Diễn đàn lý luận

Nhà văn Nguyễn Hồ: Lặng lẽ giữa dòng

Ngô Thảo
Chân dung văn học
13:00 | 30/11/2024
Baovannghe.vn - Tôi ngàn lần xin lỗi anh Nguyễn Hồ khi không xin phép anh công bố những điều anh muốn chỉ dành riêng cho một mình tôi, vì tôi nghĩ, anh có thể không còn cần...
aa

Miền Tây đang vào mùa nước nổi. Những cơn gió chướng hơi lành lạnh heo may mang theo về những đàn cá linh đông đúc trên những dòng sông, mà hai bờ bông điên điển nở vàng như một cuộc hò hẹn của đất trời, để làm nên một món ăn dân dã đặc vị Nam Bộ, một lần ăn là nhớ mãi. Giờ nhớ lại, hơn nửa thế kỷ trước, khi bước vào năm thứ nhất, khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, học chung lớp với mấy bạn Nam Bộ, nghe những chuyện kể về quê nhà, như mở ra trước mắt chúng tôi một thế giới khác lạ mà họ nhớ quay quắt cháy lòng khi phải ra miền Bắc đi tập kết. Một nghịch lý lịch sử: Do bị chia cắt đó, mà với cả dân tộc, ý thức về một đất nước thống nhất trở nên sâu sắc và cụ thể hơn. Cùng lứa tuổi, có một lớp người ở lại, đi học, sống trong một môi trường khác, và cũng đương nhiên, họ bước vào cuộc chiến đấu để giành một đất nước độc lập - thống nhất, ở một vị trí khác. Mỗi người trong họ có những trải nghiệm xương máu riêng, để qua 40 năm, thời gian dài gấp đôi thuở bị chia cắt, trong đời sống, sự khác biệt, giữa người tham gia chiến đấu ở hai miền, vẫn dễ nhận ra. Rất khó để chỉ ra những gì làm nên khác biệt, và ở đâu cũng vậy, thế giới con người là vô cùng phức hợp và biến động. Nhưng ý nghĩ đó cứ trở đi, trở lại trong tôi, khi tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng lứa, từng ở hai vùng chiến sự một thuở.

Nhà văn Nguyễn Hồ: Lặng lẽ giữa dòng
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hồ

Người tôi muốn kể hôm nay là một nhà văn miền Tây Nam Bộ, trong nhiều bút danh, viết qua nhiều thời, có một tên là Minh Dân, giờ là tên chính thức của cậu con trai. Ngay cái tên Nguyễn Hồ mọi người từng biết, từng gọi cũng chỉ là một bút danh, vì tên khai sinh của anh, không biết là may, hay không may, trùng với tên một vị chức sắc quá nổi tiếng. An ủi để anh không mang tiếng theo đóm ăn tàn, là ông bà đã sinh ra anh trước mấy tháng. Mấy chục năm quen hơi bén tiếng, kẻ Nam người Bắc, nghề nghiệp cụ thể làm gì không cần biết, công tác lại chẳng liên quan, chủ yếu bên nhau trong các cuộc nhậu, mà tình thân như anh em. Mỗi lần Nguyễn Hồ ra Bắc họp hành hay công tác, đều báo để tôi gầy các cuộc nhậu, tụ bạ các bạn bè, văn chương có, điện ảnh, rồi báo chí thuở trong R. Tôi vào Nam, anh lại ý ới mấy ông bạn kiểu đạo diễn Mỹ Hà, nhà văn Ngụy Ngữ, Mường Mán, mấy nghệ sĩ điện ảnh Đào Bá Sơn, Mai Huỳnh,… tới gặp nhau, ăn thì ít, sức uống ngày càng giảm, lời nói ngày càng ít, cả những ông ham nói nổi tiếng xưa nay, giờ cũng bớt hăng hái đi, chủ yếu là còn nhìn thấy nhau khỏe mạnh. Các bạn trẻ, nhìn đám các cụ đang già đi, kiệm lời, cũng không thể quá vui vẻ.

