Diễn đàn lý luận

Nguyễn Tuân - Người thi sỹ tài hoa trong Vang bóng một thời

Khuất Bình Nguyên
Chân dung văn học
11:00 | 07/12/2024
Baovannghe.vn - Trên đường đi tìm cái đẹp của thời xưa yêu dấu như những áng mây cách xa chừng vài chục năm thôi, từng trang của Vang bóng một thời được viết nên bởi một tâm hồn thi sỹ tài hoa - Nguyễn Tuân...
aa

Không phải ngẫu nhiên mà cậu Sen kẻ Bưởi - cái biệt danh thân thiết người đời gọi Tô Hoài, lại chọn Nguyễn Tuân làm nhân vật chủ chốt trong thiên hồi ký Cát bụi chân ai nhiều dí dỏm, chua cay và không biết bao nhiêu là não nùng trần ai của ông. Thảo nào mà tôi cũng như bao người khác đã và đang mê đọc Nguyễn Tuân, đặc biệt là Vang bóng một thời ngay từ khi còn trẻ. Nhưng càng về già, khi thấu hiểu lẽ đời và ở cái tuổi người ta ai nấy đều muốn tìm lại sự thanh bình của quá khứ giữa thời buổi ồn ã của xã hội thị trường, lại càng muốn đọc. Sự trải nghiệm dư vị đắng cay của lòng trung thực cũng như sự thật phũ phàng về tráo trở của người đời thì càng yêu thêm những giá trị nhân bản trong văn chương Nguyễn Tuân tỏa ra từ cái ánh sáng lấp lánh yêu thương và nhiều khi mờ tỏ của cái ngày xưa dường như mới xảy ra ngày hôm qua và cái ngày nay của lương tâm con người, làm nên vẻ đẹp kỳ lạ có một không hai trong văn chương Việt Nam hiện đại.

Tôi đọc sách Tùy viên thi thoại của Viên Mai ở quyển 2 thiên thứ 28 thấy ông ấy kể lại trong mơ một kẻ ăn mày bận áo mão đời xưa nói rằng: Văn các đời Ngụy, Tấn là thơ trong văn.Thơ các đời Tống, Nguyên là văn trong thơ. Nhiều nhà văn lớn cổ kim đông tây, trong văn của họ có thơ và họ là nhà thơ trữ tình đích thực trên chiếu trải văn xuôi mọi thời đại. Nguyễn Tuân là một người như thế trong Vang bóng một thời.

Nguyễn Tuân - Người thi sỹ tài hoa trong Vang bóng một thời
Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 -1987)

Nghe nói lúc sinh thời, ông Nguyễn Tuân cũng làm thơ. Kịp khi người bạn vong niên tóc trắng da đồng của tôi - nhà thơ Ngô Thế Oanh có chép tay cho ba bài thơ của ông Nguyễn lên trên mặt sau của mấy tờ lịch cũ. Bài SayKhúc tương tư viết theo thể lục bát, song thất lục bát đăng trên tờ An Nam tạp chí số 5 ngày 1 tháng 12 năm 1932. Và bài Giăng liềm viết về sự hồi sinh của Điện Biên Phủ theo thể thơ tự do đăng trên báo Văn học số 22 ngày 25 tháng 12 năm 1958. Cách nhau đúng 26 năm! Tôi giật mình sửng sốt vì không nghĩ đó là Nguyễn Tuân. Nếu như ông Nguyễn lấy nghiệp viết thơ làm chính thì không biết có được ngồi gần cùng chiếu với ông Tản Đà để mà nợ men gấp mấy nợ tình, cõi trần ướm hỏi Lưu Linh mấy chàng hay không ? Nhưng sự đời lại không bao giờ có chữ nếu như thế xảy ra. Cái mệnh của ông Nguyễn là làm thơ trên những dòng văn xuôi chải chuốt vô tiền khoáng hậu mà tôi được thấy.

