Diễn đàn lý luận

Nhà thơ Trịnh Công Lộc với “ba đoạn đời mình”

Trương Thiếu Huyền
Chân dung văn học
08:00 | 22/01/2025
Baovannghe.vn - Trong thơ Trịnh Công Lộc, biển trời sông núi tột cùng bi thương, tột cùng hùng vĩ và thiêng liêng. Thơ ông gắn liền với nỗi đau của nhân dân, tổ quốc.
aa

Tôi với Trịnh Công Lộc quen nhau khá tình cờ. Dạo trước, biết tôi về Quảng Ninh công tác, nhà thơ Trần Hòa Bình giới thiệu về ông, với hy vọng giúp tôi đỡ cảnh bơ vơ những ngày đầu nơi ở mới. Lần đầu tiên tôi gặp ông tại căn nhà làm việc của Phòng Văn thể huyện mà ông là quyền trưởng phòng, bên một bể bơi, cạnh quốc lộ 18. Gương mặt sáng, vóc dáng thư thái, ông nói chuyện như đã thân tôi từ lâu. Khi ông chuyển lên Hồng Gai làm công tác tuyên giáo thì hai cơ quan chúng tôi là Tỉnh ủy và Báo Quảng Ninh cạnh nhau. Cách khoảng dăm ngày, lúc cuối giờ làm việc, có khi buổi sáng, có khi buổi chiều, ông và tôi gặp nhau trò chuyện. Nói là trò chuyện nhưng ông lắng nghe tôi nói là chính, với đủ thứ chuyện, còn ông chỉ bàn về thơ và liên quan tới thơ.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc với “ba đoạn đời mình”
Nhà thơ Trịnh Công Lộc

Sự lựa chọn “làm ở Quảng Ninh” của Trịnh Công Lộc cũng lạ. Nơi ông đến không bởi vì có người yêu hay người họ hàng, mà chỉ do... từng thực tập sư phạm. Dịp thực tập đó ông sáng tác nhiều thơ và bài thơ viết về Hà Tu được đăng ngay báo Văn nghệ. Có thể chính tình cảm ấy đã đã vẫy gọi ông về Quảng Ninh, về với non thiêng Yên Tử, dòng sông lịch sử Bạch Đằng cùng kỳ quan vịnh Hạ Long... Ông dạy học tuy chỉ ít năm nhưng để lại dấu ấn được trân trọng. Năm 1977, khi thầy giáo sau 3 năm ra trường Trịnh Công Lộc tham gia bồi dưỡng đội tuyển môn văn, Quảng Ninh lần đầu tiên có được một giải học sinh giỏi quốc gia. PGS.TS Vũ Thanh (Viện Văn học) là học sinh xuất sắc đó, và khi trao đổi với tôi, ông nói “Vẫn nhớ những tiết giảng hay của thầy Lộc.” Quãng thời gian cỡ một “khóa” trước khi nghỉ hưu, Trịnh Công Lộc được bổ chức Trưởng ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh. Chúng tôi đùa vui gọi ông là “Trưởng ban Quản lý PU18” với hàm ý nhà thơ mà cầm tiền thì hãy cẩn thận (PU18 một thời là đơn vị quản lý dự án của Bộ Giao thông - Vận tải đã để xảy ra nhiều sai phạm, gây tai tiếng cả nước). Ông có công làm được hai việc lớn cho tỉnh Quảng Ninh. Việc thứ nhất, xác định dấu tích am Ngọa Vân, nơi Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật cùng đề xuất làm con đường hành hương như vốn có từ di tích Yên Tử (Uông Bí) tới di tích Ngọa Vân (Đông Triều). Việc thứ hai, lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, Bạch Đằng, Nhà Trần ở Đông Triều và đều được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt. Sau này, khi nghỉ hưu do là “dân sáng tác”, lại từng có kinh nghiệm làm công tác tuyên giáo, nên sau khi nghỉ hưu, Trịnh Công Lộc được mời làm việc tại cơ quan Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Về việc này, ông hay nói vui đời mình chia thành ba đoạn “sinh ở Thái Bình, làm ở Quảng Ninh, hưu về Hà Nội”.