Nhiều lần, tôi theo anh về quê ở một địa danh lừng lẫy trong chiến tranh, xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Một mái nhà ngói cổ, trải bao trận đạn bom cày xới, ẩn trong vườn dừa lão, nơi đó từng có cụ ông sống đến ngoài 90, cụ bà đi sau cũng đến ngưỡng tuổi ấy, là những người tham gia kháng chiến suốt mấy mùa; một đàn con lớn lên đều thoát ly để hoạt động. Có chú em hy sinh trong chiến đấu, sau nhiều năm tìm dấu, may mắn có để lại một cháu gái, còn kịp tìm về nhận họ hàng khi ông bà nội còn sống. Trên đường về, lần nào cũng ghé ngoại vi thị xã - giờ là thành phố Bến Tre - bù khú, đàm đạo với nhà văn lão thành, tự nhận là cây kiểng còi của vườn văn Nam Bộ, Trang Thế Hy, mà anh gọi bằng chú. Nhiều năm qua,vợ chồng anh góp thuốc thang, thuốc hút, rượu chè, trà lá và cả áo quần mới cho nhà văn già ở một khu đất rộng mà không sinh lợi tức gì! Năm ngoái đây, Người đã vào tuổi 90, sức khỏe suy kiệt nhưng trò chuyện vẫn còn minh mẫn và thâm thúy lắm.

Theo Nguyễn Hồ đi dọc ngang khắp mấy tỉnh Nam Bộ, tới đâu cũng gặp những bạn bè thân quen qua mấy độ đường đời, thuở hàn vi đi học, hồi tham gia Đồng Khởi, khi làm việc ở Căn cứ Ban Tuyên huấn R, khi đi công tác và chiến đấu ở các tỉnh, về quê có nhà thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, mà hồi Đồng Khởi, chính cậu học trò Nguyễn Hồ đã được bà giao khởi thảo hai bản bạch thư của cuộc tấn công không thành vào ngày đầu tháng tư năm 1961. Anh từng kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm còn ít người biết về các nhà văn Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Thủy Thủ, người bạn học cùng khoa Ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội, vào chiến trường chưa viết được gì nhiều đã hy sinh là Nguyễn Hồng Tân. Trong nhiều cuộc hội hè kỷ niệm, thấy anh thân thiết như từ lâu lắm với những vị quan chức cao hết cỡ. Hồi chuẩn bị làm phim Cánh đồng bất tận, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình phải nhờ đến Thổ công đất Nam Bộ Nguyễn Hồ cùng đạo diễn Mỹ Hà, nhà biên kịch Ngụy Ngữ, cả diễn viên Thanh Thúy về tận Cà Mau, gặp nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để ký hợp đồng mua bản quyền chuyển thể. Rồi chính anh mời nhà văn Nguyễn Quang Sáng đi lại khắp các vùng sông nước để tìm bối cảnh tự nhiên cho bộ phim. Bởi đơn giản, là trong nhiều năm Nguyễn Hồ đã cùng đồng đội góp sức, góp trí, góp lực tạo nên nhiều bộ phim thuộc các thể loại, tạo nên một thời kỳ phải nói là huy hoàng của điện ảnh và truyền hình phía Nam.

Lần lượt giã từ một loạt chức vụ Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM, Giám đốc Hãng phim TFS của Đài, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh VN, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh TP HCM, anh vẫn không ngừng làm việc. Mấy bộ phim ký sự dài tập: Ký sự Tân Đảo, sang tận mấy đảo quốc ở Tây Thái Bình Dương, lần tìm dấu vết và hậu duệ những người chân đang bị lưu đày hoặc đi làm phu từ mấy thế kỷ trước; có đảo quốc người gốc Việt giữ vị trí quan trọng đến mức, khi biết tin có đoàn làm phim từ VN tới, Tổng thống đã tổ chức ở sân bay một lễ đón tiếp long trọng, có đoàn múa dân tộc với gươm giáo hào hùng, âm nhạc tưng bừng và Tổng thống đọc lời chào mừng. Nguyễn Hồ áo quần làm việc lôi thôi đứng ra nói lời cám ơn thay đáp từ. Đi tìm dấu tích ba Vua dài đến 70 tập chiếu trên HTV, lần theo dấu chân ba vị Vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị lưu đày, mà anh đồng thời là tác giả kịch bản. Cho đến giờ vẫn chưa hiểu lý do Vua Hàm Nghi nặng lòng với nước là vậy mà ngôi mộ chung ở trong một nghĩa trang làng quê giản dị nhất định không chịu đưa về nước. Hơn một tháng, đi làm nhiệm vụ rửa chén bát, phục vụ đoàn làm phim gồm tác giả Nguyễn Hồ, đạo diễn Đào Anh Dũng, dẫn chương trình, nhà thơ Nguyễn Duy, quay phim Nguyễn Tuấn, tôi mới có dịp hiểu những khó nhọc, vất vả, sức chịu đựng của những người làm phim điện ảnh và cả phim ký sự - tài liệu.

Cũng không thể quên những đêm đi ghe vào giữa Đồng Tháp Mười xem đoàn làm phim quay mấy cảnh nóng của Cánh đồng bất tận. Mấy ngọn đèn pha bật lên không đủ sáng vì bị hàng triệu triệu côn trùng hoang dã thấy sáng là lao vào bu kín. Đã cảnh nóng thì diễn viên làm gì có áo quần, mà giữa đồng hoang, muỗi Tháp Mười dày đặc, đoàn làm phim phải quây mấy tấm màn lớn làm chỗ trú khi chờ làm việc. Dầu chống muỗi thay nước tắm, lá tràm tươi vừa quất xua vừa đốt trong mấy thùng phuy lớn vẫn không giúp cho thân thể hai diễn viên chính Hải Yến và Dustin Nguyễn cùng các thành viên trong đoàn không bị sưng tấy vì vô vàn vết cắn. Lần đầu theo một đoàn làm phim, tôi thật cảm phục những khó nhọc đời không nhìn thấy của những người nghệ sĩ và nhiều hơn là những người không phải ai cũng có tên tuổi để làm nên các bộ phim. Nhưng Nguyễn Hồ tỏ ra bình thản, vì anh đã tham gia hàng trăm đoàn làm phim thời còn đói khó, căng thẳng nhiều lần hơn. Và đó cũng là dịp cho tôi nhìn thấy vốn văn hóa thâm hậu, khả năng tra cứu tài liệu khoa học và thận trọng, cùng cách ứng xử điềm đạm, nho nhã của một nhà tổ chức dày dạn kinh nghiệm. Loạt phim về hơn 20 vị Tướng Xứ Dừa (tỉnh Bến Tre), nhiều phim ký sự, tư liệu gần đây của các Đài TH đều có ý tưởng của Nguyễn Hồ. Phác thảo phim ký sự lần tìm dấu vết Đông Du của Cụ Phan Bội Châu, và những dấu ấn nhà yêu nước để lại đang chờ cơ hội để lên đường. Săn đón, động viên, cung cấp tư liệu để nhà văn Trần Thùy Mai, vừa chăm sóc chồng ốm nặng,vẫn hoàn thành mấy chục tập bộ phim truyện về Bà Thái hậu Từ Dũ, một người phụ nữ Nam Bộ, mấy chục năm ở trong chốn Cung đình không mấy khi yên ổn,vẫn giữ được lòng nhân hậu, đức khiêm cung, nổi tiếng là bậc mẫu nghi trong triều đình phong kiến Việt Nam. Cần cù và tỉ mẫn, lặng lẽ truy tìm tư liệu khoa học cho các phim đủ loại hình, đến mức có khi hai ba tháng liền không ra khỏi nhà. Ngụy Ngữ có lúc nói với tôi: Ông phải vào gọi Nguyễn Hồ ra khỏi nhà,chứ ở nhà mãi e hắn trầm cảm với tự kỷ mất. Nhưng lần này vào, anh lại đang đi cộng tác với Vĩnh Long, nơi có một Đài TH địa phương đang vươn lên tốp đầu về doanh thu trong gần 70 Đài TH cả nước, đồng nghĩa với một Đài tỉnh được người trong cả nước xem nhiều nhất, dù lúc này, nhà báo Minh Hiền, vợ anh, mấy chục năm mang trọng bệnh, mấy lần điều trị hóa chất, tóc rụng rồi tóc lại mọc, không chỉ kiên cường chống bệnh tật, chị còn là một nhà tổ chức báo chí đầy mưu lược và sáng tạo, ngay cả trong những ngày điều trị hóa chất liều cao, cũng không mấy khi chịu nằm nhà, đúng bản lĩnh một người con gái đất Củ Chi.