Trên đường đi tìm cái đẹp của thời xưa yêu dấu như những áng mây cách xa chừng vài chục năm thôi, từng trang của Vang bóng một thời được viết nên bởi một tâm hồn thi sỹ tài hoa. Nguyễn Tuân viết truyện ngắn của ông không phải bằng sự lạnh lùng thường thấy của người viết văn xuôi mà bằng cảm xúc thiết tha hòa quyện tự nhiên với nghệ thuật lựa chọn ngôn từ điêu luyện vốn là đòi hỏi nghiêm cẩn và trước tiên của thi ca đã làm nên chất thơ vừa dạt dào cảm xúc vừa kiêu bạc sang trọng mà trang nhã một cách quý phái. Người ta thường nhấn mạnh cái chất khinh bạc cùng với biểu hiệu ông vua tùy bút. Nhưng trong văn ông còn đậm đà cảm xúc trữ tình say đắm của một thi nhân. Hãy xem một đôi dòng ông viết trong truyện Thả thơ: Và trên trần, có một gia đình đang lúng túng vì sự hiu quạnh ... Trời đất ôi! Trên mấy gốc tre cằn không đủ gây thành bụi ấm, trận gió thanh bạch cứ lào rào thổi mãi và cảnh cô quạnh ấy của cha con quan phủ vào buổi xế chiều bên cạnh cái lâu đài quyền lực với tường thành, lầu canh đang phai tàn giống như chính cuộc đời của họ. Tiếng trống phủ trên lầu canh cứ điểm những tiếng vô vị vào một tư thất lạnh lẽo... Có những đêm mưa to gió lớn làm nhòe đi tiếng trống phủ cầm canh. Vâng. Nhòe đi tiếng trống phủ cầm canh. Đã như một câu thơ nguyên vẹn mất rồi.

Văn chương Nguyễn Tuân là sự trang trải giữa cái sang trọng với sự tràn ngập của cảm xúc trữ tình được đặt trên nền tảng và sự soi sáng của chủ nghĩa nhân văn.

Có người chê Bạch Cư Dị hồi ở Hàng Châu, thơ nhớ nhung kỹ nữ nhiều hơn là thơ nhớ nhân dân. Lời bàn người xưa cho là thô lậu ấy chẳng thể cản trở được sự trường tồn của văn chương Hương Sơn cư sỹ! Văn của Vang bóng một thời cũng thế. Nghệ thuật thi ca của Nguyễn Tuân là đi tìm cái đẹp thanh cao ở những kiếp đời trần tục cay đắng nhất. Nguyễn Tuân nâng niu trân trọng với cảm xúc về cái đẹp thanh nhã và sự lương thiện ở những phận người thất thế, đen bạc và cùng cực. Người hỏng thi. Lại là của Khoa thi cuối cùng. Thấy dặm hòe vùng Sơn Nam Hạ ngả màu vàng thì lòng bắt đầu bận bịu. Dưới mảnh trời sụt sùi hoa hòe nở đều, làm ấm lại lòng người sỹ tử đi thi trên những con thuyền nhỏ li ti đi về như lá tre rụng mùa thu giữa xứ đồng chiêm nước ngập nuốt hẳn bờ. Cảnh sắc tựa như san sẻ, neo về nỗi buồn không lấy lại. Tại nhà trọ ở thành Nam, người hỏng thi vẫn chơi sang bằng việc uống hết ba bình rượu cúc vào một đêm dài nhất trong một đời người... Với người tử tù chờ thi hành án chết thì hỏi còn vương vấn và khí phách nỗi gì? Vậy mà Nguyễn Tuân đã tìm ra vẻ đẹp vừa ngang tàng vừa khoáng đạt của một bậc nho gia. Chữ viết đẹp lắm, vuông lắm như nhân cách của ông Huấn Cao vào lúc đời thường thường rất khảnh. Chỉ viết chữ cho người tri kỷ. Mà có chữ ấy treo lên là một vật báu trên đời. Tôi đọc nhiều lần Chữ người tử tù, chẳng hiểu sao lại bâng khuâng nhớ nhà thơ được đời gọi là bậc thánh Cao Bá Quát mà cách đây đã lâu tôi về tận quê ông ở làng Sủi, bên kia sông Hồng, trèo lên bệ cao đánh chiếc khánh đá cổ phát ra cho đủ 9 tiếng trầm buồn, cũng như leo lên núi Sài Sơn tìm bài thơ Cao Chu Thần đã viết. Nguyễn Tuân dựng lại cảnh người tử tù Huấn Cao viết chữ mang một giọng điệu sử thi: Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ vẳng tiếng mõ trên vọng canh, dưới ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, Người tử tù đã viết chữ trên khuông lụa trắng để viên cai ngục phải chắp tay vái với dòng nước mắt nghẹn ngào cảm phục về tài năng và nhân cách. Người tử tù trở thành người bề trên dạy bảo kẻ đương quyền kia hãy tìm nơi lương thiện mà sống. Chữ người tử tù là bài thơ hay nhất về chữ tượng hình. Cũng như thế, ông Nguyễn Tuân dựng lên khung cảnh huyễn hoặc trong sự chuẩn bị và đối thoại hết sức bình thản của những kẻ cướp giang hồ với những cái tên dân dã: bọn Huần, Cai Xanh, Phó Kinh, Lý Văn... mà ông thân ái gọi là Những kẻ bất đắc chí được gói gọn trong 3 chữ Nghèo - Cực - Khái đi lấy chỗ tiền bạc của bọn bất nghĩa đem chia cho anh em khác nghèo như mình. Cả những thứ vũ khí cũng được gọi bằng những tên thật nhã: bút chì, bút chùng... Nguyễn Tuân không mô tả trực tiếp vụ cướp mà chỉ muốn người ta nhìn thấy cái vẻ đẹp tình người của tiếng bạc ấy.

