Diễn đàn lý luận

Một miền nhớ, một miền thơ

Anh Thư
Chân dung văn học
09:29 | 13/03/2025
Baovannghe.vn - Nhà thơ, nhà báo Trương Hữu Lợi thấm thía rằng người làm báo không chỉ cần trình độ, nhận thức mà còn đòi hỏi sự say mê, lăn lộn với thực tế cuộc sống, không ngừng tìm tòi phát hiện ra những yếu tố mới mẻ để phản ánh, động viên, góp phần vào việc nhân rộng những điển hình
aa

Nhà thơ Trương Hữu Lợi sinh ngày 16/5/1948. Quê quán Bắc Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Loddi - Ba Lan. Từ năm 1973 - 1981 làm phóng viên Nông nghiệp Đài tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1982 làm phóng viên và Chủ nhiệm chương trình tại ban văn học nghệ thuật Đài tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Đã xuất bản: Chú mèo mắt xanh (1986), Hoa lạnh (thơ, 1990), Cõi hoang (thơ, 1994), Ngựa hồng ngựa tía (thơ, 1997), Bài hát con kiến (thơ, 1998), Nhịp ngựa hoang (thơ 2008), Suối quên (tiểu thuyết, 2009).

Giải thưởng cuộc thi sáng tác do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức 1990 - 1991.

Tiếp xúc với nhà thơ nhà báo Trương Hữu Lợi sẽ thấy ông hiền, thật hiền. Gần như ông không bao giờ to tiếng, nặng lời với ai. Lúc nào cũng từ tốn, giản dị. Với người không ưa mình, ông thường tránh va chạm. Với người có thể giãi bày, chia sẻ thì ông như trẻ lại trong phong thái cởi mở, vừa ân cần vừa nồng nhiệt. Nếu chạm vào mạch tâm tình, ông sẽ kể say sưa về quãng thời gian học phổ thông ở trường cấp 2 Bắc Lý và cấp 3 Lý Nhân - Hà Nam, về 6 năm học ngữ văn ở trường đại học tổng hợp Loddi - Ba Lan, về hơn mười năm làm phóng viên nông nghiệp Đài Tiếng Nói Việt Nam. Quãng thời gian nào cũng đầy ắp hoài niệm mà không phải ai cũng có được trong cuộc đời. Trường cấp 2 Bắc Lý - ngôi trường anh hùng nổi tiếng cả nước trong thời kì chiến tranh chống Mỹ ngày hôm nay vẫn dành một góc lưu niệm mang tên Trương Hữu Lợi - người học trò chăm ngoan, học giỏi từng vinh dự được gặp Bác Hồ trong Đại hội liên hoan anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ 3 (5-1962). Có lẽ bản thân ông cũng không thể ngờ được rằng ngôi trường ấy đã trở thành một huyền thoại, là dòng hồi nhớ ngọt ngào nâng đỡ ông trong những năm tháng tha hương, trong vui buồn xô đẩy kiếp người. Tốt nghiệp đại học, về nước năm 1972 - thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, ông được biên chế về Đài Tiếng Nói Việt Nam, trở thành phóng viên theo dõi mảng nông nghiệp. Xuất thân từ đồng ruộng nên nghề nghiệp mới này thêm cơ hội để ông đến với bà con nông dân, nhất là ở hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, nhiều lần thức trắng đêm cùng bà con đi bắt sâu hại lúa, trò chuyện, tìm hiểu cách làm, hướng đi, nguyện vọng của bà con. Ông là một trong những nhà báo đầu tiên phát hiện ra mô hình khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở cơ sở, có nhiều bài viết phản ánh, phân tích, động viên kịp thời, góp phần vào việc ra đời chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí Thư Trung Ương Đảng về cải tiến hình thức khoán, mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động”, phát huy tinh thần làm chủ của người nông dân đối với đồng ruộng. Chỉ thị số 100 là cái mốc quan trọng để đến ngày 5/4/1988, Bộ chính trị (khóa 6) chính thức cho ra đời nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10) - bước đột phát trong tư duy quản lý kinh tế, cởi trói sức lao động, phát huy sáng tạo của quần chúng, tạo thành động lực để phát triển sản xuất, phát triển xã hội. Dấu ấn của nhà báo Trương Hữu Lợi trong việc phát hiện “khoán chui” được ghi nhận bằng những giấy khen, bằng khen của bộ ngành, đoàn thể, bằng những bài báo phát đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Đại đoàn kết, tạo được những hiệu ứng xã hội tích cực. Nhà báo Trương Hữu Lợi còn được Tổng bí thư Trường Chinh mời đến nhà riêng trò chuyện trong hơn một giờ đồng hồ. Ông coi đây như cuộc họp báo giữa một người đứng đầu Đảng và Nhà nước với một phóng viên, thông qua người phóng viên đó để truyền đi thông điệp, quan điểm của đồng chí Trường Chinh về khoán sản phẩm trong nông nghiệp, nhằm tạo ra sự đồng thuận giữa chủ trương nghị quyết của Đảng và nhà nước với thực tiễn ở cơ sở.

