Mối tình đầu - truyện ngắn của Nguyên Hương |
Chẳng sao cả. Mây vẫn cứ bay và ráng chiều vẫn đỏ ửng cuối chân trời. Trăng mười ba vẫn huyền hoặc vờn trên cây cỏ và bướm đêm thỉnh thoảng lạc vào nhà. Em tôi vẫn đi học và mẹ tôi vẫn bán chè ở đầu ngõ hàng ngày. Trên bàn thờ, khuôn mặt ba tôi vẫn lung linh những tàn khói nhang bay.
Chẳng có gì đổi thay.
*
- Đồ con nít!
Câu nói lồ lộ trong mắt Hà mỗi khi tôi định làm điều gì hay hay. Như lúc tôi lạng xe một đường lả lướt trước cổng trường, bọn con gái nghiêng vào nhau còn Hà thì bĩu môi. Như khi tôi móc hết tiền trong túi ra trút vào mũ của đứa bé ăn xin trước mặt Hà, mắt Hà lườm lườm. Như khi đợi Hà uống xong li nước mía, tôi phóng tới trả tiền...
- Sơn chỉ là đồ con nít - Mắt Hà vẫn không khác một mảy may.
*
Hà đến nhà tôi để cùng làm bài. Trời mưa và Hà bị ướt. Tôi còn đang lóng ngóng thì anh tôi đã đưa cho Hà một cái khăn; chưa đủ, còn thêm li trà nóng thoảng mùi gừng ấm cả màn mưa trắng xóa.
- Cô bé tên gì vậy? - Anh tôi hỏi khi Hà đã về.
- Con nhỏ đó hả? Nó tên Hà! - Tôi trả lời với giọng điệu coi thường "con nhỏ" dốt toán nhất lớp.
Rồi cái xe đạp của Hà đổ ra hư. Trong khi tôi cắn bút tìm cách nào dễ hiểu nhất để giảng cho Hà bài toán khó thì anh tôi vác cờ-lê mỏ lết ra....
Xong bài toán, Hà leo lên xe đạp thử. Chiếc xe êm ru. Đuôi tóc Hà nhổng nhổng theo nhịp chân:
- Trời ơi, anh tài ghê! Xe êm ru à!
Cứ vậy. Lúc thế này, lúc thế kia... Anh tôi là một người đàn ông biết làm mọi việc đúng nơi, đúng lúc. Còn tôi vẫn chỉ là đồ con nít trong mắt Hà.
Tôi đậu đại học, Hà rớt. Tôi chạy đến để tìm cách an ủi Hà thì thấy xe anh tôi dựng trước cửa nhà Hà.
*
Ai cũng khen cô dâu, chú rể xứng đôi. Vai anh tôi rộng, vững chãi; Hà nhỏ bé e lệ kề bên.
Tôi mỉm cười bê thức ăn lên bàn tiệc, tôi mỉm cười chụp hình chung với anh chị, tôi mỉm cười trò chuyện với khách khứa, họ hàng... Đến tối, khi rúc vào cái giường của mình, tôi khóc. Tôi căng nghiến môi lại ghìm tiếng nấc và nước mắt trào tuôn.
Anh yêu em, Hà ơi! Tôi gọi tên Hà suốt hành lang trường đại học, tôi chết sững giữa sân trường khi chợt nhớ đến cái lườm dài hàng cây số. Bài vở biến khỏi đầu óc khi cô sinh viên cùng tên Hà ngúc ngoắc cái đuôi tóc nhổng đi ngang qua lớp và đứa bạn tinh nghịch hét to:
- Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi...
*
Suốt hai năm trời tôi chỉ về nhà vào ngày giỗ ba tôi và ngày tết. Lấy lí do tập trung thời gian cho việc học, tôi lì trong kí túc xá. Tôi trốn!
*
Mà mình trốn ai đây?
Câu hỏi chợt xẹt ngang tâm trí và tôi bỗng như giật mình tỉnh giấc. Tôi đi chầm chậm trên đường chiều. Gió đung đưa những chùm lá biếc trên cao. Cũng trên con đường này hôm nào tôi ngồi thẫn thờ suýt bị xe tông. Tôi mỉm cười nhớ lại khuôn mặt ông tài xế thò ra cửa kiếng:
- Ăn vạ hả?
Cùng với khuôn mặt quàu quạu của ông là khuôn mặt của Hà ngày nào:
- Đồ con nít!
Tự nhiên tôi bật cười. Và tôi bỗng thấy nhớ nhà như đã đi đâu hàng trăm năm. Vẫy một chiếc xe lam, tôi đu lên và ba mươi phút sau tôi đã bước vào nhà.
- Sơn đó hả con? - Mẹ mừng rỡ.
- Nhà đi đâu hết rồi hả mẹ? - Tôi hỏi mẹ. Một cảm giác lâng lâng kì lạ dâng đầy trong tôi.
- Anh con đi làm, em con đi học. Mẹ mệt quá nên bữa nay về sớm để chị con bán.
"Để chị con bán." Chị của tôi! Chị của tôi! Tôi buột miệng huýt gió. Mẹ nhăn mặt. Tôi vội ngậm miệng lại.
- Con ra ăn một li chè cho mát đi.
- Dạ.
Từng bước quả quyết tôi đi ra đầu ngõ. Tôi muốn đối diện với Hà một lần. Hà ngồi sau khay li thủy tinh trong suốt, mỉm cười khi nhìn thấy tôi và tiếp tục múc chè cho khách.
Tôi khựng lại.
Hà đó sao? Mái tóc uốn cao và nụ cười thấp thoáng vết mờ bên khóe môi. Khuôn mặt tròn hơn xưa, lấm chấm vài vết nám nâu nâu. Đôi bàn tay đầy vết nứt có lẽ do tiếp xúc với đá lạnh nhiều, và... lạy trời, hình như Hà có bầu.
Cái gì đó vỡ ra trong tôi và đồng thời cái gì đó dâng lên như niềm thương cảm. Còn đâu cô bé bĩu môi với cái lườm dài ngoằng khiến cậu bé ngày xưa chết sững. Còn đâu đôi mắt trong ngày nào tôi háo hức chờ đợi một ánh nhìn...
Bất giác tôi nhắm mắt lại. Tôi chỉ muốn nhớ về cô bé tóc nhổng đuôi gà thôi mặc dù tôi vừa bất chợt hiểu cô bé ấy giờ đây đã vĩnh viễn biến mất...
Nguyên Hương | Báo Văn Nghệ
-------
Bài viết cùng chuyên mục: