Văn hóa nghệ thuật

Mỹ thuật đương thời Việt ra thế giới câu chuyện nghệ sĩ và thị trường

Phạm Minh Quân
Mỹ thuật
07:30 | 06/02/2025
Baovannghe.vn - Những thành công lẫn thách thức mà nghệ sĩ Việt Nam phải đối mặt đã góp phần hình thành một bức tranh đa diện về thị trường nghệ thuật hiện nay.
aa

Sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt trong hơn ba thập kỷ qua là một minh chứng cho khả năng cách tân và hội nhập quốc tế của nghệ sĩ Việt. Từ những giai đoạn ban đầu đầy thử thách sau Đổi mới, đến việc nghệ sĩ cùng tác phẩm dần được công nhận trên thị trường quốc tế, mỹ thuật Việt Nam đang từng bước “tiến ra biển lớn” trong bức tranh nghệ thuật toàn cầu.

Năm 1986, bối cảnh thị trường nghệ thuật ở Việt Nam còn rất hạn chế và các nghệ sĩ phải tìm cách sáng tạo (“cái khó ló cái khôn”) để tiếp cận người mua và thực hiện giao dịch. Có một giai thoại vui, rằng người mua và người bán phải trao đổi tác phẩm trong điều kiện bí mật, không công khai và không chính thức. Họ có thể đồng ý hẹn nhau đến một quán café, họa sĩ mang theo tác phẩm và giả vờ bỏ quên trên bàn. Trên bàn này, một phong bì tiền đã được người mua để sẵn như là phương tiện thanh toán gián tiếp. Một sự “cầm nhầm” thật có chủ ý.

Ngoài ra, vào thời điểm đó, một số thể loại nghệ thuật đã trở nên rất phổ thông ở phương Tây như tranh khỏa thân, tĩnh vật và trừu tượng vẫn bị cấm hoặc không khuyến khích trưng bày. Những hạn chế này khiến nghệ sĩ phải tìm kiếm những cách tiếp cận tinh tế và thận trọng để duy trì hoạt động sáng tạo và phát triển thị trường cho tác phẩm của mình.

Phần lớn họa sĩ khi ấy đều thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, theo một con đường tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật, rồi làm ở Công ty Mỹ thuật Trung ương hay ty văn hóa địa phương nào đó. Không gian triển lãm duy nhất lúc bấy giờ để họ có thể trưng bày là tại Nhà triển lãm 16 phố Ngô Quyền, một địa điểm do Nhà nước quản lý. Song song tồn tại là một số địa điểm tụ họp tề tựu của giới văn nghệ sĩ, những không gian không chính thức kiểu salon, đóng một vai trò không nhỏ trong việc kiến tạo nên một giới (scene) và cộng đồng nghệ thuật. Các gallery tư nhân chưa được phép hoạt động cho đến khoảng năm 1990-1991. Đây đồng thời là thời điểm của chính sách Mở cửa.

Mỹ thuật đương thời Việt ra thế giới câu chuyện nghệ sĩ và thị trường
Ảnh minh họa. Nguồn: Le Auction

Từ sau Đổi mới (1986), mỹ thuật Việt Nam thực sự đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, không còn phụ thuộc vào các hệ thống mỹ thuật chính thống mà mở rộng phong cách và phương tiện biểu đạt. Một thế hệ các họa sĩ mới thuộc mọi lứa tuổi, sáng tác độc lập, có thể sống được bằng nghề của chính mình mà không phụ thuộc biên chế một cơ quan đơn vị nhà nước nào cả. Các nghệ sĩ bắt đầu khai thác các yếu tố từ văn hóa phương Tây và quốc tế, từ hội họa lập thể, dã thú đến nghệ thuật sắp đặt, trình diễn và đa phương tiện. Sự cởi mở này cho phép nghệ sĩ Việt thâm nhập vào các triển lãm và sự kiện quốc tế, đồng thời góp phần hình thành thị trường nghệ thuật nội địa.

Từ năm 1990, các nghệ sĩ Việt Nam đã được mời tham gia trưng bày tác phẩm tại nhiều triển lãm nghệ thuật quốc tế ở các quốc gia như Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Úc, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan. Tài năng nghệ thuật của họ, cũng như tính độc đáo đến từ thể tài mang bản sắc văn hóa Việt, nhận được sự đánh giá cao từ giới nghệ thuật quốc tế. Cũng từ thời điểm này, thị trường giao dịch nghệ thuật bắt đầu phát triển với sự gia tăng của các nhà sưu tập nước ngoài tới Việt Nam để mua tranh tại chỗ và mời các nghệ sĩ trong nước tham dự các triển lãm ở nước ngoài.

Chính sách Mở cửa còn có một vai trò quan trọng trong sự tư nhân hóa thị trường mỹ thuật, hay sự phát triển của khu vực tư nhân trong nghệ thuật. Trước đó, thị trường nghệ thuật chủ yếu phụ thuộc vào các tổ chức nhà nước và Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong khi các nghệ sĩ sáng tác theo định hướng của nhà nước với những hạn chế về chủ đề và phong cách. Song, Đổi mới đã tạo điều kiện cho sự mở cửa về kinh tế và tư tưởng, dẫn đến sự nở rộ của các hoạt động nghệ thuật do tư nhân điều hành và quản lý. Nhờ sự thay đổi này, khu vực tư nhân đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ, với sự ra đời của các phòng trưng bày tư nhân và các không gian nghệ thuật độc lập.

Bên cạnh đó, là sự chuyển biến của giá trị kinh tế, hay giá trên thị trường của tác phẩm. Trước năm 1990, hiếm có họa sĩ nào bán được tranh của mình với giá trên 1.000 đô la. Từ đầu năm 1992, giá tranh Việt Nam tăng vọt đáng kể do phẩm chất riêng biệt của mình. Mức giá khoảng 3.000 đô la cho một bức tranh trở nên khá phổ biến. Ngày nay, tác phẩm hội họa Việt đã có sự thăng tiến phi mã về mặt giá trị, không chỉ ở trong nước mà còn ở trường quốc tế.

Có một thực tế là tranh Đông Dương nắm giữ vị trí thống ngự. Chân dung cô Phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ được “gõ búa” với giá 3,1 triệu đô tại nhà đấu giá Sotheby’s, tác phẩm này hiện giữ kỷ lục là bức tranh đắt nhất của nghệ sĩ Việt Nam từng được bán. Tam liên họa Những dáng hình trong khu vườn của Lê Phổ được bán với giá 2,29 triệu đô tại Sotheby’s Hong Kong vào tháng 4/2022, trước đó tác phẩm Khỏa thân cùng tác giả được bán với gần 1,4 triệu đô tại Christie’s Hong Kong vào tháng 5/2019. Bức tranh lụa Những cô thợ may của Nguyễn Phan Chánh đã được bán với giá 1,39 triệu đô tại Christie’s vào tháng 12/2020.

Mặc dù vậy, các tác phẩm nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường nghệ thuật toàn cầu. Một số cái tên nổi bật như Danh Võ, Lê Quang Đỉnh và Nguyễn Phương Linh đã tham gia các triển lãm và sự kiện quốc tế danh giá, từ Venice Biennale đến các cuộc triển lãm tại New York và London. Giá trị của các tác phẩm nghệ thuật đương đại Việt Nam thường dao động, nhưng nhờ vào các triển lãm và sự công nhận quốc tế, giá bán của chúng đang có xu hướng cải thiện. Một số tác phẩm từ các nghệ sĩ nổi tiếng đã được bán với giá từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn đô.

Tuy nhiên, luôn tồn tại câu hỏi đặt ra về một thị trường nghệ thuật chính thức và chuyên nghiệp ở Việt Nam, xoay quanh những vấn đề như cơ chế định giá, thiếu hụt các chuyên gia nghệ thuật hay thẩm định viên, hay có một biên độ điều chỉnh về giá hay không, tiêu chí nào để định giá nghệ thuật? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phải hiểu về bản chất của tác phẩm lẫn thị trường nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là một hàng hóa đặc thù, ngoài giá trị vật chất, nó còn bao hàm các giá trị trừu tượng như nội tại, tinh thần, biểu tượng, tâm lý, văn hóa - lịch sử, thương hiệu… mà phần nhiều giá trị cao được ước tính dựa trên những giá trị khó định lượng này.

Thị trường nghệ thuật là một thị trường đặc thù, bởi ở nhiều quốc gia và ngay cả Việt Nam, các phòng trưng bày nghệ thuật và đại lý là các doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc phải báo cáo doanh số và lợi nhuận, nên không thể biết được quy mô chính xác.

Thị trường nghệ thuật được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Ở thị trường sơ cấp, chỉ có các tác phẩm nghệ thuật mới sáng tác được bán. Các nghệ sĩ cung cấp các tác phẩm mới cho các đại lý, những người chào bán các tác phẩm. Các đại lý công khai trưng bày các tác phẩm và quảng bá cho các nghệ sĩ của họ thông qua các chiến dịch quảng cáo và truyền miệng. Đổi lại, họ thường giữ lại một tỷ lệ phần trăm đáng kể trong giá bán (hoa hồng) khi các tác phẩm được bán.

Còn ở thị trường thứ cấp, các tác phẩm nghệ thuật đã mua trước đó được người tiêu dùng mua và bán, thông qua đấu giá hoặc thông qua các đại lý nghệ thuật. Những người sáng tác ban đầu, tức các nghệ sĩ, không còn là bên tham gia vào các giao dịch đó nữa, và vì vậy, không còn được hưởng lợi nhuận từ việc bán. Thị trường thứ cấp được nhận định là minh bạch hơn thị trường sơ cấp, và là khuynh hướng chuyển dịch tất yếu.

Những thành công lẫn thách thức mà nghệ sĩ Việt Nam phải đối mặt đã góp phần hình thành một bức tranh đa diện về thị trường nghệ thuật hiện nay. Để tiếp tục phát triển và mở rộng hơn nữa, cần có sự kết hợp giữa nỗ lực cá nhân của nghệ sĩ, hỗ trợ từ các tổ chức nghệ thuật và cả chính sách phù hợp về phía nhà nước. Trên hết, sự kiện toàn thị trường trong nước sẽ là tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của nghệ thuật Việt trên trường quốc tế.

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Mưa bụi rắc. Mùa xuân còn ngỏ/ Vai anh gầy. Vuông ý nghĩ em
Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.
Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Baovannghe.vn- Mẹ nghén thai con/ Câu ví ru từ trong trứng nước
Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Độc đáo lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025

Baovannghe.vn - Với thông điệp “Hà Nội - Đến để yêu”, điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội năm 2025 sẽ được diễn ra từ ngày 11 - 13/4.
Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Văn học nghệ thuật Công an Nhân dân 50 năm sau ngày thống nhất đất nước

Baovannghe.vn - Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật CAND trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước”.