Sáng tác

Cây gậy của ông nội tôi. Truyện ngắn của Trương Kim Hậu

Trương Kim Hậu
Văn học nước ngoài 08:00 | 05/06/2025
Baovannghe.vn- Trương Kim Hậu sinh ra ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc. Các tác phẩm của ông được đăng trên các ấn phẩm nổi tiếng như: Nhân dân Nhật báo, Tuyển tập tản văn, Văn học kí sự Trung Quốc, Văn học Phúc Kiến...
aa

***

Tôi gọi là cây gậy chống chứ không phải là ba-toong. Ở quê tôi, gậy chống và ba-toong có sự khác biệt. Ba-toong thường được người ta chọn lựa rất kỹ càng từ khâu nguyên liệu, chế tác cũng tinh xảo, trên ba-toong thường trổ hoa văn, đầu rồng, thậm chí còn phủ thêm một lớp sơn bóng loáng. Một khi đã được chăm chút như thế, khó mà gọi nó là “gậy chống” nữa, mà phải gọi là “ba-toong”. Ba-toong tinh xảo, giá lại đắt, người bình thường không kham nổi, nên thường chỉ dùng gậy chống.

Cây gậy của ông nội tôi. Truyện ngắn của Trương Kim Hậu
Minh họa nguồn Internet

Gậy chống thì đơn giản hơn nhiều, tiện tay chặt đại một cành cây có chỗ cong ở đầu, lột vỏ, mài sơ qua là có thể thành một cây gậy chống rồi. Đối với những người không cầu kì, thậm chí cũng không cần lột vỏ mà dùng luôn. Gậy chống không đáng giá gì, lúc cần thì nó là một món đồ, lúc không cần thì chỉ là một khúc củi. Nếu dùng hỏng rồi, vứt đi cũng chẳng ai tiếc, làm cái khác là xong.

Trong ký ức tôi vẫn nhớ rất rõ, cây gậy chống luôn là vật bất li thân của nội tôi. Thời gian đầu, cây gậy chống của ông là loại ngắn sần sùi, bởi ông vừa trải qua cơn bạo bệnh khiến ông gần như bị liệt. Sau này, tôi nghe mọi người kể rằng, cơn bạo bệnh ấy là do ông phải trải qua cú sốc kinh hoàng khi chưa đầy hai năm trời ông đã mất đi bốn người thân.

Người đầu tiên rời xa ông chính là bố tôi. Năm ấy, bố tôi ba mươi ba tuổi và ông tôi nội tôi năm mươi tư tuổi. Bố tôi bị điếc từ nhỏ và sau này bố tôi còn mắc thêm chứng bệnh thần kinh. Ông nội tôi kể rằng, bố tôi bị bệnh là do không kịp điều trị, vì thế những ngày sau đó, lúc nào ông nội tôi cũng cảm thấy mình có lỗi với con trai.

Năm đó tôi sáu tuổi. Ngày bố tôi mất tôi cũng không nhớ rõ lắm khung cảnh khi ấy, chỉ nhớ rằng lúc ấy có nhiều người khóc lóc, cũng có nhiều người bận bịu lo việc, nhưng mặt ai cũng buồn rầu. Ông nội không khóc, chỉ ngồi khoanh chân bên bếp hút thuốc. Ánh mắt vô định nhìn chằm chằm xuống đất, vẻ mặt thất thần, điếu thuốc đã tắt từ lâu nhưng ông tôi dường như không hề hay biết.

Sắp đến giờ bố tôi phải nhập quan, ông nội vội vã vứt bỏ chiếc tẩu thuốc, đứng bật dậy, chạy đến trước quan tài, ông ôm chặt lấy quan tài, lấy thân mình chặn lấy chiếc nắp quan tài đang chuẩn bị đậy lại. Ông từ từ vuốt phẳng những nếp nhăn trên tấm vải liệm của bố tôi, bàn tay thô ráp run rẩy lật lớp vải che mặt bố tôi ra và vuốt ve khuôn mặt đứa con trai duy nhất của mình, từ má trái sang má phải, từ trán xuống cằm, ông cứ vuốt mãi, nước mắt dâng đầy nhưng dường như ông vẫn cố để không trào ra những giọt nước mắt mà ông vẫn kìm nén từ lâu. Khi mọi người kéo ông ra, chỉ nhìn thấy ông cắn chặt răng trên vào môi dưới, dưới hàm rỉ ra một vệt máu nhạt, vậy mà ông vẫn không bật khóc thành tiếng. Ông đứng lên, loạng choạng, mọi người liền vội vàng dìu ông vào phòng, ông bảo mọi người ra ngoài hết, rồi một mình lại lặng lẽ hút thuốc.

Sau khi cha tôi mất, gia đình tôi không còn tiếng cười như xưa. Mọi người hầu như không ra khỏi nhà, cứ thế lặng lẽ sống, nhưng sự tàn nhẫn của số phận chưa dừng lại ở đó.

Năm đó, vào một đêm mùa đông, khi đang ngủ thì chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc thảm thiết của mẹ từ phòng bên cạnh. Tôi và ông bà nội vội vàng chạy sang thì thấy em trai đang trong lòng mẹ đã tắt thở. Mẹ sợ ông nội không chịu nổi cú sốc, vừa khóc vừa bế em chạy ra ngoài. Ông nội chặn lại, nói: “Trời tối lắm, để bố!” Rồi ông bế em tôi lên, bóng dáng ông mất hút trong màn đêm dày đặc.

Ông nội ôm em ra một con mương ở đầu làng, rồi quỵ xuống bên bãi cỏ. Thường ngày, em trai tôi là niềm vui lớn nhất của ông. Đêm đó, ông muốn dùng hơi ấm của mình để sưởi ấm cho đứa cháu trai. Ông ôm chặt em trong lòng, nhưng thấy em ngày càng lạnh cứng khiến ông nhận ra tất cả đã vô ích. Tôi không biết ông đã đặt em xuống con mương sâu ấy thế nào, cũng không biết ông đã quay lưng bỏ đi trong đau đớn ra sao. Đêm đã khuya lắm rồi, khi ông quay về, tóc tai rối bù, râu dính đầy sương trắng, người đầy rơm rạ, trông ông thân tàn ma dại như vừa chết đi sống lại.

Do hoàn cảnh khó khăn, đến mùa thu năm sau mẹ tôi tái giá, mang theo em gái tôi đi cùng. Một đại gia đình bảy người, chưa đầy một năm chỉ còn lại ông bà và tôi - hai già một trẻ. Đêm mẹ rời đi, bầu không khí trong nhà chìm sâu trong tĩnh lặng, không ai nói gì, chỉ có những tiếng thở dài và cả những tiếng nức nở. Có lẽ vì quá mệt mỏi nên tôi cũng nhanh chóng ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, cảm thấy bên phía ông có gì đó bất thường, tôi bật dậy và thấy ông đầm đìa mồ hôi, dường như mấy lần ông muốn đứng lên nhưng không nổi. Có lẽ vì một năm qua tôi đã mất mát người thân quá nhiều, nên cảnh tượng này còn đáng sợ hơn cả lúc cha tôi mất. Tôi cố kéo tay để đỡ ông dậy, ông gắng gượng hết sức nhưng đều vô ích. Tôi ôm ông từ phía sau, nhưng cũng không thể nhấc ông lên, rồi tôi bò ra phía trước để ông vịn lên lưng tôi, cố gắng cõng ông nhưng cũng không được. Cả hai ông cháu mồ hôi nhễ nhại và bất lực. Tôi bắt đầu khóc òa lên trong sợ hãi và tuyệt vọng vì nghĩ rằng ông cũng sắp mất rồi.

Ông bệnh nặng, bà phải chăm sóc ông nên mọi việc trong nhà tôi phải gánh vác. Từ gánh nước, quét sân, chăn dê, kiếm củi... mới bảy tuổi nhưng tôi đã bận rộn với bao công việc của một người lớn.

Kiếm củi là việc cực nhọc nhất vì vừa phải đủ dùng hàng ngày, lại còn phải tích trữ cho những ngày mưa gió. Mỗi ngày tôi đều vác thúng ra ruộng nhặt gốc ngô. Mỗi lần đi, không cần biết ruộng của ai, cứ thấy có gốc ngô là tôi nhặt. Một hôm, đang mướt mồ hôi nhặt thì bỗng thấy ông chú trong làng - người mà tôi sợ nhất vì tính nóng nảy - đứng ngay trước mặt. Biết mình vào nhầm ruộng nhà ông, tôi hoảng quá quay đầu chạy, không may vấp ngã sóng soài tay vập phải gai. Nhưng bất ngờ là chú không mắng mà còn đỡ tôi dậy, phủi đất trên người tôi rồi lấy gai ra khỏi tay cho tôi. Chú nhẹ nhàng xoa lên vết thương đang rớm máu trên tay tôi. Hôm nay, ánh mắt chú trông rất hiền từ, tôi òa khóc và thấy mắt chú cũng rưng rưng. Kể từ hôm ấy, ngày nào tôi cũng thấy ruộng của chú có sẵn hai thúng gốc ngô đã được nhổ nhưng không rũ hết đất, tôi chỉ cần tôi dọn sơ lại là được. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, tất cả là do chú âm thầm giúp tôi, sợ người khác lấy mất nên chú cố tình không rũ hết đất.

Bệnh chân của ông được một thầy thuốc chữa bằng điện châm và hơ lửa được đốt từ vỏ cây dâu khô trong chậu sắt, để ông đặt chân lên sưởi. Mỗi lần hơ, ông ra mồ hôi đầm đìa, đau đớn vô cùng nhưng chưa bao giờ thấy ông kêu than. Vì cần nhiều vỏ cây dâu nên sau này bà nội tôi phải dẫn tôi vào rừng dâu của hợp tác xã để lấy. Một hôm bà và tôi bị bí thư chi bộ thôn - người vốn là anh em họ với ông nội tôi và không ưa ông cho lắm - phát hiện đang lột vỏ cây dâu. Bà nội tôi vội quay đi bỏ tôi lại vì nghĩ ông bí thư sẽ không dám làm gì trẻ con. Tôi sợ nhưng vẫn đứng nhìn ông chằm chằm, chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt. Không ngờ ông bí thư lại nhẹ nhàng xoa đầu tôi và dặn: “Bảo bà cháu đừng lột trụi vỏ một cây, mỗi cây chỉ lột một ít thôi.” Nói rồi ông bỏ đi. Tôi về nhà kể lại bà mới yên tâm, ông tôi thì thở dài: “Dù sao cũng là anh em họ.”

Ông chữa bệnh hơn ba tháng. Một hôm, ông thầy thuốc đưa đến cây gậy chống có thanh gác ngang bảo ông tập đi. Và kì diệu thay, chân ông dần hồi phục, ông có thể dùng gậy bước đi từ trong nhà, ra sân, ra cổng. Vài tháng sau, ông lấy từ sau tủ ra một cây gậy mới, thay cho cây gậy cũ. Bệnh tình của ông có chuyển biến rõ rệt.

Tôi không biết ông đã chuẩn bị cây gậy đó từ bao giờ. Cây gậy ấy tuy chỉ là cây gậy chống bình thường nhưng lại được gia công rất kĩ: Gỗ chắc, rất vừa tay, đầu gậy có bọc một lớp inox mỏng, tay cầm bọc lớp bảo vệ, thân gậy được lột vỏ nhẵn bóng. Tuy cũng chưa thể được gọi là ba-toong nhưng có thể nói, đây là cây gậy tốt nhất trong thôn.

Ông tôi nâng niu cây gậy đó hơn bất kì thứ gì. Nói cho cùng thì dù có tốt bao nhiêu thì đó chỉ là một cây gậy chống, nếu so với đồ đạc trong nhà thì cây gậy ấy là không đáng tiền nhất, thế nhưng, ông tôi còn quý hơn cả con người, cây gậy ấy theo ông suốt mười tám năm cuộc đời còn lại như vật bất li thân.

Mỗi khi đi đâu về nhà, ông không bao giờ để gậy bừa bãi mà luôn đặt bên cạnh giường, khi nói chuyện thì gác lên vai, đi cày thì cầm thay roi trâu nhưng chưa bao giờ dùng để đánh mà chỉ để dọa trâu. Khi làm việc thì ông đào hố bé để lấy chỗ dựng gậy. Mùa đông ông để gậy nơi có chút ánh nắng, mùa hè ông để nơi râm mát. Dân trong thôn thường gọi ông là “ông già gậy”.

Về sau, chân ông khá hơn, đi không cần chống nữa nhưng ông vẫn mang gậy theo. Tôi phát hiện ra, ông lúc thì kéo gậy, lúc thì xách hẳn gậy lên hầu như không dùng, nhưng cứ ra khỏi nhà là ông mang gậy theo mình, chưa bao giờ quên.

Lúc đầu tôi tưởng đó là thói quen, cho đến một lần, vì đuổi gà mổ thóc, tôi dùng cây gậy của ông để ném xua gà. Nhìn thấy cây gậy bị vứt rơi mạnh xuống đất, ông tôi vội lao ra, không nói lời nào, ông phát luôn vào mông tôi mấy cái. Đó là lần duy nhất ông đánh tôi. Tôi thấy ông yêu cây gậy chống còn hơn cả tôi nên tôi tủi thân và khóc rất lâu. Ông kiểm tra thấy gậy không sao, ôm lấy tôi và ôm cả cây gậy, ông không dỗ dành tôi mà chỉ im lặng ôm tôi thật chặt. Hơi ấm của ông khiến tôi thôi không ấm ức. Từ đó, tôi không bao giờ dám động vào cây gậy ấy nữa.

Mãi đến mười bảy năm sau, khi tôi hai mươi ba tuổi, ông mới kể cho tôi về những buồn đau phía sau câu chuyện cây gậy chống ấy. Hôm đó, hai ông cháu đi trồng khoai, ông nói nhiều hơn thường lệ, cứ như là ông chuẩn bị đi đâu xa.

Hóa ra, người làm cây nạng đó không phải là ông nội, mà là cha tôi.

Bà nội mất khi cha tôi còn rất nhỏ, người mà tôi gọi là bà nội trong câu chuyện này là mẹ kế của cha tôi. Sau đó, ông nội đi lính. Cha tôi được các cụ nội tôi nuôi nấng. Ngày ấy, cha tôi có triệu chứng của bệnh điếc, nhưng do ông tôi đi bộ đội không về kịp, đến khi ông tôi trở về từ quân ngũ thì cha tôi đã bị điếc hoàn toàn. Vì điều này, ông nội luôn day dứt suốt cả đời.

Người bị điếc thường có phần chậm chạp, cha tôi ngoài việc thích đọc sách thì rất ít khi giao tiếp với người khác nên bị dân làng xa lánh. Khi lớn lên, cha tôi cũng từng phản kháng lại sự kì thị đó. Có lần cãi vã với một người chú trong họ và bị người đó đấm ngã xuống đất, chảy cả máu mũi, máu miệng. Từ đó cha tôi bị chứng đau đầu, mỗi lần phát bệnh thì ôm đầu lăn lộn dưới đất, la hét đau đớn. Về sau, cha tôi luôn trong trạng thái mơ hồ, đầu óc dần có vấn đề, ông mắc chứng thần kinh, thường xuyên bị ảo giác, không thể lao động. Lúc đó, cha tôi đã có ba đứa con là tôi, em gái và em trai.

Một hôm, cha tôi đột nhiên mất tích. Ông đi ra ngoài từ sáng đến tối vẫn chưa về. Có người thấy ông đi ra ngoài với một cây rìu giắt bên hông, cả nhà tôi vô cùng lo lắng. Họ hàng thân thích tỏa đi khắp nơi tìm kiếm mà vẫn không thấy tăm hơi cha tôi đâu. Khi mọi người đang thất vọng thì cha tôi vác về một bó củi. Ông nội vừa tức vừa giận, nhưng nhìn thấy cha tôi tiều tụy, kiệt sức, biết cha tôi cả ngày chưa ăn gì, nên cũng không nỡ mắng thêm lời nào.

Hôm sau, cha tôi bày bó củi ra giữa sân, cha tôi so sánh độ to nhỏ của từng cây một, thử trọng lượng, đo độ dài. Cha tôi chăm chú, cẩn thận chọn kĩ từng cây một, cây nào không ưng ý thì ném vào đống củi đốt. Mọi người đều tưởng bệnh thần kinh của cha tôi lại tái phát, nhưng chỉ cần cha tôi có việc gì đó để làm và không chạy lung tung là cả nhà cũng yên tâm rồi.

Cả ngày cặm cụi lựa chọn, cuối cùng cha tôi cũng chọn được một cây gậy ưng ý. Cha tôi nhìn cây gậy đó rồi nở nụ cười. Từ hôm đó, ngày nào cha tôi cũng chăm chú “chế tác” cây gậy. Trước tiên là lột vỏ, cha tôi làm rất nhẹ nhàng như sợ làm tổn hại đến thân gậy. Sau đó, cha tôi chà nhám, ông mài rất cẩn thận, có một vết xước nhỏ cũng phải mài cho bằng được. Lúc nào mệt rồi thì cha ôm cây gậy ngủ một lát, tỉnh dậy lại tiếp tục công việc của mình. Khi làm xong, cha tôi thử gậy trong sân, rồi đi lên dốc, xuống dốc ngoài cổng, cha tôi nở nụ cười có vẻ rất hài lòng, trông cha tôi lúc ấy không có vẻ gì của một người bị điên cả.

Từ khi chăm chú làm gậy, cha tôi không còn phát bệnh nữa, cũng không chạy lung tung, trở nên tĩnh lặng hơn hẳn. Mọi người tưởng đó là một chuyển biến tốt, nhưng không ngờ vài ngày sau cha tôi lại phát điên, lần này còn dữ dội hơn những trước.

Nguyên nhân là vì một con rắn. Không ai ngờ giữa trưa nắng, lại có một con rắn xuất hiện giữa đường làng. Gà bay, chó chạy, người lớn, trẻ con đều né tránh. Cha tôi lúc đầu cũng giật mình, sau đó đứng ngây ra như đang suy nghĩ điều gì, rồi đột nhiên cha tôi hưng phấn hẳn lên. Thay vì chạy trốn, cha tôi lại từ từ tiến đến gần con rắn. Rắn cũng nhận ra có kẻ tiếp cận, liền ngóc đầu lên, thè lưỡi dọa nạt. Người trong làng hô lớn bảo cha tôi tránh ra, nhưng do bị điếc và quá tập trung, cha tôi hoàn toàn không nghe thấy.

Bất ngờ, không biết từ đâu cha tôi như được sức mạnh, ông nhanh nhẹn tránh được cú tấn công của rắn, vòng ra sau nó, túm lấy đầu, rồi quật mạnh vào tảng đá, con rắn chết ngay tức khắc. Ông nội tôi lao đến, tức giận mắng cha tôi thậm tệ. Cha tôi không dám cãi, chỉ lặng lẽ mang con rắn đi.

Từ sau lần đó, hi vọng của cả nhà về việc cha tôi đỡ bệnh hoàn toàn sụp đổ. Đặc biệt là khi thấy cha tôi ngày ngày nghịch con rắn chết, ai cũng nghĩ bệnh tình của cha quá nặng, không còn có cơ hội bình phục.

Nhưng cha tôi chẳng hề để tâm đến sự thất vọng của mọi người, ông chỉ chăm chú làm gì đó với con rắn, luôn lén lút làm để tránh bị mắng. Vài ngày sau, con rắn biến mất, cha tôi lại trở nên yên lặng, suốt ngày ngủ hoặc ngồi thẫn thờ. Một người điên thì có thể nghĩ gì chứ? Không ai để ý đến cha tôi nữa, chỉ mong cha tôi đừng phát điên thêm lần nào nữa.

Nhưng từ đó về sau, cha tôi không còn phát bệnh. Ông hành xử và nói năng như người bình thường. Một buổi trưa, ông nội đang ngồi trên giường hút thuốc sau bữa cơm thì cha tôi bước vào, tay cầm cây gậy mà ông đã dồn bao công sức chế tác. Cây gậy được mài bóng loáng, đầu gậy có viền sắt chắc chắn, phần tay cầm được bọc lớp da màu xanh nhạt rất đều và mịn.

Hôm đó tinh thần cha tôi rất tốt, đầu óc cũng tỉnh táo. Ông nội ra hiệu bảo cha tôi lại gần ngồi cạnh. Cha tôi từ từ bước đến, tay cầm gậy, ánh mắt nhìn ông nội tôi trìu mến, trên mặt nở nụ cười hiền từ. Ông nội cũng mỉm cười rồi khẽ giục cha tôi lại gần. Không biết vì sợ hãi hay ngại ngùng, cha tôi chỉ bước thêm một bước rồi quỳ xuống, giơ cao cây gậy, giọng run run: “Cha, bệnh của con, con hiểu rõ. Có lẽ con sẽ không qua khỏi. Con không thể phụng dưỡng cha lúc tuổi già, con đã làm cha khổ hơn ba mươi năm nay. Con chẳng có gì để báo hiếu, chỉ làm được cây nạng này cho cha. Sau này khi cha chân tay không còn nhanh nhẹn, mà con lại không thể dìu cha, con mong cha hãy chống cây gậy này như thể có con đang bên cạnh. Phần tay cầm được bọc bằng da rắn, da rắn sẽ mát, tránh nóng, giải độc. Con đọc trong sách, chắc chắn không sai. Cha! con bất hiếu, con chỉ làm được chừng ấy cho cha thôi!”

Nói rồi, hai hàng nước mắt cha tôi rơi lã chã, nghẹn ngào không thể nói tiếp. Ông nội vội vàng nhận lấy cây gậy, ôm chặt lấy cha tôi cùng cây gậy vào lòng mà khóc nức nở.

Một tháng sau khi tặng cây gậy cho ông nội, cha tôi qua đời.

Ba ngày sau khi kể cho tôi nghe câu chuyện này, ông nội tôi cũng qua đời.

Năm đó tôi hai mươi ba tuổi, chưa có vợ. Hôm ấy tôi mới đi làm chưa đầy một tháng, chưa có lương, chỉ còn căn nhà đất tồi tàn, tài sản quý giá nhất trong nhà là một con lợn con và hai con dê. Tôi không biết sau này sống sao nữa. Khi nắp quan tài chuẩn bị đậy lại, vĩnh viễn chia cắt tôi và người thân cuối cùng trên đời - ông nội tôi - tôi như phát điên. Tôi nhào tới, dùng thân mình chặn lấy nắp quan tài, tôi nhẹ nhàng vuốt phẳng vạt áo của ông, từ từ mở lớp vải phủ trên mặt ông, vuốt ve khuôn mặt nhăn nheo của ông - từ má trái sang má phải, từ trán xuống cằm. Tôi lau sạch cây gậy, đặt nó bên tay phải của ông nội trong quan tài.

Tôi quỳ rất lâu trước linh cữu, thành kính cúi lạy ông nội tôi, cúi lạy cây gậy bên cạnh ông…

TƯỜNG VY

Dịch từ nguyên bản tiếng Trung

"Bình minh châu thổ" - khắc họa đời sống mộc mạc của người miền Tây

"Bình minh châu thổ" - khắc họa đời sống mộc mạc của người miền Tây

Baovannghe.vn - Họa sĩ Nguyễn Hồng Quân vừa khai mạc triển lãm mang tên “Bình minh châu thổ”, giới thiệu gần 70 bức tranh màu nước, được tuyển chọn từ hơn 200 tác phẩm sáng tác trong giai đoạn 2019–2025.
Nắm đất tình quê

Nắm đất tình quê

Baovannghe.vn - Đất, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, người thợ lành nghề ngành gốm sứ đã tạo ra những sản phẩm rất tuyệt vời, dùng để trang trí, được ưa chuộng khắp nơi. Lạ thay, khi trở thành “tác phẩm” nghệ thuật, đất càng trở nên có giá trị.
Tôn vinh 12 ngành công nghiệp văn hóa với chủ đề "Sáng tạo để kiến thiết"

Tôn vinh 12 ngành công nghiệp văn hóa với chủ đề "Sáng tạo để kiến thiết"

Baovannghe.vn - Một triển lãm nhằm tôn vinh 12 ngành công nghiệp văn hóa với chủ đề "Sáng tạo để kiến thiết" (dự kiến) sẽ được tổ chức tại Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân kỷ niệm 80 năm ngày Quốc Khánh diễn ra từ ngày 28/8 đến 05/9/2025 tại Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giai điệu kết nối - Tự hào Việt Nam”

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giai điệu kết nối - Tự hào Việt Nam”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Giai điệu kết nối - Tự hào Việt Nam”sẽ lên sóng lúc 22h10, ngày 6/7, trên kênh VTV1 và tiếp tục phát sóng vào các tối Chủ nhật hằng tuần. Chương trình do Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).
Bộ VHTT&DL: Tặng Giải thưởng cho các tác giả tham dự Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2025

Bộ VHTT&DL: Tặng Giải thưởng cho các tác giả tham dự Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL vừa ban hành Quyết định số 2365/QĐ – BVHTTDL về việc tặng Giải thưởng cho các tác giả tham dự Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2025.