Giữa năm 1959, tôi mới ra trường, công tác ở đoàn khảo sát địa chất trị thủy Sông Đà, nghỉ phép được về Nghệ An thăm gia đình. Ba tôi đang được Ban Thống nhất Trung ương phân công xây dựng tập đoàn đánh cá nhằm tập họp anh em quê ở Phú Yên tập kết để góp phần phát triển ngành hải sản miền Bắc. Mùa hè, gió Lào tràn về nóng như rang, nhưng Cửa Hội là nơi sông Lam tưới ra biển nên nhiệt độ dễ chịu, nhất là buổi chiều khi gió nồm mang hơi biển đổ vào đất liền. Ngày ấy, ở Cửa Hội có mấy tập đoàn đánh cá gồm anh chị em miền Nam tập kết, nhất là theo diện đi cả gia đình. Các tập đoàn đều mang tên quê hương như tập đoàn Non Nước của anh em Đà Nẵng, tập đoàn Vĩnh Trinh của anh em Quảng Nam, tập đoàn của ba tôi mang tên An Chấn, một xã của tỉnh Phú Yên, cũng là quê hương của gia đình tôi.
|
Lần về phép này, tôi may mắn gặp nhà văn Nguyễn Văn Bổng, tác giả của tác phẩm Con trâu mà hồi ở trường học sinh miền Nam thầy dạy văn đã giảng cho tôi. Tôi đến trân trọng chào ông.
- Em ở Tây Bắc về à? - Ông vui vẻ hỏi tôi.
- Dạ, cháu ở đoàn địa chất Sông Đà về phép thăm ba má, chú là người cháu ngưỡng mộ.
Ông cười, và thân mật hỏi tôi: Ồ, trên đó có gặp nhà văn Nguyễn Tuân không? Ông ấy đang đi thực tế ở Sông Đà.
- Dạ thưa chú, cháu có gặp cụ Tuân ạ.
- Thôi, ông khoác tay, gọi tôi bằng anh đi, nhà văn tụi anh là vậy. Rồi quay qua, anh đập thân mật lên vai tôi: “Đừng gọi Nguyễn Tuân là cụ nhé. Ông ấy mà nghe là cạch luôn đó”.
- Dạ! Anh là lớp cha chú, cháu gọi vậy có thất lễ không?
- Không, văn nghệ sĩ là không có tuổi.
- Dạ, em xin nghe anh. Tôi gọi nhà văn bằng anh từ đó. Tôi mạnh dạn hỏi ông.
- Anh làm ở báo Nhân dân có biết anh Hà Đăng không? Anh ấy là ông anh quê hương của em đó.
- Ồ, em biết Hà Đăng à? Anh làm việc cùng Ban với anh Hà Đăng.
Tôi kể cho anh nghe chuyện tôi bập bẹ viết báo. Anh rất vui, anh hỏi tôi:
- Tụi em có một thứ rất quý, em biết gì không?
- Dạ, thứ gì vậy anh? Tôi tò mò thắc mắc.
- Đó là thực tế cuộc sống. Tụi anh, những nhà văn, dễ gì có được thực tế như tụi em, nay rừng này, mai núi nọ. Chắc ông Nguyễn Tuân bám tụi em lắm phải không? Ông ấy mê Sông Đà lắm.
- Dạ.
- Em viết đi, anh dặn em điều này, muốn viết phải quan sát và ghi chép, quan sát càng kỹ, ghi càng tỉ mỉ, càng tốt.
Sau lần gặp ấy, trở về Tây Bắc, tôi bắt đầu có sổ tay ghi chép. Lúc đó tôi đang là thông tín viên của báo Tiền phong, thường xuyên có các tin đăng trên báo. Tôi bắt đầu viết một vài bài ngắn, nhưng lúc đó với tôi là dài và bản thân lúng túng khi đặt bút. Bài đầu tiên là tôi viết về một bà mẹ người dân tộc Tây Bắc có tên là “Mế Yun”. Viết xong tôi gửi cho anh. Gửi đi, không thấy anh trả lời. Ngày đó không có điện thoại. Im lặng kéo dài mấy tháng, tôi nghĩ chắc bài viết không đạt yêu cầu và niềm hy vọng như gần tắt.
Bỗng một hôm, vừa lội suối về đội, thì thấy tấm bưu thiếp của anh gửi cho tôi và một tờ Nhân dân có dấu kính biếu đóng đỏ loét ở góc. Tôi không hiểu vì sao được biếu, nhưng lấy làm vinh dự và sung sướng khi lần đầu trong đời nhận được báo biếu. Anh Bổng viết cho tôi mấy dòng vỏn vẹn phía sau tờ bưu thiếp, cho đến giờ đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ nội dung anh viết: “Bài em viết nội dung tốt, anh và anh Hà Đăng có sửa và đã cho đăng”. Tôi mở tờ báo ra xem, bài của tôi được các anh lấy tên “Mế Yun tìm Đảng” và được gọt gọn. Anh Bổng viết tiếp: “Em cứ viết những chuyện em gặp hàng ngày. Viết ngắn trước, sau sẽ viết dài. Nhớ ghi chép. Khi nào về Hà Nội ghé nhà anh chị nghỉ cũng được, ở số 10 Nguyễn Thượng Hiền”. Tôi vô cùng cảm động, đọc đi đọc lại mấy dòng của anh. Vui đến không ngủ được, có lẽ đây cũng là một trong những ngày vui nhất của tôi ở Tây Bắc. Tôi đã đọc tờ bưu thiếp của anh đến thuộc lòng. Nó đã tiếp cho tôi nhiều năng lượng, tôi thấy hào hứng, phấn chấn khi cầm bút ghi chép và viết.
Một niềm vui nữa là lời mời của anh. Ngày ấy, Hà Nội rất ít khách sạn. nhà cán bộ chật lắm. Anh Bổng mời thế này là anh thương mình lắm. Niềm vui càng nhân lên trong tôi.
Trong lần về Hà Nội đầu năm sau đó, từ ga Hàng Cỏ tôi đi thẳng đến nhà anh, may thay là ngày nghỉ có cả anh chị ở nhà. Tôi mở ba lô lấy ra mấy ký nếp rẫy và một ống tre một mắt đựng mật ong của đồng bào Mường. Chị Hồ Vân vợ anh phê bình tôi:
- Em bày vẽ quá, về thăm anh chị đường xa thế, còn mang xách lỉnh kỉnh, nặng nề, sau này đừng thế nhé.
- Chút quà Tây Bắc mà chị.
Anh Bổng cười xuề xòa. Lần đó tôi ngủ lại ở chiếc giường nhỏ kê sát tường chung trong căn phòng của anh chị ở lầu hai nhìn xuống đường Nguyễn Thượng Hiền. Ngày ấy gia đình cấp vụ mới được một phòng cỡ ba mươi mét vuông như vậy. Sau bữa cơm chiều, ngồi uống trà, tôi còn nhớ lời anh dặn:
- Vốn sống là quan trọng lắm em. Em đọc Con trâu của anh rồi, em thấy sao? Anh đâu có là nông dân một giờ nào đâu. Nhưng trong kháng chiến chống Pháp, anh lăn lộn ở chiến trường khu 5, ngủ trong nhà nông dân, ăn cơm của nông dân, nông dân đào hầm bí mật giấu anh, chèo đò cho anh qua sông, cơm nắm muối mè theo mình hành quân cũng của nông dân. Anh tích lũy từ đó, và thể hiện ra Con trâu. Anh nói vậy để em thấy rằng: Vốn sống là cần thiết, ghi chép là việc phải làm, không ghi, nhiều việc quá không nhớ nổi. Việc sau cùng từ những tư liệu mình có được, mình phải cho nó nhập vô mình để rồi nghĩ xem viết cái gì, viết thế nào…
Tôi trở thành chỗ thân tình với anh chị. Biết anh thích ăn “mắm cái” là loại mắm của miền quê tôi muối từ cá cơm, cá nục để chua còn nguyên con, ngoài Bắc gọi là “mắm nêm” nên mỗi lần đi phép về Nghệ An, tôi đều nói với má tôi làm mấy hủ mắm này mang ra tặng.
