Multimedia

Ngõ hẻm tận cùng. Truyện ngắn dự thi của Vũ Thanh Hoa

Đọc truyện
06:45 | 28/11/2022
Có tiếng đổ rầm của vật nặng rồi tiếng rên rỉ. Chị đoán là một con chó. Cái góc cống nằm tận cùng con hẻm bẩn thỉu và lắt léo này thường tiếp đón những con chó ốm hoặc bị đánh vì ăn vụng vào những buổi khuya khoắt.
aa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Có tiếng đổ rầm của vật nặng rồi tiếng rên rỉ. Chị đoán là một con chó. Cái góc cống nằm tận cùng con hẻm bẩn thỉu và lắt léo này thường tiếp đón những con chó ốm hoặc bị đánh vì ăn vụng vào những buổi khuya khoắt. Kệ, chị cố nhắm mắt. Đêm đông Sài Gòn không rét nhưng vẫn đủ giá lạnh cho người đàn bà cô độc đang tuổi hồi xuân. Đôi mắt vẫn mở chong chong vì cơ mắt chẳng co kéo được hàng mi dày đã bị biến dạng hai mươi năm nay. Hai mươi năm, chị chưa một lần dám nhìn lại khuôn mặt mình. Chị nhớ trước đó, chị đẹp lắm, đẹp mê hồn và lãng đãng... Hai mươi năm, chị chỉ bước ra ngoài khi trời xâm xẩm tối, khi đã trùm kín mặt mày.

Minh họa: Đặng Tiến

Tiếng rên to hơn, như khắc khoải cầu xin, chị nhận ra tiếng người... Khiếp quá! Chị co rúm lại trong chiếc chăn dày, lần này thì nghe rõ: «Hừ hừ... đau quá... cứu tôi, đau quá...». Chị bật dậy hé cửa và giật bắn mình: Một người đàn ông đang quằn quại, máu loang bê bết trên đầu, cổ, ngực...

- Làm sao thế này? - Chị run rẩy hỏi và toan đóng cửa lại.

- Cô ơi, hãy làm ơn... tôi chết mất... Người đàn ông lết tới và túm được đầu gối chị. Chị sợ run bần bật. Chung quanh vắng lặng và tối tăm, lâu lắm rồi chả có ai mò vào tận cuối con hẻm nơi có góc cống bẩn thỉu và căn phòng dột nát của người đàn bà ẩn dật. Bàn tay càng bíu chặt, hình như người đàn ông bật khóc. Chị sẵng giọng:

- Buông chân tôi ra!

- Tôi không hại gì cô đâu, tôi sắp chết rồi, mong cô làm phước cho một con người... Giọng gã đứt quãng và yếu dần. Chị bối rối. Chưa ai “làm phước” cho chị và chị cũng chưa từng “làm phước” cho ai. Cuộc đời chị đong đầy bội bạc. Nhưng giờ chị có thể mặc gã đấy và đóng cửa ngủ lại được không nhỉ? Chị mở cửa, bảo:

- Thôi được. Vào đi.

Người đàn ông ráng sức gượng dậy nhưng lại ngã vật ra, gã thì thào:

- Cô ơi, tôi... không nhìn thấy gì, tôi... mệt quá...

Chị nhìn gã... từ hai hốc mắt, máu vẫn đang ri rỉ, khiếp thật. Chị gắng sức giúp hắn bò vào căn phòng của chị. Gã cẩn thận quờ tay đóng ngay cánh cửa lại. Chị lấy khăn mặt, vắt nước lạnh rồi chấm qua khuôn mặt loang lổ máu me. Gã rú lên khi khăn chạm vào những vết thương. Ánh đèn soi rõ dần: một người đàn ông khoảng hơn ba mươi tuổi, lực lưỡng, dữ tướng, tóc húi cua, râu ria lởm chởm, xăm trổ khắp người. Chị giã mấy viên thuốc kháng sinh trong cái lọ vẫn để dành dưới gối, rắc lên vết thương của gã. Gã nhét cái khăn vào miệng để dằn những tiếng kêu đau đớn. Chị đặt nồi nước lên bếp, thả nắm gạo vào. Bát tép định để sáng mai ăn, chị đổ vào luôn. Cháo chín. Gã gục đầu vào bát cháo, húp một hơi. Hai bát, ba bát, bốn bát... Nồi cháo cạn. Gã nằm vật ra. Khi chị rửa xong nồi niêu thì thấy gã đã ngáy rung cả góc nhà. Khe khẽ nằm xuống chiếc giường ọp ẹp cạnh cửa, chị trở mình mãi rồi mới thiếp đi...

Những tia nắng chả bao giờ phân biệt biệt thự hay góc cống, nơi nào chúng cũng len vào lúc sớm mai. Chị choàng dậy, nhìn về phía góc nhà. Gã vẫn nằm nguyên. Chị bỗng lo lắng: Gã còn sống chứ? Chị chạy lại chỗ gã. Bất động. Chị đặt tay lên ngực gã: tim vẫn đập.

- Tôi vẫn còn sống cô à nhưng tôi không thấy gì hết.

Chị giật mình nghe giọng nói phát ra từ khuôn mặt đã sưng phù của gã, chị hỏi:

- Thanh toán nhau à?

- Ừm... Tôi ẩu một chút nên thua.

- Người ta thuê hả?

- Chứ tôi có cái mẹ gì để người ta thịt chứ!

- Giờ mà thò đầu ra là kể như xong hẳn!

- Đúng vậy. Cô làm ơn cho chót cô nhé.

Chị quan sát các vết thương của gã, đôi chỗ bắt đầu mưng mủ, hai mắt nề phù. Chị bảo:

- Nhưng vết thương nặng lắm, không đi bệnh viện rồi cũng toi.

Gã chồm lên:

- Không được, không được! Nếu vậy thì thà cô bỏ tôi chết từ hôm qua hoặc bây giờ cho tôi liều thuốc chuột. Tôi không thể ra bệnh viện, không thể!

- Sợ bị tóm hơn chết à?

- Sợ cả hai...

Gã bỗng khóc nấc lên, chị thấy bần thần cả người. Kể cũng tội, nếu mình là gã, có lẽ cũng sợ vậy. Chị lúi húi nhóm bếp chuẩn bị cơm. Khi bưng lên tô cơm và tô canh nóng hổi, chị hoảng hồn thấy gã đang run bần bật, toàn thân nóng rẫy... Chị cuống quýt gọi nhưng gã cứ mê man ú ớ không còn biết gì... Chị vội trùm chiếc khăn quen thuộc, đeo cặp kính đen che kín mặt, lao ra đường. Bây giờ tìm ai đây? Chị bối rối. Chị chưa bao giờ dám vào một phòng mạch tư nhân nào, nơi y tế công cộng thì lại không thể... nhưng bây giờ... gã ấy sắp chết? Làm sao đây? Chị không nghĩ ra gì thêm được nữa thì chợt trông thấy trên một cánh cửa cũ kỹ trong hẻm nhỏ bên đường có treo tấm biển xộc xệch đề “Bác sĩ Thắng”. Vừa mừng vừa lo, chị liều đẩy mạnh cánh cửa... Một căn phòng tồi tàn chẳng có gì ngoài cái bàn và tủ thuốc nghèo nàn. Một ông già đang ngủ gật. Chị lên tiếng:

- Bác là bác sĩ Thắng?

- Đúng tôi đây - Ông già vội mở mắt, cười niềm nở - Cô bệnh gì?

- Không phải tôi - Chị lúng túng - Người nhà tôi ốm nặng, mời bác sĩ đến khám giúp...

Ông bác sĩ nhìn chị e dè, có lẽ ông hơi ngạc nhiên bởi bộ dạng trùm kín mít của chị. Chị nói, chưa bao giờ mạch lạc và quả quyết như thế:

- Bác sĩ hãy làm ơn giúp gia đình tôi, khó khăn thế nào tôi cũng xin chịu cả!

Ông bác sĩ ngẩn ra một chút rồi gật đầu, xếp vài dụng cụ cần thiết vào cái túi vải có gắn hình chữ thập rồi dắt xe máy ra cổng, bảo chị ngồi sau chỉ đường.

- Tình hình khá nặng, bệnh nhân này để ở nhà tôi không bảo đảm đâu!

Ông lắc đầu sau khi xem xét vết thương của gã. Chị nói nhỏ:

- Nhưng anh ta không thể đến bệnh viện được.

- Tội phạm à? - Bác sĩ do dự - Tôi ngại quá, chắc cô tìm người khác vậy nhé...

Chị đứng chặn cửa, hai tay chống nạnh, chị nói nhỏ nhưng giọng đanh lạnh:

- Chúng tôi đã đến bước đường cùng, xin bác sĩ rủ lòng nhân từ cứu giúp. Chúng tôi không còn cách nào nữa...

Bác sĩ nhìn khuôn mặt trùm kín mít và cặp kính đen của người đàn bà, nhìn người đàn ông đang run bần bật dưới sàn nhà với những vết chém và những hình xăm trổ trên vai... Ông gật đầu

- Được rồi, tôi sẽ gắng hết sức, cô làm theo những điều tôi dặn nhé.

Ông cẩn thận lau rửa vết thương, tiêm thuốc tê và khâu vài chỗ rách toác. Gã đàn ông quằn quại, mê sảng. Sau khi uống liều thuốc ngủ nhẹ, trông sắc mặt hắn có vẻ ổn hơn. Bác sĩ bảo:

- Cô mua toa thuốc này cho anh ta uống trong 10 ngày, cố gắng giữ vệ sinh các vết thương, nhất là cặp mắt. May mà tôi đến kịp, mắt anh ta còn hi vọng, không thì...

- Vâng... vâng, tôi nhớ. Vậy là xong hả bác sĩ?

- Tôi chữa miễn phí, cô để tôi về là được rồi...

Chị chần chừ. Rồi chị vội mở nắp cái rương gỗ dưới gậm giường, lôi ra một bức tượng nhỏ bằng đồng hình một cô gái khoả thân tuyệt đẹp, chị bảo:

- Đây là bức tượng một đại gia đã thuê đúc trên hình mẫu tôi cách đây 20 năm. Xin bác sĩ nhận coi như chi phí.

Ông bác sĩ ngẩn người ngắm pho tượng, thốt lên: «Trời ! Đẹp quá! » Rồi ông lắc đầu lia lịa:

- Ồ, không không, tôi không dám nhận đâu, bức tượng này chắc đắt giá lắm! Tôi là bác sĩ, chữa bệnh từ thiện là việc tôi thường làm mà...

- Bác sĩ ơi... Chị quỳ xuống - Bác sĩ đã làm một việc không gì trả nổi, xin bác sĩ nhận cho tôi an lòng. Chỉ mong bác sĩ giữ bí mật cho chúng tôi.

- Ôi, kìa, cô đứng lên đi! Trời ơi, cô làm tôi khó xử quá! Rồi rồi, tôi nhận vậy. Cô mở cửa cho tôi về nhé, tôi xin hứa sẽ không nói gì cả!

Ông bác sĩ đi như chạy ra khỏi con hẻm ngoằn ngoèo, âm u.

- Sao cô lại làm vậy?

Chị giật mình khi nghe tiếng hỏi như từ cõi âm của gã. Chị quay lại, gã đã tỉnh từ lúc nào. Chị bảo:

- Tôi không biết nhưng tôi không muốn nợ nần ai... Anh đỡ rồi hả?

- Tôi nợ cô suốt đời.

- À - Chị cười - Đời mình nợ người này, người khác lại mắc nợ mình, tùm lum ấy mà. Nhớ làm chi cho mệt!

Trời xẩm tối, chị mua toa thuốc về bắt gã uống cẩn thận như lời bác sĩ dặn. Gã đã ngồi dậy được, sau bữa cơm ngon lành, trông gã khá hẳn lên.

- Cô làm tôi nhớ mẹ tôi quá. Gã bảo.

- Sao ngộ vậy? Anh có thấy tôi đâu - Chị bật cười.

- Chỉ mỗi mẹ tôi là chăm sóc và lo cho tôi như vậy, tôi toàn bị đàn bà «ép phê» từ trước tời giờ.

- Là sao?

- Tôi xài họ rồi họ xài tôi và tôi trở mặt với họ, họ lại trở mặt với tôi. Sòng phẳng.

- Ủa, chẳng lẽ không gặp ai tốt sao - Chị nghi ngờ.

- Có, nhưng cô ấy chết rồi, sốc thuốc.

Giọng gã nghẹn lại. Chị không dám hỏi nữa, chị bảo:

- Bác sĩ nói viên thuốc hồi nãy uống là thuốc ngủ cho đỡ đau đó, ngủ sớm cho mau khỏe nghe.

Gã nín lặng. Chị tắt đèn và đặt mình xuống giường, chị thấy mắc cười vì gã đâm thuê chém mướn giờ nghe lời mình như con nghe lời mẹ, vui thiệt. Rồi giấc ngủ đến với chị thật dễ chịu... Đêm thăm thẳm...

Chị giật mình vì ai đó chạm vào chăn... Vẫn còn đang mơ màng, chị nghe hơi thở gấp gáp và giọng gã thì thầm bên tai:

- Anh đây...

- Ôi, ôi...

Chị chưa kịp nói gì thì nụ hôn mãnh liệt, hun hút sâu đã cuốn lấy chị, vòng tay cường tráng, hừng hực sức mạnh ôm siết chị... Chị như nghe thấy tiếng nhạc du dương bổng trầm quấn đôi chân thon dài của chị trong các bộ váy áo lộng lẫy tha thướt, chị thấy những anh chàng hào hoa đang quây chung quanh chị cố gắng trổ hết tài nghệ mong được người đẹp để mắt đến... mùi đàn ông, những sợi râu lởm chởm, những sợi lông mịn màng... phủ ồ ạt lên chị như cơn sóng... Chị buông hết mình vào cơn sóng ấy... Hai mươi năm... chị tưởng mình sẽ không bao giờ còn được đón nhận đợt sóng đam mê tràn trề ấy nữa, không bao giờ... Chị ôm chặt gã, ôm chặt... Chị ngấu nghiến gã, chị cười rồi chị khóc...

- Thân hình em đẹp không thể ngờ... Gã nằm vật ra, vừa thở vừa nói.

- Trước đây em là vũ nữ, nhìn thấy em khiêu vũ, không người đàn ông nào có thể thờ ơ được...

- Anh may mắn quá, chưa bao giờ anh được chạm vào một cơ thể hoàn hảo thế...

- Anh có nhìn thấy đâu nào, anh chỉ tưởng tượng thôi...

- Không, anh có nhiều kinh nghiệm ngủ với đàn bà rồi.

- Nhưng nếu anh nhìn thấy mặt em, anh sẽ phát khiếp!

- Tại sao?

- Gần hai mươi năm trước, em cặp bồ với một đại gia khét tiếng, vợ ông ấy đã thuê người tạt axít vào mặt em.

Gã lặng đi. Gã muốn khóc. Gã ôm chặt chị. Gã bảo:

- Dù trông em kinh khủng đến đâu thì anh vẫn yêu em.

- Anh đừng nói gì cả. - Chị nói và lấy tay che miệng gã.

- Tại sao? - Gã ngạc nhiên.

- Khi còn là một vũ nữ hơn hai mươi tuổi nổi tiếng xinh đẹp, em nghe không biết bao lời hứa hẹn, thế rồi khi em thành thế này, chẳng một ai đoái hoài...

- Cả tên Đại gia khốn kiếp kia sao? - Gã phẫn nộ.

- Hừm... Ông ta trốn chạy trước tiên, căn phòng này lại do chính bà vợ mua cho em.

- Vậy hả?

- Sau khi thuê người tạt axít em, bà ta suốt đời sống trong dày vò. Ông chồng cũng quá khiếp sợ, bỏ đi luôn. Bà ấy mò đến bệnh viện, lén lút thăm nuôi em rồi chuyển cho em số tiền khá lớn, em dùng một ít mua căn phòng này.

Không nghe gã nói gì. Gã đã ngủ ngon lành, chị vuốt ve khắp người gã và gối đầu lên vòm ngực nở nang của gã, chị chìm vào giấc mơ...

Bữa cơm hôm ấy, chị làm một nồi cá kho với ớt xanh thơm lựng, rau lang luộc, tép rang. Gã ăn phăm phăm, chị nhìn gã ăn, vui lắm. Chị bảo:

- Khi nào anh “thua”, anh lại về với em nhé.

- Nghề của anh không được phép “thua”, không có lần thua thứ hai đâu.

- Nếu hai đối thủ cùng thuê anh thì làm sao?

- Dễ ợt, ai thuê nhiều thì anh theo, có lần vậy rồi.

- Anh có bao giờ do dự khi ra tay không?

Gã có vẻ nhớ rất lung rồi gật:

- Có.

- Khi nào?

- Có lần người ta thuê anh tông xe một ông giám đốc, khi coi kỹ mặt ông ấy, anh thấy giống cha mình quá nên lúc hành sự, thay vì đâm thẳng vào ông ta, anh lại né qua một bên và vụ đó anh suýt mất mạng.

- Sao vậy? Mấy người thuê anh định thịt anh à?

- Không - Gã cười chua chát - Chính tay giám đốc ấy định thịt lại anh chứ! Và anh có bài học: Hắn giống cha mình chứ đâu phải là cha mình. Không có ai giống cha mẹ mình đâu.

Chị mủm mỉm cười khi nhớ đến hôm nọ gã từng nói chị giống mẹ gã. Chị không để bụng nhưng sẽ nhớ mãi, chị thu xếp sớm để mau lên giường với nhau...

Gã bừng tỉnh, cảm giác chói gắt làm gã vội đưa tay lên che mắt... gã thấy cái cửa lờ mờ rồi rõ dần dần màu xanh cũ kỹ, thì ra tia nắng sớm len qua khe cửa đã đánh thức gã… căn phòng dột nát, đồ đạc xiêu vẹo hiện lên rõ nét... Gã quay qua bên cạnh, người đàn bà khoả thân đang quay mặt vào tường ngủ ngon lành, thân hình nàng quả là tuyệt mỹ: sóng eo quyến rũ, bầu ngực căng tròn và cặp đùi thon dài nuột nà... Gã khẽ ngồi dậy, bỗng nàng cựa mình rồi quay hẳn về phía gã... Gã giật bắn mình, toan rú lên nhưng rồi kìm lại được: Một khuôn mặt dúm dó, hai con mắt ngủ nhưng vẫn mở trừng trừng kéo hàng mi méo mó, hốc mũi biến dạng. Chỉ còn đôi môi chúm chím là vẫn nguyên vẹn, đôi môi đẹp và đa tình. Gã hốt hoảng tụt xuống giường. Cửa không chốt, gã chần chừ một chút rồi đẩy cửa... Lâu lắm rồi, không khí quen thuộc của buổi sáng lại ùa vào gã...

Chị nghe thấy gã dậy, chị biết gã đã hồi phục và nhìn thấy tất cả, chị ghé mắt qua khe cửa để nhìn thấy gã lần cuối cùng, chị nghĩ thế.

Chị thấy gã đi rất nhanh rồi bỗng dưng gã quay ngược lại, dừng trước cửa. Gã quỳ xuống, nói: “Anh sẽ quay lại nếu anh còn sống.” Nước mắt chị rơi lã chã từ đôi mắt tật nguyền, chị cố lấy tay gạt đi để nhìn rõ hình dáng của gã khuất dần sau những ngoằn ngoèo, dích dắc của con hẻm.

Truyện ngắn dự thi của Vũ Thanh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 48/2022


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...