Kim Lân là một trong những cây truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được một cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều nhưng những sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc như truyện ngắn Làng, Vợ nhặt, Truyện ông già trên núi Cối Kê. Vợ nhặt là truyện ngắn hay đã đưa vào chương trình học của lớp mười hai. Để giúp cho việc giảng dạy và học tập tác phẩm này chúng tôi xin đăng tải lại nội dung cuộc gặp nhà văn Kim Lân để nhờ ông nói rõ một số điểm trong quá trình sáng tác.
Nhà văn Kim Lân. Ảnh TL |
- Xin anh cho biết xuất xứ vào hoàn cảnh thật của “Vợ nhặt”.
- Khi viết tôi không nghĩ nhiều đến xuất xứ, hoàn cảnh của câu chuyện mà tất cả gần như tự nhiên đến. Nhân vật do hoàn cảnh của câu chuyện mà nảy ra những tâm tư, hành động và cách ứng xử sự mà tôi không định trước. Nếu hỏi chuyện thật giả thế nào thì không có cái gì thật hẳn mà cũng không có cái gì giả hẳn, cũng không có anh Tràng nào thật mà như thế, cũng không có bà cụ Tứ, một cô gái nào như thế. Truyện là do sự tưởng tượng của hoàn cảnh lúc đó mà tôi nghĩ thêm. Trên thực tế cũng chẳng có bữa cơm nào như thế. Nếu hỏi cụ thể thì tất cả gần như mơ hồ song không phải là không có căn cứ.
Trước hết là cái đói. Gia đình tôi không đói đến mức như vậy nhưng xung quanh còn đói hơn mức tôi viết. Còn về mẫu nhân vật thì thực ra có những mẫu người trong làng không ăn nhập gì trong đời mà nó lại lạc vào hình ảnh của mình trong nhân vật. Ở làng tôi có anh Nguyễn là người ngụ cư, kéo xe bò khỏe mạnh. Khi viết về nhân vật Tràng tôi nghĩ nhiều về anh ấy, còn về đời tư của anh thì tôi không được biết nhiều. Nhân vật Tràng tôi lấy ở tôi nhiều hơn, nhưng tôi không phải kéo xe bò và cũng không có những cuộc gặp gỡ như thế. Hoàn cảnh trong chuyện cũng gần giống hoàn cảnh tôi lúc đó. Tôi mới lấy vợ, chưa có con, khi lấy vợ đã gặp ngay cái đói và bà mẹ tôi là hình ảnh của bà cụ Tứ trong truyện. Nhà tôi không phải là nhà tranh vách đất nhưng nghèo nên phải buôn cám và xe từ làng ra chợ phố Mới để bán, tôi phải đi theo để canh không sợ bị cướp cám. Ngày ấy gia đình tôi phải ăn cháo cám và phải độn thêm cả rau muống sống thái nhỏ. Mẹ tôi là vợ ba trong 1 gia đình. Và hình ảnh bà cụ Tứ là hình ảnh mẹ tôi, vợ anh Tràng cũng là hình ảnh của vợ tôi. Hồi đó đi cùng xe bò cũng có 1 cô gái xinh đẹp tên là Úng - con 1 ông coi lăng cũng đi bán cám với vợ tôi. Vợ tôi và cô ấy cầm càng, tôi cầm đòn gánh theo sau để canh phòng. Và tất cả những cái ấy gom lại và sinh ra câu chuyện. Thêm vào những chuyện dọc đường tôi gom góp được bổ sung vào.
Chuyện Vợ nhặt được rút ra từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư, cuốn tiểu thuyết viết dang dở ở thời kỳ cách mạng. Làng tôi có chợ, gần Hà Nội nhưng cũng lại gần trung du - một cái chợ nhỏ có lối đi qua xóm nghèo ngụ cư xuống bến sông; từ đó gợi cho tôi viết truyện Xóm ngụ cư. Tôi viết được đến chương V, sau chiến tranh xảy ra, tôi đã bỏ lại. Sau cách mạng tháng Tám tôi lên Yên Thế tản cư ở chỗ nhà tôi buôn bán để viết tiếp truyện này nhưng cũng không xong. Đến hòa bình lập lại báo Văn nghệ bảo tôi viết một cái gì, và tôi đã xem lại để viết. Tôi định lấy thêm hình ảnh bà cụ anh bạn nhà tôi là Tư vào truyện (bà cụ khâu áo, trần bông cho khắp làng) nhưng rồi những ý đó tôi bỏ đi hết và quay lại cái đói năm 1945, ý tứ lộn xộn dần trở nên ăn nhập với nhau
Viết về cái đói thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ con đường sống; Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, hướng về ánh sáng, tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người. Lúc đó người ta phải kiếm sống thậm chí nhặt rác rưởi, nhặt ốc, nhặt chuột ăn uống một cách thê thảm nhưng đến tối họ vẫn có một gia đình, gia đình nào về gia đình ấy, vẫn hy vọng một cái gì. Họ vẫn trò chuyện về đồng áng, giỗ chạp, những chuyện hướng về một cái gì là sự sống, đói nhưng không làm cho người ta đen tối, mất hy vọng dù phải cướp cám mà ăn.
- Xin anh cho biết tên của chuyện Vợ nhặt và ý nghĩa nhân bản trong truyện
- Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945 người dân lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Trong hoàn cảnh ấy giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ - đúng là “nhặt” được vợ như tôi nói trong truyện.
Vợ nhặt như mang một cái gì có tính chất châm biếm hài hước. Còn chuyện đối thoại thì lúc đi xe bò tôi nhặt nhạnh được những câu hò hát rất tự nhiên trong sinh hoạt hằng ngày, lối nói buông, nói lửng rồi hẹn hò ví von:
Muốn ăn cơm trắng với giò này
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì...
Trong hoàn cảnh đói lúc ấy tôi thấy người đói sắp chết không còn sợ gì - họ cướp cám ấn vội vào mồm, người bị mất đuổi theo đánh họ vẫn cam chịu mà không dám chống lại.Hồi đó phong trào cách mạng đã có ở Trung Mầu và bản thân làng tôi cũng đã có phong trào cách mạng. Đặt câu chuyện vào đây là rất hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ và cũng giải đáp được nỗi băn khoăn do truyện vì nếu cứ để cái đói kéo dài thì mọi việc tối quá, phải có 1 hướng mở ra rất thật và tự nhiên. Cái điểm sáng mà tôi đưa vào trong truyện là những suy nghĩ về nhân phẩm con người. Tôi chú ý: trong cảnh nghèo đói nhưng con người ta vẫn giữ gìn đạo lý. Những bà mẹ nghèo thật tội nghiệp. Không ai hiểu con, thương con, lo cho con bằng người mẹ, nhưng vì nghèo khổ nên thương con mà chẳng làm gì được cho con. Đặc biệt là tâm trạng bà cụ Tứ, một mặt cũng mừng vì dù sao con mình cũng lấy được vợ, mặt khác cũng tủi vì trong lúc đói kém thế này người ta mới lấy đến con mình. Bà cụ bảo các con: “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá...”. Sau khi Tràng lấy được vợ cảnh sống của gia đình có triển vọng hơn tuy không thật rõ rệt nhưng đã tạo được niềm tin trong cuộc sống như có một cái gì thay đổi biến chuyển. Cuộc sống đầy lo âu nhưng niềm vui vẫn ở trên khuôn mặt Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ - “hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cả nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Ở đây tôi chú ý làm nổi bật ý nghĩa nhân bản trong truyện.
- Xin anh cho biết nghệ thuật và đặc điểm ngôn từ của truyện ngắn
- Tôi quan niệm: truyện ngắn cũng là tiểu thuyết và điều quan trọng là nhân vật. Nhân vật phải có tính cách và phải hành động theo tính cách một cách tự nhiên không giả tạo, sáo rỗng. Chẳng hạn với Chí Phèo, Nam Cao đã tạo ra một nhân vật cách cư xử hợp lý nắm đúng tính cách nhân vật thì nhà văn có thể sáng tạo vô cùng. Tôi viết truyện ngắn hơi vất vả bởi vì truyện ngắn nếu loãng thì chán. Truyện dài ở chương này chương nọ có thể doãng ra, truyện ngắn phải chặt chẽ, từ câu văn cho đến nhịp truyện. Ngôn ngữ trong truyện ngắn phải tinh hơn, gạn lọc hơn, kỹ hơn và phải có ý tứ bên trong. Tôi xem văn như người. Tôi thấy ông Nguyễn Tuân thế nào mà thì hiện hết lên văn, từ dáng vẻ đàng hoàng như kênh kiệu, đến lối nói dặn dò, chỉ bảo rồi ông Hồng thì láu táu, sôi nổi, vội vã. Văn tôi giống tôi trước hết là cách nói, cách nghĩ. Hồi ở Việt Bbắc chỗ tản cư người ta gọi tôi là lão Hai. Tôi nghĩ văn chương bây giờ kêu quá, bóng bảy quá, câu chữ cứ như là đánh bóng mạ kền, điều quan trọng là văn chương phải thật, phải giản dị. Văn của tôi đã nói được tiếng nói và sự suy nghĩ của tôi. Nnhiều khi cách xử sự của nhân vật trong chuyện cũng là cách xử sự của tôi trong cuộc sống hằng ngày. Trong những cảnh buồn của Làng, Vợ nhặt hơi văn lại có lúc như đùa, đùa nhưng thật ra là buồn, buồn nhưng không đến nỗi chua chát, cay đắng, suy cho cùng thì đó là cũng một cảnh đời đau xót mà mình phải biết thương cảm. Trong văn phải có cái tâm. Tôi chỉ muốn thể hiện đúng con người tôi qua trang viết. Xin cảm ơn.