Ấm ức hộ bạn, vì một người có công như thế với cách mạng, với báo chí văn chương và đặc biệt với phim điện ảnh và truyền hình nước nhà, mà mấy lần khen thưởng, anh có nghiêm túc khai báo đàng hoàng, mà rồi vì tham gia nhiều nơi, nhiều việc, Hội này đẩy Hội kia, tên anh bị bỏ quên, tôi đã muốn viết một cái gì đó về Nguyễn Hồ. Nhưng anh đã mấy lần từ chối. Trong một lần như thế, anh đã viết cho tôi một lá thư khá dài bày tỏ tâm trạng mình. Tuy là thư riêng và do là thư riêng không có ý định công bố, nên ta có thể biết ý nghĩ và tâm trạng thật của một người tận tụy với một công việc mà thiếu họ, không dễ có nhiều tác phẩm nghệ thuật được chào đời. Trong thời buổi kiểm duyệt chặt chẽ, một mình, lắm khi thay cả đội ngũ cứu hộ, trục vớt, đưa vào sử dụng và tạo nên danh tiếng cho nhiều tác phẩm truyền hình, điện ảnh, ở ta chỉ mang một cái tên khiêm tốn là: Biên tập. Mà Nguyễn Hồ còn là tác giả của hơn 10 tập truyện và ký (Bức thư Giồng Trôm, Du kích vành đai, Thời lửa rơm, Con đường, Người đàn bà lạ lùng, Chim phóng sinh, Chung cư, Chân dung vô hình…), nhiều tác phẩm được chuyển thể làm phim;tác giả những kịch bản của những bộ phim nổi tiếng một thời, đã in: Vùng gió xoáy, Đêm nước rong, Một cuộc bể dâu, Lưỡi dao, Bến cũ,… Sau tròn ba năm gìn giữ, đọc lại, tôi thấy tốt nhất, là công bố bức thư này. Nó giúp những người có trách nhiệm hiểu hơn tâm trạng của không chỉ một cá nhân, những người đã gầy dựng nên một thời sôi động của VHNT trong kháng chiến và mấy mươi năm trong hòa bình, không vì mục đích để được khen thưởng. Mà bây giờ, chắc Nguyễn Hồ cũng không muốn tiếp tục làm vì mục đích đó. Chỉ có điều, một nền văn hóa, văn nghệ lành mạnh không thể không nuôi dưỡng tinh thần quên mình và tận tụy của đội ngũ những người tự nguyện và hết mình cho sự hoàn thiện của những tác phẩm văn học - nghệ thuật trước khi chào đời: Những người làm công tác biên tập.

“ …Tôi nay đã 70 tuổi đời, 51 tuổi Đảng rồi (2012), tuy cả đời không ham chức vụ nhưng lại coi trọng trách nhiệm công dân, trách nhiệm chiến sĩ, có cả trách nhiệm đảng viên thời chiến nữa, nên đã thành tật,tôi tự nguyện nhận nhiều công việc khó khăn trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. Tôi có cái bịnh “làm chủ” từ kháng chiến cho tới hòa bình, làm việc gì cũng tự cho mình là chủ… Kế đó là bịnh né tên tuổi, chức danh. Suốt mấy chục năm trời viết báo, làm phim, tôi chỉ ký bút danh Nguyễn Hồ không đầy 5% số tác phẩm vậy mà còn thấy hơi bị nhiều. Né tên hình như là gien di truyền của gia đình tôi. Hồi làm cán bộ học sinh Bến Tre, tôi sáp với cánh võ trang của Võ Viết Thanh (Có thời là Chủ tịch UBND TP.HCM - NT) đi phá thế kìm kẹp trong đêm 11.11.1960,cái đêm Phan Lạc Tuyên và Thủy Thủ đảo chánh Ngô Đình Diệm,Thị xã ủy chờ lệnh trên còn đám tụi tôi thì “chớp thời cơ”, giả dạng Giải Phóng Quân, mặc quần áo xanh, vác cây cau làm súng Bazoka đi xé cờ, xé ảnh Ngô Đình Diệm, nửa đêm bị lộ, địch bắn cho một trận phải long xuống rạch mà chém vè, vậy mà vẫn không quên dấu biệt với cấp trên cho tới ngày nay. Truyện ký Thời lửa rơm tôi viết về đêm ấy được giải nhì (Không có giải nhất) của báo Tuổi Trẻ thời Kim Hạnh. Năm 1961, ngày 1 tháng 4 đánh vào Thị xã Bến Tre, tôi được trưng dụng Thư ký cho Tổng Tư lệnh là Nguyễn Thị Định, thư ký một đêm, viết hai lá bạch thư rồi giải tán vì kế hoạch bị vỡ. Thế mà Cô Ba Định ít khi gọi đúng tên tôi. Bà thường kêu tôi là Vũ Hồ, tên một tiệm bánh nổi tiếng ở Bến Tre. Cũng năm 1961, đang là Chánh Văn phòng Thị xã ủy ngon lành, tôi quyết định không cần suy nghĩ khi có lệnh điều động của Tỉnh ủy: Đi làm báo. Làm báo lúc này là chép tin đọc chậm, lội rừng đi lấy tin, đêm muỗi đốt không kịp vuốt mặt, ngày ruồi bu kín chén cơm. Lên rừng miền Đông học xong lớp báo chí thì về làm báo R, suốt 11 năm đi hết các chiến trường,các chiến dịch lớn. Chiến dịch Junction City tôi chỉ huy du kích cơ quan, đánh xe tăng, rốt cuộc chết 4, còn lại một mình. Gian khổ, chết chóc không sợ, chức tước không màng, chỉ ham viết mà có viết được gì đâu.

