất ở đời Trần Dụ tông.

Thứ nữa, Lý Tử Tấn thu lục bài thơ được cho là của Minh Thái tổ, nhưng cũng chính Lý Tử Tấn là người biên soạn Tân tuyển Việt âm thi tập. Sao có chuyện hai bài thơ hầu như tương tự của hai tác giả khác nhau đều được Lý Tử Tấn thu lục?

Hồ Quý Ly và giai thoại văn chương
Dư địa chí của Nguyễn Trãi.

Cuối cùng, Dư địa chí tuy là của Nguyễn Trãi soạn, nhưng văn bản hiện tại lại chỉ là bản sao tìm thấy rất muộn, tận tới niên hiệu Tự Đức thời Nguyễn, Dương Bá Cung mới sưu tập và chỉnh lý.

Thế thì nội dung cả Tân san (phiên bản Việt âm thi tập còn tồn tại ngày nay) và Dư địa chí đều có thể tồn tại những câu chữ do người đời sau thêm vào, không sao phân biệt được. Tức là có thể bài Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục vốn không có trong Tân tuyển của Lý Tử Tấn mà mãi tới thế kỷ 18 mới đưa vào Tân san. Hoặc cũng có thể lời Lý Tử Tấn trong Dư địa chí là tới thời Nguyễn mới thêm vào. Hoặc thậm chí cả hai trường hợp cùng xảy ra.

Xét về ngôn từ trong cả năm phiên bản, phiên bản Hồ Quý Lý viết “Dục vấn An Nam sự”, phiên bản Đằng Mộc Cát viết “Quân vấn ngô phong tục”, đều có vẻ xấc xược, không hợp với vị thế của một sứ giả nước nhỏ (dám xưng “ngô” khi đối thoại với hoàng đế thượng quốc) hay một tù nhân (dám gọi hoàng đế là “Bắc nhân”). E rằng hai phiên bản này đều không chính xác cả. Phiên bản Ngô Bá Tông dùng chữ “thượng” thì rất hợp với địa vị hoàng đế khi hỏi quan viên chuyện đi sứ về. Đồng thời, nếu đúng Minh Thái tổ đã ban bốn câu này cho sứ giả Đại Việt trước đó như Dư địa chí viết thì không thể có chuyện Ngô Bá Tông dám khi quân phạm thượng: lấy thơ của đương kim hoàng đế trả lời cho chính vị hoàng đế ấy.

Tựu trung, giai thoại “Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục” của Hồ Quý Ly tuy hay, nhưng khả năng là không có thật. Bài thơ này chắc chắn đã xuất hiện ít nhất ở đời Minh Thái tổ, mà theo các lập luận bên trên, có thể Ngô Bá Tông mới là tác giả thực sự. Cũng không loại trừ khả năng Minh Thái tổ đọc bốn câu thơ của Ngô Bá Tông (có sửa sang chút ít) cho sứ giả Đại Việt nghe. Nếu đúng như vậy, câu thơ “Y quan Đường chế độ, Lễ nhạc Hán quân thần” vốn phải là “Y quan Đường nhật nguyệt, Lễ nhạc Thuấn càn khôn”.

Trao giải cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024)

Trao giải cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024)

Baovannghe.vn - Sáng ngày 27/5/2025, Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác truyện tranh lần thứ nhất (2024) và ra mắt hai tuyển tập truyện tranh đoạt giải đã được tổ chức tại Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội. Sự kiện do Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức.
"Mưa đỏ" dự kiến khởi chiếu vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

"Mưa đỏ" dự kiến khởi chiếu vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

Baovannghe.vn - Sau "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tạo cơn sốt cho phim điện ảnh khai thác đề tài chiến tranh cách mạng, "Mưa đỏ" cũng được kỳ vọng không chỉ sẽ tạo ra những đột phá mới trong doanh thu phòng vé mà còn có thể gợi mở những dự án phim mới về đề tài này.
"Ám ảnh chữ" - sự tri ân của nhà thơ Hữu Thỉnh

"Ám ảnh chữ" - sự tri ân của nhà thơ Hữu Thỉnh

Baovannghe.vn - Ngày 28/5/2025, tại phòng Nghệ thuật – Nhà xuất bản Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội), đã diễn ra buổi tặng sách "Ám ảnh chữ" của nhà thơ Hữu Thỉnh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in ấn và phát hành.
Hưng Yên: Cung rước và tôn trí xá lợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại Chùa Chuông

Hưng Yên: Cung rước và tôn trí xá lợi đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại Chùa Chuông

Baovannghe.vn - Đúng 6h sáng nay (28/5), Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung tiễn về chùa Chuông, tỉnh Hưng Yên, sau 4 ngày được tôn trí tại Cung Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh.
Bộ VHTT&DL: Tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết cho thiếu nhi

Bộ VHTT&DL: Tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết cho thiếu nhi

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 1552/QĐ – BVHTTDL về việc tổ chức Trại sáng tác cho các tác giả viết cho thiếu nhi.