Tưởng tượng vào một buổi sáng năm 2021, bạn thức dậy trong tiết trời mát mẻ của Sài Gòn tháng 11, bỗng có một tin nhắn từ người quen nói rằng tranh của bạn đang được bán dưới dạng NFT trên một sàn giao dịch nào đó. Bạn tự hỏi, thế quái nào mà điều đó lại có thể diễn ra? Tác phẩm của bạn đang nằm vật vã trong kho, chẳng ai thèm đụng tới? Bạn tức tốc kiểm tra thông tin của giao dịch đó và xác nhận rằng tác phẩm của bạn dưới định dạng NFT đã được bán với mức giá quy đổi xấp xỉ 1.000 đô. Không dừng lại ở đó, những người bạn xung quanh cũng có những tác phẩm đang bị rao bán, thật may mắn khi chưa có thêm giao dịch nào xảy ra.
Gượm đã, nhưng NFT là gì? - Và vậy thì giá của nó là bao nhiêu? NFT (Non-Fungible Token) là một loại tài sản kỹ thuật số đại diện cho quyền sở hữu hoặc chứng nhận tính độc nhất của một vật phẩm, thường là một tác phẩm nghệ thuật, video, âm nhạc, hoặc các vật phẩm kỹ thuật số khác. “Non-Fungible” có nghĩa là không thể thay thế, tức là mỗi NFT là duy nhất và không thể trao đổi trực tiếp với các NFT khác theo cách giống hệt như tiền tệ hoặc các tài sản khác có thể thay thế được. Vào năm 2021, Beeple, nghệ sĩ kỹ thuật số, bán tác phẩm “Everydays: The First 5000 Days” với giá 69 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s. Vì thế, “quả chuối dán băng keo” của nghệ sĩ người Ý Maurizio Cattelan trông khá là… rẻ mạt.
Quay trở lại câu chuyện, bạn ngay lập tức dùng một ít suy luận, cộng với tài “thám tử mạng”, đã truy ra được cách thức và kẻ trộm đằng sau vụ việc. Nói về cách thức, kẻ này chỉ cần tải hình ảnh tác phẩm với chất lượng kém từ mạng xã hội của bạn, sau đó mã hóa, đem lên sàn và bán được một số tiền khá lớn so với một ít sức lao động vừa bỏ ra. Bạn liên hệ với kẻ trộm ấy, hi vọng có thể “burn” (xoá) NFT ấy đi, nhưng thất bại. Bạn chỉ còn cách đe dọa sẽ “bóc phốt” trên mạng xã hội, và bạn đã làm như vậy. Vào thời điểm ấy, NFT đang là cơn sốt, vấn đề bị đánh cắp tác phẩm xảy ra như cơm bữa. Khi bị “chôm” tác phẩm, việc đầu tiên mà nghệ sĩ sẽ làm là… la lên?!
Sau khi “bóc phốt”, các đơn vị truyền thông đã vào cuộc. Thú thực, bạn cũng có một chút lợi ích truyền thông từ sự việc không mong muốn này. May mắn thay, “kẻ trộm” ấy cũng đã nhận lỗi và trả lại cho bạn một số tiền đền bù cho vụ việc. Tất nhiên bạn vẫn mong muốn tác phẩm của mình biến mất khỏi thị trường ấy hơn là nhận số tiền bất đắc dĩ này, nhưng bạn không còn sự lựa chọn nào khác. “Kẻ trộm” ấy cũng tiết lộ cho bạn biết rằng thị trường NFT luôn tồn tại những lỗ hổng cực lớn để họ có thể thoải mái hành nghề.