Có thơ in trên Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội từ thời sinh viên, nhưng mãi đến năm 2011, trước khi nghỉ hưu một năm, Trịnh Công Lộc mới công bố tập thơ đầu tay Cánh buồm nâu. Ngay sau đó ông ra tiếp các tập thơ Mộ gió (2012), Mặt trời đêm (2014), Tim núi (2019)... Năm 2020 ông cho xuất bản tập Từ biển mà đi. Và đến năm 2024 này, ông đã ra mắt bạn đọc tập Mặt trời cỏ.

Nếu để chọn một bài thơ tiêu biểu của ông, có lẽ mọi người cũng như chính tác giả sẽ nghĩ ngay tới Mộ gió. Bài thơ viết giữa năm 2011, đến đầu năm 2012 bài thơ và ca khúc phổ nhạc Khúc tráng ca biển/ Mộ gió (âm nhạc Vũ Thiết) đều được trao giải Nhì cuộc thi thơ và nhạc toàn quốc chủ đề “Đây biển Việt Nam” do Báo Vietnamnet phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Ca khúc phổ nhạc bài thơ Mộ gió của Trịnh Công Lộc đã mang lại Giải thưởng Nhà nước cho nhạc sĩ Vũ Thiết (2017) và nhạc sĩ Đỗ Hòa An (2022).

Ngoài Mộ gió, Trịnh Công Lộc còn có nhiều bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc khác như Dấu tích Ngọa Vân (nhạc sĩ Thế Phùng), Cao Xiêm (nhạc sĩ Thế Phùng), Dấu chân Sa Vĩ (nhạc sĩ Thế Song và nhạc sĩ Vân Dung), Thành phố - núi Bài thơ (nhạc sĩ Vũ Thiết)...

Tập thơ Mộ gió, Từ biển mà đi và bản thảo tập thơ Thơ viết ở biển của ông đã được trao đồng giải Nhất - Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam, giai đoạn từ năm 1975 đến thời điểm xét giải (năm 2020).

Có lẽ vì thành công của Mộ gió cùng các bài thơ về biển đảo mà phần lớn các bài viết về thơ Trịnh Công Lộc mới chỉ tập trung vào tâm thức biển: Trịnh Công Lộc và “hội chứng Mộ gió” (Đặng Huy Giang); Mộ gió - mộ thiêng bất tử (Hồ Thế Hà), Âm vang biển đảo qua cách nhìn của Trịnh Công Lộc (Inrasara)... Tuy nhiên cùng với tâm thức biển - “từ biển mà đi”, Trịnh Công Lộc còn có tâm thức núi. Núi và biển là cặp “cánh thơ” của Trịnh Công Lộc.

- Đài hương lưng chừng núi

Các anh về cả đây

Trong đá và trong cát

Mặc, mưa nắng đong đầy

Khói nhang người đến thắp

Vị Xuyên tím ngắt mây

Tim núi giấc mơ bay

(Đài hương)

- Thanh Thủy “Lò vôi thế kỷ

Vôi - vành tang núi

Trắng trời

(Vành tang núi)

Trong thơ Trịnh Công Lộc, biển trời sông núi tột cùng bi thương, tột cùng hùng vĩ và thiêng liêng. Thơ ông gắn liền với nỗi đau của nhân dân, tổ quốc. Bài thơ Điểm tựa của ông viết năm 2015, với đề từ “Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9”, hẳn nối tiếp bài thơ Điểm tựa của ông Lê Đức Thọ viết năm 1982, khi thăm chốt chiến đấu tại biên giới phía Bắc: Và còn đây/ cuộc chiến thời bình/ Cuộc chiến hồi sinh/ Mong qua mau/ Những oan khuất, thương đau/ Sớm liền da thịt/ Sao mau hết/ Nạt dưới, dối trên/ Lẫn lộn trắng, đen/ Tranh công, đổ tội/ Biến không thành có/ Biến có thành không/ Bão đất, bão tiền trắng đồng, trắng chợ/ Nợ công đổ xuống vai gầy.../ Có công, trả công/ Có tội, chịu tội/ Phải - trái phân minh/ Lấy lại những gì đã mất/ Thắng ta/ khó hơn thắng giặc/ Xin hãy/ siêng năng tắm gội/ Sạch sẽ công quyền/ Đừng để mất niềm tin (Điểm tựa).