Một miền nhớ, một miền thơ
Nhà thơ Trương Hữu Lợi (1948 - 2015)

Khoảng thời gian làm phóng viên nông nghiệp đã giúp nhà thơ - nhà báo Trương Hữu Lợi thấm thía rằng người làm báo không chỉ cần trình độ, nhận thức mà còn đòi hỏi sự say mê, lăn lộn với thực tế cuộc sống, không ngừng tìm tòi phát hiện ra những yếu tố mới mẻ để phản ánh, động viên, góp phần vào việc nhân rộng những điển hình tiên tiến. Người làm báo phải có một trách nhiệm công dân sâu sắc và khi báo chí đi đúng hướng sẽ tạo được dư luận tốt, khơi nguồn cho những sức mạnh còn tiềm ẩn, tạo động lực rộng rãi cho sự phát triển xã hội. Chính vì vậy, khi chuyển về ban Văn nghệ của Đài, nhà thơ Trương Hữu Lợi lại không ngừng tạo nên những nhịp cầu kết nối với thính giả, cộng tác viên ở nhiều miền đất nước, không ngần ngại chủ biên từ những chương trình phức tạp đến những chương trình tưởng rất đơn giản bình thường như “Văn nghệ thiếu nhi”, “Kể chuyện cổ tích và hát ru” dành cho các bé tuổi mẫu giáo nhi đồng. Thời gian làm trưởng phòng văn nghệ thiếu nhi, ông đã góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ mà giờ đây đều đã trưởng thành, trở thành các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, biên tập viên vững vàng trong nghề nghiệp và cuộc sống. Khi bàn những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ báo chí, ông trở thành một nhà hùng biện thuyết phục người nghe, nhất là các bạn trẻ, không phải ở ngôn từ to tát mà ở sự chân thành trong nét mặt, ngữ điệu, cả độ vang của thanh âm. Nhìn ông lúc đó vừa sâu sắc vừa hồn nhiên - hồn nhiên bởi cách diễn đạt, bởi cách nhìn cuộc sống và con người luôn nồng hậu. Tôi chưa bao giờ nghe ông nói không tốt về ai, dù người đó từng làm ông tổn thương. Lúc vui chuyện, có ai nhắc đến tên, thì ông vui vẻ phụ họa bằng cách lắc lắc cái đầu muối tiêu, vừa chép miệng “tay đó chán lắm”, rồi nhanh chóng nhấp một ngụm trà hoặc rút một điếu thuốc từ bao Souvernia luôn kè kè trong túi áo.

Ông uống trà và hút thuốc lá nhiều, đôi khi không phải do thèm mà như một thói quen. Trà và thuốc lá là bạn của ông trong nhiều đêm mất ngủ vì đeo đuổi một ý thơ. Trở về với thơ, dường như nhà thơ Trương Hữu Lợi được trút bỏ bao nhiêu muộn phiền, bao dè dặt nhiều khi là ẩn ức. Nhưng điều ý nghĩa nhất mà ông nhận được từ thơ, ấy là thơ đã cho ông được sống với khát vọng, thứ khát vọng nồng nhiệt nhen lên từ những tập thơ “Cõi hoang”, “Hoa lạnh”, “Nhịp ngựa hoang”, “Suối quên”.

Cho tôi về bên suối

Đêm rừng xanh lửa cháy bập bùng

Cõi hoang xa trong trẻo thiên đường

Chúng tôi quây quần hát múa dưới trăng

Cho tôi về bên suối

Ngả lòng tay trìu mến bạn bè

Tôi đã đi thanh thản kiếp người

Cho tôi về nơi ấy…

Nguồn trong

(trích bài thơ “Cõi hoang”)

