Chuyên đề

Một thoáng tiểu thuyết Đinh Phương

Văn học địa phương
10:26 | 03/04/2024
Ở Văn nghệ Quân đội, Đinh Phương là một trong những nhà văn trẻ nhất. Nhưng Đinh Phương chỉ trẻ về tuổi đời, tuổi quân. Còn về tuổi nghề, anh thuộc diện khá dày dặn. Cùng với Uông Triều, Đinh Phương là tay đọc sách, chơi sách thuộc “hàng top” của Nhà số 4. Một người đọc nhiều, mê sách, hẳn nhiên không bao giờ “đơn giản” cả
aa

Ở Văn nghệ Quân đội, Đinh Phương là một trong những nhà văn trẻ nhất. Nhưng Đinh Phương chỉ trẻ về tuổi đời, tuổi quân. Còn về tuổi nghề, anh thuộc diện khá dày dặn. Cùng với Uông Triều, Đinh Phương là tay đọc sách, chơi sách thuộc “hàng top” của Nhà số 4. Một người đọc nhiều, mê sách, hẳn nhiên không bao giờ “đơn giản” cả.

Đinh Phương mới sáng tác hai tiểu thuyết: Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang. Với cuộc đời dài dặc phía trước, con số ấy chắc chắn sẽ tăng lên. Tuy nhiên ở thời điểm này, qua hai cuốn tiểu thuyết ấy, chúng ta cũng có những hình dung sơ bộ, cơ bản nhất về anh. Đọc nhiều, lại là một tác giả trẻ, nên không ngạc nhiên khi trong hai cuốn tiểu thuyết đầu tay, Đinh Phương chịu kha khá ảnh hưởng của những người đi trước. Không khó khăn gì lắm để nhận ra những Murakami, Kafka, rồi Nguyễn Tuân… trong Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang qua một vài chi tiết, motif, thủ pháp. Thiết nghĩ, đây cũng là bình thường của một cây bút trẻ, một chặng đường mà ai cũng phải trải qua trước khi trưởng thành để là chính mình.

Cây bút trẻ Đinh Phương

Cả hai tiểu thuyết này đều được Đinh Phương triển khai dựa trên sự am tường và tình yêu dành cho mảnh đất quê hương Mạo Khê - Quảng Ninh, cảm hứng về lịch sử dân tộc với điểm nhấn chính là của cuộc khởi nghĩa thất bại do Việt Nam Quốc dân Đảng khởi xướng cùng phong trào rước Chúa vào Nam năm 1954. Cái làm nên sức hấp dẫn, và bản sắc, cái để chúng ta hi vọng vào Đinh Phương ở tương lai trong hai cuốn hai tiểu thuyết này, theo tôi nằm ở những điểm sau.

1. Cái cô đơn và cái chết

Hai tiểu thuyết của Đinh Phương đều có gam màu xã hội u ám. Cái u ám đến từ không khí trong gia đình. Trong hai tiểu thuyết, các mối quan hệ vợ - chồng, cha - con, mẹ - con nhạt nhẽo, đầy nghi kị, thù hằn, coi nhau như người dưng nước lã, như không tồn tại. Tôi (Nhụy khúc) thậm chí còn không nhớ nổi tên ông bà, cha mẹ. Có thể nói, Đinh Phương đã xây dựng trong tiểu thuyết của mình một cấu trúc gia đình không thể lỏng lẻo hơn, một cấu trúc báo hiệu sự đổ vỡ của từng cá nhân (cấp độ vi mô) và xã hội (cấp độ vĩ mô). Xã hội trong Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang được biểu hiện thông qua hình ảnh thị trấn. Dù là Mạo Khê trong Nắng Thổ Tang hay thành phố phía Bắc, rồi thu gọn là phố Chìa trong Nhụy khúc, thị trấn đều là biểu tượng của buồn bã, u ám, và chết chóc, nơi con người vừa sống trong thờ ơ, vô cảm, vừa nghi kị, đề phòng lẫn nhau, vừa khao khát thay đổi để tốt đẹp hơn, vừa muốn giữ lại những tín điều xưa cũ. Thành phố phía Bắc bốn mặt giáp biển, giao thông, đi lại phải qua những cây cầu, là nơi có tỉ lệ tự tử cao. Còn Mạo Khê, là mảnh đất dành cho những chuyến tàu từ dương gian đến âm phủ. Trên nền tảng gia đình và xã hội như thế, tâm thế con người cá nhân không thể tránh khỏi nỗi cô đơn. Những con người như Trang, Vũ (Nhụy khúc), tôi (Nắng Thổ Tang)… là những mảnh vỡ rời rạc trong xã hội với tâm hồn vụn nát. Bầu không khí “trinh thám” và mê lộ từ quá khứ đến hiện tại Đinh Phương tạo ra trong hai tiểu thuyết về hành trình truy tìm nguồn gốc bản thân, “lí lịch” gia đình, nguồn gốc của thị trấn hay những sự kiện mờ ảo, huyền hoặc chỉ là bức bình phong che giấu sự phức tạp, cô đơn của các nhân vật. Nhân vật trong tiểu thuyết Đinh Phương vừa có cái cô đơn của những “con người bé nhỏ”, bên lề hay dưới đáy xã hội, thất bại trong công việc, tình yêu, chất chứa đầy những mặc cảm, tự ti về thân phận vừa có nỗi cô đơn “mặc khải”, vừa sinh ra đã cô đơn, đã loay hoay đi tìm câu trả lời mình là ai trong cuộc đời, tại sao mình lại là mình mà không phải là một mình khác ngoài mình... Nỗi cô đơn ấy hiển diện ở tất cả các nhân vật nhưng tiêu biểu nhất là Vũ (Nhụy khúc), một chàng trai luôn dằn vặt vì sự ra đời của mình đã tước đi tồn tại của một Vũ khác trong giây phút hai linh hồn cạnh tranh nhau để nhập vào bào thai khi đủ 9 tháng 10 ngày.

