Sáng tác

Người kháng chiến - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Bổng

Nguyễn Văn Bổng
Danh tác văn học
20:10 | 16/07/2024
Chị là người kháng chiến. Chị đã làm sống lại những cái gì kháng chiến trong tôi, trong bác sĩ Nhã và cả gia đình bác sĩ trước ở trong thành phố này.
aa

Tôi vừa nhận được một bức thư từ miền Nam gửi ra. Thư của một anh viết văn khá quen biết ở Liên khu Năm trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gặp anh lần cuối vào trước ngày hòa bình lập lại mấy tháng. Sau đó tôi ra ngoài này, mãi đến nay mới được thư của anh. Thư đề vào đầu năm nay, và bắt đầu như sau:

“Anh Nam!

Hôm nay mới viết thư cho anh đây. Tôi định viết thật dài, vì nhiều chuyện muốn nói với anh quá! Mà trước hết là chuyện của tôi.

Lúc các bạn trong mình tập kết ra, chắc anh đã nghe nói vì sao tôi ở lại. Sau ngày đình chiến, chúng nó kéo vào tỉnh ta sớm nhất. Vả lại lúc đó tôi cũng quan niệm tình hình sẽ khác kia. Anh nghĩ, chúng nó đã vào đóng đến Quảng Ngãi mà tôi vẫn đường hoàng đi xe đạp từ ngoài mình vào dự cuộc họp liên hoan văn nghệ trong Liên khu. Vậy mà đi ngang qua trước mặt chúng nó, chúng không dám đón lại hỏi giấy. Mình càng sinh ra chủ quan tợn, đã tính bao nhiêu chuyện như ra báo, mở hiệu sách, xuất bản... tưởng rằng mình cứ đấu tranh cho hòa bình, thống nhất theo như đã quy định thì việc gì. Có biết đâu như ngày nay!

Tôi đã ở lại vì cái quan điểm chủ quan ấy, và cũng còn vì Ngân nữa. Sau khi anh đi rồi, trong mình thắng lợi liên tiếp để phối hợp với Điện Biên Phủ, thì tôi càng được nhiều thư của Ngân gửi vào. Thư nào cũng náo nức, sôi nổi, mong chờ được gặp lại nhau, vì vậy hiệp định Giơ-ne-vơ công bố, bắt đầu đi lại được tự do, tôi đã về Đà Nẵng với Ngân...”

Tôi phải dừng lại ở đây, nói qua về chuyện này mấy câu để các bạn có thể theo dõi phần sau lá thư.

Ngân là con gái bác sĩ Phạm Đình Nhã ở Đà Nẵng. Bác sĩ đã lâu năm trong nghề, có bệnh viện riêng và được đồng bào rất tín nhiệm. Hồi trước, ông không làm cho Pháp, đến lúc Chính phủ Trần Trọng Kim lên có mời ông ra Huế, ông cũng không đi. Ta cướp chính quyền, lúc đầu ông chưa làm gì cho ta, nhưng từ sau Nam bộ kháng chiến ông có tham gia dạy mấy khóa đào tạo cứu thương, và tiếng súng nổ ở Đà Nẵng ông đi luôn ra với kháng chiến, vợ con còn mắc lại trong thành phố. Sau đó, ta có liên lạc vào định đưa gia đình ông ra luôn, nhưng mấy lần bà Nhã đều dùng dằng nên mất dịp tốt. Đến năm 1950, ông đề nghị trở về trong thành phố. Chúng ta đã để cho ông về. Về Đà Nẵng, ông vẫn thường liên lạc với ta và thỉnh thoảng gửi vào một chuyến thuốc men và các thứ dụng cụ, nhất là những dụng cụ mổ xẻ mà trước ông thường than phiền thiếu thốn, không làm việc được.

Ngân, vợ của bạn tôi, năm nay cũng gần ba mươi tuổi nhưng hình ảnh tôi vẫn giữ về chị là cô nữ học sinh mười lăm, mười sáu tuổi hồi ấy. Không hiểu vào cái tuổi đó chị đã bắt đầu yêu anh bạn tôi chưa, nhưng sau này, khi bác sĩ Nhã theo kháng chiến, mỗi lần chị gửi thư cho bác sĩ đều gửi kèm cho bạn tôi những lá thư hết sức thiết tha. Kháng chiến đã xây dựng tình yêu cho họ, và tôi không ngạc nhiên tý nào sau khi hòa bình lập lại bạn tôi đã trở về Đà Nẵng với chị. Tôi rất mừng cho hai người, vì tình bạn giữa chúng tôi và một phần cũng vì tôi vẫn giữ rất nhiều cảm tình đối với bác sĩ Nhã. Nhưng đọc lá thư của bạn về sau, tôi mới thấy là bạn tôi chẳng được yên tĩnh mà sống trong hạnh phúc đâu.

Đây thư bạn tôi viết tiếp:

“... Nhưng cũng không phải chỉ có thế đâu anh Nam ạ! Tôi đã ở lại không phải chỉ vì quan niệm có phần nào dễ dàng về tình hình đấu tranh trong hòa bình, và cũng không phải chỉ vì Ngân. Giá không có Ngân, giá hồi tập kết đó tôi ở trong Liên khu và được đi như các bạn, chưa chắc tôi đã chịu đi! Đó mới là nguyên nhân chính kia anh ạ.

Trước khi nói rõ về chuyện này, tôi muốn trở lại một ít hồi đã công tác chung với anh trong những năm đầu kháng chiến. Hồi đó mỗi chuyến chúng tôi đi công tác về, anh nghe kể lại những chuyện gọi là “nghệ sĩ” của chúng tôi, anh thường lắc đầu mỉm cười, nửa muốn đùa, nửa phê bình chúng tôi: “Xin chịu các ông!” Nhưng anh cũng chưa biết hết về chúng tôi đâu! Hồi đó tôi hay nói với anh: “Chúng mình là những con người vô lý dần dần sống một cuộc đời có lý”. Một câu nói đùa? Không! Tôi chắc là trước kia, hiện nay và bao giờ nữa, anh cũng không nghi ngờ gì về tôi trong niềm tin tưởng lớn nhất của chúng ta: là nhà nước nhất định phải độc lập, thống nhất, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản nhất định thắng lợi. Đó là cuộc đời có lý mà hiện nay, trong hoàn cảnh đen tối ở đây, tôi cũng càng tin tưởng hơn bao giờ hết.

