Sự kiện & Bình luận

GS.TS TẠ NGỌC TẤN: Báo chí văn nghệ là tiếng nói của nền văn học nghệ thuật dân tộc

Tiếng nói nhà văn
08:37 | 21/06/2024
Khẳng định tầm quan trọng của báo chí văn nghệ đối với sự phát triển của đất nước, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - nói các cơ quan báo chí văn nghệ cần chuyển đổi số mạnh mẽ để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có cuộc trò chuyện về thách thức và bàn phương cách phát triển các cơ quan, báo chí văn nghệ trong kỷ nguyên công nghệ
aa

Khẳng định tầm quan trọng của báo chí văn nghệ đối với sự phát triển của đất nước, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - nói các cơ quan báo chí văn nghệ cần chuyển đổi số mạnh mẽ để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình. Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có cuộc trò chuyện về thách thức và bàn phương cách phát triển các cơ quan, báo chí văn nghệ trong kỷ nguyên công nghệ.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương

Hoạt động báo chí trước dòng thác AI

- Thưa ông, trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, có nhiều nguồn truyền thông tin tới cộng đồng một cách nhanh chóng. Vậy báo chí còn giữ được vai trò của mình với đời sống xã hội?

- Trong vòng mấy thế kỷ qua, báo chí luôn giữ vai trò to lớn trong xã hội. Phương Tây coi báo chí là phương tiện dẫn dắt các chương trình trong xã hội, báo chí truyền thông mang quyền lực thứ tư trong xã hội. Điều ấy cũng có lý của nó ở một khía cạnh nhất định. Bởi vì, báo chí là phương tiện tác động nhanh nhất vào nhận thức của con người, mạnh nhất vào dư luận xã hội. Từ tác động thông tin, người ta thay đổi nhận thức, dẫn tới thay đổi hành vi. Khi hành vi cá nhân thay đổi thì chỉ tác động đến một quan hệ tay đôi, một gia đình hay một nhóm nhỏ nào đó mà thôi. Nhưng khi hành vi của nhiều cá nhân, nhất là rất nhiều cá nhân thay đổi sẽ hình thành hành vi xã hội. Sự thay đổi hành vi xã hội ở quy mô càng lớn sẽ dẫn tới những tác động càng lớn đến sự vận động, phát triển của xã hội.

Trong thời đại ngày nay, dòng thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng bùng nổ như dòng thác lớn bao trùm cả nhân loại, tác động hằng ngày, hằng giờ đến từng con người. Nhất là khi dòng thông tin từ môi trường mạng tác động cực kỳ nhanh chóng và đa dạng tới mọi cá nhân trong mọi quốc gia, mọi cộng đồng, làm thay đổi cả lối sống của xã hội thì rõ ràng vai trò của báo chí, truyền thông không những không nhỏ đi, mà còn tăng cường lên, bởi những lẽ sau:

Thứ nhất, ngày nay, lượng thông tin từ các các phương tiện báo chí, truyền thông cực kỳ lớn. Lượng thông tin đó lấn át mọi nguồn thông tin truyền thống mà con người có thể tiếp nhận được. Theo một nghiên cứu gần đây cho thấy, ngày nay con người tiếp nhận tới 85-90% thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, phần thông tin tiếp nhận từ các giao tiếp trực tiếp từ gia đình, bạn bè, hệ thống hành chính hay cộng đồng chỉ còn lại rất nhỏ. Vì thế, nhận thức và hành vi cá nhân của người ta càng ngày càng dễ bị chi phối bởi báo chí truyền thông.

Thứ hai, thông tin từ các phương tiện báo chí truyền thông hiện đại tác động cực kỳ nhanh. Những năm đầu thế kỷ 20, người ta tính thông tin tác động tới đại chúng thì phải mất hàng tuần, sau đó hàng ngày, tiếp đến là hàng giờ. Còn bây giờ, thông tin từ báo chí truyền thông tác động là trực tiếp, đồng thời với diễn biến của của sự kiện, hiện tượng. Không chỉ thế, chúng ta còn đang sống trong xã hội báo chí công dân, trong đó, mỗi người dân đều có thể làm một “nhà báo” theo nghĩa là chủ thể phát thông tin. Điều này khiến thông tin càng lớn, càng nhanh. Mà theo quy luật tâm lý, thông tin nhanh nhất sẽ chiếm lĩnh nhận thức tư tưởng con người sớm nhất, điều chỉnh nhận thức, hành vi con người nhanh nhất và trở thành nhận thức bảo thủ nhất trước những thông tin tác động đến sau.

Thứ ba, phạm vi tác động của thông tin báo chí hiện nay đã trở thành lớn nhất có thể. Bất cứ thông tin về sự kiện gì, vấn đề gì, đều có thể tác động cùng một lúc đến tất cả các quốc gia, dân tộc trên toàn hành tinh. Cái khái niệm gọi là “làng truyền thông toàn cầu” mà các nhà nghiên cứu truyền thông đưa ra từ đầu thể kỷ XX, có lẽ đến hôm nay mới thực sự trở thành hiện thực. Thông tin báo chí truyền thông tác động đồng thời, trên phạm vi toàn cầu có nghĩa là nó có thể tạo ra phản ứng toàn cầu, tạo ra dư luận toàn cầu, tạo ra hành vi toàn cầu và rất có thể là một hệ lụy toàn cầu.

Do sức mạnh, vai trò to lớn như vậy nên mọi quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và quản lý phát triển hệ thống báo chí truyền thông. Nếu quản lý phát triển tốt, báo chí truyền thông sẽ là sức mạnh, là động lực phát triển; ngược lại, nó có thể thành vật cản, thậm chí có thể phá hoại những thành tựu phát triển.

- ChatGPT và các công cụ AI là câu chuyện nóng nhất của lĩnh vực báo chí một năm qua. Ông đánh giá như thế nào về tác động của trí tuệ nhân tạo với hoạt động báo chí?

- AI đang là câu chuyện nóng không chỉ trên lĩnh vực báo chí mà nóng cả trong dư luận xã hội. Các nước phát triển ở phương Tây đã đi đầu trong phát triển phát triển khoa học - công nghệ, phát triển AI, và họ cũng đi trước thế giới trong gặt hái những thành tựu lẫn những hậu quả tiêu cực từ ChatGPT, của AI. Một số quốc gia đã bắt đầu xây dựng những đạo luật để quản lý AI, để bảo vệ an ninh con người, phẩm giá con người trước tác động của AI.

Một trong những quan ngại hiện nay là AI chi phối nhân cách con người. Người ta sợ rằng một lúc nào đó, AI sẽ tạo ra những robot có thể quay trở lại thống trị con người. Còn một sự đe dọa đang hiện hữu trước mắt là AI và ChatGPT đang gạt con người ra khỏi một số vị trí việc làm đang có. Nhưng tôi vẫn tin rằng, con người phát minh ra máy tính, phát minh ra ChatGPT và AI, nên con người hoàn toàn có thể làm chủ được chúng. Về bản chất, ChatGPT và AI không thể không phụ thuộc vào con người từ phần cứng, phần mềm, nguồn dữ liệu và năng lượng. Tôi thấy động tác của MC Đài Truyền hình rút phích cắm điện là có ý nghĩa tượng trưng mà rất thuyết phục về sự phụ thuộc của ChatGPT và AI vào con người.

Nhưng đó là ta đang nói chuyện của thế giới. Đối với nước ta, có lẽ những nỗi lo đó chưa thật bức xúc, hoặc nếu có cũng chỉ là lo trước, phòng xa. Theo tôi, cái đáng lo là chúng ta đã chậm chân hơn thế giới khá nhiều về khoa học - công nghệ nói chung và AI nói riêng. Vậy chúng ta nên phải nhanh chóng thúc đẩy cả phát triển đi đôi với quản trị tốt AI nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

- Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để theo kịp thế giới về khoa học - công nghệ nói chung và về AI nói riêng?