Trong bầu không khí gia đình - xã hội như vậy, với tâm thế cô đơn như thế, các nhân vật của Đinh Phương tìm đến cái chết như một lựa chọn khả dĩ. Cái chết theo tác giả không phải là sự đấu tranh giữa cái Erox và cái Thanatox dù cho lí thuyết của nhà phân tâm học người Áo phảng phất đâu đó trong Nhụy khúc. Cái chết cũng không mang ý nghĩa của sự chấm hết hay giải thoát mặc dù Vũ đã tự tử hai lần sau những tìm kiếm vô vọng bản thể khác của mình. Cái chết với Đinh Phương trước nhất là lời nhắc nhớ về sự sống. Khi Vũ mất, Trang và cư dân thành phố mới chợt nhận ra Vũ đã từng sống. Kế nữa, cái chết đánh thức sợi dây liên hệ giữa các cá nhân với nhau. Vũ chết, Trang mới đột nhiên nhớ mình và Vũ chưa từng cũng như chưa bao giờ muốn quan hệ với nhau. Cái chết bi thảm của cô gái (Nắng Thổ Tang) - bị chặt mất đầu - là “cơ hội vàng” để người dân thị trấn bày tỏ tình đoàn kết, lòng trắc ẩn bấy lâu nay bị sự hờ hững và ác độc che phủ. Và khi mẹ mất (Nhụy khúc), hay bố mất (Nắng Thổ Tang), tôi (hay Trang), tôi (hay ả lơ xe) mới tìm thấy mối liên hệ với những người thân ruột thịt. Cái chết trong khoảnh khắc xóa tan cái cô đơn của con người.

Cái chết còn gợi nên những suy tư, tìm tòi về quá khứ. Cái chết của Vũ khiến Trang lần theo con đường đi của Vũ trước đây, tìm hiểu bản thể khác của Vũ, về lịch sử thành phố. Cái chết của ông nội, của người cha (Nắng Thổ Tang) cũng thúc đẩy những người thân của mình tìm hiểu về lịch sử gia tộc, về nơi mình sinh sống.

Cái chết như vậy không phải là chấm dứt tất cả mà là một khởi đầu. Không phải một khởi đầu mới, đó là sự tiếp tục của những công việc cần phải làm. Một cái chết mang màu sắc hiện sinh.

