Diễn đàn lý luận

Ngô Tất Tố - Cây cầu nối báo chí với văn chương

GS. TS Tạ Ngọc Tấn
Chân dung văn học
08:39 | 02/08/2024
Baovannghe.vn - Lâu nay, ta thường vẫn chỉ nhìn nhận Ngô Tất Tố với tư cách một nhà văn. Hầu hết các cuốn sách, bài báo nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, Ngô Tất Tố là một nhà báo đích thực...
aa
Ngô Tất Tố - Cây cầu nối báo chí với văn chương - Gs. Ts. Tạ Ngọc Tấn
NGÔ TẤT TỐ (1894-1954)

Trên thực tế, Ngô Tất Tố là một nhà báo đích thực, một nhà báo vang bóng một thời, một nhà văn bắt đầu sự nghiệp văn chương từ báo chí theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

ÔNG ĐẦU XỨ TỐ DẤN THÂN VÀO NGHỀ LÀM BÁO

Ngô Tất Tố sinh năm 1894 ở làng Lộc Hà (Kẻ Cói), tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn (xứ Đông Ngàn), tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình khá giả, có truyền thống hiếu học nên Ngô Tất Tố đã được hưởng thụ nền giáo dục Nho học từ rất sớm. Khi còn nhỏ, ông được ông nội dạy chữ Hán vỡ lòng, lớn lên được gửi đi học các thầy ở nhiều làng quê khác. Do có quy định của Thống sứ Bắc Kỳ, thí sinh dự thi hương, ngoài chữ Hán còn phải làm bài thi chữ Quốc ngữ bắt buộc và bài thi tiếng Pháp tự nguyện, vì thế năm 1907, ông đã đi học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp để chuẩn bị cho sự nghiệp khoa cử. Năm 1915, Ngô Tất Tố đỗ đầu kỳ thi khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh nên được gọi là Đầu Xứ Tố, hay ông Xứ Tố. Sau đó ông dự khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kỳ, đỗ được kỳ đệ nhất, nhưng rớt ở kỳ đệ nhị. Từ năm 1916, ông bắt đầu đi dạy chữ Quốc ngữ ở các làng trong vùng, dịch và xuất bản cuốn truyện cổ Trung Hoa Cẩm hương đình.

Là một người con nhà khá giả, thông minh, vốn Nho học uyên thâm, Ngô Tất Tố lại là một người có tấm lòng hiền từ, nhân hậu. Có chuyện kể lại rằng, có lần trương tuần đi tuần đồng phát hiện ra một kẻ đang bẻ trộm ngô nhà ông. Họ bắt kẻ trộm tống vào bao tải khênh về sân đình cùng tang vật là quang gánh và một số bắp ngô. Một anh trương tuần chạy về nhà báo cho Ngô Tất Tố: “Thưa ông Xứ, có thằng ăn trộm ngô nhà ông, chúng con đã bắt đưa về sân đình, ông ra mà đánh cho nó một trận!”. Ông cầm cái gậy đi ra sân đình, gõ vào cái bao tải mà bảo: “Giá như thằng này có cái bao tải thì nó đã chạy thoát!”. Nói rồi, ông bảo trương tuần thả tên kẻ trộm ra, không đánh còn cho luôn cả ngô. Về đến nhà, bà vợ hỏi: “Kẻ trộm thế nào rồi?”, ông bảo “Tôi cho thả rồi!”. “Thế ngô đâu?”, bà lại hỏi. Ông thủng thẳng trả lời: “Cho người ta chứ lấy lại làm gì!”.

Năm 1926, Ngô Tất Tố nhận lời mời của Tản Đà, ra Hà Nội làm cho tờ An Nam tạp chí. Từ đây, cái nghiệp làm báo, làm văn đi theo ông đến phút chót của cuộc đời. Khi An Nam tạp chí tự đình bản vì hết tiền, ông cùng Tản Đà khăn gói vào Sài Gòn. Gần 3 năm ở Sài Gòn, xứ thuộc Pháp lúc bấy giờ, ông làm cho tờ Đông Pháp thời báoThần Chung (tức là tờ Đông Pháp thời báo đổi tên). Ông viết nhiều thể loại, từ làm thơ, bình thơ, bình luận thời sự, chuyên luận, đến khảo luận các vấn đề văn hóa, xã hội, dịch các truyện ngắn, truyện dài từ tiếng Hán, trong đó có cuốn Giấc mộng lầu son (tức là Hồng lâu mộng). Thời kỳ này Ngô Tất Tố dùng các bút danh: Ngô Tất Tố, Ng.T.T., N.T.T., T.T., T., Kim Ngô.

Năm 1930, Ngô Tất Tố ra Hà Nội tiếp tục sống bằng nghề viết báo. Từ đây cho đến Cách mạng Tháng Tám, ông là cây bút lẫy lừng trong làng báo, làng văn. Ông viết cho các báo: Phổ thông, Hà thành ngọ báo, Đông phương, Công luận, Đông Pháp, Đuốc nhà Nam, Thực nghiệp dân báo, Công dân, Tương lai, Tiểu thuyết thứ ba, Việt Nữ, Thời vụ, Con ong, Tao đàn, Hà Nội tân văn, Trung Bắc chủ nhật, Ngày mai... với nhiều bút danh khác nhau như: Ngô Tất Tố, Thục Điểu, Thiết Khẩu Nhi, Dân Chơi, Lộc Hà, Lộc Đình, Ngoan Tiên, Thôn Dân, Phó Chi, Tuệ Nhỡn, Đạm Hiên, Thuyết Hải, T.H., Xuân Trào, X.T., Hy Cừ, Cối Giang, T., T.T., v.v...

Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939, Ngô Tất Tố viết nhiều tác phẩm lên án chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, phản ánh đời sống lầm than của những người dân nghèo, nhất là nông dân. Chính quyền thực dân Pháp nhiều lần cấm Ngô Tất Tố viết báo, trục xuất ông khỏi Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, khám nhà ông ở quê và đã có lần bắt giam ông mấy tháng ở Hà Nội. Năm 1939, chính quyền thực dân ra lệnh cấm tác phẩm Tắt đèn. Trong điều kiện bị nhà cầm quyền o ép, gây khó dễ, Ngô Tất Tố vẫn không ngừng viết báo, viết văn.

Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Ngô Tất Tố hồ hởi đón chào với niềm tin vào cách mạng là con đường tốt nhất để thực hiện mục đích mà ông đã dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, đó là giải phóng dân tộc, xóa bỏ cuộc sống lầm than, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ông tham gia vào Ủy ban Giải phóng của làng Lộc Hà quê ông. Năm 1946, ông tham gia vào Hội Văn hóa cứu quốc, tự nguyện lên Chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Ông làm việc tại Sở Thông tin Khu XII, được cử làm Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, vừa viết văn vừa viết báo cho các tờ Cứu quốc, Tạp chí Văn nghệ, Cứu quốc khu XII... Tại Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, tháng 7/1948, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam.

Ngô Tất Tố qua đời ngày 20/4/1954 tại Yên Thế, Bắc Giang, chỉ chưa đầy một tháng trước Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông có 4 người con trai và 3 người con gái, trong đó có hai người con trai là liệt sĩ.

Ngô Tất Tố - Cây cầu nối báo chí với văn chương - Gs. Ts. Tạ Ngọc Tấn
Ngô Tất Tố - Cây cầu nối báo chí với văn chương - GS. TS Tạ Ngọc Tấn

NHÀ BÁO VANG BÓNG MỘT THỜI

Cuộc đời hoạt động báo chí của Ngô Tất Tố trải qua 3 giai đoạn chính: Giai đoạn thứ nhất từ năm 1926 đến năm 1929, giai đoạn thứ hai từ năm 1930 đến tháng 8/1945 và giai đoạn thứ ba từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi ông qua đời, tháng 4/1954.