Nhưng trên phương hướng duy nhất có lý đó của cuộc đời, tôi vẫn còn muốn được “vô lý”. Tôi muốn được thong thả, đi chậm lại, muốn nuông chiều tôi một ít. Chạy theo các anh tôi thấy choáng ngợp, ngột thở, nhiều lúc cáu kỉnh muốn nói với các anh: “Thì hãy để yên cho tôi một chút!” Thế nhưng cuối cùng vẫn chạy theo các anh, chạy với cái lối riêng của tôi. Như hồi còn công tác với anh đó, thỉnh thoảng trong cơ quan thấy mất tôi, tìm khắp nơi không ra. Những lúc đó tôi đã tìm một gian nhà hẻo lánh của đồng bào, hay ra một góc rừng vắng vẻ đắp mặt lại ngủ, không ăn uống, không muốn suy nghĩ gì, làm con đà điểu trong một ngày, sau những tuần lễ lăn lội, có thể đã dũng cảm, miệt mài hơn nhiều bạn khác. Hay là những chuyến tôi đi công tác, khuya mò về sát bên đồn giặc để tuyên truyền, giải thích cho đồng bào, có khi còn hăng lên đón đường đập bể chai hũ của đồng bào gánh rượu ngoài Đà Nẵng hay dưới Hội An về. Thế nhưng, hôm sau chúng tôi rút lên núi thì đã trữ sẵn những chia chữ “chơn” lớn, để ngồi bên bờ suối ngất ngưởng với nhau ngâm thơ, uống rượu, cất chén giải sầu, sầu vẫn sầu (1).

Tôi đã theo các anh như thế đó, theo mà vẫn nhớ tiếc một cái gì, thấy mất một cái gì. Vì vậy có dịp là tôi đã ở lại với những cái đó, biết mình sẽ đi chậm, lạc lõng, nhưng rồi vẫn theo các anh, tin là không đời nào mình quay lưng lại với Tổ quốc, với dân tộc. Tôi ở lại trong này!

Nhưng anh Nam ạ, mấy năm nay tôi mới thấy cái muốn được thảnh thơi đi chậm lại, được để yên cho một chút, được “vô lý” ấy nó thế nào? Cuộc sống trả thù một cách nghiệt ngã, không biết xót thương, nuông chiều những cái yếu đuối của mình đây. Nó nghiến lên trên những tâm hồn lạc lõng mà đi. Bốn, năm năm qua tôi đã khao khát, đã nhớ - nói nhớ vẫn chưa đủ, anh cho tôi dùng chữ nostalgie(2) của Pháp kia - tôi có cái nostalgie được thiết tha một chút, được vui, được phấn khởi, được làm việc... Nói tóm lại, tôi muốn được hưởng, dù chỉ trong giây lát, những cái gì trước kia chạy theo các anh tôi thấy ngột ngạt, choáng váng.

Từ ngày hòa bình lập lại tôi đã làm gì? Những ngày đầu còn ra Huế cùng với một số anh em lập nhóm Quê hương ra được vài số báo, vài tập sách. Nhưng rồi sách báo bị cấm, mấy anh em bị bắt. Bắt, cấm, cấm hết!... Tôi nhắc lại những điều này với anh, phải mở từng khuy áo trên ngực ra đây. Tôi thấy khát lắm, khát được nói, được viết, được làm, được ngâm một câu thơ, hát lên một bài gì... Hồi kháng chiến, mỗi lần có cuộc vui chung, các anh hay làm tình làm tội, cố bắt tôi đứng lên hát để các anh cười. Nhưng bây giờ đây, ai cho phép tôi được hát, ai cho tôi trèo lên đỉnh lầu chứa nước giữa thành phố kia để hát lên, hát thật to, cho những đỉnh thông, bãi cát, sóng biển, mây đèo Hải Vân, gió núi Sơn Chà nghe được một tiếng thét tự do, một tiếng nói bình thường của con người...

Không, không anh ạ! Những năm qua tôi bị cấm hết. Tôi cất giấy, cất bút, vì còn bày ra làm gì? Nhiều lúc tôi nhìn cậu tôi, bác sĩ Nhã, thấy thèm hai bàn tay của ông. Không phải ông không có bi kịch trong lòng, không bị phiền nhiễu hằng ngày, hằng giờ, nhưng ít ra những lúc nghiêng mình xuống trên bàn mổ, ông còn được say sưa, tập trung hết sức lực và tâm trí vào hai bàn tay của ông.

Còn hai bàn tay tôi thì bỏ không! Hằng ngày tôi vẫn phải đi dạy, vì ở trong này không làm gì cũng nguy hiểm. Tôi dạy toán và khoa học ở một trường tư thục. Hiệu trưởng là một người khá, nhưng trong ban giám hiệu có những người của bọn nó. Một tên trong chúng nó đã có lần gạn hỏi tôi: “Sao anh không dạy Việt văn lại dạy toán?” Cũng nhờ trước kia tôi đã dạy toán nên chúng nó không gây chuyện được với tôi. Nhưng hồi trước cách mạng, tôi dạy toán còn nhiệt tình vì hồi đó mình chưa biết cách mạng, kháng chiến, nên còn yên tâm theo sách vở. Ngày nay cũng những cái đường thẳng, đường cong ấy, cũng những định lý, phương trình ấy... nhưng khi giảng cho học sinh tôi thấy phải nói một cái gì khác kia. Học sinh nhìn tôi, mắt các em cũng như bảo tôi phải nói cái gì khác nhưng tôi vẫn không nói ra được. Ngày tháng của tôi vẫn là những ngày tháng vô dụng!

Tôi phải bày ra nhiều trò khác để thấy mình có ích. Như đọc sách. Tôi nghĩ trong kháng chiến mình không có nhiều thì giờ, lại thiếu sách, thì nay cố mà đọc. Đọc lại có hệ thống những tác phẩm cổ điển thì suốt đời chẳng lo thừa thì giờ, và hiện nay cũng không sợ ai dòm ngó gì mình. Và tôi cũng cho chúng nó thấy là tôi đang nghiền ngẫm cả những sách về Phật giáo, sách của Lão, Trang, Kinh thánh... để chúng nó tưởng tôi đã lìa xa cuộc sống, biết đâu là mình càng bám sâu vào.

Tuy suy nghĩ một cách hăng say như vậy, nhưng rồi quyển sách nào soạn ra tôi cũng vất đó, bỏ lăn lóc như những mớ củi khô khắp nhà. Lòng mình không bén lửa, vì cuộc đời chung quanh không thổi gió, thì không thể nào bắt được vào những trang giấy tràn đầy sự sống, lòng tin yêu và nhân đạo ấy...

Vậy tôi có thể làm gì? Yêu! Vâng thì hãy yêu. Bên tôi có Ngân, tôi yêu Ngân, đem hết lòng mình mà yêu, và đã có những lúc gần như bắt được hạnh phúc.

Nhưng bao lâu?...

Nghĩ điều này tôi rất tội nghiệp cho Ngân! Nhớ lại hồi kháng chiến, mỗi lần nhìn về phía Đà Nẵng, tôi nhớ Ngân như nhớ một con bướm trắng bay chập chờn trong khói súng, hay nhớ tia nắng một buổi sáng nào thấy le lói trên miệng chiến hào trong lúc nấp chờ đoàn xe địch. Cánh con bướm ấy đã phấp phới trong lòng tôi những lúc ngạt hơi trong hầm; tia nắng vàng đó đã rực rỡ tâm trí tôi đang căng thẳng chờ đợi cái chết và sự sống xông vào nhau... Tình yêu ngày ấy xa lơ lắc, mong manh, nhưng lại nô nức, thiết tha. Ngày nay, thương hại Ngân, tôi thấy chán chường! Tôi sợ những bàn ghế, chăn nệm quanh tôi. Ngân thường không có việc gì nên suốt ngày chỉ đan với thêu. Những tấm ren đủ các hình mẫu bày ra khắp nơi, trên mặt bàn, trên thành cửa, trên giường nằm, trên người của Ngân... Nhiều lúc tôi rờn rợn khi chạm vào những đường ren ấy, như con nai húc đầu vào màn lưới bủa vây lấy nó, mỗi lúc càng siết chặt nó lại.