- Như tôi vừa nói, chúng ta phải có chiến lược phát triển nhanh khoa học - công nghệ trong đó có AI, đồng thời nhanh chóng, quyết liệt đổi mới quan điểm, phương pháp, cách thức quản lý phát triển khoa học - công nghệ làm sao cho thật hiện đại, đồng bộ, nhất quán và hiệu quả. Nhưng nói chung chung là “chúng ta” thì quá rộng, theo tôi trước hết phải nói đến chúng ta với ý nghĩa là Nhà nước của chúng ta, chính sách quản lý phát triển khoa học - công nghệ của Nhà nước ta. Ta nói đến “Chính phủ kiến tạo” từ lâu quá rồi mà vấn đề quản lý phát triển khoa học - công nghệ vẫn rắc rối, phức tạp quá. Hôm trước trong một cuộc họp có đồng chí cán bộ lãnh đạo phát biểu rằng: “Khoa học - công nghệ của nước ta muốn phát triển phải có một quyết mạnh mẽ như khoán 10 trong nông nghiệp!” Đó là một ý hay, một nguyện vọng của nhiều người, song đó là chuyện lớn lắm, nhiều vấn đề phải bàn lắm, phải chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt lắm mới thành hiện thực được.

Tôi muốn nói đến “chúng ta” ở phạm vi hẹp hơn, đó là “chúng ta” trong phạm vi lĩnh vực báo chí truyền thông. Hơn ai hết, giới báo chí truyền thông chúng ta đều biết rằng thế giới đang có những bước đi mạnh mẽ trong cách mạng công nghiệp 4.0. Khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ AI, cũng đang tác động mạnh mẽ, tạo nên một cuộc cách mạng trong báo chí truyền thông về mọi phương diện, từ cách thức thu thập thông tin; cách thức và phương tiện truyền tin; cách thức tổ chức và hoạt động của cơ quan báo chí truyền thông; đến phương thức hoạt động của nhà báo, nhà truyền thông; quan hệ giữa nhà báo, nhà truyền thông với công chúng; hiệu quả của báo chí truyền thông v.v… Nhiều tờ báo, tạp chí có thâm niên hàng trăm năm đã không còn xuất bản trên giấy, chuyển hẳn sang xuất bản trên mạng internet. Nhiều cơ quan báo chí truyền thông ở các nước phát triển đã thay đổi hoàn toàn tổ chức tòa soạn, phương thức quản lý tin tức, quản lý phóng viên, biên tập viên.

Báo chí truyền thông của chúng ta muốn hoàn thành nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang trước Đảng, Nhà nước, trước Nhân dân, phục vụ tốt nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thì trước hết phải phát triển mạnh mẽ, đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp hoạt động, cách thức quản lý, phải nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền. Nói cách khác, báo chí chúng ta phải đủ điều kiện để chiếm lĩnh trận địa, để đẩy lùi tiếng nói tiêu cực, đẩy lùi những thông tin xấu độc, để đưa tiếng nói của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân và ngược lại, đưa tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng, kể cả sự phản biện xây dựng của Nhân dân đến Đảng, đến Nhà nước. Nếu báo chí ta yếu, không chiếm lĩnh được trận địa thì thông tin tiêu cực, thông tin chống đối phá hoại sẽ lấn tới. Nếu báo chí truyền thông ta đưa tin chậm, không kịp thời, không đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân thì người ta sẽ tiếp nhận “thông tin lề trái”, lúc đó sẽ có nguy cơ “thông tin lề trái” lũng đoạn nhận thức của người dân, lũng đoạn dư luận xã hội...

Khơi dậy trách nhiệm

của giới văn nghệ sĩ

với phát triển đất nước

- Trong bối cảnh báo chí, truyền thông dịch chuyển như vậy, các tờ báo, tạp chí về văn học nghệ thuật, trong đó có báo Văn nghệ có vai trò ra sao?