Tôi nhớ, lần đầu khi mình đem ra, anh bắt chị Hồ Vân đi kiếm mấy lạng thịt heo luộc, rau sống, giá, dưa leo, khế để cuốn bánh tráng theo kiểu khu 5. Phải mở ngoặc để nói thêm những tháng ngày bao cấp ấy, mỗi người một tháng chỉ có tiêu chuẩn mua được ba trăm gram thịt, anh Bổng cấp vụ nên được tem mua nửa ký. Phần thịt đó, các chị thường mua mỡ nhiều hơn nạc, để thắng lấy mỡ xào rau và có tóp mỡ thay thịt… Nhưng anh Bổng nhất quyết phải làm một bữa. Anh rủ cả nhà thơ Tế Hanh, cũng là người khu 5 và ở cùng nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Hôm đó, anh gắp nguyên con mắm để lên đầu cuốn bánh, anh gắp cho Tế Hanh một con như vậy, anh ăn nguyên cả con mắm ngon lành và hớp một ngụm bia tươi, rồi hà một cái và nói:
- Ăn như vầy mới đã.
- Đúng cách khu nem phải hông?
Anh Tế Hanh cố tình nói khu năm thành “khu nem” theo âm vùng Quảng Nam, mọi người cười hả hê, thoải mái. Chúng tôi sống thân tình như vậy được mấy năm thì anh được Trung ương điều đi công tác miền Nam, ngày đó gọi là đi B và rất bí mật. Có lẽ anh là lớp nhà văn được trở về miền Nam sớm nhất. Trước hôm đi, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, lúc đó ở 65 Nguyễn Du, anh Vương Linh tổ chức chia tay bằng chầu trà với kẹo đậu phộng để tiễn anh Bổng “đi thực tế dài ngày ở giới tuyến Vĩnh Linh” vì giữ bí mật nên phải nói như vậy.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thời kỳ ở chiến trường miền Nam. Từ trái sang: Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Văn Bổng và nhà văn Lý Văn Sâm. Ảnh Tư liệu. |
Năm 1968, lúc này sau đợt công tác ở chiến trường Khe Sanh khốc liệt, trở ra tôi được điều về công tác ở Ban miền Nam. Ngày đó gọi là Ban CP40, sau đổi thành Ban CP72 trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng và làm việc ở Vụ Văn hóa văn nghệ, báo chí phục vụ cho công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những tác phẩm từ chiến trường miền Nam gửi ra, chúng tôi nhận và có kế hoạch in ấn, phát hành ở miền Bắc, dịch gửi ra các nước và gửi về chiến trường. Tôi nhớ có nhiều tác phẩm của anh, lúc này anh ký tên Trần Hiếu Minh như Đường vô Nam, Rừng U Minh và đặc biệt là tập ký Cửu Long cuộn sóng của anh. Các tác phẩm của anh được Nhà xuất bản Giải phóng in phát hành ở miền Bắc, chúng tôi còn đưa sang Trung Quốc nhờ bạn in giấy mỏng gửi về Nam và được chọn dịch gửi đi các nước. Báo chí Cuba đã in lại các bài ký của anh. Tôi vui vì mình được góp chút ít để cho ra đời tác phẩm của anh và như được trả lễ với anh.
Giữa năm, một hôm Thủ trưởng gọi tôi lên và giao cho tôi đăng ký để văn phòng bố trí xe sáng mai ra sân bay đón nhà văn Trần Hiếu Minh.
- Dạ, từ miền Nam anh ấy ra bằng máy bay sao, thưa anh.
Tôi ngạc nhiên hỏi.
- Ừ. Đây là trường hợp đặc biệt, đi theo đường dây đặc biệt.
Đồng chí Thủ trưởng trả lời tôi. Thì ra, ta vẫn có đường đi đặc biệt cho những cán bộ cao cấp trong trường hợp khẩn cấp, đi từ Trung ương Cục ở Tây Ninh, qua Phnôm Pênh để bay Hồng Kông, rồi từ Hồng Kông bay sang Quảng Châu, và máy bay của ta hoặc của Trung Quốc đưa về Hà Nội.
Sáng hôm sau, tôi ra sân bay Gia Lâm đón anh, chiếc máy bay cánh quạt của đoàn bay 919 sang Quảng Châu đón các khách quý từ miền Nam ra. Trên máy bay có một số đồng chí lãnh đạo Trung ương cục miền Nam ra họp. Anh Nguyễn Văn Bổng được đặc biệt thu xếp đi cùng. Khi gặp, anh nói “mình được đi ké máy bay”. Thấy anh chờ lấy cái va li nặng chịch, tôi hỏi anh.
