Diễn đàn lý luận

“Nam hành...” cùng Bùi Quang Thanh

Tác phẩm và dư luận
08:37 | 03/06/2024
Tôi “quen biết” nhà thơ Bùi Quang Thanh trước khi trực tiếp gặp gỡ anh. Ấy là khoảng cuối năm 1996, tôi đọc được bài thơ Hạt đắng của anh in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ kể câu chuyện hơn hai mươi năm trước đó, anh cùng một số đồng đội từ chiến trường Tây Nguyên được ra Hà Tĩnh nghỉ dưỡng.
aa

Tôi “quen biết” nhà thơ Bùi Quang Thanh trước khi trực tiếp gặp gỡ anh. Ấy là khoảng cuối năm 1996, tôi đọc được bài thơ Hạt đắng của anh in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bài thơ kể câu chuyện hơn hai mươi năm trước đó, anh cùng một số đồng đội từ chiến trường Tây Nguyên được ra Hà Tĩnh nghỉ dưỡng.

Các anh được bố trí ở trong nhà một bà cụ chuyên buôn bán lạc giống, một cái nghề thời đó được coi như “gian thương”. Với tâm lý đó, anh và mấy đồng đội đã vài lần móc trộm chum lạc giống của bà cụ để cải thiện, khiến chum lạc giống bị mốc mà bà cụ không biết, vẫn bán cho bà con làm giống. Kết quả là vụ lạc ấy cả làng trắng tay và bà cụ phải chịu nỗi oan ức nghiệt ngã...

Hơn hai chục năm sau trở lại ngôi làng ấy, bà cụ đã quy tiên, nhưng câu chuyện do dân làng kể lại khiến anh bàng hoàng hối hận. Bài thơ Hạt đắng ra đời với những lời day dứt xót xa:

Chết trong Mẹ niềm tin gieo hạt giống

Sống trong con hạt đắng chẳng nguôi tan

Bao mùa lạc đời vẫn dâng sức sống

Con cúi đầu, hồn trắng một vành tang...

Những “hạt đắng” trong bài thơ mang những thông điệp đắng đót của cuộc sống, của nhân tình, nhân sinh, nhân loại... Từ ấn tượng một bài thơ, tôi thân quen với Bùi Quang Thanh, nhà thơ đã xuất bản 7 tập thơ riêng, đã được trao 4 giải thưởng của các cơ quan văn nghệ Trung ương và địa phương... Thơ anh đa cảm, đa tình, nhân hậu, buồn vui chân thành mộc mạc. Nhà văn Đức Ban, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Tĩnh khẳng định: “Nói tới các nhà thơ đương đại miền Trung, không thể không kể tên Bùi Quang Thanh.”

Vào một ngày đầu Xuân 2024, tôi được đọc tập sách mới nhất của Bùi Quang Thanh, nhưng không phải thơ, mà là tập Nam hành ký sự do Nxb Nghệ An ấn hành, chọn lọc những tác phẩm văn xuôi của anh trong cuộc đời làm báo hơn hai chục năm qua. Kể ra thì từ thời cầm súng ở chiến trường Tây Nguyên trước năm 1975, Bùi Quang Thanh đã viết văn xuôi, nhưng phải đến cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” trở đi, khi đã thấm những “hạt đắng” của cuộc đời, anh mới chú tâm hơn với những ghi chép đậm chất báo chí để “trả nợ” như anh từng giãi bày: “Tôi nợ ký ức, nợ đồng đội, nợ những người thân thích, nợ bè bạn và nợ những người đã mất... Mỗi lần gặp lại đồng đội, gặp lại mảnh đất chiến trường xưa... là ký ức lại thức dậy, với biết bao kỷ niệm buồn vui, biết bao nỗi đớn đau khắc khoải...”

Đọc Nam hành ký sự, thấy rõ cái tâm trạng “mắc nợ - trả nợ” luôn ám ảnh, câu thúc tác giả. Tập sách gồm 42 tác phẩm, chủ yếu là bút ký, thì quá nửa là những bài viết về đồng đội, về chiến tranh và những vấn đề của thời “hậu chiến”. Đó là những tác phẩm mà đồng đội của anh cùng những bạn bè, người thân của anh, người còn sống và người đã khuất đều thức dậy, chân thật, sinh động, hào hùng và đớn đau, xa xót qua từng con chữ. Bút ký Sâu nặng nghĩa tình kể về quá trình tác giả đi tìm mộ người chú ruột liệt sĩ, được chính quyền và nhân dân Bình Định hết lòng giúp đỡ. Câu chuyện “thân quen” của đồng chí bí thư huyện ủy ở Hoài Ân với một nữ liệt sĩ đồng hương và là bạn học của tác giả là phát hiện tình cờ, nhưng lại mang một thông điệp lớn về những cảnh ngộ, những hi sinh to lớn của đồng chí đồng bào trong kháng chiến cứu nước. Bút ký Người anh hùng của chúng tôi kể về những hi sinh và chiến công của một người lính xứng danh “anh hùng” trong kháng chiến, nhưng lại gợi nên một thời đất nước chật vật khó khăn sau chiến tranh, người lính vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi hi sinh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất người lính vẫn tỏa sáng, ông vẫn là một người anh hùng dẫu phải chịu “tai bay vạ gió”. Cùng mạch suy tưởng này là những bút ký, ghi chép xúc động, như: Những hạt giống đỏ; Đến hẹn lại lên; Một thời xẻ dọc Trường Sơn; Người trong ký ức; Tướng sáu sao; Xe tăng 337 và những anh hùng chưa được tôn vinh v.v...

Những bài viết trên đây cho thấy Bùi Quang Thanh không chỉ là một cựu chiến binh nặng tình đồng đội, mà còn là một nhà văn-nhà báo đầy trách nhiệm công dân, một tác phong làm việc cẩn trọng và khoa học. Rất nhiều bài viết trong tập sách cung cấp cho bạn đọc nhiều chi tiết-sự kiện lịch sử khá tin cậy, như: Trung đoàn 9 đánh chiếm Đồng Dù; Buôn Ma Thuột - chìa khóa vàng mở cổng mùa xuân; Đồng Lộc - ký ức và hiện tại; Lưỡi tầm sét trên sân bay Đà Nẵng... Đặc biệt, Xe tăng 337 và những anh hùng chưa được tôn vinh là một thiên phóng sự nhiều kỳ với hơn 30 trang sách, đề cập nhiều vấn đề của lịch sử; từ chiến dịch Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972 đến trận đấu xe tăng “1 chọi 10” đã được ghi vào giáo trình huấn luyện của bộ đội Tăng Thiết giáp... Vậy mà đến nay nhiều danh tính vẫn chưa rõ ràng, nhiều danh hiệu vẫn chưa được tôn vinh. Hoặc như bút ký Đến hẹn lại về kể về những cuộc hội ngộ của lứa tân binh huyện Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh nhập ngũ ngày 27-7-1968. Ngày lên đường là 151 chàng trai, ngày hội ngộ chỉ còn 18 người với 18 số phận không suôn sẻ, nhiều người còn thiệt thòi về chế độ chính sách vì muôn vàn lý do khác nhau...

Bên cạnh mảng đề tài về chiến tranh-người lính và những vấn đề “hậu chiến” trên đây, tập Nam hành ký sự còn có những bút ký, du ký, ghi chép... về vẻ kỳ thú của cảnh vật của thiên nhiên và cuộc đời, những sự kiện chính trị-xã hội ấn tượng; cùng những cảm tưởng, suy nghĩ về những con người tử tế, tình nghĩa, nhân ái... Bùi Quang Thanh ghi chép tỉ mỉ về cơn bão Xangsane, cơn cuồng nộ thế kỷ năm 2006 của thiên nhiên, nhưng cũng là lời cảnh báo đầy thuyết phục về sự tàn phá môi trường của chính con người đã góp phần gây nên thảm họa. Tiếng chim rừng Bạch Mã là tác phẩm tiếp nối mạch tình cảm yêu quý thiên nhiên của tác giả. Làng dưới chân núi Chư A Thai là cái nhìn trìu mến đối với cảnh sắc và con người miền núi. Tản mạn Vũ Quang viết về một huyện miền núi giàu truyền thống võ công của Hà Tĩnh được thành lập vào những năm đầu của thế kỷ 21. Hương rừng ngọc đất; Lúa thơm lấp ló; Hội An - di sản tình người; Đi trên những nhịp cầu buồn; Ngang trời lũ cuốn; Những người cất giữ báu vật của vua Hàm Nghi... là chùm bài trăn trở về những miền quê còn muôn vàn khó khăn đang trăn trở vươn lên, để xứng đáng là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và giàu tiềm năng phát triển.

Ở mảng đề tài nào Bùi Quang Thanh cũng đều viết bằng ngòi bút dạt dào cảm xúc, sâu nặng nghĩa tình của một nhà thơ, nhà báo nhạy cảm, sắc sảo. Tác giả luôn có những cảm nhận tinh tế, sâu sắc, có tính khái quát cao: “Mỏi chân, hết tiền mà chưa đi được là bao dù diện tích quốc đảo chỉ bằng một huyện của Thành phố Hồ Chí Minh thôi. Có cảm tưởng cả đất nước này là một cái chợ khổng lồ: bầu trời, mặt biển, lòng đất... với đủ thứ chợ treo, chợ nổi, chợ chìm, chợ di động và cả đảo quốc Sư tử này là một cái máy vắt túi khổng lồ, cực kỳ tinh xảo, hoạt động không ngưng nghỉ...” (Nam hành ký sự). Nhiều trang văn của Bùi Quang Thanh lãng đãng, bâng khuâng: “Với rừng rậm núi cao, khí hậu ẩm ướt, rừng ở Phia Oắc cây cối đan dày lớp lớp như tựa vào nhau để chống lại tuyết lạnh và gió gào. Cây gỗ ở đây hầu hết có thân to, lùn và cổ quái rêu phong. Hình như chẳng loài cây nào dại dột vống cao lên để hứng gió bão và lạnh giá…” (Hương rừng ngọc đất). Lại có những trang viết “gay cấn, kịch tính” rất quyết liệt, như khi anh tả cơn thịnh nộ của của một gã đàn ông vũ phu nát rượu: “Ông Cương vùng lên, con dao khua túi bụi. Lam để mẹ ngồi bên bếp chạy tới can bố. Một nhát dao của ông Cương bập xuống, lạnh cả cánh tay cô con gái, máu phun ra nền nhà. Lam hét lên: “Mẹ ơi, bố chặt đứt tay con rồi!” Bà Mi ngồi bất động bên bếp lửa chờ một nhát dao của ông Cương bổ xuống đầu, xuống gáy mình. Bà tin ông ta sẽ làm như vậy nên không có phản ứng gì nữa. Bà căm gan chờ đợi. Khi tiếng thét của Lam và những tia máu từ tay con gái tuôn xuống, đột nhiên bà đứng bật dậy. Tay trái treo lủng lẳng trước ngực, cánh tay phải còn nguyên lành của bà vớ lấy thanh củi đang cháy dở, bà phang mạnh vào đầu ông Cương bằng một sức mạnh tuyệt vọng... (Bản Mán bảy nhà).

Gần nửa thế kỷ cầm bút, Bùi Quang Thanh đã tạo dựng được một giọng thơ trữ trình đầy day trở trước những “hạt đắng” của cuộc đời. Với Nam hành ký sự, Bùi Quang Thanh lại thể hiện một giọng văn xuôi trầm tĩnh, sâu lắng, trí tuệ, ăm ắp chất liệu báo chí kết hợp nhuần nhuyễn với sự tinh tế kín đáo của văn chương. Đó là một hành trình sáng tạo bền bỉ và lao động nghệ thuật nghiêm túc, bộc lộ những phẩm chất đáng quý của một nhà thơ, nhà báo đã được tôi luyện trên chiến trường và trong cuộc đời. Xin chúc mừng và tiếp tục chờ đợi những trang viết mới của anh!

Mai Nam Thắng

Nguồn Văn nghệ số 21/2024


Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.