Sự kiện & Bình luận

Làm thơ là nghiệp, làm báo là nghề

Vương Trọng
Tiếng nói nhà văn 09:23 | 27/06/2025
Baovannghe.vn - Có người hỏi tôi rằng: Làm thơ khó hay làm báo khó? Trả lời: làm cho giỏi thì cả hai đều khó, nhưng nếu làm dở thì làm thơ dễ hơn! Câu trả lời này có thể làm ai đó vì quá yêu thơ mà phật ý, nhưng đó là một sự thật.
aa

Bài báo dù dở đến mấy thì người viết cũng phải tìm hiểu thực tế, rồi sau đó mới viết, còn thơ dở thì trước khi viết chẳng phải chuẩn bị gì, trong khi viết cũng chẳng cần huy động gì, hơn nữa, số chữ nói chung là ít hơn, có khi chỉ vài ba chục chữ, cũng gọi là xong một bài thơ, ít hao tổn nơron thần kinh, đỡ tốn công cơ học. Hơn ba mươi năm biên tập thơ tại một tờ báo văn nghệ, tôi thấy trong số bài cộng tác viên gửi đến, số bài thơ dở dễ viết hơn các bài báo dở phải lên tới con số hàng chục ngàn bài. Sinh thời, khi gặp một bài thơ dở, tùy tiện, nhà thơ Xuân Diệu thường buông một câu: “Làm thơ sướng thật, muốn nói thế nào thì nói!”

Làm thơ là nghiệp, làm báo là nghề
Nhà thơ Vương Trọng

Làm thơ hay và viết báo hay, cả hai đều khó, thật khó nói thứ nào khó hơn. Có người nói nhà thơ không cần phải đào tạo, còn nhà báo có thể đào tạo được. Nói như thế, theo tôi cũng chỉ đúng một phần. Ta có thể đào tạo được các nhà báo nho nhỏ, còn các nhà báo lớn, ngoài việc đào tạo ra (và có khi họ cũng không qua một trường báo chí chính quy nào cả) cần có những tư chất bẩm sinh của nghề báo, đồng thời có vốn hiểu biết rộng rãi, sâu sắc các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội…

Đối với một số khá đông bạn đọc ở nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa, người ta coi những gì đăng lên tờ báo là báo cả, nên chẳng phân biệt nhà thơ hay nhà báo. Thực tế, nhà thơ và nhà báo được phân biệt, và các nhà thơ khi đi thực tế xuống cơ sở có lúc muốn được coi là nhà báo hơn là nhà thơ. Và trong một thời gian dài, thẻ nhà báo có giá trị hơn thẻ nhà văn (gồm văn xuôi, thơ, phê bình và dịch thuật) trong việc ưu tiên mua vé tàu xe, qua cầu phà không mất tiền… Điều đó chưa hẳn đã nói rằng trong xã hội, người ta quý nhà báo hơn nhà văn, nhưng người đời nể nhà báo hơn, ít làm phiền nhà báo hơn… là một thực tế. Sao thế nhỉ? Đầu tiên do đặc trưng nghề nghiệp, do tính cập nhật của báo chí, có chuyện gì xảy ra, nhà báo cần có mặt ngay, nên khi các nhà báo chưa có xe của cơ quan mình, thì các phương tiện giao thông công cộng, người ta ưu tiên, để nhà báo có thể đến nơi cần đến sớm nhất. Đó là mặt tích cực của sự ưu tiên, sự nể. Còn sự nể cũng có mặt tiêu cực, như không muốn làm phiền mấy ông nhà báo, nếu không, sợ sau này mình có gì sai sót, các ông ấy cho lên báo thì nguy. Chẳng thế mà có chuyện nhà thơ và nhà báo chơi thân, mải nói chuyện với nhau rồi vô tình phóng xe vào đường ngược chiều; thế mà nhà báo được nhắc nhở rồi cho đi, còn nhà thơ kia bị giữ xe, cái thẻ nhà văn không giúp được gì. Bình đẳng trước pháp luật, xem ra là điều không dễ.