Cũng là một buổi sáng tháng 11, nhưng vào năm 2024, bạn thức dậy trong thời tiết trời trong lành sáng sớm của Sài Gòn. Trong hộp tin của Instagram, một người nước ngoài yêu nghệ thuật nói rằng anh ấy rất thích các tác phẩm của bạn. Không chỉ yêu thích, anh ấy muốn giúp bạn làm giàu bằng cách cùng hợp tác để bán các tác phẩm ấy dưới dạng NFT. Với những lời khen hào nhoáng và những hứa hẹn hoa mỹ, người đàn ông ngoại quốc ấy đã vẽ cho bạn một tương lai tươi sáng với nghệ thuật. Bạn nhẹ nhàng nhấn vào mục “tùy chọn”, chọn “chặn tin nhắn người này”, rồi dậy ăn sáng và cần mẫn thực hành nghệ thuật sau đó.
Thực ra, toàn bộ câu chuyện vừa kể ở trên là của chính tôi, nạn nhân bị ăn trộm tác phẩm bán trên “sàn ảo”. NFT quả thực là một trong những hình thức giao dịch nghệ thuật cực nổi tiếng vài năm về trước, đặc biệt trong thời đại dịch COVID-19. Từ trước đến nay, NFT vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo. Những tác phẩm NFT với giá hàng triệu đô từng gây sốt một thời giờ đã rớt giá thảm hại cùng với sự đi xuống của thị trường tiền ảo. Có thể kể đến như bộ sưu tập NFT trị giá 2.000.000 đô của ca sĩ Justin Bieber chạm đáy với mức giá chưa tới 100.000 đô. Và hàng loạt những vụ lừa đảo lớn nhỏ với số tiền hàng chục triệu đô, đã trực tiếp đưa thị trường NFT chạm đáy. Vẫn còn đó những kẻ lừa đảo tìm mọi cách để vơ vét “vụn bánh” của những nghệ sĩ nhẹ dạ cuối cùng.
Từ vụ trộm nhỏ nhặt mà tôi đã trải qua, hãy thử nhìn lại một vài vụ trộm thú vị đã diễn ra trong lịch sử nghệ thuật. Mở đầu là vụ trộm nghệ thuật lớn nhất trong lịch sử xảy ra tại một bảo tàng ở Boston năm 1990. Vào sáng sớm, ngay sau Lễ Thánh Patrick, một vài tên trộm đã đột nhập vào Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, khống chế các bảo vệ đang canh gác khuôn viên của bảo tàng vào ban đêm. Trong những giờ tiếp theo, bọn trộm đã lấy đi những tác phẩm nghệ thuật có giá trị vô cùng lớn: The Concert (khoảng năm 1664), một trong số 34 tác phẩm của Vermeer còn tồn tại; một bức tranh của Rembrandt vẽ năm 1633; một bức tranh của Manet. FBI cho biết những tác phẩm này, đến nay vẫn còn mất tích, có giá trị lên đến 500 triệu đô la. Vụ trộm này vẫn là một bí ẩn đến ngày nay, tiếp tục thu hút sự chú ý của nhiều người. Có một số giả thuyết cho rằng mafia đã nhúng tay vào, hoặc các bảo vệ là đồng lõa của bọn trộm, hay rằng các tác phẩm này đã bị tiêu hủy?
Đôi khi, một vụ trộm còn là một sự kiện chính trị. Điều này đã xảy ra vào năm 1974, khi các thành viên của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) hợp sức để cướp Rob Russborough House, ngôi nhà ở Ireland của Sir Albert Beit, một chính khách người Anh. Sau khi trói Sir Albert Beit lại, họ đã lấy đi các tác phẩm nghệ thuật với tổng trị giá lên đến 20 triệu đô la, trong đó có các tác phẩm của Johannes Vermeer, Francisco Goya và Peter Paul Rubens. Sau đó họ đe dọa tống tiền và hy vọng sẽ đổi chúng lấy sự tự do của các thành viên IRA đang bị giam giữ vì các vụ đánh bom xe. Bridget Rose Dugdale, con gái của một triệu phú người Anh và là một thành viên của IRA, sau đó bị kết án chín năm tù khi ba bức tranh được phát hiện trong nhà cô. Khi ra tòa, Dugdale đã nhận tội “một cách kiêu hãnh” trước tòa, cho rằng vụ trộm là một cuộc phản đối chống lại mong muốn của Chính phủ Anh “muốn tước đoạt quyền tự do của chúng tôi trong công cuộc đấu tranh cho Ireland và tự do của người dân Ireland.”
Đôi lúc tác phẩm nghệ thuật trong mắt các tên trộm chỉ được quy đổi ra khối lượng đồng nát chúng bán được. Các tác phẩm điêu khắc khổng lồ gồm hàng tấn đồng của Henry Moore đã trở thành nạn nhân cho vụ trộm. Những tên trộm đã chọn mục tiêu là tác phẩm Reclining Figure (Hình Người Nằm); chúng muốn tận dụng thị trường phế liệu đang phát triển nhờ nhu cầu ngày càng tăng từ Trung Quốc. Vào năm 2005, kẻ trộm đã lấy đi tác phẩm điêu khắc ngoài trời trị giá 18 triệu đô la, nặng tới hai tấn, và đang được trưng bày tại quỹ từ thiện của nghệ sĩ ở Hertfordshire, Anh. Động cơ và cách chúng di chuyển bức tượng khổng lồ này khiến các điều tra viên bối rối trong suốt nhiều năm. Sau đó, vào năm 2009, cảnh sát Anh tiết lộ rằng tác phẩm ấy không còn tồn tại nữa. Sau khi tiến hành một loạt cuộc điều tra tại các bãi phế liệu địa phương, họ phỏng đoán rằng các tên trộm đã cắt tác phẩm thành từng mảnh trong đêm, nung chảy chúng và bán đồng với giá 1.500 bảng. Hiện tại, những tên trộm nghệ thuật để bán đồng nát ấy vẫn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ngoài những vụ trộm tác phẩm vật lý ấy, hiện tại nghệ sĩ còn phải đối mặt với một mối đe dọa khủng khiếp hơn, đó là AI (trí tuệ nhân tạo). AI có thể thực hiện các nhiệm vụ của mình và tiếp nhận các kỹ năng mới nhờ học máy (deep machine learning). Vì vậy chúng có thể cóp nhặt và bắt chước tất cả tác phẩm của tất cả nghệ sĩ trên thế giới này miễn là có đủ thông tin. Việc học của AI là không có giới hạn và cũng chưa có một luật lệ nào cụ thể có thể áp dụng lên nó. Thế nên việc bảo vệ nghệ sĩ khỏi việc sao chép đến từ AI dường như là điều bất khả thi, trừ khi bạn sống trong rừng và không tiếp xúc với ai, nhất là mạng internet. Nhưng AI chỉ là một công cụ, những kẻ sử dụng AI để ăn cắp thành quả sáng tạo của người khác mới đáng lên án.
“Những kẻ trộm nghệ thuật không chỉ ăn cắp những tạo vật đẹp đẽ; chúng ăn cắp cả những ký ức và danh tính. Chúng là kẻ cắp lịch sử.” Robert K. Wittman từng nói vậy. Suy cho cùng, đạo chích thời nào cũng có và chúng luôn có những cách thức hành nghề khác nhau trong từng giai đoạn lịch sử. Nhưng các nghệ sĩ hãy nhớ rằng dù cố gắng thế nào thì chúng cũng chỉ có thể lấy đi những gì mà chúng ta đã sản xuất ra, chứ không bao giờ chúng có thể lấy đi khả năng sáng tạo và tư duy của chúng ta được. Vì vậy đừng sợ những tên trộm, vì bạn luôn đi trước chúng hai bước trên con đường sáng tạo.
Tác phẩm “Takotsubo - Hiện Tượng Trái Tim Tan Vỡ” (sơn dầu trên canvas, 130x190cm) của hoạ sĩ Tèo Phạm từng bị ăn cắp và bán trên sàn giao dịch NFT Ảnh: NVCC |