Tôi nhớ trong kháng chiến, mỗi lần đi chiến dịch tôi cất hết những thư của Ngân vào túi áo trên ngực, nghĩ rằng nếu rủi có viên đạn bắn vào tôi thì nó sẽ xuyên ngang qua ngực tôi, lùa những lời của Ngân một lần cuối cùng vào trong tim tôi. Nhưng sau này, tôi sợ cả những tiếng “anh anh, em em” với nhau. Có lúc hàng tuần Ngân giận tôi vì đã không xưng “anh, em” với Ngân. Nhưng làm sao được anh, khi mình đã chán ghét, ghét mình thì làm sao có thể thân yêu với kẻ khác. Tôi không muốn dối mình và dối luôn cả Ngân.

Cuộc đời của tôi những năm qua là như vậy đó anh Nam ạ! Tôi không kể với anh những chuyện bắt bớ, lùng ráp đến tận trong lớp học tôi đang dạy, hay trong bệnh viện của bác sĩ Nhã. Bác sĩ và tôi cũng thường bị gọi lên xuống, truy hỏi, hăm dọa... Qua những năm kháng chiến tôi đã thấy rõ là khi người ta hiểu phải chết vì cái gì thì người ra rất sẵn sàng mà chết. Nhưng trong những lần bị bắt bớ, giam hỏi vừa qua, thường thì tôi nơm nớp lo sợ nhiều hơn, vì nghĩ nếu chúng nó giết hại mình thì thật là “oan uổng”! Cái cảm giác nhục nhã vô cùng! Tuy nhiên, những lần bị bắt hỏi đó tôi vẫn thấy vinh dự hơn là những ngày tháng sống dài dằng dặc như đã kể với anh. May mà cuộc đời của tôi không như vậy mãi! Giữa cuộc sống thảm hại ấy, một người đã đến với tôi, với gia đình chúng tôi: chị Luyến.

Bác sĩ Nhã có nhiều người giúp việc, nhưng đều ở bên bệnh viện. Ở nhà bên này chỉ có một bà cụ già, nhưng đã xin về và giới thiệu chị Luyến đến thay bà. Chị Luyến cho chúng tôi biết chị là người xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, chồng đã chết từ năm 1948, ở nhà không có ruộng đất và không biết làm nghề gì khác, nên ra ngoài này tìm việc.

Chị đến chẳng bao lâu thì trong nhà dần dần thay đổi. Bắt đầu từ các em của Ngân.

Hồi anh đi đã biết tin bà Nhã chết chưa? Bà chết trước khi hòa bình lập lại vài tháng. Chết bệnh. Trước hai ông bà đã có Ngân và thằng Đài. Từ ngày ông trở về trong này, có thêm thằng Minh và con Lý. Chuyện thằng Đài tôi sẽ nói sau, còn thằng Minh và con Lý thì cũng khá ngoan. Hai đứa nó, nhất là con Lý cứ quấn lấy chị Luyến. Trước bà cụ Thiệu ở trong nhà, mọi việc chúng nó đều gọi đến bà cụ, từ mặc cái áo cái quần, cho đến trong bữa ăn bà cụ phải đút cơm cho chúng nó, tuy con Lý đã lên năm, thằng Minh lên bảy. Nay những việc thường ngày đó chị Luyến đều dạy cho chúng nó tự làm lấy. Chúng nó lại càng theo chị.

Mà không chỉ chúng nó, cả Ngân, bác sĩ Nhã và tôi cũng dần dần theo chị.

Sau nhà chúng tôi có một khu vườn rất rộng, trước bác sĩ trồng đầy những cây ăn quả, nhưng trong kháng chiến chúng nó đã bắt chặt trụi đi, và từ mấy năm hòa bình nay vẫn để trống như vậy. Chị Luyến đến, lần đầu cuốc một vạt lên trồng rau muống, rồi dần dần trồng thêm các thứ cải, hành... Sau chị đi chợ mua bắp su, xà lách về. Chị hỏi chúng tôi cách trồng các thứ rau ấy, rồi giục Ngân đi mua hạt giống. Tôi cũng tìm các thứ sách trồng rau nghiên cứu, bày cho chị và Ngân cách gieo trồng cho đúng. Thành ra suốt ngày chúng tôi xoay quanh chuyện rau, cải.

Bác sĩ Nhã trước mỗi lần bị bực dọc vì những chuyện rắc rối ở bệnh viện, hay vì các cuộc lùng bắt trên đường phố, hoặc chính bản thân ông bị đòi hỏi, hăm dọa, thường về đóng cửa trong phòng riêng đọc sách. Nhưng nay đã thấy ông dắt các con đi dạo giữa những vồng rau, nói với chúng nó những chuyện không đâu.

Trong nhà bắt đầu có không khí vui vui, mọi người xoắn xuýt với nhau chứ không rã rời, mỗi người sống một cách như trước nữa. Nhưng riêng thằng Đài thì vẫn đi biền biệt.

Nó là con thứ hai của vợ chồng bác sĩ Nhã, nhưng sinh ra sau Ngân những mười ba, mười bốn năm. Hồi toàn quốc kháng chiến, nó mới hơn một năm. Hồi đó, ta bố trí định đưa bà Nhã ra, nhưng bà do dự mãi vì tiếc cái cơ nghiệp ở đây và cũng vì nó nữa. Bà sợ nó đi tản cư thiếu thốn, tội cho nó. Bà đã thương chồng, thương con một cách không bình thường. Bác sĩ Nhã bỏ kháng chiến trở về, một phần cũng vì những sự thôi thúc của bà. Ông về, chắc anh đã đoán được tâm trạng của ông như thế nào. Suốt ngày ông ở bệnh viện, về đến nhà là đi thẳng vào phòng riêng, đóng cửa lại đọc sách, viết lách, tâm trạng mà ông còn giữ mãi đến gần đây. Nhưng bà thì không thể hiểu hết lòng ông. Bà cho ông sinh ra như vậy vì bà đã thúc giục ông trở về. Bà quay lại đổ hết tội vạ lên thằng Đài, vừa nuông chiều nó đến không ai dám động đến nó, vừa dằn vặt nó. Tội nghiệp thằng bé từ nhỏ đã hư hỏng, đến những năm gần đây lêu lổng với bạn bè càng tệ! Suốt ngày đêm không thấy mặt nó ở nhà, nhưng mỗi lúc nó về lại gây gổ với tất cả mọi người, vòi tiền, ăn cắp tiền, ăn cắp các thứ trong nhà đem đi bán, đánh em, chửi chị. Những lúc nó vui càng tai hại hơn. Nó bày cho thằng Minh, con Lý bắn súng, ném dao. Có đêm Ngân đang ngồi dạy thằng Minh học, hay kể chuyện với con Lý, bỗng nghe phập! Một con dao găm bay vào cắm xuống mặt bàn, giữa Ngân, Minh và Lý. Tiếp theo, tiếng thằng Đài cười khanh khách. Nó khuỳnh tay bước vào, một chân đặt trên thềm nhà, chân kia ở ngoài, vênh mặt lên hỏi:

- Đã rùng rợn chưa?

Ngân tức nó có hôm sắp tát vào mặt nó. Nó ưỡn ngực bước tới trước mặt nhìn Ngân:

- Mầy Việt cộng hả? Đừng đụng đến ông, ông chỉ đi nói một tiếng mầy tù rục xương.

Ngân ứa nước mắt, nuốt giận xuống. Ở trong này, một lời hăm dọa như thế trên miệng một đứa trẻ con như nó không phải không có tác dụng. Nhưng khổ tâm nhất là những hôm nó về bắt con Lý tập nhảy rốc-en-rôn. Anh nghĩ, bốn năm tuổi như Lý mà hai tay phải lật chéo áo lên, ưỡn ẹo, thì ai còn có thể đứng nhìn được. Thật thương tâm hết sức!

Hôm chị Luyến mới đến, nó đi chơi về thấy hỏi:

- Ai đó?

Chị Luyến cười, trả lời:

- Tôi thay bà Thiệu giúp việc trong nhà.

Nó chăm chăm nhìn chị. Anh không thể nào tưởng tượng một đứa con nít mười bốn tuổi có thể nhìn một người phụ nữ như thế được. Trong này không mấy khi tôi đi xem chiếu bóng, nhưng cũng không lạ gì các thứ phim “táo bạo”, “gây hấn” kia đã dạy chúng nó thành những thứ quỷ con như thế. Nó nhìn hau háu vào khắp người chị Luyến, rồi quay lại nháy mắt nói với ba thằng bạn đứng chờ ở phía ngoài:

- Giúp việc đấy, ngon chưa?

Nó chạy ra đi với bạn. Chị Luyến gọi lại, vẫn tươi cười với nó:

- Này em, ở nhà ăn cơm đã, còn chạy đâu?

Nó quay lại, nhướng mắt lên, há tròn miệng như rất đỗi ngạc nhiên, nhìn chị rồi hỏi lại:

- Ở nhà ăn cơm à? Em à? Bạo nhỉ?...

Chúng nó cười vang lên với nhau, thú vị vì câu nói đó. Thằng Đài quay chạy luôn đi, cánh tay còn đưa lại ngoắt ngoắt chị Luyến:

- By, my dear!(3)

Chúng nó khuất ra ngoài ngõ. Tôi có mặt ở đó, quay trở lên nhà trên, trong người nóng phừng phừng. Ngân bảo chị Luyến.

- Từ rày chị đừng hỏi, nói gì với nó cả.

Nhưng chị Luyến vẫn hỏi, vẫn nói. Mỗi lần thằng Đại về, chị vẫn hỏi chuyện nó, mặc dầu nó chế giễu, trêu ghẹo chị. Chị làm như không để ý đến các kiểu mất dạy của nó, luôn luôn coi mình như người chị lớn, lấy lời lẽ khuyên răn, la mắng nó và hết sức chăm sóc đến nó.

Trước nay, không hôm nào nó về ăn cơm đúng bữa với mọi người trong nhà. Hồi còn bà cụ Thiệu, bà cụ vẫn phải dành phần cơm cho nó (không thì khổ với nó!). Nhưng cụ cứ dọn sẵn cơm ra bàn, nó về ăn xong bỏ đi cụ mới thu dọn lại. Chị Luyến thì trông chừng nó về mới mang cơm ra, ngồi nhìn nó ăn, hỏi chuyện nó. Nó ăn xong, chị thu dọn, nhờ nó giúp chị một tay. Những lần đầu nó không trả lời lại, nhưng sau cũng mang giúp bát đũa xuống bếp, hay cuốn cái khăn trải bàn lại, quét mặt bàn... Chị nhắc nhở nó thay quần áo, bỏ màn, sửa chăn nệm cho nó ngủ, dù nó bỏ đi không chịu ngủ ở nhà. Trong nhà chỉ có một mình chị là nó chịu trả lời, chịu nói vài ba câu. Dần dần nó thường có mặt ở nhà hơn trước, về ăn cơm đúng bữa, ngủ ở nhà. Thường ngày chúng tôi kéo nhau ra làm vườn, nó cũng đi theo, nhưng trước mặt mọi người dù đến chị Luyến có nhờ nó cái gì, nó vẫn còn làm ngơ như không nghe thấy. Nó chắp tay sau đít lững thững đi dạo xem rau, hay nhìn chúng tôi làm từ xa xa.

Đó là đối với mọi người khác trong gia đình, còn riêng tôi đối với chị Luyến như thế nào? Chắc anh muốn biết điều đó, và tôi viết thư tay này cho anh cũng để nói điều đó.

Lúc đầu chị Luyến mới đến, tôi đã nghĩ rất nhiều về chị. Ở trong này cuộc kháng chiến vẫn chưa qua, những hình ảnh kháng chiến vẫn sống bên mọi người, chỉ chờ gợi ra là hiện lên như trước mặt.

Chị Luyến đến nói người ở Duy Trinh, tôi nhớ ngay lại ngày cơ quan chúng ta đóng ở Mỹ Lược, quân Pháp đã lan vào đến bên kia sông Thu Bồn, huyện Duy Xuyên bên này đang chờ chúng nó tràn sang. Tôi đã xuống ở Duy Trinh, tuyên truyền giải thích và giúp sắp xếp cho đồng bào tản cư. Đồng bào đi hết, tôi vẫn còn nằm lại trong một xóm nhà bên bờ sông. Ngoài bãi phía trước mặt là cánh đồng dâu xanh tắp, đồng bào đã bỏ lại mà đi. Bên kia sông là Thi Lai, Hà Mật, Phú Bông, những vùng tơ lụa giàu nhất của tỉnh ta. Xóm làng vắng lặng, nhưng tôi nằm trong một gian nhà trống của đồng bào nhìn ra sân vẫn nghe văng vẳng những tiếng thoi lắc cắc, và thấy nắng vàng nửa buổi như óng ánh trên nong kén, chẻ tơ, những tấm lúa phơi từ trong nhà ra sân, ra tận hàng rào, dọc đường đi...

Tôi chớp mắt... Những ánh vàng ấy như đọng lại trước mặt tôi, trên giàn mướp, thành những cái hoa vàng. Mấy con ong bầu hiền lành chờn vờn bay lên...

Tôi nhớ gì trong cái màu vàng ấy? Nhớ Đà Nẵng với bãi thông buổi chiều còn chói nắng trên ngọn, như những cây nến khổng lồ le lói đến tận đây... Nhớ những đồng bào vừa mới tản cư, bỏ lại xóm làng hoang vắng... Tôi nhớ một cụ già ở đây, khi giặc bắt đầu lan vào trong tỉnh, đã đem giấu kỹ cái ảnh của Hồ Chí Minh. Vừa rồi tản cư cụ lấy ra đem theo, thấy trên ảnh bị mối nhấm mấy chỗ cụ òa lên khóc cho là mình có lỗi với Cụ Hồ...

Tôi nhớ trước đây không lâu, Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hồi ấy là đại diện Chính phủ Trung ương tại miền Nam) đã về đây thăm đồng bào, nói chuyện với đồng bào. Hôm đó, lần đầu đồng bào tỉnh ta nghe nói về ba giai đoạn của cuộc kháng chiến, thấy con đường sẽ đi trước mặt nên trở về tản cư những đôi gánh cũng đỡ nặng trên vai.

Sau buổi nói chuyện hôm ấy, Thủ tướng đã về ăn cơm tối tại cơ quan Tỉnh ủy đóng ở đây. Ông đã ngồi xuống nhưng mọi người vẫn còn đứng quanh bàn ăn. Ông cười bảo:

- Thì ngồi xuống đi!

Nụ cười vẫn y như lúc nói chuyện với đồng bào, nhưng giọng nói hơi gắt. Mọi người răm rắp ngồi xuống, không còn nhường nhau ngồi giữa, ngồi bên nữa. Sau bữa cơm đó, Thủ tướng chỉ kịp ôm cái cặp da, dắt xe đạp vào Tam Kỳ lên tàu. Hôm đó là chuyến tàu lửa cuối cùng từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi...

Có lẽ anh thấy tôi lẩn thẩn, nhảy lung tung từ chuyện này qua chuyện khác? Nhưng anh ạ, có trong này mới thấy tất cả những cái ấy đối với mình ra sao? Những hình ảnh kháng chiến ấy vừa là sự thật, hiện rõ ra từng chi tiết trước mặt mình, nhưng cũng vừa là những cái gì đã xa xôi, mình chỉ được ước mơ, nên cố giữ lấy, níu lấy, ôm ấp vào trong lòng, trong trí của mình. Cuộc kháng chiến đã qua nhưng đối với trong này vẫn còn là hiện tại, và sáng ngời cái gì của tương lai.

Tôi quý tất cả những hình ảnh kháng chiến ấy, và có ngày hàng giờ nằm ngửa trên giường, hay trên một chiếc ghế, mơ thấy từ một cái hoa mướp đến nụ cười của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Có lúc trước mặt tôi nụ cười của Thủ tướng chờn vờn nở ra giữa cái hoa vàng lung linh, rồi khuôn mặt ngăm ngăm đen của ông biến đi, trên màu vàng của hoa hiện lên gương mặt của chị Luyến!

Chị Luyến đối với tôi không phải là một người giúp việc bình thường. Chị quen thuộc với tôi như cái hoa mướp vàng ấy, quen thuộc như nụ cười của một vị lãnh đạo cuộc kháng chiến những năm đầu ở trong ta... Tôi thấy lại chị đang theo anh em bộ đội trong cái đêm anh em ở trần bôi đen khắp người như một đoàn quân ma bò lên tận đỉnh Non Trượt tiêu diệt cái đồn chon von trên đỉnh núi ấy. Tôi thấy chị vác quả mìn trên vai bơi ra giữa dòng sông Thu Bồn để giật sập cầu Câu Lâu. Tôi thấy chị chèo chiếc đò ngang từ Duy Trinh qua Phú Bông, cất giọng lên:

Hôm nay dân chúng reo hò

Đưa người lính Đức qua đò Chương Dương...(4)

Bến đò Chương Dương ở phía trên kia, đây chỉ là bến đò Gặp, nhưng giọng hát chị Luyến vẫn lan ra trên mặt nước vào tận bờ sông bên kia, lố nhố một số bảo vệ quân đang chờ đò sang bên này. Câu hát nhắc nhở những lính ngụy ấy hãy noi gương những người “chiến sĩ bốn phương” kia đã biết tìm đường chính nghĩa trở về. Bao người đang trông đợi, nào mẹ già, con dại và:

... Em buồn đến bữa cơm chiều,

Ngập ngừng so đũa sợ nhiều đũa dư...

Câu hát văng vẳng bên tai tôi và chính chị Luyến hát đó chứ còn ai? Tôi nghe rõ giọng của chị, thấy dáng chị chèo đò, và phảng phất cả mùi nắng thơm trên người chị... Thế nhưng có lần tôi gạn hỏi, chị vẫn nói chồng chị thì có đi du kích, nhưng đã chết từ năm 1948, từ đó chị tản cư lên vùng tự do làm ăn mãi đến ngày hòa bình lập lại.

Tôi vẫn không tin. Tôi nhìn theo dáng người của chị, nhìn bộ áo quần đen gọn gàng bó sát người chị, thấy lại hình ảnh những người nữ du kích rất quen thuộc trong tám, chín năm qua.

Càng ngày tôi càng không thể nghĩ chị là một người giúp việc bình thường. Chị là người kháng chiến. Chị đã làm sống lại những cái gì kháng chiến trong tôi, trong bác sĩ Nhã và cả gia đình bác sĩ trước ở trong thành phố này. Có chị, tôi càng nhớ cuộc kháng chiến, nhớ từ ngày đầu cùng đi với anh lên chuẩn bị các vùng chiến khu bên kia núi Phước Tường sát thành phố, cho đến những ngày vào tận núi rừng Tiên Phước, rồi trở ra rúc hầm trong vùng tạm bị chiếm, lại trở về trên dãy Phước Tường chờ tối đến tiến quân đánh vào thành phố. Tôi muốn đi thăm lại tất cả những nơi đó, nhớ quay quắt từ cái “khói đá” mù mịt trên núi rừng, đến tia nắng lọt qua lỗ thông hơi vào trong hầm bí mật... Nhớ nhiều hôm đến quên ăn quên ngủ, và nhớ cả bóng dáng của chị Luyến tuy chị vẫn ở bên tôi. Tôi muốn luôn luôn gần gũi chị, chuyện trò, làm lụng với chị. Chị đi đâu, tôi băn khoăn trông chờ...

Cái gì rạo rực, day dứt trong tôi? Tôi không dám suy nghĩ kỹ, nhưng nhiều khi nao nao muốn rơi nước mắt. Như những đêm chị ngồi bày cho thằng Minh và con Lý hát. Lần nào cũng đi đi lại lại một bài:

Kìa xem trăng ngà vừa lên,

Ngàn ánh sao trong hồ lung linh...

Con Lý đeo lấy chị đòi bày cho bài khác. Chị lắc đầu:

- Hết rồi, chị chỉ biết một bài đó.

- Không, không, chị biết nữa, chị phải biết nữa.

Tôi cũng nghĩ như con Lý. Chị Luyến còn phải biết nhiều bài hát nữa. Giọng chị hát bài Đón trăng thu ấy xao xuyến những ánh trăng, ánh sao, gợn nước như thế, nhất định chị còn biết nhiều bài khác nữa. Nhưng chị không thể bày cho các em được! Ngay bài ấy, chỉ có trăng, sao, nước và nhảy múa, ca vui như vậy, nhưng chị bày cho các em rồi còn phải dặn mãi chúng nó là chỉ được hát trong nhà với nhau, vì là một bài đã hát trong kháng chiến.