Cuối năm 2022, qua zalo ông gửi tôi bản chụp chép tay bài thơ Lại về với cỏ, dưới tít còn mở ngoặc “Hay bài thơ đang viết cho mình?” Trong thăm thẳm ấy, con chữ mực xanh của ông đậm trên trang giấy: Còn mình, khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi/ Tựa lưng mền đất cỏ/ Mơ tít tắp chân trời. Có thể bài thơ đã gợi cho ông lấy tên tập thơ Mặt trời cỏ, tác phẩm có nhiều bài về chiêm nghiệm cuộc sống, về tình người thân, bạn bè như Cậu tiễn đưa cháu, Bóng lá bóng cây (ngày tiễn đưa anh Hồ Quang Diệu), Hương vườn (nhớ Long), Tháng bảy (nhân ngày thương binh, liệt sĩ), Cây nghĩa trang...

Trịnh Công Lộc có cho mình triết lý “nho nhỏ thôi”: Chầm chậm đến - bớt ồn ào, inh ỏi/ Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói/ Để mọi người dễ nhớ, dễ gần nhau! Thơ ông luôn có dòng chảy triết lý này. Câu chữ như dồn nung nấu lặng lẽ tiết ra rất nhẹ, rất nhỏ, rồi kết đọng hình tượng theo nhịp điệu của cảm xúc. Đây có thể coi là nét riêng ngôn ngữ thơ ông.

Trịnh Công Lộc cùng thuyền thơ giong buồm đón gió ra biển, cùng ngựa thơ đập móng hí vang lên núi, cùng chim thơ sải cánh cất tiếng hót hướng tới mặt trời. Trong hành trình ấy, Trịnh Công Lộc tự biết đường đi, đích đến của mình: Vẫn biết mình nho nhỏ/ Cứ thế này chầm chậm về sau... Và ông đã đạt chí nguyện, chỉ 10 năm, tính từ tập thơ đầu tay, thơ ông được trao giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn, cùng nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn phối hợp với các ngành, cơ quan.

Để kết thúc bài viết nhà thơ Trịnh Công Lộc, tôi xin dẫn khổ thơ đầu tiên trong tập thơ đầu tay Cánh buồm nâu và khổ cuối cùng trong tập thơ mới nhất Mặt trời cỏ của ông:

- Đã hiện ra những cánh buồm nâu

Không gian giăng tơ lấp loáng

Chim gáy mùa thu bay buổi sáng

Sông xanh đậm buổi chiều

(Cánh buồm nâu, thu 1973)

- Thẳng lưng bên bờ tre mọc

Xanh xanh giăng khắp làng quê

Ai đi lạc miền xa lắc

Tre xanh sẽ gọi ngày về.

(Tre làng, 18/4/2023)

Nhà thơ Trịnh Công Lộc với “ba đoạn đời mình”
Vịnh Hạ Long - Quảng Ninh. Ảnh Internet
Quốc Hội: Ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Quốc Hội: Ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Baovannghe.vn - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 65/2025/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
Bản tin Văn nghệ ngày 22/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 22/1/2025

Baovannghe.vn - Tham gia Hội Báo Xuân có hơn 350 ấn phẩm số Tết 2025 và Xuân Ất Tỵ của các cơ quan báo chí Trung ương, báo Đảng các địa phương trong cả nước
Cánh mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Cánh mùa Xuân - Thơ Huỳnh Thị Quỳnh Nga

Baovannghe.vn- Ngày xanh trên lá non/ Trong ngôi nhà dịu dàng tiếng gió
Bé đi chợ tết - Thơ Nguyễn Thủy

Bé đi chợ tết - Thơ Nguyễn Thủy

Baovannghe.vn- Sáng nay bé nghỉ học/ Đi chợ tết cùng Bà
Tết trên vai mạ

Tết trên vai mạ

Baovannghe.vn - Cứ mỗi đận Tết về tôi lại nôn nao nhớ hình ảnh mạ tôi xưa suốt mấy chục năm kẽo kẹt triêng gióng, gánh Tết trên vai. Ký ức Tết tuổi thơ ấy đã thành máu thịt, thành chất liệu làm nên tâm hồn tôi.