Gầy gò, mảnh dẻ, có phần yếu đuối. Đó là cảm nhận của nhiều người về nhà thơ Trương Hữu Lợi. Nhưng đọc thơ ông thì dường như ấn tượng đó bị thay đổi, hay nói cách khác, con người thơ của ông nặng trĩu suy tư - những suy tư không trói buộc được bằng vần điệu, mong vượt thoát trở thành tư tưởng. Ông trăn trở về ý nghĩa của tồn tại, về cái giá mà con người phải trả dọc hành trình tìm kiếm văn minh. Không phải ngẫu nhiên mà trong tập thơ “Hoa lạnh”, ông có hai câu đề từ:

Người thơ tâm thành sám hối

Trước những thánh thần lầm lũi ngày đêm

“Thánh thần” trong thơ Trương Hữu Lợi không phải đấng siêu nhiên có quyền lực huyền bí như thế nào. “Thánh thần” chính là nhân dân, là bao người lao động đang lầm lũi vô danh trong cuộc đời. Tự thân ông luôn cảm thấy có lỗi vì chưa làm được gì nhiều cho họ. Thơ cũng chỉ là “bướm thơ” xa lạ với công chúng.

Đọc thơ Trương Hữu Lợi sẽ nhận thấy một hồn thơ vừa dằn vặt, tự vấn mình trước “bến mê” cuộc đời, vừa khao khát một nhịp cầu yêu thương chia sẻ, dẫu nhịp cầu ấy có mong manh và nhiều trắc trở. Ông cần đến thơ như một điểm tựa để con ngựa gầy không khát gục giữa bờ đau, để tiếng hót của chim xanh vượt thoát khỏi nan lồng. Không phải ngẫu nhiên mà trong thơ Trương Hữu Lợi luôn thấp thoáng hình ảnh của “ngựa hoang” và “chim xanh”, nhiều khi được nâng lên thành hình tượng, thể hiện ước mơ và khát vọng về một miền tự do cũng như bi kịch không vượt thoát được của giấc mơ trước thực tại.

Ngựa hoang đưa ta về miền lộng gió

Cho ta mê mải làm người

Chiều ôm vầng trăng thơm tho

Ngợp trong cỏ và gió xuân.....

(trích bài thơ “Bước ngựa hoang”)

“Khe suối khuất chìm vuông cỏ rối

Thương ngựa gầy khát gục giữa bờ đau”

(trích bài thơ “Vuông cỏ rối)

Có một thời em đã

Từ xa xăm ngàn năm bay tới trời anh

Em chắt ngọt ngào cay đắng hành tinh

Ngân lên tiếng hót

Chim Xanh

Bàn tay nào chộp bắt?

(Trích bài thơ “Khúc hát chim xanh”)

Những bài thơ giàu tính tượng trưng như thế này đã được tác giả viết từ thập niên 70 - 80 của thế kỉ trước. Bản thân nhà thơ Trương Hữu Lợi có ý thức sâu sắc trong việc tạo dựng một không gian thơ riêng với hệ thống thi ảnh cùng những tín hiệu ngôn ngữ được trở đi trở lại. Không chỉ đóng góp cho thơ đương đại, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm truyện và thơ cho thiếu nhi. “Mèo mắt xanh” (NXB Hà Nội - 1986) là tập truyện đồng thoại - cổ tích Ba Lan mà ông giữ vai trò dịch giả. Yêu thích sự mộng mơ và nhân hậu của cổ tích nên ở tập truyện thiếu nhi gần đây nhất của ông là “Ngôi sao nhỏ đi tìm ánh sáng” (NXB Kim Đồng, 2013) cũng đầy ắp yếu tố kì ảo, huyền thoại, với lối kể sinh động gần gũi. “Ngựa hồng ngựa tía” (NXB Kim Đồng 1997), “Bài hát con kiến” (NXB Đồng Nai, 1998) là hai tập thơ thiếu nhi xinh xắn, trong đó ảnh hưởng của đồng dao, của ca dao dân ca khá đậm đà nhưng vẫn hiện đại trẻ trung, bởi ông quan niệm thơ “viết cho thiếu nhi” và “viết về thiếu nhi” rất khác nhau. Viết cho thiếu nhi, người viết phải đặt mình vào tâm thế của các em, lời thơ phải hòa cùng suy nghĩ tình cảm của các em.

Hàng ngày, trong đời sống thơ hôm nay, có biết bao tác phẩm được xuất bản, được giới thiệu trọng thể và ồn ào rồi lặng lẽ mờ đi, chìm xuống. Người làm thơ vẫn trăn trở đi tìm cái riêng và cái khác. Với nhà thơ Trương Hữu Lợi, hành trình này cũng chưa kết thúc. Vì thế, những đớn đau khát vọng, những giấc mơ của ông vẫn còn là điều ám ảnh.

Báo Văn nghệ số 16/2015

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim