Trang phục của người Rơ Măm có hai màu chủ đạo là trắng và đỏ. Một số màu sắc khác được thể hiện trên những hoa văn, họa tiết rất nhỏ viền theo chân váy của phụ nữ. Trước chiến tranh, nghề dệt của người Rơ Măm được cho là rất phát triển. Họ tự trồng cây kéo sợi dệt vải. Bây giờ, họ mua nguyên liệu về dệt. Vải có thể dệt thủ công, nhưng họa tiết hoa văn thì phải thêu tay. Bà Y Điết ở làng Le rất hào hứng giới thiệu bộ khung dệt và một số tấm vải đã hoàn thiện, hoa văn họa tiết được bà tự thêu có sự cân đối về bố cục và màu sắc hài hòa, trang nhã, trong số đó có một chiếc áo xinh xắn, bà nói đó là món quà cho đứa cháu gái nhỏ của bà.
Cán bộ, ban giám đốc Công ty TNHH MTV 78 gặp gỡ đại diện thế hệ trẻ người Rơ Măm ở làng Le. Nguồn ảnh: Nguyễn Xuân Thuỷ |
Người Rơ Măm có điệu múa riêng, có nhạc cụ riêng, đời sống âm nhạc cũng rất đa dạng. Nhạc cụ chủ yếu là cồng chiêng. A Thái cho biết làng Le còn 144 bộ cồng chiêng. Tùy loại mà mỗi bộ có từ 11, 15 đến 22 chiếc. Các bài hát được truyền miệng từ xa xưa, và mỗi bài thường kéo dài chừng 15 đến 20 phút. Lẽ dĩ nhiên, trong các bài hát được truyền đời đó có những bài hát ru. Giống như bao dân tộc trên thế giới, hát ru là hình thức nghệ thuật độc đáo, được truyền từ đời này sang đời khác và mang đậm nét văn hóa đặc sắc của chính dân tộc đó. Bà Y Điết cũng mang những lời hát ru của dân tộc mình đến các cuộc giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Trong buổi chiều muộn cuối tháng 11 ở Tây Nguyên, bà Y Điết không muốn hát những lời ca da diết của dân tộc mình mà không mặc trang phục truyền thống. Vì vậy, vừa cất được đôi ba lời hát, bà quyết định phải mặc trang phục truyền thống, mà theo cách người ta nghĩ, thì mặc trang phục ấy, hát lời hát ấy mới thực là đúng điệu. Bài hát ru kể câu chuyện một đứa trẻ được ông bà chăm sóc khi bố mẹ em đi nương, đi rẫy. Người ông, người bà trong bài hát ru, bằng tất cả tình yêu thương, sẵn sàng bảo vệ cháu trước những thế lực xấu từ bên ngoài. Trong bóng tối đầu đêm ở làng Le, tiếng hát ru cháu của bà Y Điết cứ mênh mang vời vợi, như tiếng vọng của người Rơ Măm thuở hồng hoang. Rơ Măm, một trong số những dân tộc ít người nhất Việt Nam, đang được Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để bảo tồn và phát triển.
Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi phần lớn người Rơ Măm sinh sống, trước chiến tranh còn là một vùng dân cư thưa thớt. Đại tá Nguyễn Trường Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV 78, Binh đoàn 15, đặc biệt nhấn mạnh: Nơi đây hai mùa nắng mưa, và hễ vào mùa mưa là cả khu vực biến thành “ốc đảo”, hoàn toàn bị chia cắt với bên ngoài. Thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, 80% dân cư nơi đây là người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, đây là vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, phải chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, kinh tế - văn hóa - xã hội chậm phát triển, an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng…
Vì thế, cách đây hơn hai mươi lăm năm, khi Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 chưa về đứng chân, kinh tế của người dân tộc tại chỗ đã khó khăn, các hủ tục lạc hậu càng làm cho đời sống của họ thêm gian nan, vất vả. Rơ Măm là một dân tộc đặc biệt ít người, từng suýt bị lãng quên vì sống cô lập trong vùng rừng sâu, hôn nhân cận huyết dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, chất lượng nguồn gen, và từng có tục mẹ chết chôn theo con sơ sinh. Hơn ba mươi năm trước có trường hợp của em Y Đức, được bộ đội biên phòng cứu khỏi hủ tục chôn theo mẹ và giao cho trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Trường hợp gần đây có A Lương, cũng suýt bị chôn theo mẹ, bây giờ anh là một dân quân xã.