Đặc trưng của báo chí là thông tin. Thời gian qua (và cả hiện nay) là thời kỳ bùng nổ thông tin, tất nhiên nhà báo lên ngôi cũng không có gì là lạ. Có tờ báo lúc đầu chỉ ra tuần báo, sau thành nhật báo còn thêm tờ cuối tuần, cuối tháng, thế mà tiara mỗi số lên mấy chục vạn bản. Trong thực tế, tờ báo nào có tiara một vạn là đã có lãi, tiara năm vạn bắt đầu khá, mười vạn là có của ăn của để, hai mươi vạn trở lên là giàu. Thế mà ở nước ta hiện nay, không dưới năm tờ báo có số lượng in trên hai mươi vạn. Vậy nên có hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà báo giàu có cũng không gì lạ. Tuy nhiên với nhà báo công tác tại các tờ báo tỉnh, bảo đảm cuộc sống thường thường bậc trung là phổ biến, và các nhà báo giàu có chỉ mới nằm trong chuyện kể của họ mà thôi.

Nhà thơ sống bằng gì? - Bằng báo! Đó là câu trả lời của không ít nhà thơ. Làm thơ là cái nghiệp, làm báo là cái nghề, nhiều người bảo thế. Cái nghề cứu sống, còn cái nghiệp nhiều khi chỉ đày đọa con người. Có nhiều nhà thơ biết nén cái nghiệp thơ lại, theo nghề báo thì cũng đỡ khổ. Không những thế, khi chuyển sang làm báo, một số nhà thơ như phát hiện ra sở trường của mình; họ tả xung hữu đột, có khi làm nhà báo chính thống cũng phải nể. Nhưng số đó không nhiều, phần lớn nhà thơ tay viết báo mà đầu lởn vởn ý thơ, có khi thừa cảm xúc mà thiếu đi lượng thông tin cần thiết. Nên vì thế, có bài báo nào đó không thành thì họ cũng không buồn, mà đổ lỗi tại “trời bắt làm thi sĩ” như nhà thơ Nguyễn Bính một thời.

Có người bảo rằng viết báo nhiều thì hỏng mất hồn thơ. Tôi không nghĩ thế, ngược lại, nhờ quá trình thâm nhập để làm báo, người ta có điều kiện chứng kiến những cảnh ngộ, những trạng huống gọi dậy hồn thơ và có được những bài thơ hay. Bởi thế có không ít nhà báo, sau một thời gian thì sáng tác thơ khá thành công, bằng chứng là chúng ta từng được đọc trang thơ, tập thơ của nhiều nhà báo.

Đời sống khấm khá của các nhà báo, cộng thêm cái danh nhà báo làm không ít em học sinh ngay từ khi mới bước vào cấp ba đã có định hướng trở thành nhà báo. Trong nhiều năm, các khoa báo chí của nhiều trường “bội thực” đơn xin thi, và đều đều hàng năm, các trường cho ra lò hàng trăm nhà báo trẻ. Từ nhà báo trẻ ở đây muốn chỉ những em vừa tốt nghiệp khoa báo chí, chứ có trở thành nhà báo thực thụ hay không còn cả một vấn đề. Có người bảo rằng, trong số các sinh viên tốt nghiệp, sinh viên khoa báo chí xin việc khó khăn bậc nhất. Trừ trường hợp thật xuất sắc, hoặc bố mẹ có chức kha khá ở các tòa báo, trừ trường hợp gia đình có vai, có vế… một số khá lớn sinh viên báo chí ra lò thật khó trở thành nhà báo bởi không thể tìm được một chân trong bất kỳ tờ báo nào. Thế là sinh ra những người làm báo tự do. Làm báo tự do nhọc nhằn lắm nỗi. Tất nhiên là tự thuê lấy nhà ở, phải tự sắm “đồ nghề” như máy ảnh, máy chữ hoặc máy vi tính… Những khó khăn đó có thể vượt qua. Điều khó nhất là không có thẻ nhà báo, nhiều khi cơ sở họ không tiếp, nói chi chuyện lấy tài liệu để viết bài. Khó khăn này làm không ít người nhụt chí, tạt ngang sang ngành khác, chỉ có một số ít đầy bản lĩnh mới vượt qua được thử thách, cho đến ngày một tờ nào đó có cặp mắt xanh ngó tới, may ra mới được trở thành nhà báo.

Một chức năng quan trọng của báo chí là phản ảnh thực tế; cho nên đi thực tế là nhu cầu không thể thiếu được của nhà báo. Thực tế có hai mặt: thực tế tích cực và thực tế tiêu cực. Và hầu hết các cơ quan đơn vị, nơi nào cũng thích báo chí nêu thành tích của mình, chứ chẳng có nơi nào muốn báo chỉ nêu hạn chế, khuyết điểm. “Khen sai còn dễ chịu hơn chê đúng” là một thực tế. Bởi thế, nếu mục đích đi tìm hiểu gương tốt để biểu dương thì nhà báo được đón tiếp tử tế, nhưng nếu ai đó với mục đích phát hiện những sai trái của một cơ sở nào đó thì nan giải vô cùng. Anh em làm báo thường nói với nhau rằng, với một bài báo khen ngợi, biểu dương thì khi bài báo đăng xong, nhà báo coi như hoàn thành nhiệm vụ. Còn đối với các bài báo phê phán những sai trái, phát hiện ra các vụ bê bối, bài báo in ra là khi nhà báo bắt đầu vào cuộc. Nhiều nhà báo “trầy da tróc vảy” bảo vệ chính kiến của mình, bất chấp những lời đe dọa hoặc mua chuộc. Trong công cuộc phấn đấu cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh… vai trò những nhà báo như thế không thể thiếu được.

Người xưa bảo rằng: “Thi trung hữu họa”, nghĩa là trong thơ có họa. Tôi thấy rằng, có một số trường hợp, trong thơ cũng có báo. Đặc trưng của báo là đưa ra một lượng thông tin, một hướng giải quyết để tìm sự đồng tình của dư luận. Nếu vậy, bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du (viết năm 1982) và Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc (1995) của tôi cũng đã gánh được một phần chức năng báo chí, vì từ bài thơ thứ nhất, trong dư luận dấy lên vấn đề cần xây dựng lại mộ cụ Nguyễn Du và sau đó mộ cụ Nguyễn Du được xây lại; còn cái ý tưởng trồng vài cây bồ kết ở nghĩa trang Đồng Lộc đã thành hiện thực sau khi bài thơ thứ hai ra đời được ba năm (1998).

Số đông bạn đọc coi tôi là một nhà thơ. Vâng, điều đó không nhầm. Nhưng, tôi còn là một nhà báo, bằng chứng là đã có thẻ nhà báo hơn ba chục năm nay; và đã được nhận Huy chương vì sự nghiệp báo chí.

Những ngày này, tôi thích bạn đọc coi tôi là một nhà báo!

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Baovannghe.vn - Sáng 25/7, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức khai mạc Lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH).
Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Baovannghe.vn - Ông bà ngoại tôi là người Hungary, nhưng ông ngoại lại học hành ở Đức. Mặc dù Hungary là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ông vẫn thích tiếng Đức hơn tất cả các ngôn ngữ khác mà ông nói được.
Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Baovannghe.vn - Lần đầu tại Việt Nam, một ca động kinh kháng trị ở trẻ em được điều trị thành công bằng công nghệ robot định vị AutoGuide. Ca phẫu thuật do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP.HCM) thực hiện đánh dấu bước đột phá trong điều trị bệnh lý thần kinh phức tạp, mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân động kinh tại Việt Nam.
Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Baovannghe.vn - “Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2025” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 26 & 27/7 với nhiều hoạt động phong phú nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống
Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Hoa hồng nở trước ngõ - Thơ Nguyễn Lãm Thắng

Baovannghe.vn- Dù giá rét, dù mưa dầm, nắng cháy/ Em vẫn cười rạng rỡ đến kiêu sa