Giai đoạn thứ nhất từ năm 1926 đến năm 1929 có thể coi là thời gian khởi đầu, “tập sự” nghề làm báo của Ngô Tất Tố. Ông bắt đầu cộng tác với nhà thơ Tản Đà để viết cho tờ An Nam tạp chí, một sản phẩm mang đặc chất văn chương, nghệ sĩ. Từ An Nam tạp chí, ông chuyển sang làm cho tờ Đông Pháp thời báo và sau đó là tờ Thần Chung (tên mới của Đông Pháp thời báo). Các bài viết của Ngô Tất Tố trong giai đoạn này gồm hai bộ phận. Bộ phận lớn nhất là các bài dịch thuật, khảo cứu, các bài bình luận thơ, văn. Bộ phận thứ hai là những bài viết mang hơi hướng các thể loại báo chí, phục vụ cho mục đích thông tin thời sự của các tờ báo. Đó là những bài bình luận chính trị - xã hội hay một số tin tức, tản văn về đời sống văn hóa, xã hội. Chủ đề các tác phẩm báo chí của ông chủ yếu tập trung vào những thói hư, tật xấu, những biểu hiện lệch chuẩn trong lối sống, những điều “trái tai, gai mắt” trong cách ứng xử giữa người với người, với những vấn đề thời sự nóng hổi. Nhìn vào diện mạo các bài viết của ông trong giai đoạn này có thể nhận ra một Ngô Tất Tố - nhà nho, nhà giáo đang tiếp cận với nghề làm báo, đang làm quen với sức nóng của thời cuộc và đang trui rèn ngòi bút nghề nghiệp để trở thành một Ngô Tất Tố - nhà báo đích thực.

Giai đoạn thứ hai từ năm 1930 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời gian mà nhà báo - nhà văn Ngô Tất Tố nở rộ tài năng, bút lực làm báo của ông sung sức nhất. Ngòi bút của ông tung hoành trên các mặt báo đương thời. Các bút danh của ông xuất hiện trên hàng loạt tờ báo: Phổ thông, Đông phương, Công luận, Đuốc nhà Nam, Thực nghiệp dân báo, Công dân, Tương lai, Thời vụ, Con ong, Trung Bắc chủ nhật, Đông Pháp... Ông là người một mình đảm nhiệm hoặc là giữ vai trò chủ yếu của nhiều chuyên mục thường xuyên trên các tờ báo: “Việc trong nước” của Đông Pháp thời báo; “Gặp đâu nói đấy”, “Thời cuộc trong nước” của báo Phổ thông; “Nói chơi”, “Thế giới thời bình” của báo Đông phương, “Nói mà chơi” của báo Tương lai; “Gặp đâu nói đấy”, “Thật hay bỡn”, “Sau lũy tre” của báo Thời vụ; “Ném bùn sang ao” của báo Con ong; “Chuyện hàng ngày” của báo Đông Pháp, v.v..

Trong lĩnh vực báo chí, Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại như tin tức, bình luận, khảo cứu, bút ký, nhưng thuận tay nhất, thành công nhất và để lại số lượng tác phẩm lớn nhất trong di sản báo chí của ông là tiểu phẩm và phóng sự. Hiện thực xã hội khắc nghiệt dưới ách thống trị, áp bức của ngoại xâm và bè lũ phong kiến đã thôi thúc Ngô Tất Tố dùng ngòi bút của mình để tố cáo và phê phán. Ngòi bút phê phán của ông trực diện nhằm vào tất cả những gì mà ông coi là xấu, là không đạo đức, bất kể đó là hủ tục, thói hư của các tầng lớp người trong xã hội hay những việc làm không chính đáng của giới quan trường, những chủ trương, chính sách mất lòng dân của nhà cầm quyền. Ngay cả những bài viết, những ngón nghề không hợp với đạo lý, với văn hóa dân tộc của các đồng nghiệp trong làng báo cũng không tránh khỏi sự xét đoán nghiêm khắc của Ngô Tất Tố. Với cái nhìn đồng cảm, chia sẻ của một người đồng cảnh ngộ, ông phát hiện và phản ánh trực diện những cảnh ngộ éo le, những mảnh đời đau khổ, những sự thật nghiệt ngã trong xã hội hiện thời. Với sự uyên bác của một trí thức Nho học, sự quan sát tinh tế và tư duy logic sắc sảo của một nhà báo tài năng, ông phân tích, khám phá và chỉ ra những mối quan hệ bất ngờ đằng sau hiện thực đó, gửi gắm vào đó thái độ phê phán của mình thông qua tiếng cười châm biếm, trào lộng.