Tìm ra cái đạo lý làm người và vẻ đẹp dung dị mà cao sang của những việc sinh hoạt đời thường như uống trà, đúng hơn là uống trà tàu và việc đánh bạc bằng thơ; cảm hứng thi ca của Nguyễn tìm thấy vẻ đẹp của những kẻ hết thời, thất thế. Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm. Đánh Thơ, Thả Thơ... Những quan viên đang tại vị bây giờ, những người mà Nguyễn Tuân gọi là cái xã hội đàn ông mặc áo xanh ẩm ướt, không hiểu có giật mình và đỏ mặt khi đọc những truyện ấy trong sự thích thú ngấm ngầm hay không?

Có người so sánh Edgard. A. Poe với Nguyễn Tuân và cho rằng văn của Poe cảm xúc sơ sài thôi. Văn của Nguyễn Tuân cảm xúc lại vô cùng tinh tế. Tôi không dám chắc điều này. Bởi sự kinh dị đầy linh ứng của Poe trong nguyên bản tiếng Anh. Có điều rõ ràng là hầu hết các câu chuyện của Vang bóng một thời thật giản dị. Nguyễn Tuân tựa vào cái cốt chuyện giản dị không khêu gợi bằng những tình tiết éo le ấy để từ đó dọc theo con đường đi tìm cái đẹp phần nhiều trong nỗi hoài nhớ ngày xưa nhằm bày tỏ và đôi lúc dâng lên như lên đồng cảm xúc thi ca về vẻ đẹp muôn thuở của con người mà ta lại dễ dàng nhận thấy đó là cảm xúc và tình yêu đôi khi thiên vị cho văn hóa của cả một vùng đất với những đặc trưng riêng không gì pha trộn được. Vì lẽ ấy, văn của Nguyễn Tuân sẽ còn lại mãi.

Tôi đọc Vang bóng một thời thấy dường như phảng phất văn hóa xứ Đoài ở đâu đây. Cái xứ sở nghèo túng nhàn nhạt pha trộn giữa cái xưa cũ của mới ngày hôm qua với cái bóng dáng nghìn năm chưa mất của sông núi và cõi đời đâu đó vẫn còn ẩn hiện tới bây giờ. Đó là bài thơ ẩn chứa một tiếng thở dài của nơi tôi sinh ra và bị nhiễm vào cái đó từ buổi thiếu thời. Không có ở đâu nhiều đình chùa cổ và sự tích làm người như ở nơi đây. Đó là nơi muôn năm của cái cũ. Cái tàn lọng của quá khứ cứ che bóng người đi ở xứ sở này. Nguyễn Tuân thật kỳ tài khi viết về điều đó. Mặc dù ông không phải là người Sơn Tây. Văn hiến xứ Đoài chính là cái tàn lọng của quá khứ ấy che cái bóng nhiều huyền thoại và lãng tử trong văn chương Vang bóng một thời. Trên đỉnh non Tản. Chữ người tử tù và nhất là Ngôi mả cũ.

Hồi năm 1940, nhà văn Thạch Lam coi Ngôi mả cũ là truyện hay nhất của tập. Tôi không đồng với ý đó của ông. Nhưng rõ ràng câu chuyện ấy mang đậm phong vận xứ Đoài, trên cái chiếu đất dằng dặc mùi côi cút ở rừng Hưng Hóa. Ở thành Sơn Tây, người ta vẫn thường nghe thấy tiếng kèn tàu, loa đồng và trống trận nổi lên trong thành xây đá tổ ong của tỉnh Sơn, nơi quân cờ đen tế cờ thu quân. Rồi thì cái đoạn đường vỏn vẹn chừng trên dưới 30 dặm bây giờ vẫn còn đó mà xa xôi hoài niệm quá chứng với những cái tên xóm tên làng đến giờ còn chưa đổi. Làng Vòng. Làng Nhổn. Trạm Trôi. Phủ Hoài. Sơn... Qua con mắt thi sỹ Nguyễn Tuân mà hình dung ra cái đằng đẵng của con đường xứ Đoài cát bụi và xiêu diêu ấy. Cả cái bến đò sông Hát cổ xưa đã bị đất và cỏ vùi kín tự bao giờ mà sao Vang bóng một thời còn cho các nhân vật của mình đi qua thật là chậm chạp trong thấp thoáng bóng nước, bóng mây của thời xưa cũ. Cũng phải thôi. Vì cách thời ấy không xa, trong một cuốn du ký có tên là Một chuyến du hành đến đàng ngoài của một người phương Tây - William Dampiere viết năm 1688 nói rằng từ phố Hiến phải mất 2 ngày mới lên được Kẻ Chợ. Có người bảo với tôi truyện ngắn Trên đỉnh non Tản là thiên tùy bút, là bài thơ đặc sắc nhất về đồng đất xứ Đoài, nơi con người trong mỗi thôn làng sống chung với huyền thoại ngấm vào giọng nói của họ còn lại mãi từ ngàn xưa. Là bởi vì theo Nguyễn Tuân, trong bốn vị tứ bất tử của nước Nam ta thì người hay biến hóa nhiều nhất và tàng hình lẫn vào đám người trần mắt thịt là thánh Tản Viên. Và ông Phủ Quốc chỉ lỡ miệng nói mấy câu: đứng ở mái Nam đền Thượng nhìn xuống trông được cả khói của kinh thành Thăng Long... mà thánh phạt vì lộ thiên cơ phải lăn đùng ra chết. Viên đá cuội vô tri đã hai lần mang sứ mệnh con người trong Vang bóng một thời. Lần trước là Hương cuội làm cái cớ cho mấy vị hàn nho uống rượu ngâm thơ. Lần này đá cuội mang trộm từ đỉnh núi Tản về trong tay viên Phủ Quốc vừa lăn ra chết đập ra có mùi hương đượm của quả men rượu ủ trấu... Vỏ đá cuội còn lại đem thả vào bát nước mưa kinh niên uống thấy say ngát vô cùng! Rõ thật là Nguyễn Tuân. Và tôi biết trong mỗi người đàn ông xứ Đoài bây giờ vẫn còn giấu một mảnh vỏ đá như thế, mỗi khi họ bước vào một cuộc thành bại ở đời. Chao ôi! Bóng dáng thời xưa của văn hiến xứ Đoài cứ như che lọng trong Vang bóng một thời. Văn chương của thi sỹ Nguyễn Tuân đã bảo tồn giá trị văn hóa của cả một dải đất phía tây Kinh thành Thăng Long giờ đã ít nhiều mai một. Sực đến khi Cát bụi chân ai ra đời, ông Tô Hoài viết: Cuộc đời phóng túng và nếp nhà quan các cụ nội đại thần trị nhậm đất Sơn Tây, đã in đậm, đã mờ chồng lên ngày tháng đời con đời cháu tự bao giờ… Chữ người tử tù, Đỉnh non Tản và tất cả vang bóng của ông đều phảng phất Sơn Tây. Tôi không chắc hẳn là như thế. Lúc sinh thời, không thấy nói cụ tú Hải Văn, tú tài khoa thi sau cùng, thân phụ Nguyễn Tuân đã từng trị nhậm ở đất này… Chỉ thấy Nguyễn hay cùng Tô Hoài, Nguyên Hồng lên Sơn, thường ngồi bên hào nước của tòa thành đã đổ nát dưới thời gian và dưới gốc cây sữa đã quá nhiều cằn cỗi quên cả nở hoa theo mùa ở nơi nửa tỉnh nửa quê. Nhưng tìm làm chi cái nguồn gốc xa mờ đó của văn chương. Hãy để quá khứ yên lặng như thế. Cũng giống như chúng ta không còn ai tìm nữa ai là người nguyên mẫu của Tóc chị Hoài. Mặc dầu, ở Sà Goông, có người đàn bà nhận thầm qua bao nhiêu mưa nắng năm trường trong đời người và trong cách trở Bắc Nam là bóng dáng ấy đấy thôi. Cũng như thân phận của cô đào Chu Thị Năm, người cùng thời với ca nương Quách Thị Hồ, dõi theo chàng Nguyễn lên chiến khu Việt Bắc thời kháng Pháp. Chàng đi đâu nàng cũng biết và thường gửi vàng cho chàng tiêu pha… Người ấy đã mờ hẳn, đừng có mà tìm ở phố Khâm Thiên vì cuộc bể dâu, ta chỉ còn tên phố bây giờ…?

Trở về với văn chương Nguyễn Tuân, đâu chỉ để yêu một thời đã qua. Cuối thế kỷ 20 và tràn sang thế kỷ 21, một số người muốn đi tìm góc tối của cái ban ngày. Vết sẹo sau lưng của bức tượng thờ muôn thuở. Mùi xú khí giả tưởng của hoa tử đinh hương. Treo cái tục tĩu vào cổ tượng đài vốn được coi là thiêng liêng… Tức là mỹ học của việc đi tìm cái xấu xí trong cái đẹp. Một con đường khác ngược lại với con đường của Nguyễn Tuân. Mặc dầu con đường của Nguyễn không phải lúc nào cũng êm xuôi cả. Ví như tôi hơi ngờ ngợ khi người ta cố gắng gắn vào cái ý nghĩa xã hội nào đấy của Bữa tiệc máu hay Chém treo ngành. Trong Vang bóng một thời, chỉ có một lần duy nhất, ông Nguyễn Tuân đã để chủ nghĩa duy mĩ của mình đi hơi xa một chút. Xa đến mức thiếu chút nữa người đọc cảm thấy cái đẹp của Chém treo ngành ở cái đoạn đao phủ Bát Lê tập chém người bằng cách vừa chém chuối vừa hát, hay việc mô tả chẻ đôi cây tre đực dài ra cặp cổ người tử tù như lối cặp gắp chả chim mà nướng… Nói thế để cho hết nhẽ. Không ai phản đối và cũng không việc gì phải phản đối mỹ học đi tìm cái xấu xí trong cái đẹp. Nhưng văn chương tuyệt đối không phải là nơi tôn thờ sự tục tĩu tầm thường, đi ngược lại những giá trị nhân bản của con người. Người xưa từng nói: Nhờ văn mà kinh luân được quốc gia. Chỉnh lý được pháp độ. Làm vẻ vang cho sự nghiệp. Làm giàu đẹp cho văn tự… Sự tục tĩu tầm thường mang dáng vẻ của sự phá cách, liệu có làm được những điều ấy chăng? Người viết văn chưa kịp làm được việc góp phần chấn hưng đất nước mà có thể, rất có thể lại làm trầm trọng thêm những tai ương của thời cuộc trong cơn bế tắc của chính người viết. Tất cả người cầm bút không ai mong muốn điều đó.

Sang năm 2017, đúng 30 năm Nguyễn Tuân trở về giời. Cuộc đời ông xê dịch bốn biển là nhà mà lại còn thiếu quê hương nữa. Không biết giờ này ông đang ở đâu? Cái tín ngưỡng của người Việt chúng ta muôn đời quan niệm rằng: người cõi âm ở chung với người trên dương thế. Ngày tết lễ, họ ở ngay trong nhà ngày xưa. Nhưng Nguyễn Tuân có biết bao nhiêu nhà.

Nguyễn Tuân - Người thi sỹ tài hoa trong Vang bóng một thời
Phố Hàng Bạc xưa. Ảnh Internet

Nhà số 49 Hàng Bạc. Bao lâu rồi nó vẫn khép nép đứng ở góc này bởi số 47 nhô ra một chút. Cạnh đó, nhà 51 lại được trùng tu bởi một dự án giữa tỉnh Toulouse - Pháp với Ủy ban Hà Nội. Có treo biển đồng hẳn hoi. Không hiểu họ có nhớ sát vách 51 là nơi sinh thành của một trong những văn tài đặc sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại hay không? Phía trước tầng trệt của rìa bên phải nhà 49 là quầy bán ngọc và sửa chữa đồ trang sức bằng bạc. Rìa bên trái là lối nhỏ đi vào phía trong sâu lắm. Một lối kiến trúc đặc sản của nhà phố cổ Hà nội. Có chừng 5 hộ dân đang ở. Không một ai biết được cái vinh dự họ được ở trong ngôi nhà, cách đây hơn 100 năm - năm 1910 - Nhà văn Nguyễn Tuân đã cất tiếng khóc chào đời ở đây. Một đôi vợ chồng già ở ngay phòng đầu tiên của số 49. Như là nghiệp chướng của chủ nghĩa xê dịch, chủ nhân của 12 thước vuông ấy nghe nói là người Nam Bộ. Bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc từ 1954 - 1955; Giờ lại trở thành dân phố cổ của kinh thành Thăng Long xưa, ngày ngày chắp nối quãng đời còn lại bắc cầu cho hai thế kỷ mịt mù sương khói. Đối chính diện bên kia đường là đình Kim Ngân - Số 42 Hàng Bạc. Ngôi đình được lập ra mấy thế kỷ trước làm nơi thu bạc nén cho sinh hoạt Hoàng Thành. Bây giờ ở ngôi đình này, cứ 20 giờ đêm thứ 4, thứ 6 và chủ nhật hang tuần đều có hát ca trù - lối hát thơ đặc biệt của người Việt, bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ 15 gắn với sự ra đời của cây đàn đáy. Người ta có hẳn một tờ bướm màu rượu vang đỏ giới thiệu ca trù bằng tiếng Anh. Cái thứ tiếng không có dấu - phương tiện của mấy ông thực dân, giờ đây rất quen thuộc với người phố cổ. Chẳng khác gì trẻ con mặc váy thổ cẩm, đeo vòng bạc ở phố núi gần nhà thờ đức mẹ Mân Côi trên Sa pa nói sõi tiếng Anh như tiếng Mèo. Catru - a form of Vietnamese traditional music, was recognized by UNESCO in 2009 as a world intangible culture heritage. Dường như, một lần nữa, trời đất lại chiều lòng cái xê dịch của ông Nguyễn mang tiếng tom chát bị ngắt quãng đến mức xót xa bởi 3 dây đàn đáy, nghe như nhấc lên đặt xuống của thân phận con người; cái thứ nghệ thuật vừa thượng lưu vừa trần tục đời thường lúc sinh thời ông Nguyễn rất thích, về ngay trước cửa nhà nơi ông đã sinh ra.

Cách một ngày nữa là rằm tháng 8. Không khí tết trung thu đã có mặt dểnh dang ở sân đình Kim Ngân. Người ta treo những chiếc nón quai thao với quai nón là những rải lụa buông dài đủ màu mà phần nhiều là màu hồng và màu thanh thiên. Đây đó, đặt một vài đầu sư tử nhiều màu theo kiểu truyền thống có nhẽ có từ thời Nguyễn Tuân. Tôi bước vào trong đình đặt mấy đồng bạc lẻ lên bàn thờ lễ, cầu may được thấy Nguyễn Tuân. Dường như, ở bên số 49, Nguyễn Tuân tay cầm gậy song, mặc bộ áo cánh lụa màu cậy nhà Phật, vốn là quà tặng của một người nhận thầm là Tóc chị Hoài tặng cho nhà văn sau năm 1975. Trời mùa này ở phố cổ Hà Nội dâng lên một màn sương khói của tiết thu se lạnh. Từ đình Kim Ngân này, sớm mai trời còn nhạt mặt người, nhà văn của chúng ta có thể đi bộ ra Ô Quan Chưởng để đợi bóng những cô hàng rượu từ bến Bồ Đề sang đây. Nhà văn sẽ nhập vai vào nhân vật của mình có tên gọi Bố Ô làm người ăn mày rượu đáng yêu trong truyện Yêu Ngôn như ông đã viết. Bây giờ ông không phải sang sông đến xóm Thượng Cát nghe đào nương hát ca trù trong những quán bình dân rách rưới và ẩm ướt của Một đêm họp đưa ma Phụng nữa. Uống rượu bằng bát gỗ ở Ô Quan Chưởng xong, lại về đình Kim Ngân nghe con cháu Quách Thị Hồ hát ca trù nhấc lên đặt xuống phận người như những ngày xưa. Có tiếng hỏi. Bốn biển là nhà. Ngài thường ngự tại đâu? Ông Nguyễn bảo. Cũng tùy. Nhưng thường ở bên số 90 Trần Hưng Đạo. Ở bên ấy còn để chiếc va li da cũ màu nâu nhạt trên nóc tủ sách. Dường như đó là chiếc va li trong thiên tùy bút cùng tên viết tặng bà Tuệ, vợ Ông từ hồi ở tỉnh Thanh. Cả những chiếc ấm đất đặt dưới sàn gỗ và trên những bức họa đang phôi pha dần theo năm tháng. Thi thoảng đi taxi qua mặt hồ Hoàn Kiếm lên Hàng Bạc nghe hát ca trù.

106 năm. Kể từ khi ông sinh ra. Cuộc đời có biết bao nhiêu xê dịch - Cái con người có lúc đã không biết sợ thời gian nữa. Tự nhận là kẻ không có dĩ vãng. Lắm khi lặng lẽ nhìn vào buổi chiều trơ trẽn mà cảm thán hình như buổi chiều nào cũng đều không có hoàng hôn. Nhưng lại mắc bệnh chơi mưa như thiên tùy bút Chiếc va li mới đã viết: Mỗi lần ở đâu đó gặp mưa lại tưởng như mình già thêm một ít. Con người tưởng như sớm nắng chiều mưa ấy, lại là người ngay từ khi mới cầm lấy sự bút nghiên đã cảm nhận sâu sa cái cao cả và lương tâm của người viết văn đi tìm cái đẹp. Một người viết văn để yêu sống, để tìm nhân loại, đi tìm mình trong nhân loại, để được thấy nhân loại trong mình mình. Đó là lời tâm sự nghề văn say đắm và trang trọng nhất mà ông Nguyễn đã từng nói. Nguyễn Tuân đã ra đi xa lắm. Ba mươi năm rồi. Chỉ còn lại văn chương ghi dấu ấn nhà văn như là một thi sỹ trong Vang bóng một thời đã không mệt mỏi tụng ca và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống như một phần nhân loại mang tên Việt Nam vẫn còn lại mãi cho muôn đời sau.

Văn nghệ số 43/ 2016

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.
Tiếng nói của vết thương

Tiếng nói của vết thương

Baovannghe.vn - Hiện thực khốc liệt của cuộc chiến tranh đã được các cây bút tái hiện trong nhiều tiểu thuyết có giá trị văn học, thoát khỏi kiểu “văn học minh hoạ” mang đậm dấu ấn tiểu thuyết hậu hiện đại phương Tây.
Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Xác khói vẽ bùa - Thơ Lê Hải Kỳ

Baovannghe.vn- Tôi nghe lồng ngực vỡ/ từng mảnh đàn bà
Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Thơ Việt từ Đổi mới đến nay

Baovannghe.vn - Trong bài viết này, tôi muốn nhìn thơ Việt Nam sau đổi mới đến nay từ chính bản chất thơ ca trong liên quan, tác động lẫn nhau với những mốc lớn của bối cảnh lịch sử - xã hội