Con Lý đòi mãi, chị cũng đành hát lại một bài đó, lần này kéo dài mãi câu cuối cùng ra: la lá la, la là lá la... Đôi mắt chị long lanh, con Lý nhìn chị, chị ôm nó vào lòng, gục mặt trên đầu nó. Lúc chị ngẩng lên, mắt chị ươn ướt. Chị vừa chùi ngang mặt vừa chỉ vào con Lý.

- Ê, ê xấu, chị không bày hát mà khóc kìa, ướt cả mặt chị đây này.

Con Lý òa lên khóc thật, và tôi cũng muốn khóc theo nó.

Hay như một lần khác, chị nhờ thằng Minh đọc cho chị viết chính tả. Tối lại chị vẫn học với nó. Hôm ấy, nó lật vở lại đọc cho chị viết một bài học thuộc lòng ở nhà trường của nó. Chị cầm bút chấm mực viết được mấy chữ, bỗng dưng tay nhìn sững vào mặt nó, không viết nữa. Nó giục:

- Chị viết đi chớ!

Đôi mắt chị đỏ lên. Chị đứng vụt dậy, chạy xuống phía phòng riêng, trước khi khuất ra ngoài cửa còn quay lại nói:

- Chị chóng mặt quá, mai chị sẽ học...

Tôi đứng dậy, đi lại cúi xuống đọc trên vở thằng Minh, thì ra là một bài chúng nó bắt vần chửi cộng sản! Thường ngày trong nhà vẫn khổ vì nghe thằng Minh học những bài đó. Có hôm ở nhà ngoài nó đọc to lên, thì ở bên kia bác sĩ Nhã cũng đã bước ra trước rồi. Ông nhìn thằng Minh gắt:

- Học! Học!...

Bỗng nhìn thấy tôi, ông lấy kính xuống, rút khăn ra lau mặt kính, ngập ngừng rồi hạ giọng bảo nó:

- Học thì đọc nho nhỏ, vài ba lần thuộc thì thôi, còn để cho cậu làm việc.

Ông cụ quay trở vào trong phòng đóng cửa lại.

Không thể ngăn thằng Minh không được học những bài ấy. Chỉ có khéo léo giải thích cho nó học mà đừng tin những điều nó đọc thuộc lòng đó thôi. Thật đau lòng hết sức, anh ạ!

Nhưng sao chị Luyến lại phản ứng lộ ra quá như vậy? Tôi vừa thấy thương, vừa lo cho chị. Tôi về trong phòng nằm xuống nghĩ rất nhiều về chị, nghĩ miên man nhưng không một cái gì rõ rệt, đã khuya mà không tài nào ngủ được. Trăng sáng vào trong phòng, gió thông, sóng biển xôn xao trong lòng tôi. Tôi đứng dậy đi đóng cửa sổ lại, nhưng vẫn không thể nhắm mắt. Tôi bèn ra trước hiên nằm. Trăng vẫn sáng, càng lồng lộng. Gió thông, sóng biển chập chờn... Bỗng tôi đứng dậy đi quanh ra sau nhà, về phía phòng riêng của chị Luyến.

Sao tôi lại làm như vậy anh?

Cũng có thể vì tôi chán chường trong cuộc sống với Ngân, hay đúng hơn chán chường với đời sống ở đây trong mấy năm qua, và chị Luyến đã đến như một hình ảnh ước mơ làm rung động lòng tôi. Nhưng đối với những con người còn muốn được “vô lý” như tôi, thì những cảm xúc đẹp đẽ ấy cũng chỉ là cái cớ để làm điều xấu xa. Dù sao, tôi cũng không thể tha thứ cho tôi trong cái đêm ấy!

Nhưng anh cho tôi bình tĩnh kể anh nghe hết câu chuyện.

Tôi xuống đến trước phòng chị Luyến. Trăng cũng sáng vào trong phòng của chị. Bóng chị chờn vờn trong cái màn trắng ngập ánh sáng và gờn gợn gió như đang bay, đang trôi trong sương đêm giữa trời. Tôi dừng lại, ngập ngừng đặt bàn tay lên thành cửa sổ, muốn gọi khe khẽ tên chị, sợ chị trôi xa đi mất, trong lòng cũng có một mối thương cảm gì thật! Nhưng không phải chỉ có cảm thương. Tôi đi luôn mấy bước đến trước cửa lớn, nắm chốt cửa phòng chị xoay nhe nhẹ. Cánh cửa hé mở ra. Phía trong, chị cũng đã khe khẽ hỏi:

- Ai đó?

Tôi lúng túng thả chốt cửa bước lui. Nhưng chậm rồi, chị Luyến đã dậy ra mở cánh cửa. Chị thấy tôi:

- À, anh!

Tôi bước lui dựa vào cửa sổ. Chị cũng bước tới đặt bàn tay trên thành cửa:

- Anh... anh không nên... Tôi rất kính mến anh.

Gió thông rào rào và sóng biển ào ạt vỗ vào tận đây. Trong những thứ tiếng rộn ràng ấy, trong ánh trăng xối lạnh trên đầu, trên hai vai tôi, tôi chợt thấy trong một giây phút le lói những cái gì gọi là “vô lý” của cuộc đời tôi. Đêm khuya tôi đã xuống ở đây trước phòng chị Luyến, cũng như những năm qua tôi ở lại trong này, bị chà đạp và tự dằn vặt lấy mình, chính là vì tôi còn muốn được “vô lý” trong cuộc đời.

Tôi rùng mình, nghe giọng của chị Luyến xa xôi như vọng lại đâu từ tiếng gió thông, sóng biển rộn ràng, từ ánh trăng sáng lạnh ấy:

- Anh lên đi, chị ấy tốt lắm, anh không nên làm chị buồn.

Nhưng tôi vẫn đứng nguyên một chỗ. Hình như đã đến lúc ấy thì không thể lùi được nữa. Tôi vẫn chăm chăm nhìn chị. Nhưng chị lại nói tiếp, giọng đổi hẳn đi:

- Không nên đâu anh ạ. Tôi... em nói thật với anh, vì trước anh cũng là cán bộ, anh cũng kháng chiến, em nói thật là em đang có chồng. Chồng em tập kết ngoài Bắc. Ở nhà chúng nó bao vây, cố bắt ép em, nên em tạm tránh mặt ra ngoài này làm ăn một thời gian. Anh đừng...

Tôi không chờ nghe hết câu, đã tỉnh hẳn lại! Lúc đó mới quay lui, lủi thủi quay trở lên trước hiên, nằm dài trở xuống trên chiếc ghế xếp, đầu óc bời bời...

Hình như ở trên tôi có nói đến con đà điểu, nhưng lúc này mới thật thấy mình muốn chui đầu xuống cát. Nhưng trốn đâu nữa? Trước vì tôi đã muốn trốn một cái gì - sự cố gắng theo kịp cuộc đời - nên đã ở lại trong này. Nay muốn trốn hình ảnh chị Luyến, trốn cả chút phẩm chất kháng chiến còn lại trong mình nữa hay sao? Tôi thấy cần phải gượng lên, cố gắng lên, không thì quay lưng lại với cuộc đời mất!

Tôi đứng dậy trở vào trong phòng, định đánh thức Ngân dậy nói hết với Ngân và xin lỗi Ngân. Đêm nay hãy xin lỗi Ngân, mai xin lỗi chị Luyến, tuy vừa rồi như thế là chị đã thứ lỗi cho tôi.

Tôi trở vào trong phòng, đến xô hai cánh cửa sổ ra cho ánh trăng lại tràn vào. Ngân vẫn nằm im trên mé giường. Tôi quay lại sè sẽ nằm xuống mé giường bên kia, ý định xin lỗi Ngân bỗng chùn lại. Đối với chị Luyến tôi thấy e ngại, gần như sợ hãi. Đối với Ngân bây giờ tôi đang xấu hổ, giày vò mình. Mình không xứng đáng với tình yêu của Ngân, đừng nói là xứng đáng với chị Luyến! Chợt tôi nảy ra ý nghĩ mỗi lúc càng rõ ràng, là Ngân đã biết rồi. Ngân biết nhưng chỉ giờ vờ ngủ đấy thôi. Mấy lúc nay tôi lạt lẽo đối với Ngân, có khi còn phũ phàng nữa, điều này Ngân không thể không biết. Đêm nay, vào phòng ngủ Ngân chỉ nằm trên một mé giường im lặng, nhưng tôi cũng không để ý đến. Bây giờ Ngân vẫn giữ nguyên một dáng nằm như thế: lưng quay lại phía ánh trăng, một tay sải dài gối dưới đầu, tay kia gác ngang mặt... Thôi đúng như thế rồi, Ngân đã biết hết! Vừa rồi ở trên này Ngân đã dậy đi vào phòng ăn, đứng nhìn qua cửa sổ xuống trước phòng chị Luyến, nghe thấy rõ cả. Tôi lên trước hiên, Ngân cũng đã trở lại trong phòng này, nằm trên mé giường với nguyên dáng điệu lúc đầu hôm...

Tôi càng bồn chồn, áy náy! Có nên đánh thức Ngân dậy nữa không, khi Ngân đang thức và đã biết rõ hết rồi? Tôi nằm sát lại bên Ngân, chờ một cái cử chỉ của Ngân, chờ Ngân cựa mình... Quả vậy, im lặng một lúc, Ngân đã xoay lại thở dài, lấy cánh tay đang che trên mặt xuống ôm ngang qua ngực tôi. Ngân không để tôi kịp nói, sát mặt vào bên mặt tôi:

- Em biết cả rồi.

Ngân đưa tay kéo đầu tôi lại gần đầu Ngân, vò trên tóc của tôi:

- Em lên trước anh. Anh đừng giận nghe.

Tôi còn biết trả lời làm sao, vừa nao nao trong lòng, vừa ngạc nhiên. Tôi chưa xin lỗi Ngân, sao Ngân lại xin lỗi tôi? Nhưng Ngân đã giải đáp cho tôi:

- Chị ấy tốt lắm. Em thương chị ấy lắm, anh cũng nên thương chị ấy.

Thì ra mọi người đều tốt. Chị Luyến tốt, Ngân đã tốt theo. Chỉ có tôi là hèn. Tôi không đủ can đảm để ngày mai giữa ban ngày nhìn mặt Ngân, mặt chị Luyến. Tôi nói với Ngân:

- Mai anh đi Huế vài hôm.

Ngân ôm lấy tôi:

- Ừ, anh đi chơi vài hôm, nhưng coi chừng bị theo dõi, nghi ngờ mà phiền nhé!

Anh thấy, tôi là một con người yếu đuối lắm. Nhưng hoàn cảnh ấy không thể vội vã hơn. Hẹn với Ngân chỉ đi vài hôm, nhưng tôi ra Huế nằm ở nhà một người bạn đọc sách, chần chờ mãi hết một tuần lễ mới trở về được. Tàu đến Đà Nẵng hơn sáu giờ tối. Tôi đi bộ về nhà, dọc đường còn ghé ăn một bát phở thế bữa cơm chiều.

Khi tôi về đến nhà, bước vào, việc đầu tiên là nghe cả thằng Minh và con Lý cùng mách với tôi:

- Chị Luyến đi rồi anh ạ!

Giọng con Lý nhắc lại điều đó còn phụng phịu. Hai đứa nó đang cúi xuống trên một quyển sách có hình vẽ. Thằng Đài cũng ngồi bên cạnh chúng, nhưng ngã ngửa người ra trên lưng ghế nhìn qua cửa sổ. Thấy tôi vào, nó ngồi thẳng lên nhìn tôi, rồi quay lại cũng nhìn trên quyển sách với hai đứa kia. Nó vẫn chưa tự nhiên đối với người trong nhà. Tôi đi luôn vào trong phòng cất mũ, xắc, rồi trở ra hỏi con Lý:

- Chị đâu?

Vừa hỏi tôi vừa đi luôn xuống bếp. Ngân đang lúi húi dọn bếp. Thấy tôi Ngân hớn hở:

- Anh về đó à?

Tôi bước lại gần, Ngân vẫn tiếp tục quét quanh bếp:

- Anh chờ em tý nhé.

Vừa làm Ngân vừa nói tiếp:

- Chị Luyến đi rồi. Chị trở về Duy Xuyên. Chị định chờ anh nhưng anh nói đi vài hôm mà đi cả tuần lễ!

Ngân lại ngẩng lên nhìn tôi có vẻ nũng nịu, rồi nói tiếp:

- Anh ăn gì chưa?

Tôi nói đã ăn phở rồi. Ngân bảo:

- Em pha anh cốc sữa nhé. Thôi anh đi lên nhà trên để em rửa tay, rửa mặt đã.

Tôi nhìn hai bàn tay của Ngân thoăn thoắt, và mặt mày Ngân tươi vui, thấy nhẹ nhàng trong lòng. Tôi trở lên nhà trên đi rửa ráy, thay áo quần, rồi bước sang phòng bác sĩ Nhã:

- À, anh về.

Thường ngày, buổi tối tôi cũng hay vào trong phòng của bác sĩ. Nhiều hôm chẳng có gì nói, nhưng tôi vẫn theo thói quen vào ngồi xuống trên cái ghế mây bên cái bàn để sách báo, cầm một vài tờ báo mới bằng tiếng Pháp xem qua. Nếu báo đã đọc trước cả rồi thì tôi lật mấy quyển sách của bác sĩ nhìn hình vẽ. Thường thì ông vẫn cúi xuống làm việc như không biết có tôi ở đấy. Nhưng có đêm cũng ngẩng lên nói vài ba câu ngắn về những chuyện không đâu, gọi là cho có nói.

Hôm nay tôi bước vào, ông ngẩng lên hỏi như vậy, rồi lại cúi trở xuống trên xếp giấy đang hí hoáy viết. Nhưng ông đã ngẩng trở lại:

- À, chị Luyến đi rồi, đi hôm kia.

Ông đặt bút xuống, lấy kính ra, rút khăn lau mặt kính, vừa lau vừa nói:

- Tội nghiệp con Lý cứ theo chị khóc. Nhưng người ta có công việc người ta.

Nghe giọng ông nói, nhìn mặt ông, tự nhiên tôi thấy nao nao. Hồi kháng chiến, mỗi lần tôi đến thăm, ông hỏi tôi các thứ chuyện để cố theo cho kịp tình hình. Từ ngày hòa bình tôi trở về ở ngay trong nhà, nhưng ông lại như có ý tránh mặt tôi, một phần vì từ những năm trước ông trở về trong vùng tạm bị chiếm này đã quen im lặng, và đến nay vẫn còn phải im lặng. Phần nữa, có lẽ vì ông ngượng với tôi, và biết đâu lại không nghi ngờ gì tôi, hay khinh tôi vì có điều kiện đi mà vẫn ở lại sống những ngày như trên.

Nhưng đêm nay, ông nói chuyện chị Luyến, giọng thân mật của cha con trong nhà. Tôi nao nao muốn hỏi đùa ông biết chị Luyến có công việc gì mà không giúp trong nhà này nữa, lại về đi. Nhưng ông đã nói tiếp:

- Cậu bảo để tìm có người khác chị hẵng về, nhưng Ngân nó lại nói việc nhà để nó lo cho, chị ấy cần thì để chị ấy về. Ừ, thì Ngân nó tập làm cũng được. Chị ấy làm được nó cũng làm được, chứ ở không làm gì? Nó làm được cái gì nó làm anh ạ.

Ông nói, mỗi lúc tôi càng cảm động, thấy ông lo lắng việc nhà, lo lắng đến cuộc đời chung quanh, chứ không như trước chỉ biết có cái bệnh viện và những sách báo chuyên môn của mình. Ông đã mang kính trở lên, còn quay lại hỏi tôi:

- À, anh về đã ăn uống gì chưa?

Tôi trả lời đã ăn phở rồi và đứng lên đi ra, không muốn để ông thấy mình xúc động.

Tôi trở về phòng tôi. Ngân đã lên thay áo quần, chải lại đầu tóc, đang ngồi chờ tôi. Cốc sữa nóng đặt trên cái bàn nhỏ ở đầu giường. Ngân lật nắp đậy cốc sữa ra:

- Anh uống đi.

Tôi ngồi xuống giường cầm cốc sữa lên. Ngân đứng dậy đi kéo cánh cửa vào trong phòng lại, và đến xô hai cánh cửa sổ mở rộng ra, nhô đầu nhìn quanh phía ngoài, xong mới quay trở vào ngồi xuống bên tôi, choàng tay qua ôm ngang lưng tôi. Tội vội uống cạn cốc sữa kẻo Ngân làm tạt đổ ra. Ngân đã ngửa mặt lên nhìn tôi hớn hở như muốn khoe với tôi:

- Chị Luyến về vì không thể ở ngoài này nữa chứ chẳng phải vì chuyện gì đâu. Chị ra ở lâu ngoài này không tiện, về trong xã làm ăn có đồng bào, làng xóm tốt hơn.

Ngân đặt cằm lên vai tôi:

- Chị ấy bảo em cứ nói thật với anh như vậy. Sau này chị còn liên lạc với em...

Ngân siết chặt người tôi, như muốn vật ngã tôi xuống, vui như không thể giữ được một mình những điều ấy, và chỉ mong tôi về để nói lại với tôi. Tôi nghe cũng thấy nao nức, tuy chưa biết rõ gì hơn nữa... Ở Huế về đây trong lòng tôi vẫn còn áy náy, nhưng đến lúc này bao nhiêu áy náy đều tiêu tan, lòng tôi thật đã thấy nhẹ nhàng, sung sướng. Tôi ôm mặt Ngân, nhìn vào mắt Ngân như mới gặp nhau lần đầu, thấy cả một chân trời trong đôi mắt, trên nụ cười của Ngân...

Anh Nam!

Anh hiểu vì sao hôm nay tôi được viết thư cho anh, và lại viết dài. Có lẽ trong hoàn cảnh của anh, với cuộc đời tươi vui, lành mạnh ngoài ấy, thì cả cái thư dài này toàn là chuyện vớ vẩn. Và không những đối với các anh ngoài đó, mà đối với phần lớn những người trong này hằng ngày đang phải đấu tranh gian khổ bao nhiêu, thì cả cái thư này cũng toàn là chuyện vớ vẩn không đâu.

Nhưng riêng đối với tôi, thì những điều vớ vẩn này vẫn là máu, là nước mắt anh ạ. Nó còn nhắc nhở tôi nhiều trên con đường còn lắm khó khăn, mà hôm nay tôi quyết tâm không đi chậm lại nữa.

Thôi chào anh và bắt tay anh thật chặt, thật thật chặt. Tôi gửi lời thăm tất cả, và chắc từ nay tin tức của nhau sẽ không vắng như những năm qua. Nhờ anh gặp các bạn ở ngoài, tùy tình hình mà cho anh em biết về tôi để mừng với nhau.

Thôi chào anh lần nữa và lại bắt chặt tay anh, không muốn rời ra”.

Tôi có phải thêm gì sau bức thư này nữa không? Chỉ xin lỗi các bạn là không viết rõ lại tên của bạn tôi đã ký dưới thư.

Tháng 12 năm 1959


1. Theo câu thơ của Lý Bạch: “Cừ bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu”.

2. Cũng có nghĩa là nhớ, day dứt như nhớ nhà, nhớ quê hương.

3. Xin chào người thân yêu.

4. Ca dao binh vận ở Quảng Nam.

Anh y tá Minh - Truyện ngắn của nhà văn Từ Bích Hoàng Thư nhà - Truyện ngắn của nhà văn Hồ Phương Gặp mẹ - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải Anh bộ đội và lũ trẻ nhỏ - Truyện ngắn của nhà văn Hải Hồ Tào Lường - Truyện ngắn của nhà văn Tô Hoài
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Đeo lại xà tích - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Em đã về rồi phải không/ hãy đến đây ngồi xuống bên cọn nước
50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

50 năm Văn học Đà Nẵng: Nhìn lại để vươn tới đỉnh cao

Baovannghe.vn - Với sự kế thừa một truyền thống Văn học quý giá và với những tiềm năng, những triển vọng đã và đang có, các Nhà văn Đà Nẵng và Hội Nhà văn TP Đà Nẵng sẽ có một bước phát triển mới, có bước bứt phá để vươn đến đỉnh cao
Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Tiếng thơ của hai cha con Chế Lan Viên, Phan Thị Vàng Anh

Baovannghe.vn - Bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều có tác phẩm của hai cha con đặc biệt. Đó là quyển Ngữ văn 11, tập 2 có trích bài thơ Tình ca ban mai của Chế Lan Viên (1920-1989); còn ở Tiếng Việt 2, tập 1 có trích bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (sinh 1968).
Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Phố phường mưa lạnh mềm áo bụi/ bao mùa rồi chúng con vẫn ra đi
Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Baovannghe.vn - Quán trọ nằm dưới chân một ngọn đồi, đồi thấp toàn cỏ tranh liền kề với những dãy núi liên hoàn của dãy Giăng Màn... Đường đến quán trọ phải qua con sông có tên rất hay, sông Tùy Duyên. Chắc Ngộ cũng tùy duyên mà bỏ quê quán lên đây mở quán trọ.