Giai đoạn thứ ba trong cuộc đời làm báo của Ngô Tất Tố bắt đầu từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi ông qua đời ngày 20/4/1954. Ngô Tất Tố vui mừng, hồ hởi đón nhận Cách mạng Tháng Tám như đón nhận sự giải phóng, giải phóng cả cuộc đời hiện thực và giải phóng khỏi những âu lo, trăn trở về thế sự trong tâm hồn ông. Ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng ngay ở làng quê mình, rồi từ biệt quê hương, khăn gói lên chiến khu tham gia kháng chiến. Nếu như cảm hứng chủ đạo của hai giai đoạn trước là tố cáo và lên án chế độ thực dân, phong kiến, phê phán những cái xấu, những biểu hiện không lành mạnh của đời sống xã hội, thì trong giai đoạn thứ ba, ngợi ca là âm hưởng chủ đạo của các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố. Cho dù là viết về những gian nan trong kháng chiến, về máy bay địch đe dọa trên bầu trời, nhưng mỗi câu, mỗi chữ trong các tác phẩm của Ngô Tất Tố đều như ngân lên âm hưởng của niềm vui, niềm tin. Trong đó, không tìm đâu ra bóng dáng những trăn trở, trào lộng, châm biếm đã từng thấm đẫm trong các tác phẩm báo chí của ông ở các thời kỳ trước.

TỪ BÁO CHÍ ĐẾN VỚI VĂN CHƯƠNG

Ngô Tất Tố là một nhà văn nổi tiếng của văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng Tháng Tám với tiểu thuyết Tắt đèn, các phóng sự Việc làng, Tập án cái đình, Lều chõng, Dao cầu thuyền tán. Ngô Tất Tố là một nhà dịch thuật Hán ngữ với khối lượng trang dịch khổng lồ. Ông dịch sách Cẩm hương đình khi mới 22 tuổi, dịch Thơ Đường, dịch và chú giải Kinh dịch, dịch tiểu thuyết Suối thép, sách Hoàng Lê nhất thống chí, dịch nhiều truyện, tiểu luận và công trình khác. Ngô Tất Tố là một nhà nghiên cứu với nhiều công trình khảo cứu về triết học phương Đông và văn học cổ. Ngoài công trình dịch và chú giải Kinh dịch, ông còn là tác giả của sách Phê bình “Nho giáo” của Trần Trọng Kim, sách Mặc Tử, sách Lão Tử - viết chung với Nguyễn Đức Tịnh, sách Thi văn bình chú, v.v.. Ngô Tất Tố cũng là một nhà báo tài năng với sức viết thật đáng khâm phục. Trong 28 năm hoạt động sáng tạo, ông để lại một di sản báo chí khổng lồ được đăng tải trên gần ba chục tờ báo, tạp chí khác nhau. Chỉ riêng trong cuốn Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch đã sưu tầm, giới thiệu gần 1.200 bài báo của Ngô Tất Tố đăng trên các báo trong thời gian từ năm 1928 đến năm 1945. Cũng là hai tác giả Cao Đắc Điểm và Ngô Thị Thanh Lịch trong cuốn Tổng thư mục Ngô Tất Tố cho rằng: “Với hơn 30 bút danh, trên hơn 20 chuyên mục của gần 30 tờ báo, tạp chí trong Nam ngoài Bắc và ở Việt Bắc, Ngô Tất Tố đã để lại hơn 1.500 tác phẩm đăng báo”(1). Ngô Tất Tố viết báo với đủ tài và nghề, với dũng khí và sự nhạy bén trước cái mới, được nhiều người đương thời nể phục. Vũ Bằng từng khẳng định: “Ngô Tất Tố là một huấn luyện viên của tôi trong nghề báo”(2).

Ngô Tất Tố là một nhà báo có biệt tài về châm biếm, trào lộng. Có lẽ tư chất thông minh, sắc sảo cộng với vốn tri thức bách khoa và cả sự thâm thúy từ Nho học đã tạo nên biệt tài đó. Và biệt tài đó bắt gặp hiện thực xã hội đầy rẫy bất công dưới chế độ thực dân phong kiến đã làm nên một phong cách tiểu phẩm bậc thầy của Ngô Tất Tố. Chất châm biếm, trào lộng trong các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố thể hiện ngay từ ngôn từ cho đến cách bố cục từng phần, kết cấu cả tác phẩm. Người đọc có thể cảm nhận sự chế giễu, trào lộng ngay trong từng từ, từng câu chứ không cần phải đợi đến cái kết của tác phẩm. Viết báo thì sắc sảo, trào lộng, tân thời thế nhưng ngoài đời, Ngô Tất Tố vẫn mặc áo the, đội khăn xếp, đi giày Gia Định, đúng như phong cách một nho sinh. Đặc biệt, ông là một người có tiếng là đức độ, thật thà và cả tin. Trong sách 40 năm nói láo, Vũ Bằng kể lại chuyện chọc ghẹo Xứ Tố về trò “bổ túc” tiếng Pháp cho ông. Vũ Bằng giải thích rằng, tiếng Pháp gọi cây mía là “bambou hít ra lô” vì cây mía có đốt như tre, lại hít ra nước tức là ra eau; còn lơ sơ vợanh sợ vợ, laboratoireLã Bố ra tòa... vậy mà ông Xứ Tố cũng tin. Chỉ khi mọi người xung quanh phá lên cười, ông mới biết mình bị lỡm nên đùng đùng tức giận bỏ đi. Nhưng khi Vũ Bằng cùng anh em bạn làm báo tìm đến xin lỗi, ông lại sẵn lòng tha thứ, rồi còn quay lại hợp tác cùng nhau làm tờ Tương lai.

Một điều đặc biệt ở Ngô Tất Tố là, trừ tác phẩm Cẩm hương đình dịch từ truyện cổ Trung Hoa được Tản Đà tu thư cục và Nghiêm Hàm ấn quán in thành sách từ năm 1923, còn lại tất cả các tác phẩm văn chương của ông đều được chào đời trên các trang báo, tạp chí. Có thể cắt nghĩa hiện tượng này theo hai nguyên nhân. Thứ nhất, là một người lăn lộn và thành tài trong nghề báo, Ngô Tất Tố hiểu rất rõ về sức mạnh to lớn của báo chí đối với công chúng xã hội. Vì thế, ông tận dụng con đường báo chí để đưa tác phẩm của mình đến bạn đọc nhanh nhất, rộng rãi nhất. Nguyên nhân thứ hai là các tác phẩm văn chương của Ngô Tất Tố đều phản ánh trực diện hiện thực xã hội đương thời, thực sự có ý nghĩa thời sự và có khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng báo chí. Mặt khác, chính hoạt động báo chí với những chất liệu sống, đề tài thời sự và sức nóng của hiện thực cuộc sống đã là mảnh đất màu mỡ thuận lợi để những tác phẩm văn chương của ông thai nghén và ra đời. Đến lượt nó, các tác phẩm văn chương của Ngô Tất Tố mang đậm sắc màu của thực tại xã hội, nóng hổi hơi thở cuộc sống đương thời.

Nhận xét của Vũ Trọng Phụng - một nhà văn - nhà báo lớn, tài năng cùng thời với Ngô Tất Tố về tiểu thuyết Tắt đèn của ông đã giải thích khá rõ: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, một áng có thể gọi là kiệt tác, tòng lại chưa từng thấy và cũng là áng văn mới mẻ nhất về loại văn chương xã hội ngày nay” (báo Thời vụ số 100, ra ngày 31/01/1939). Bởi thế cũng có thể nói, Ngô Tất Tố như cây cầu nối giữa báo chí với văn chương.

GS. TS Tạ Ngọc Tấn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch (sưu tầm, biên soạn, giới thiệu và chú giải): Tổng tập tản văn Ngô Tất Tố, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2011.

2. Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch: Tổng thư mục Ngô Tất Tố, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2010.

3. Cao Đắc Điểm, Ngô Thị Thanh Lịch sưu tầm, khảo dị, chú giải: Về tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố và nguyên bản, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2007.

4. Ngô Tất Tố - về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2001.

5. Cao Đắc Điểm sưu tầm và biên soạn: Ngô Tất Tố - Chuyện người đương thời, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

6. Ngô Tất Tố - Thơ, thơ dịch, bình thơ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

7. Phan Cự Đệ (Chủ biên): Di sản báo chí Ngô Tất Tố: ý nghĩa lý luận và thực tiễn, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005.

8. Vũ Bằng: Mười bốn gương mặt nhà văn đồng nghiệp, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2004.

Ngô Tất Tố - một sự nghiệp lớn trên cả hai tư cách Hội thảo “ Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại” GS.TS TẠ NGỌC TẤN: Báo chí văn nghệ là tiếng nói của nền văn học nghệ thuật dân tộc
Chứng nhân lịch sử - GS. TS Tạ Ngọc Tấn
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.