Vì có lý lịch tốt cũng như yêu nghề, yêu việc nên tôi có khá nhiều cơ hội để thăng tiến nhưng tôi thích lùi hơn. Trong chiến tranh, Tổng biên tập Thép Mới cử tôi đi trong đoàn của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát thăm Vương quốc KPC của Quốc Vương Shihanuc. Chuyến đi này rất quan trọng trong việc mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam. 3 phóng viên được cử tháp tùng Đoàn là Hồng Sến, Lâm Tấn Tài và tôi. Chiến tranh Đông Dương, tôi một mình đi với F (Sư đoàn) 5 giải phóng Xiêm Riệp, rồi giúp Trung đoàn 203 thành lập Canak Commaka Phum Angkor Wat. Báo Giải phóng có 3 phòng thì tôi là Trưởng phòng biên tập, Tuất Việt, phòng nghiên cứu tổng hợp; Đinh Phong, phòng Thư ký Tòa soạn. Sau 30.4.1975, tôi là Tổ trưởng tổ biên tập và phóng viên của tờ báo dã chiến Sài Gòn Giải phóng và suốt 15 số đầu tiên, tôi kiêm luôn nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn, Tuất Việt lo hậu cần, Đinh Phong giữ căn cứ đề phòng phải quay trở lại. Nửa tháng bám trụ, đảm đương công việc tôi chỉ mong ngày mình được giải phóng để về quê thăm ba má, sau đó đi viết. Sau đó nữa, khi là Trưởng phòng biên tập của nhật báo Giải phóng, tôi từ chối hai cơ hội vàng khác: Không chấp nhận giấy triệu tập đi học Nguyễn Ái Quốc do anh Võ Quang Trinh triệu tập (anh em rủa tôi ngu, đi học có nghĩa là được cơ cấu rồi), chỉ vì lý do chưa viết để trả nợ chiến trường; kế đến là từ chối luôn gợi ý của anh Lành về báo Nhân Dân làm Phó ban Nông thôn,sau loạt bài viết về cải tạo nông nghiệp ở Gò Công của tôi.Cũng thời điểm này tôi nhận được thư anh Hai Trung, Bí thư Tỉnh ủy mời tôi về ngồi ghế Phó ban Tuyên huấn Tỉnh ủy,để sau đó vô Thường vụ để làm Trưởng Ban, tôi đã cảm ơn và từ chối. Tất cả sự “ngỗ ngược” chẳng qua là vì ham viết. Từng có mấy năm làm Trưởng ban biên tập kinh tế báo Đại Đoàn Kết (đến 1980). Có điều, tôi tự mâu thuẫn ở chỗ, tuy rất ham viết nhưng cũng hết sức say mê công việc không tên, gọi là biên tập (Cầm c…cho chó đái). Công việc này đã ngốn hết 90% thời giờ của tôi, mãi cho đến khi về hưu, mới nhận ra mình đã giành hết quỹ thời gian cho công việc vác tù và hàng tổng và đỡ đẻ cho thiên hạ. Còn sự nghiệp riêng thì coi như chẳng có gì. Vậy mà cũng không bỏ tật, 10 năm về hưu, làm việc cho BHD lại tiếp tục công việc biên tập, vác tù và muốn xây dựng hãng phim, kênh này, kênh nọ!

Điều nhận ra cuối cùng (và thấm thía) của tôi là ở xã hội ta, nghề đỡ đẻ, biên tập bị coi thường quá: không danh hiệu, không giải thưởng, không tôn vinh… Tôi không hiểu điều này, nên công việc biên tập của tôi luôn là tâm huyết, là mang nặng đẻ đau, như là sáng tác. Tôi đã làm 10 năm cho hãng phim Giải phóng, thời kỳ đỉnh cao: 10 phim truyện nhựa, 10 phim tài liệu nhựa và 10 phim hoạt hình nhựa mỗi năm. Để có 30 kịch bản này phải chuẩn bị hàng trăm kịch bản, mười phần hết bảy còn ba, hết hai còn một, mới hy vọng được duyệt. Tôi mất ba năm biên tập cho hãng Phương Nam bắt đầu từ con số không. Và sau đó là 10 năm gây dựng hãng phim TFS thành một thương hiệu, mỗi năm sản xuất 150 giờ phim truyện, hàng trăm phim tài liệu, hàng ngàn phim phóng sự và sản xuất chương trinh định kỳ hàng tuần. Tất cả các phim tôi chỉ đứng tên biên tập, không hề sử dụng quyền hành để đứng tên “chỉ đạo” hay cố vấn sản xuất nầy nọ… Tôi có 2 triệu đô để sản xuất chương trình và phim hàng năm và đã góp phần đáng kể để tạo uy tín thương hiệu cũng như doanh thu của HTV. Thời đó, TFS không ai được nhận phong bì, nhưng thu nhập chính đáng thì được nâng cao vì chất lượng chương trình. Hầu hết phim là do tôi nghĩ ra, đề xuất và dốc sức làm từ A đến Z. Nghĩa là tôi lao động cật lực để có một sự nghiệp truyền hình. Lê Văn Thảo hồi đó trêu tôi: Lúc nào cũng thấy thằng Hồ trật dây nịt (xỏ thiếu quai). Chính vì bức xúc quá nên tôi tính thử thì hóa ra trong 30 năm làm hàng trăm phim đủ các thể loại, tôi đã góp phần đem về cho 3 hãng phim Giải phóng, Phương Nam và TFS tới 37 giải Vàng, Bạc, làm nên thương hiệu 2 hãng PN, TFS, đồng thời đảm đương trách nhiệm trưởng phòng biên tập hãng phim Giải phóng trong thời kỳ khó khăn và rực rỡ nhất. Đóng góp phần sáng tác kịch bản phim truyện của tôi cũng khá nhiều, với những bộ phim nổi tiếng (Vùng gió xoáy, Lưỡi dao, Chung cư, Chúa tàu Kim Quy, Đất phương Nam, Mê Kông ký sự, Ngọn nến Hoàng cung, Người Bình Xuyên, Blouse trắng…). Tôi đã đỡ đẻ cho một thế hệ đạo diễn trẻ để họ có phim đầu tay khẳng định tài năng. Nghĩ là việc mình làm ai cũng biết, nên tôi đăng ký Giải thưởng Nhà nước với “quốc tịch” Điện ảnh. Hội đồng TP.HCM thông qua 100%. Nhiều người trong Hội đồng kinh ngạc nhận ra và không hiểu sao tôi làm việc kinh khủng đến như vậy. Vậy mà rồi không hiểu sao, tôi lại bị bật sang danh sách ở Hội Nhà văn, mà tôi có đăng ký bao giờ?... Mình về hưu rồi, ở vùng sâu vùng xa, lại bỏ số điện thoại cũ, không quan hệ để khỏi làm phiền bạn bè, chỉ lo làm phim. Không giống như hồi đương chức, cái gì cũng nhất hô bá ứng, đằng đông có mây, đằng tây có sao. Tôi còn nhớ,lúc còn là Phó Giám đốc HTV, Giám đốc TFS, tôi đề xướng việc đề cử Lê Cung Bắc, Ngọc Hiệp và Lê Trường Tiếu danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ba người này không nằm trong biên chế của HTV, TFS. Nhưng họ là những nghệ sĩ đã góp phần làm nên tên tuổi của TFS. Họ xứng đáng. Nhưng có lẽ chỉ một lần đó thôi, sẽ không có lần thứ hai, khi Giám đốc Phạm Khắc và tôi đã nghỉ …

Nhà tôi có chuyện rất vui, e không giống ai. Hồi nghe tôi được Huân chương Độc lập, rồi Huân chương Lao động, con tôi hỏi mẹ nó, người ta có lộn không vậy mẹ? (Mà tôi cũng không khai, không xin. Phạm Khắc và Đinh Phong biết lý lịch, khai cho tôi)… Nhà dưới quê ,hồi còn sanh tiền, má tôi kiên quyết không báo công kháng chiến, tù tội mấy lần cũng bỏ qua. Ba tôi hầu cũng như vậy. Mấy anh em tôi cũng giống ba mẹ, không bao giờ kể công. Trong nhà, vợ tôi giành cả đời để gầy dựng nhiều tờ báo, nhưng không khai báo để được huân chương này nọ. Ông chú Trang Thế Hy của tôi cũng vậy. Xong rồi thôi…. 3h13” 9.9.2012.”

Tôi ngàn lần xin lỗi anh Nguyễn Hồ khi không xin phép anh công bố những điều anh muốn chỉ dành riêng cho một mình tôi, vì tôi nghĩ, anh có thể không còn cần, nhưng cần thiết để cho nhiều người đang tiếp tục lặng lẽ, âm thầm làm những công việc như anh đã và đang làm.

Nhà văn Nguyễn Hồ: Lặng lẽ giữa dòng
Lênh đênh cùng sông nước Miền Tây. Ảnh Internet
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.