Đón tiếp đoàn khách phương xa tại nhà Rông của làng Le là A Thái và Y Vác, hai cán bộ trẻ trưởng thành trong thời đại mới. Y Vác mặc trang phục truyền thống còn A Thái năng động sơ mi quần âu, giày da. Nhà thơ Văn Công Hùng bảo ở Tây Nguyên hiện nay, nhà Rông ở làng Le là một trong số những nhà Rông… đúng điệu và thực hiện đúng công năng nhất. Mái nhà Rông làng Le còn lợp cỏ tranh, còn lưu dấu rừng xanh thuở hoang sơ. Nhà Rông xưa là nơi trái gái Rơ Măm mỗi tối gặp gỡ vui chơi và tìm hiểu nhau, nên duyên chồng vợ.
Một phụ nữ Rơ Măm hiện là công nhân Công ty TNHH MTV 78. Nguồn ảnh: Nguyễn Xuân Thuỷ |
Theo A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum, thì dân tộc Rơ Măm của anh ở làng Le hiện có 187 hộ, 566 nhân khẩu, và người Rơ Măm gốc chỉ hơn 400 người.
Người Rơ Măm từ đâu đến? A Thái bảo đã có đôi ba nhà khoa học về làng Le để tìm hiểu và nghiên cứu về người Rơ Măm, nhưng đến nay chưa thấy có công trình nghiên cứu nào đến được với người Rơ Măm làng Le. Vì thế, người Rơ Măm chưa biết nguồn gốc của dân tộc mình ở đâu, chỉ biết dân tộc của họ đã gắn bó với mảnh đất này từ bao đời nay. Phong tục, tập quán có một số điểm tương đồng với người Ja Rai bản địa. Nhiều người Rơ Măm kết hôn với người Ja Rai, già làng người Ja Rai hiện nay có nhiều họ hàng người Rơ Măm… Còn lại là một số phong tục khác biệt.
Người Rơ Măm trồng lúa rẫy. Hằng năm, vào dịp thu hoạch, lúa rẫy sẽ được cất vào kho. Và muốn sử dụng lúa trong kho, họ sẽ làm lễ mở kho lúa. Đây là một nghi lễ đặc biệt được thực hiện trong dịp lễ hội của làng và nó cũng diễn ra trong mỗi gia đình. Theo đó, nếu không làm lễ mở kho lúa, người Rơ Măm sẽ không tùy tiện sử dụng lúa trong kho. Lễ mở kho lúa nếu được tổ chức ở cấp làng sẽ mổ trâu, dê, còn ở cấp gia đình thì chỉ đơn giản là heo, gà, ghè rượu. Với người Rơ Măm, lễ mở kho lúa là lễ lớn nhất trong năm. Mỗi năm, lễ lớn do làng họp và quyết định, còn lễ riêng của mỗi gia đình thì gia đình đó tự chọn ngày làm lễ. Nhà nào không có kho lúa thì không tham gia. Nhà nào trồng lúa nước cũng không tham gia, vì lễ mở kho lúa chỉ dành cho lúa rẫy, lúa nương.
Nói đến cây lúa nước ở làng Le, A Thái kể, hồi xưa bà con rất khổ, bản thân anh cả tháng ăn măng, gạo được cán bộ cho thì giã nhỏ mịn như bột, mỗi bữa nấu măng lại bỏ một nhúm bột gạo vào nồi măng, như cách người ta bỏ bột ngọt vào nồi canh bây giờ, để nồi măng có… mùi gạo. Những năm tháng cán bộ công nhân Công ty 78 vừa mới bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên khai hoang vùng đất này, người Rơ Măm đã vào rừng lấy măng về đổi cho các đơn vị sản xuất để lấy cơm.
Cuối thập kỉ 90 của thế kỉ 20, khi Công ty 78 về đứng chân trên địa bàn, đời sống của bà con Rơ Măm khấm khá hơn. Cán bộ, công nhân viên công ty vừa hỗ trợ vật chất, vừa hỗ trợ tinh thần cho bà con như giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kĩ thuật trồng lúa nước, thành lập mô hình gắn kết hộ công nhân người Kinh và công nhân người dân tộc thiểu số, ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Mô hình này đã giúp bà con nơi đây gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, đoàn kết tương trợ mọi lúc mọi nơi. Cái chính là lấy sự đoàn kết để chống lại chia rẽ. Hiện nay người Rơ Măm làm ruộng nhiều hơn lúa đồi, chuyển đổi từ cây ngắn ngày sang cây dài ngày.
Rượu là thức uống quen thuộc và quan trọng của người Rơ Măm. Cũng như các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn, người Rơ Măm trước đây tự ủ rượu và nấu rượu bằng loại men rượu tự chế. Ngoài tôm cá đánh bắt ở sông suối, muông thú trên rừng, họ coi một số loài thực vật rừng như mây đắng, mây ngọt, môn rừng, lá mì, rau dớn… là đặc sản, và ngày nay vẫn trân trọng dâng cúng những món ăn đó cho Yàng trong những dịp lễ tết hội hè. Ngoài lễ mở kho lúa, tết cơm mới, người Rơ Măm hiện nay ăn tết Nguyên đán theo người Kinh. Có lẽ mô hình gắn kết hộ đã khiến văn hóa vùng miền được lan tỏa, giao thoa.
Nói đến điểm khác biệt trong ngày tết của người Rơ Măm, người ta nói đến tục rào làng. Cây, dây sẽ được chắn, giăng ngang đường vào làng, tách biệt làng của người Rơ Măm với các làng khác. Việc “rào làng” diễn ra trong một ngày, không ai từ trong làng ra khỏi làng, cũng không ai từ làng khác vào làng của người Rơ Măm. Ngày nay, người Rơ Măm vẫn giữ tục đó, nhưng chỉ diễn ra trong khoảng 5 đến 10 phút.
Người Rơ Măm có ngôn ngữ riêng. Họ có thể nói được tiếng Ja Rai, tiếng Xê Đăng, nhưng ngôn ngữ của họ lại không dễ cho người dân tộc khác. Vì vậy, việc người ngoài học tiếng Rơ Măm là tương đối khó khăn. 100% phần trăm trẻ em Rơ Măm hiện nay vẫn biết nói tiếng của dân tộc mình, thậm chí, chúng có thể nói một lúc 3, 4 thứ tiếng, nếu có cha mẹ là hai dân tộc khác nhau.
Là một tộc người từng sống cô lập trong rừng sâu, nhưng quan niệm về hôn nhân của người Rơ Măm lại rất… thoáng. Nghi lễ cưới hỏi đơn giản, không cầu kì. Nếu một đôi trai gái Rơ Măm ưng nhau, muốn kết duyên chồng vợ, thì cha mẹ hai bên đều hết lòng ủng hộ, hoàn toàn không có chuyện ép duyên. Ngày làm lễ kết hôn cũng không phải lựa chọn đẹp hay không đẹp theo phong thủy, chỉ cần là một ngày phù hợp. Tuy nhiên tin mừng thường được báo trước với dân làng chừng một tháng, để bà con chuẩn bị rượu ghè, gà, heo chung vui. Một đám cưới thường diễn ra từ hai đến ba ngày, trong tiếng cồng chiêng rộn rã. Đặc biệt, quan niệm về nghĩa vụ và trách nhiệm trong hôn nhân của người Rơ Măm rất công bằng, bình đẳng, cả hai vợ chồng đều thực hiện nghĩa vụ với hai bên nội ngoại như nhau. Sau khi cưới, người vợ ở bên nhà mẹ đẻ chừng một đến hai năm, rồi sống cùng nhà chồng một đến hai năm, sau đó đôi vợ chồng trẻ có thể ra ở riêng. Đặc biệt, người con út trong mỗi gia đình đều bắt buộc sống với cha mẹ. Tài sản của cha mẹ, người con út được hưởng nhiều nhất.
Một hủ tục đã được người Rơ Măm bỏ bớt là trong ma chay. Trước đây, khi một người Rơ Măm qua đời, gia đình phải tổ chức mổ trâu ăn uống linh đình mấy ngày. Ngày nay chỉ gói gọn trong một hai ngày. Lễ bỏ mả của người Rơ Măm cũng vậy. Khi người chết được chôn, mỗi tháng người nhà sẽ tổ chức cúng một lần, ngày nào cũng phải hai lần đi đưa cơm cho người chết. Cứ như thế cho đến một hoặc hai năm mới bỏ mả. Bỏ mả là bỏ hẳn, không cúng mỗi tuần và đưa cơm nữa. Lễ bỏ mả đối với người chết cũng là một nghi lễ quan trọng, được “ăn to”. Trước đây, lễ bỏ mả phải tổ chức mổ trâu bò và kéo dài nhiều ngày. Mỗi người đến chia buồn với tang chủ đều phải ngủ lại một đêm trong rừng ma, bên mộ người chết. Ngày nay nghi lễ này cũng được gói gọn, đơn giản hơn.
Đã từng suýt bị lãng quên vì sống cô lập, đã từng có những cuộc hôn nhân cận huyết vì quá ít người đồng tộc, đã từng có những hủ tục lạc hậu… ngày nay người Rơ Măm đang là một trong số những dân tộc ít người phát triển và hiện đại. Theo Đại tá Nguyễn Văn Mười, Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị là bảo tồn văn hóa bản địa. Để thực hiện được điều đó, trước hết cán bộ của công ty phải vượt qua được rào cản ngôn ngữ, hiểu, nói được tiếng của người dân tộc bản địa, phải nắm được những đặc trưng văn hóa của họ, và từ đó, giúp họ bỏ hoặc giảm thiểu những hủ tục lạc hậu, gìn giữ, duy trì và lan tỏa những phong tục tốt đẹp. Rơ Măm là một dân tộc rất ít người. Người Rơ Măm thật thà, tình nghĩa và có tinh thần cầu thị cao, chủ động muốn được giao thoa những phong tục tốt đẹp của dân tộc mình với các dân tộc anh em khác. Họ cũng rất có ý thức bảo vệ và giữ gìn truyền thống như nhà Rông, cồng chiêng, trang phục…
Trên mảnh đất này, vừa phát triển kinh tế, xoa dịu những vết thương chiến tranh, vừa bảo tồn văn hóa của người dân tộc bản địa, vai trò của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78, Binh đoàn 15 là rất lớn. Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H’DRai, tỉnh Kon Tum; có 48,83km đường biên giới với nước bạn Campuchia. Từ năm 1999, đơn vị thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng về mục tiêu chiến lược xây dựng kinh tế kết hợp an ninh quốc phòng, với mục tiêu, nhiệm vụ: Về quốc phòng, an ninh: bố trí lại các điểm, cụm dân cư gắn với thế phòng thủ trên toàn tuyến biên giới, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng, sẵn sàng phối hợp tác chiến trên địa bàn khi có tình huống xảy ra. Về kinh tế: phát triển cây công nghiệp trên các vùng đất trống, đồi trọc, rừng nghèo kiệt gắn với chế biến mủ cao su, hình thành nên một vùng sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn, giải quyết việc làm, xây dựng một số công trình hạ tầng thiết yếu nhằm cải thiện từng bước nâng cao đời sống văn hóa, xã hội, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Những ngày đầu đến với mảnh đất này, khó khăn thách thức đối với công ty nhiều, với người dân tộc tại chỗ cũng rất nhiều. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ, công nhân lao động đều lạ đất lạ nước, ngỡ ngàng trước một vùng đất còn quá ư hoang sơ. Đời sống của người dân tộc thiểu số còn quá nghèo nàn, thiếu ăn thiếu mặc, phong tục lạc hậu. Một phần tư thế kỉ trôi qua, nay đã có hơn 70 người Rơ Măm tham gia làm công nhân ở Công ty 78. Có những người thợ giỏi, những “bàn tay vàng” Rơ Măm. A Thái “khoe” hiện lương của công nhân ở đây khá cao, một cặp vợ chồng trong đội 9 lương 30 triệu một tháng. Đời sống kinh tế của tất cả anh em làm ở Công ty 78 đều khấm khá, họ có cuộc sống ổn định, điều kiện kinh tế khác hẳn, dựng được nhà cửa hiện đại, sắm được xe cộ và con cái được học hành đầy đủ. Những người làng Le không tham gia công ty thì thu nhập kém, dựa chủ yếu vào nương rẫy. A Thái nói sẽ phối hợp với công ty vận động anh em về với công ty. Đại tá Nguyễn Văn Mười khẳng định công ty sẵn sàng đón nhận, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con làm việc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và tinh thần.
…Khi kết thúc bài hát ru, bà Y Điết lo lắng sau này mình qua đời, con cháu có thể không còn thấy những hoa văn trên váy áo nữa. Những hoa văn, họa tiết trên váy áo của người Rơ Măm chủ yếu do nghệ nhân sưu tầm, học hỏi và sáng tạo. Nghề dệt từng là nghề phát triển nhất của người Rơ Măm, song ngày nay những người Rơ Măm có thể tự dệt vải, thêu hoa văn còn rất ít. Bà cũng muốn truyền lại cho con cháu, thế hệ trẻ của làng Le nghề dệt, nghề thêu, nhưng số người muốn học lại không nhiều, hiện bà chỉ có 4 học trò.
Đã có hiện tượng những người sưu tầm hiện vật văn hóa tìm đến hỏi mua, dụ dỗ người dân bán cồng chiêng cho họ. Đại tá Nguyễn Văn Mười, Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 cũng chia sẻ những phương án bảo vệ di sản văn hóa của người dân tộc tại chỗ, trong đó có người Rơ Măm, như kết hợp với già làng, trưởng thôn mở các lớp học tiếng, động viên thế hệ trẻ học hỏi, lưu giữ di sản dân tộc, ngăn chặn kịp thời những hiện tượng chảy máu văn hóa, chảy máu di sản…
Hơn 25 năm đứng chân trên vành đai biên giới, Công ty TNHH MTV 78 đã biến vùng biên giới xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum từ chỗ hầu hết là đất hoang thành những thôn làng mới văn minh tiến bộ, kinh tế phát triển. Và người Rơ Măm trên mảnh đất này, với ngôi nhà Rông truyền thống của họ, không chỉ là nơi họp việc làng, nơi trai gái gặp gỡ tìm hiểu và nên duyên, mà còn là nơi hội tụ của tinh hoa trí tuệ và di sản Rơ Măm.