Số liệu được đưa ra tại buổi làm việc rà soát lại “Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2024” với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn NSND Nguyễn Xuân Bắc vừa qua cho thấy, 12 Nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục.
Ghi nhận từ báo cáo cho thấy, một số nhà hát đã vượt kế hoạch dự kiến, đạt được những thành tích đáng mơ ước như: Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch của cả năm 2024. Đặc biệt, từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi ngày đều đặn biểu diễn 3 show phục vụ khách du lịch. Dù địa điểm không thuận lợi, nhưng Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn tổ chức thành công 150 buổi diễn…
12 Nhà hát trực thuộc Bộ VHTT&DL đã có những bước chuyển mình đầy ngoạn mục. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ngoài sự thành công của Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát múa rối Việt Nam cũng có những bước chuyển ngoạn mục, gần 50 nghệ sĩ thuộc ba đoàn của Nhà hát Múa rối Việt Nam hiện đang hoạt động sôi nổi tại các sân khấu cố định như 361 Trường Chinh (Hà Nội), Không gian Văn hóa Việt 79 Hàng Trống (Hà Nội), À Ơi Theater tại thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc, Kiên Giang), sân khấu tại Bà Nà Hills và Công viên châu Á. Với hơn 1.000 suất diễn tính đến thời điểm hiện tại, đây là con số kỷ lục đáng ghi nhận trong lịch sử hoạt động của Nhà hát.
Bên cạnh đó, sự năng động của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng để lại dấu ấn khi liên tục ra mắt các chương trình mới phục vụ thanh thiếu niên. Trong năm 2024, nhà hát đã dựng bốn vở diễn mới thuộc dự án Mùa hè yêu thương 2024, gồm: Bữa tiệc của Elsa, Vị vua không ngai, Zorba - chú mèo thám tử và Giải cứu bà nội. Nhà hát còn mạnh dạn điều chỉnh khung giờ diễn vào 20h thứ Bảy và 15h Chủ nhật, giúp phụ huynh và các khán giả nhí dễ dàng sắp xếp thời gian thưởng thức nghệ thuật.
Cũng góp phần làm cho đời sống nghệ thuật sôi động, Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, đã bán được 350 vé mỗi suất diễn tại rạp Hồng Hà. Dù phối hợp với một công ty tổ chức sự kiện, nhưng đây là bước ngoặt quan trọng sau nhiều năm nghệ thuật Tuồng quay trở lại với hình thức bán vé trực tiếp. Không ít khán giả đã tỏ ra bất ngờ, thích thú khi được thưởng thức những vở tuồng đặc sắc, đậm chất truyền thống ngay giữa lòng Thủ đô.
Chia sẻ về những kế hoạch tiếp theo, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Nhờ quảng bá trên TikTok và Facebook, chương trình Hà Nội trong trái tim tôi tổ chức tháng 10 đã bán hết sạch vé, phần lớn khán giả là thanh niên. Đơn cử như clip giới thiệu tiết mục Đu nón 4 nữ chỉ dài một phút nhưng đã thu hút hàng triệu lượt xem, cho thấy sức mạnh của truyền thông số trong việc lan tỏa nghệ thuật”.
Bên cạnh những thành tựu được ghi nhận, các nhà hát vẫn đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực trong lĩnh vực sân khấu truyền thống. Một số nhà hát như Nhà hát Cải lương Việt Nam, hiện vẫn chưa có rạp diễn cố định cho thấy nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, đang gặp phải nhiều thách thức như thiếu sự quan tâm của khán giả trẻ, hạn chế về cơ sở vật chất và nguồn ngân sách, cùng nhu cầu cấp thiết trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Trước những thuận lợi và khó khăn của nhệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, năm 2025 sẽ là dịp kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như: 95 năm thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2025); 50 năm Giải phóng miền Nam (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025). Vì vậy, các nhà hát cần chuẩn bị những chương trình nghệ thuật tầm cỡ, mang tính biểu tượng để phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Đồng thời, thứ trưởng cũng đề xuất hướng giải quyết, với một số nhà hát đang thiếu biên chế, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu biểu diễn nghệ thuật thì cần có kế hoạch xin thêm biên chế và kiện toàn nhân lực để không bị thiếu hụt, đảm bảo chất lượng biểu diễn. Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cần duy trì đều đặn các liên hoan, cuộc thi định kỳ của tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó chú trọng tới các loại hình như xiếc, múa... để anh chị em nghệ sĩ không bị thiệt thòi vì tuổi nghề của các loại hình nghệ thuật này rất ngắn. Việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan ở khu vực nào cũng cần lên sớm để các tỉnh, thành phố có kế hoạch phối hợp cụ thể…