- Ở chiến trường về có gì mà nặng vậy anh?
- Ồ. Đi đường này buộc phải có cái va li, không ba lô được. Sắm cái va li chả lẽ bỏ lá rừng vào đó, mình chở luôn sách, một phần có được khi vô Sài Gòn, một phần mua ở Phnôm Pênh, toàn tiếng Pháp.
- Câu nói của anh làm tôi nhớ lời dặn trước đây của anh với tôi: “Em nhớ sách quan trọng lắm. Anh học ở sách nhiều hơn ở trường. Em phải đọc nhiều”.
Hôm ấy, tôi mới biết năm 1967, anh được cử vô hoạt động giữa nội đô Sài Gòn, anh là một trong số ít nhà văn từ Hà Nội về được đưa vô hoạt động ở Sài Gòn và có lẽ cũng là lớp nhà văn “Việt cộng” đầu tiên vô nội đô. Anh nói: “Mình vẫn đường hoàng phóng mô tô đi ra phố, đi chợ Sài Gòn như người Sài Gòn”. Sau này từ chuyến đi ấy anh đã viết những Sài Gòn 67, Sài Gòn ta đó, Chuyện bên cầu chữ Y, Tiếng nổ Caravel...
Tháng 5 năm 1975, sau khi lá cờ Tổ quốc Việt Nam cắm trên Dinh Độc lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi được đi cùng đoàn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam trở về Sài Gòn. Sáng 15 tháng 5 năm 1975, một cuộc mít tinh lớn mừng chiến thắng tổ chức trước Dinh Độc lập. Tôi đến sớm để hỗ trợ công tác tổ chức. Bước vào Dinh đang trong sự ngỡ ngàng, thì thấy một người gầy, cao đi bên cạnh tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn. Bất ngờ, tôi nhận ra anh Nguyễn Văn Bổng. Tôi lao đến, hai anh em ôm chầm nhau, vui mừng và cảm động vì được gặp lại nhau trong những giờ phút này. Cái vui lớn hơn là đất nước đã toàn thắng và qua mưa bom bão đạn đó, chúng tôi vẫn còn sống. Tôi hỏi anh:
- Em nghe anh ở Mặt trận Tây Nguyên, anh vô đây khi nào?
- Anh vô ngay từ giờ phút lịch sử 30 tháng 4.
- Ô, anh tài tình quá - tôi tỏ lòng khâm phục.
Anh cười, nụ cười chân chất, như mở cả tấm lòng:
- Giải phóng Tây Nguyên xong, nghe tin Quảng Nam đã giải phóng, mình định đi ngược ra Kon Tum, kiếm đường về quê thăm bà con, rồi theo đường số một trở ra Hà Nội. Nhưng ngày 24 tháng 4, nghe tin Nguyễn Thành Trung dội bom vào Dinh Độc lập, mình đoán ngay Sài Gòn sắp có đại sự, nên mình xin các anh vào đây.
- Vậy anh là chiến sĩ của chiến dịch Hồ Chí Minh.
- Mình theo đoàn quân vào đến Dinh Độc lập lúc mười hai giờ ba mươi phút. Anh cười thỏa nguyện.
Nguyễn Văn Bổng rất trầm tĩnh, chân chất, giản dị nhưng lòng thì cháy bỏng. Anh đã vượt Trường Sơn vào Nam ra Bắc đến bốn, năm lần. Anh đã chiến đấu dưới bom đạn và viết ra hàng chục tác phẩm. Với anh là cống hiến và cống hiến. Với tôi, anh không chỉ là người anh cao niên thân quý, mà còn là người thầy đã dẫn dắt tôi đến với văn đàn.
Sau giải phóng, tôi có dịp công tác cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhắc về Nguyễn Văn Bổng, anh nói: “Đó là một con người tận hiến, một người bạn mẫu mực, là nhà văn viết trên miệng hố bom, viết ngay trong lòng địch ở giữa Sài Gòn”. Vâng, anh Nguyễn Văn Bổng là nhà văn, là người lính chiến đấu bằng ngòi bút và ngòi bút đó mạnh như đại pháo.