- Cùng các chính trị gia, các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ là những con người luôn được công chúng quan tâm. Tại sao một nhà văn, một nhà thơ, một nghệ sĩ phát biểu về vấn đề gì đó thì rất dễ trở thành một làn sóng dư luận trong xã hội? Tại sao một nhạc sĩ, ca sĩ nhận xét đánh giá một nghệ sĩ khác mà hàng chục nghìn người vào bình luận trên mạng, khen chê, tán đồng, bênh vực hay phản đối?

Câu trả lời ở đây là vì vị thế của họ trong xã hội. Hoạt động của nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ là hoạt động đặc thù, đáp ứng nhu cầu phổ biến, thiết thân và tự nhiên của người dân. Họ là những người của công chúng, là mẫu hình cụ thể của cái đẹp, sự mộ điệu, sự ham thích của người dân. Họ được người dân theo dõi, hâm mộ, ủng hộ và đôi khi một số hành vi, lời nói, cách ăn mặc và việc làm của họ được người dân làm theo. Nhà văn, nhà thơ, văn nghệ nghệ sĩ vì thế có tác động rất lớn, thậm chí có thể tạo nên những lối sống, lôi cuốn thành những trào lưu trong xã hội.

Văn nghệ sĩ - nhóm trí thức đặc biệt - có vai trò đặc biệt trong xã hội. Tiếng nói của họ, bây giờ không phải nhỏ đi, mà còn lớn lên, chỉ có điều ta không nhận ra mà thôi. Nếu ta nhận ra vai trò của họ, phát huy, khơi dậy ý thức yêu nước, trách nhiệm với công cuộc xây dựng đất nước, vì mục tiêu hạnh phúc cho Nhân dân, sự cường thịnh của dân tộc, thì chắc văn nghệ sĩ, báo chí văn nghệ sẽ có những đóng góp ngày càng to lớn hơn cho đất nước, cho Nhân dân, cho sự nghiệp Đổi mới của chúng ta.

Bác Hồ nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Theo tư tưởng của Bác Hồ, Đảng ta chủ trương “Văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Nói đến văn hóa là nói đến con người vì văn hóa chính là những thành tựu phát triển của con người, những giá trị mà con người tích lũy được trong tiến trình phát triển. Đến lượt nó, những thành tựu ấy, giá trị ấy tác động lại con người, nâng bước cho sự phát triển của con người. Văn hóa phát triển qua nhiều thế hệ sẽ trường tồn, hun đúc thành nền móng, cơ sở cho lối sống của con người, sức mạnh của dân tộc, cho sự bền vững của quốc gia. Và một trong những đại diện quan trọng của nền văn hóa ấy, một trong những người phát ngôn cho nền văn hóa ấy chính là văn nghệ sĩ, trí thức.

Báo chí văn học nghệ thuật chính là nơi hội tụ, là diễn đàn của giới văn học - nghệ thuật, là phương tiện chuyển tải, quảng bá những thành tựu của văn học - nghệ thuật, một bộ phận không thể thiếu của văn hóa nước nhà; là phương tiện mang tiếng nói của văn nghệ sĩ, trí thức đến với Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Thời nào cũng vậy và bây giờ càng như vậy, báo chí văn nghệ vẫn là nơi phát ngôn cho một nền văn học - nghệ thuật của đất nước ta.

- Trước đây, báo chí văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng, nhất là khi “ngòi bút” cũng là vũ khí đánh giặc. Thời nay, các tờ báo, tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật có đóng góp gì trong xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao đời sống người dân?

- Trở lại trang sử hào hùng của dân tộc khi chúng ta chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, thơ văn như những bài ca xung trận. Người lính ra trận còn mang trong ba lô của mình những tập thơ, những quyển tiểu thuyết. Giữa hai trận đánh, người ta vẫn đọc thơ, đọc văn để động viên nhau. Đó là gì nếu không phải là sức mạnh đặc biệt của văn hóa văn nghệ.

Chúng ta đã biết đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, những bài thơ của những nhà thơ cách mạng như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của Otxtropxki, bài thơ Đợi anh về của Ximonop… đã theo ba lô người lính ra trận, mang đến sức mạnh động viên to lớn cho họ trong gian khổ, ác liệt, góp phần vào những chiến công oanh liệt, vẻ vang của quân và dân ta. Tôi nghĩ rằng, chắc bây giờ vẫn có những bài thơ, quyển sách có sức mạnh động viên con người như thế. Chỉ có điều bài thơ, quyển sách như thế không đi theo những trang giấy in nữa, mà đi trên môi trường mạng, đến những chiếc điện thoại thông minh, màn hình thiết bị công nghệ.

Nếu theo lý luận, ta nói văn hóa, trong đó có văn học - nghệ thuật là nền tảng tinh thần, là động lực của phát triển kinh tế, xã hội. Nói cụ thể hơn về vai trò và đóng góp của báo chí truyền thông về lĩnh vực văn học - nghệ thuật đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước có thể biểu đạt bằng ba từ: to lớn, đa dạng và đặc thù. Đóng góp to lớn bởi nếu biết xây dựng, quản lý phát triển và phát huy được sức mạnh của nó, hệ thống báo chí truyền thông về lĩnh vực văn học - nghệ thuật sẽ trở thành phương tiện có tác động nhanh nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả cao nhất trong thông tin, chia sẻ, giáo dục những giá trị văn hóa, giá trị quốc gia, những giá trị chuẩn mực con người. Và khi báo chí truyền thông về lĩnh vực văn học - nghệ thuật đủ sức mạnh chiếm lĩnh trận địa về văn hóa, tư tưởng, nó còn có vai trò bảo vệ các giá trị tích cực của xã hội, bảo vệ xã hội khỏi những thông tin tiêu cực, phá hoại. Đóng góp đa dạng bởi hệ thông tin trên các phương tiện báo chí truyền thông về văn học - nghệ thuật có thể hun đúc những giá trị văn hóa, con người; truyền bá để giáo dục, xây dựng những giá trị tích cực cho người dân; dẫn dắt lối sống cho người dân từ ăn uống, quan hệ gia đình, phong cách trang phục, cách hành xử trong quan hệ xã hội; dẫn dắt dư luận xã hội; truyền bá, phát huy các thành tựu văn học - nghệ thuật vì sức mạnh mềm của dân tộc... Và đặc thù bởi con đường riêng của văn học - nghệ thuật, đó là con đường từ trái tim đi đến trái tim con người. Đó con đường ngắn nhất, tự nhiên nhất, dễ chấp nhận nhất và cũng hiệu quả nhất, để thuyết phục, động viên, lôi kéo người ta noi theo và trang bị cho mình những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

- Nhưng có ý kiến cho rằng ảnh hưởng của các phương tiện báo chí truyền thông văn học - nghệ thuật đối với xã hội đang có chiều hướng giảm đi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, có lẽ nhận định ấy không chính xác! Tại sao các trang văn, trang thơ của nhiều cá nhân trên mạng vẫn có người đọc, thậm chí nhiều người truy cập để đọc? Tại sao có những ca sỹ không nổi tiếng mà chỉ cần một tác phẩm “tạo trend” trên mạng xã hội có thể lôi kéo nhiều người trong cả nước hát theo? Tại sao trong khi nở rộ những trang mạng cá nhân về văn học - nghệ thuật thì một số ấn phẩm định kỳ về lĩnh vực này lại liên tục giảm số lượng phát hành, gặp phải khó khăn trong việc đưa tiếng nói của mình đến với người dân?

Câu trả lời có lẽ bởi chúng ta đang đi theo lối cũ, vẫn là “lối cũ ta về”, mà người dân đã không đi về theo “lối cũ” nữa. Bởi vì “lối cũ” đó không còn thuận lợi cho điều kiện sống hiện tại, trong khi lối mới đã mở ra, có rất nhiều cái cho người ta lựa chọn. Nói cách khác, phải chăng báo chí về lĩnh vực văn học - nghệ thuật chưa theo kịp xu hướng chung của xã hội Việt Nam hiện nay?

Báo chí văn học - nghệ thuật phải nhìn lại cách tiếp cận, phải tìm cách đi theo con đường người dân hiện nay cần, người dân đang muốn. Về quy luật truyền thông, người ta luôn có xu hướng lựa chọn cái tiện nhất, nhanh nhất và dễ nhất. Con đường ta vẫn là đường cũ, đường vòng, đường khó so với thực tế. Đã đến lúc phải chọn đi theo con đường ngắn, dễ hơn, tiện hơn. Đó là mạng internet!

Theo thống kê cho thấy, ở nước ta có đến hơn 70% người dân sử dụng mạng internet; cũng với tỷ lệ dân cư như thế đang dùng điện thoại thông minh. Còn có một vấn đề như là quy luật là số người tiếp nhận thông tin qua báo, tạp chí in giấy càng ngày càng ít đi và số người tiếp nhận thông tin qua mạng internet ngày càng tăng lên. Trên thực tế, người dân nước ta đang ngày càng đọc trên mạng nhiều hơn là đọc trên báo giấy. Nhìn vào những người trẻ tuổi hiện nay, hầu như họ chỉ đọc trên mạng, từ tin tức, chuyện phiếm đến văn, thơ, sách văn học, và họ không quan tâm đến báo giấy. Vì thế, có thể nói rằng ảnh hưởng của các phương tiện báo chí truyền thông văn học - nghệ thuật in trên giấy đối với xã hội đang có chiều hướng giảm đi ngày càng nhanh, còn ảnh hưởng của báo chí về văn học - nghệ thuật trên môi trường mạng không giảm đi mà còn tăng lên!

- Là nhà nghiên cứu, người thầy của nhiều thế hệ nhà báo, ông đã chứng kiến những thăng trầm của báo chí văn học - nghệ thuật. Theo ông cần điều kiện gì để báo chí chuyên biệt về văn học - nghệ thuật phát triển? Nhà nước, các cơ quan ban ngành cần có cơ chế, chính sách, hoạt động cụ thể nào để báo chí văn học - nghệ thuật phát huy vai trò, vị thế của mình?

- Tôi nghĩ, có 4 vấn đề cốt tử mà cơ quan báo chí truyền thông nào cũng phải giải quyết nếu muốn tồn tại và phát triển: Thứ nhất là nhận thức; thứ hai là nhân lực; thứ ba là đầu tư và thứ tư là vai trò của chủ thể quản lý. Sự khác nhau giữa các loại hình cơ quan báo chí thể hiện cụ thể trong 4 vấn đề đó.

Nói đến nhận thức là nói đến khả năng hiểu biết sâu sắc về tính chất, đặc điểm của thông tin của bản báo, sự hiểu biết về đối tượng tiếp nhận thông tin, khả năng dự báo tình hình và nắm bắt được yêu cầu, đòi hỏi của việc đổi mới của cơ quan báo chí truyền thông. Nói đến nhân lực là nói đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, hành chính của tòa soạn, từ người lãnh đạo, quản lý đến nhà báo, biên tập viên, nhân viên chuyên môn các loại. Không có nhân lực tốt, đừng nói gì đến phát triển cơ quan báo chí truyền thông!

Nói đến đầu tư là nói đến việc xây dựng các cơ sở vật chất của cơ quan, là trang bị máy móc, thiết bị kỹ thuật, là trang bị phần cứng, phần mềm, là cung cấp nguồn tài chính bảo đảm quá trình hoạt động thông suốt của cơ quan báo chí - truyền thông. Đầu tư không đầy đủ, đồng bộ, hợp lý, cơ quan báo chí truyền thông khó có thể tạo ra hiệu quả.

Nói đến vai trò của chủ thế quản lý là nói đến định hướng đường lối, chính sách đầu tư, hành lang pháp lý và không gian mà cơ quan quản lý mở ra cho hoạt động của cơ quan báo chí của mình. Cũng là nói đến sự hỗ trợ, sự kiểm tra, giám sát, tạo những điều kiện cần và đủ cho cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả. Cơ quan quản lý mà không thực hiện được những điều đó thì cơ quan báo chí truyền thông khó có đường phát triển.