Các tác phẩm của Đinh Phương. Ảnh: Y.N

2. Khoái cảm về cái ác

Trong Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang, Đinh Phương viết nhiều về cái ác, một phạm trù triết học quan trọng. Cái ác hiện diện ở khắp nơi trong tiểu thuyết của Đinh Phương. Con người ác với loài vật. Con người ác với con người (cha mẹ ác với con cái, hàng xóm ác với láng giềng, đồng nghiệp ác với nhau, kẻ xâm lược ác với người bị xâm lược, người cai trị ác với kẻ bị cai trị, người yêu ác với người yêu…) Cái ác xuất hiện ở những người bình thường nhất đến cao quý nhất, nghèo khổ nhất và giàu có nhất, mạnh mẽ nhất và yếu đuối nhất. Cái ác tồn tại trong cả đàn ông và đàn bà, trong người già và trẻ con, trong người theo đạo và người vô thần. Cái ác không phải xuất hiện trong không gian âm u, ít người mà giữa thanh thiên bạch nhật trước sự chứng kiến của đám đông. Cái ác tràn lan, thấm đẫm một vùng đất, cái ác truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như lời tự thú của người cha trong Nhụy khúc: “Thị trấn là một thực thể các tội lỗi và ẩn ức chất chồng đời này qua đời khác.”(1) Nguyên nhân dẫn đến cái ác cũng thật vô vàn: ác vì ghen tuông, thù hận, ác vì phụ tình, ác vì quyền lợi kinh tế, địa vị xã hội… Cái ác trong tiểu thuyết Đinh Phương tự do tồn tại, tự nhiên như hơi thở, một cái ác gần với quan niệm “nhân chi sơ, tính bản ác” của Tuân Tử. Song thay vì cho các nhân vật của mình vật vã, đau khổ vì cái ác, sám hối vì cái ác, kiềm chế cái ác bằng “pháp trị”, “tiết dục”, “dưỡng tâm” như quan niệm của nhà triết học Trung Hoa cổ đại, Đinh Phương lại tạo nên một khoái cảm về cái ác. Khoái cảm ấy được biểu hiện trước hết bằng khoái cảm về máu. Máu là vật chất kì lạ của con người. Máu thuộc khí dương (màu đỏ) nhưng nơi cư ngụ lại thuộc về khí âm (cơ thể con người). Chỉ khi trong bóng tối, máu mới báo hiệu sự an bình, còn khi đã lộ thể, gặp ánh sáng, máu là biểu tượng của đau thương, chết chóc. Khoái cảm về máu khi xuất thế, vì thế là khoái cảm về cái ác. Trong Nhụy khúc, Đinh Phương đã cho nhân vật (có thể là Trang) bộc lộ những khoái cảm về máu qua những suy nghĩ, tưởng tượng điên loạn về cảnh bố chém giết mẹ và mình: “Máu đỏ vấy. Máu đỏ gặp mưa nở bung đẹp như hoa hồng. Ban đầu chum chúm nở, đỏ thẫm. Về sau nhạt dần, hoa hồng nở bung cánh rồi tàn. Máu của mình và mẹ bị mưa nuốt chửng… Máu chảy hết có mưa chảy ngược lại thay máu? Máu thành mưa…” Đây có thể coi là đoạn văn đẹp và quan trọng nhất trong Nhụy khúc. Khoái cảm về máu của Trang là một “định nghĩa” mới về cái ác. Con người hóa ra khi ác nhất lại là lúc ác với chính bản thân mình chứ không phải với người ngoài. Dương Tử từng viết “bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã” để nói lên bản tính “quý sinh”, “trọng thể” của loài người. Con người khi đã không quý bản thể của mình, bình tĩnh ngắm nhìn cái chết của mình và người cho mình sự sống, hẳn phải duy ác.

Khoái cảm về cái ác được Đinh Phương đẩy cao hơn trong Nắng Thổ Tang, khoái cảm của một đao phủ khi lấy mạng người. Với cai Công, và đặc biệt là cai Long, sự nghiệp tiễn người xuống âm phủ đem lại cho họ những khoái cảm sung sướng như chính họ tự nhận: “Ác là khoái cảm. Giết người là khoái cảm. Giết người cũng giống ngủ với đàn bà.” Việc giết người với họ là một hành trình đi đến cái tận khoái của đời người. Khoái cảm từ lúc tập luyện với động vật, rồi đến khi chính thức bắt tay vào việc. Và nỗi sợ, nỗi lo lắng, day dứt trong họ khi nghĩ về nghề, nghĩ về những con người mình đã giết trớ trêu thay, nhạo báng thay không phải là sự động đậy, day dứt của lương tâm thức tỉnh mà lại là những thứ gia vị làm tăng khoái cảm như lời kết cuốn tiểu thuyết: “Chắc chắn do bàn tay mình gây ra, mình biết chứ, mình cũng sợ nhưng nỗi khoái cảm thì vẫn còn nguyên.”

Miêu tả cái ác như một khoái cảm, phải chăng Đinh Phương đang cố tình đi ngược lại những giá trị truyền thống của văn học? Thiết nghĩ, quy luật cuộc sống đã chỉ ra càng có nhận thức đúng đắn về bản chất của sự vật, chúng ta càng không để những điều xấu xa xảy ra. Một nhận thức đúng đắn về cái ác sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi cái ác.

3. Lịch sử là cái bất khả tri, bất khả tín

Mặc dù không chú tâm miêu tả nhưng lịch sử cũng là một dòng chảy xuyên suốt trong tiểu thuyết Đinh Phương. Câu chuyện về nghĩa quân Yên Bái bị hành hình và những “truyền kì” xung quanh cuộc đời lãnh tụ Nguyễn Thái Học cùng tổ chức ám sát của Việt Nam Quốc dân Đảng, chiến thắng năm 1954 cùng những dư ba của nó mà điển hình là phong trào rước Chúa vào Nam cứ trở đi trở lại từ Nhụy khúc đến Nắng Thổ Tang. Lịch sử là câu chuyện của quá khứ, đồng thời cũng là câu chuyện của hiện tại. Ngẫm đời xưa để nói đời nay. Đó là đường đi và cũng là sứ mệnh của tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử, như nhiều sử gia uy tín đã nhận định, có nhiều quan niệm, nhiều “cách làm” khác nhau, mà dùng văn chương để bàn về lịch sử cũng là một phương thức hữu ích. Cái cách Đinh Phương bàn về lịch sử qua văn chương có thể gói gọn trong câu mở đầu phần 17 của Nhụy khúc: “Có lịch sử nằm trong lịch sử mà chúng ta không bao giờ biết đến.” Quan niệm ấy được triển khai thành những câu chuyện lịch sử trong Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang. Trên cái trục “chính sử” về sự kiện cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại nói riêng và cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc nói chung, Đinh Phương đã dựng nên những lịch sử khác. Bạn đọc sẽ bắt gặp trong hai cuốn tiểu thuyết lịch sử của con người, lịch sử của thị trấn, lịch sử của những chuyến đi, lịch sử của đất nước… Tất cả những lịch sử ấy đều quyện trong bầu không khí mơ hồ, lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại, không rõ hư thực và không bao giờ có lời giải đáp chính xác, rõ ràng. Những người lính Pháp tham gia cuộc viễn chinh xâm lược Việt Nam vì sao chết, vì sao mất tích, cả những người chứng kiến sự mất tích ấy nữa? Những tên phản gián trong hàng ngũ giai cấp công nhân ở Mạo Khê có số phận thế nào?... Tất cả các vấn đề, các câu chuyện, số phận con người đều bỏ ngỏ, không có lời giải đáp. Những điều ấy, theo Đinh Phương cũng lại là lịch sử, như hay lời nhận định của “tôi” khi biết quá khứ bất hảo của ông nội mình trong Nắng Thổ Tang: “Lịch sử chưa hẳn đúng, lịch sử mờ ảo, biến hóa… Thời gian, kí ức luôn luôn thay đổi, a có thể thành b hoặc ngược lại, đi tìm lời giải cho lịch sử kí ức là việc làm không mấy khôn ngoan.” Lịch sử vì thế là cái bất khả tri, không thể biết được.

Và không chỉ bất khả tri, tác giả còn cho rằng lịch sử còn bất khả tín. Giữa tri và tín là một khoảng cách mênh mông. Tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh là những phạm trù ít người thông tuệ, minh triết nhưng vẫn có niềm tin không gì lay chuyển nổi. Lịch sử theo Đinh Phương không “phi lí” như vậy. Đã không hiểu thì khó có thể tin. Cái bất tín về lịch sử được biểu hiện qua những nghi hoặc về những yếu tố tạo thành nó. Lịch sử tạo thành hoạt động của con người, nhưng con người trong tiểu thuyết Đinh Phương như Vũ, Trang (Nhụy khúc), Hòa, ả lơ xe (Nắng Thổ Tang) luôn phân vân, dằn vặt về việc liệu mình có thật sự tồn tại: Mình là bóng, hay bóng là mình. “Đứng trước Vũ là Vũ. Một Vũ giống Vũ đang đứng ngoài gõ cửa. Một Vũ mặc áo sơ mi kẻ sọc xanh, quần bò, giày vải đen, đeo kính. Một Vũ thảng thốt nhìn người đối diện mình như nhìn vào tấm gương không được báo trước…, cả hai đều thảng thốt với sự xuất hiện của nhau.” “Mẹ là con người của các miền bí ẩn cũ kĩ, mình sinh ra giống mẹ. Cả cuộc đời là các câu hỏi và tìm kiếm. Đến chết cũng vẫn tìm.” Lịch sử được tạo nên bởi không gian và thời gian. Không có không - thời gian, lịch sử sẽ không tồn tại. Những nghi ngờ về không - thời gian của Trang khi ở trong căn phòng đặc biệt cũng chính là những nghi ngờ về lịch sử: “Căn phòng này không có đồng hồ. Nơi đây không có thời gian thì đồng hồ nếu có cũng thành vô ích. Nhìn có vẻ như mọi thứ vẫn đang trôi nhưng thực ra chẳng có gì trôi cả. Tất cả đứng im một chỗ, chúng ta thì tất nhiên không đứng im, vẫn di chuyển được.”

Nhụy khúc và Nắng Thổ Tang chỉ là những bước khởi đầu trên con đường văn chương của Đinh Phương. Nhà văn này sẽ còn tiến xa. Vì tuổi trẻ, hẳn nhiên, và vì nội lực bản thân.

_________

1. Các trích dẫn trong bài viết lấy từ Nhụy khúc (Nxb Hội Nhà văn, 2016) và Nắng Thổ Tang (Nxb Hội Nhà văn, 2021).

Đoàn Minh Tâm

Nguồn Văn nghệ số 13/2024


Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương