Năm 2014, Chính Phủ ra Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam.
Đến năm 2021, Chính phủ đổi tên Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Điều đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta đánh giá rất cao ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đọc sách đối với việc phát triển kiến thức và tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người Việt Nam hiện nay. Đồng thời, “Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam” cũng là một hình thức nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc cho công chúng nước nhà, trước thực trạng văn hóa đọc ngày nay đang xuống cấp đến mức báo động.
0
Từ khi ra đời đến nay, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam đã được các ngành văn hóa và các cấp địa phương quan tâm hưởng ứng bằng nhiều hình thức ngày càng đa dạng, phong phú và ít nhiều đã đạt được những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết các hình thức hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam chỉ được tổ chức hầu hết ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương hoặc các tỉnh lỵ, hiếm hoi lắm mới có một vài thị xã ở các “tỉnh lẻ” tổ chức “Ngày sách…”. Trong khi chính vùng nông thôn mới là địa bàn cần quan tâm chấn hưng văn hóa đọc hơn thành phố, bởi nông thôn bao giờ cũng nghèo hơn thành phố, trong đó có văn hóa. Mặt khác, theo các nhà nghiên cứu thì hơn 80% văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam là ở nông thôn. Theo đó có thể hiểu rằng chấn hưng văn hóa đọc ở nông thôn chính là cách làm căn cơ để chấn hưng văn hóa đọc của công chúng cả nước (!).
Nói thì dễ nhưng làm thì “thập diện khó khăn”. Bởi vậy tôi thực sự ấn tượng khi biết đây đó có những thị xã, thị trấn vùng nông thôn đã mạnh dạn tổ chức những “Ngày sách và văn hóa đọc…” khá năng động, kiểu “thích thì làm”, vì hầu như không có sự chỉ đạo và đầu tư của cấp trên “ngành dọc”. Chẳng hạn như mới đây, trong ba ngày, từ 25/4 đến 27/4/2023, tại đình làng Phan Long thuộc phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức thành công Hội sách khuyến học với chủ đề: “Mở tương lai, khai trí sáng”. Những đơn vị đứng ra tổ chức Hội sách này là UBND phường Ba Đồn, Chi hội VHNT Ba Đồn – Quảng Trạch, kết hợp với Công ty Cổ phần Sách Alpha Books có trụ sở tại Hà Nội.
Ba Đồn là một vùng đất nghèo, gió lào cát trắng thuộc tả ngạn sông Gianh. Đây là một miền quê địa linh nhân kiệt, nhân dân có truyền thống hiếu học, là nơi sinh ra nhiều nhà văn có tiếng tăm trên văn đàn Việt Nam. Năm 1946, một Hội sách có tầm khu vực đã được tổ chức ở thị trấn nhỏ bé này. Hội sách khi đó, được ông Lưu Trọng Dư (anh ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư) quê làng Hạ Trạch, Bố Trạch phía hữu ngạn sông Gianh đứng ra tổ chức và tài trợ. Đồng tổ chức là ông Nguyễn Thanh Đàm, ông Hồ Danh… là những người phụ trách chính quyền Việt Minh lúc bấy giờ. Ban tổ chức hội sách đã sưu tầm nhiều báo, tạp chí như: Cờ giải phóng, Dân, Tiếng Dân, Dân Tiến, Phong Hóa, Ngày nay, Nam Phong... Sách thì có các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Tố Hữu… để phục vụ cho đông đảo nhân dân. Hội sách đã thu hút đông đảo trí thức, nhân dân tả, hữu ngạn sông Gianh, Nhiều người từ vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng vào tham gia. Kể từ đó cho đến khi Hội sách Khuyến học Ba Đồn năm 2023, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên đã không có một Hội sách nào diễn ra nơi đây.
Hội sách Khuyến học Ba Đồn năm 2023 là sáng kiến của Chi Hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật Ba Đồn - Quảng Trạch, nhà báo Phạm Phú Thép. Với ý tưởng chấn hưng văn hoá đọc cho công chúng nông thôn trong vùng bấy lâu nay bị mai một như đã nói ở trên, ông đã ngày đêm miệt mài kết nối. Trước hết, phải thuyết phục được vị lãnh đạo cao nhất và một tập thể chính quyền tâm huyết ủng hộ đăng cai tổ chức. Bởi thông qua họ mới có vị trí thuận lợi và các thủ tục hành chính nhanh gọn. Tiếp theo là phải liên hệ với một công ty phát hành sách có tầm cỡ và ủng hộ sáng kiến, chưa đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu. Cụ thể ở đây là Công ty Cổ phần Sách Alpha Books do ông Nguyễn Cảnh Bình, một người vừa viết sách, in sách, bán sách, vừa là một diễn giả đi truyền cảm hứng văn hoá đọc, làm chủ tịch Hội đồng quản trị. Tiếp nữa là vấn đề kinh phí, nếu đụng đến ngân sách là tắc ngay, mà phải xã hội hoá. Sau một thời gian hoạt động con thoi kết nối, đúng dịp Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023, Hội sách Khuyến học Ba Đồn năm 2023 đã được khai mạc.
Tại Hội sách Khuyến học Ba Đồn năm 2023, trong khuôn viên văn hoá đình làng Phan Long có tới mấy ngàn đầu sách về các lĩnh vực văn học, lịch sử, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ… được trưng bày phục vụ người yêu sách, bạn đọc tại chỗ và bán giảm giá từ 10 - 50%. Nhìn số lượng người tham gia từ già đến trẻ, nhất là về đêm, những người quan tâm đều cảm thấy hạnh phúc. Thời gian hội sách quá ngắn, khiến nhiều người chưa đến được rất tiếc. Như vậy, cũng chưa đến nỗi bi quan về văn hoá đọc lắm, chí ít là đất Ba Đồn này, khi những sáng kiến chấn hưng văn hoá đọc đầy tâm huyết được khởi động.
Một lãnh đạo UBND phường Ba Đồn sau mấy ngày “nhập cuộc” đã phát biểu: Hội sách khuyến học Ba Đồn là hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần tôn vinh các giá trị và khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá đọc, giá trị của sách trong đời sống xã hội, ý thức và sự phát triển trong cộng đồng. Nhiều bạn đọc ở Ba Đồn còn nêu nguyện vọng mong sẽ có một thư viện mở được thiết kế bởi Công ty Cổ phần Sách Alpha Books tại không gian văn hoá Đình làng Phan Long… Và thật bất ngờ, chỉ sau Hội sách ít ngày, một quán cà phê sách của một cô chủ nhỏ đã được khai trương, thu hút rất nhiều bạn trẻ đến đọc. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tín hiệu bước đầu. Để bảo đảm bền vững lâu dài, những người tâm huyết với văn hoá đọc còn phải “Tầm sư học đạo” mà người tiên phong vẫn là nhà báo Phạm Phú Thép.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội sách Khuyến học Ba Đồn năm 2023, ông Nguyễn Quốc Vương là giảng viên khoa sử Đại học Sư phạm Hà Nội, đã về nói chuyện, truyền cảm hứng văn hóa đọc cho công chúng thị xã Ba Đồn. Trong các cuộc nói chuyện, ông thường nhắc đến tấm gương anh Đỗ Hữu Thiện ở thị trấn ở Hồ Xá (tỉnh Quảng Trị) đã thành lập một thư viện rất độc đáo, góp phần “tái khởi động” phong trào đọc sách ở quê nhà. Nhà báo Phạm Phú Thép bị cuốn hút bởi câu chuyện, bèn “khăn gói” vào Hồ Xá tìm gặp ông chủ của Trung tâm sách Thiện Nhân Văn. Đỗ Hữu Thiện sinh năm 1967, từng lăn lộn thương trường ở Sài Gòn từ rất sớm. Có tiền, anh nghĩ đến việc phải phát triển dân trí ở quê nhà thông qua việc chấn hưng văn hóa đọc. Cho đến khi Trung tâm Sách Thiện Nhân Văn đi vào hoạt động thì anh Thiện đã bỏ ra cho dự án này là 21 tỷ đồng. Trung tâm đã đi vào hoạt động được 3 năm nay. Ngoài Thư viện sách với hàng vạn đầu sách, tại Trung tâm có một khuôn viên đọc sách thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh... Người đến đọc sách, nghiên cứu… đều được phục vụ chu đáo, nước uống miễn phí. Anh Thiện cho biết, mỗi năm anh phải đầu tư thêm 300 triệu đồng để Trung tâm sách hoạt động. Nếu đặt mục tiêu kinh doanh thì chắc chắn lợi nhuận tiền bạc luôn luôn “âm”, nhưng cái lãi vô hình cho quê hương thì không đo đếm hết. Anh cũng đang tính sẽ khởi tạo cho Trung tâm một nguồn quỹ để có thể bù đắp được mọi thâm hụt khi hoạt động. Và rồi anh cũng sẽ chuyển giao lại cho những người tâm huyết ở quê hương Hồ Xá để phục vụ cộng đồng.
Thiết nghĩ, qua 2 câu chuyện về sách ở hai địa chỉ miền “gió lào cát trắng” trên đây, có thể rút ra những bài học cho công cuộc “Chấn hưng văn hoá đọc ở nông thôn” hiện nay. Đó phải chắc chắn là yếu tố con người, những con người đầy tâm huyết, có tinh thần cộng đồng, xã hội cao. Họ là những người mê sách, hiểu được giá trị tri thức và văn hoá của đọc sách và cũng là những người biết truyền cảm hứng đầy tâm lý, nghệ thuật. Bởi, văn hoá đọc không phải dùng các biện pháp hành chính mà có được. Nếu họ lại là những cán bộ lãnh đạo chính quyền có nghị lực và luôn nghĩ đến dân, nghĩ đến tương lai của quê hương, đất nước thì sự nghiệp chấn hưng sẽ vô cùng thuận lợi và phát triển thành công. Tất nhiên còn vấn đề kinh phí, nhưng thiết nghĩ khi đã có những con người như trên cùng “xắn tay” thì bài toán kinh phí không phải là nan giải trong môi trường xã hội hóa.
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng
Nguồn Văn nghệ số 21/2023