Đường lối chung của Đảng là phát triển nền báo chí truyền thông hiện đại, nhân văn, nhưng để thực hiện được mục tiêu ấy, các cơ quan chủ quản phải cụ thể hóa thành những chính sách, giải pháp cụ thể. Ví dụ như chính sách hỗ trợ nguồn lực tài chính không phải cơ quan nào cũng như nhau. Ví dụ như, không nên đánh đồng việc đầu tư cho báo Văn nghệ với nhiều cơ quan báo chí khác, bởi tính chất đặc thù của lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Các nhà quản lý cần nhận thức việc đầu tư phát triển văn hóa - văn nghệ không đơn thuần chỉ phục vụ cơ quan báo chí ấy phát triển, không chỉ là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ, không đơn thuần phục vụ diễn đàn cho giới văn nghệ sĩ, mà còn là đầu tư cho một công cụ, phương tiện giáo dục, xây dựng con người mới Việt Nam, đầu tư cho việc khơi dậy năng lực sáng tạo, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và cả trách nhiệm của giới văn nghệ sĩ với phát triển đất nước.

Trong một lần tới thăm Thư viện Quốc hội Mỹ, tôi thấy họ lưu trữ một số tờ báo Việt Nam, trong đó có báo Văn nghệ. Tôi hỏi họ tại sao lại lựa chọn như vậy, đại diện thư viện nói rằng chọn Văn nghệ vì đây là tiếng nói của những nhà văn, nhà thơ, tiếng nói của những người có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội và bản thân họ cũng là đại diện có trọng lượng cho dư luận xã hội. Thêm một điều nữa, thông thường thì các nhà văn, nhà thơ nói tiếng nói của đời sống xã hội một cách hồn hậu, chân thành và không vụ lợi.

Tôi cứ nghĩ, đó cũng là một gợi ý hay, một gợi ý về cơ sở để các nhà quản lý cần quan tâm đến Văn nghệ và một số cơ quan báo chí đặc thù khác. Đó cũng là một cách hiểu, cách tiếp cận về “cơ chế thị trường” nhưng có “định hướng xã hội chủ nghĩa”!

- Để thưởng thức văn chương và cập nhật tình hình văn học - nghệ thuật, ông thường tìm tới nguồn tin nào?

- Từ lâu rồi, tôi thường xuyên đọc báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tôi vẫn đặt báo để đọc thường xuyên. Tôi đọc tờ báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội không chỉ như một thú vui, một sự cập nhật thời sự về văn học - nghệ thuật, mà còn như một cách để tu tâm, dưỡng tính, để soi vào những giá trị trong các tác phẩm đăng tải trên báo mà xem lại mình, mà điều chỉnh cách nghĩ, cách sống, cách làm việc của mình. Tôi có thói quen là thường đọc thơ và những bài viết ngắn, nhẹ nhàng trước; dài như truyện ngắn, bài phê bình thì cầm lên xe đi công tác hay đêm về đọc. Có thể đó là do lối sống riêng của tôi, của một lớp người cũ như tôi.

Với báo Văn nghệ, thực tình tôi vẫn mong muốn chừng nào còn có thể thì báo vẫn giữ được tờ báo giấy như một thứ đặc ân cho đối tượng độc giả đặc biệt. Nhưng muốn phát triển, muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng, có lẽ các bạn phải nhanh chóng số hóa, mạng hóa, đa phương tiện hóa, mở ra những phương thức cung cấp nội dung số, cung cấp dữ liệu số về văn học - nghệ thuật phong phú hơn. Khi phương thức truyền tải phù hợp công chúng hiện đại, dần dần báo sẽ lôi kéo được nhiều đối tượng tiếp nhận hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 25/2024


Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Đại biểu Quốc hội: Làm rõ "Tiêu chuẩn Việt Nam" trong áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Baovannghe.vn - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, sáng nay, 22.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 22/11/2024

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổ chức triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam

Baovannghe.vn - Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị triển khai và rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Triển lãm 80 năm văn hóa, nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài