Nội dung đáng chú ý của cuốn sách Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian của PGS-TS Nguyễn Văn Dân chính là những lý giải một số vấn đề nhận thức văn hóa xã hội và phê bình đối với một số hiện tượng văn hóa xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là những bài viết bàn về những vấn đề văn học đương đại như: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học là trách nhiệm đạo đức của mỗi nhà văn; Xã hội hóa văn học nghệ thuật như thế nào; Phê bình với lý luận và phương pháp luận văn học; Lý luận với phê bình văn học hôm nay; Phê bình sinh thái, sinh thái học tinh thần hay là văn hóa học…
(Ảnh: PGS-TS Nguyễn Văn Dân)
Tôi không thích đọc phê bình, càng không thích những cuốn sách về lý luận phê bình, đặc biệt là phê bình học thuật, bởi vì nó rất khó hiểu, nó đòi hỏi người đọc phải có một lượng kiến thức nền đáng kể mới có thể tiếp nhận và giải mã được phần nào những gì mà tác giả gửi gắm qua từng trang viết. Với tôi, đó là những cuốn sách khó nhằn, gây buồn ngủ. Thế nhưng, vì nhu cầu công việc tôi buộc phải học, phải đọc và rồi tôi nhận ra rằng, có những cuốn sách lý luận phê bình rất thú vị, nó hấp dẫn hơn những gì tôi nghĩ. Được đọc một cuốn sách lý luận – phê bình văn học hay nó giống như ta được trò chuyện với một cô nàng xinh đẹp và thông thái, vừa có thể ngắm vừa có thể trò chuyện, hấp dẫn vô cùng. Cái đẹp giúp ta được an ủi và sự thông thái giúp ta hiểu biết hơn. Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian (tác phẩm đạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020) của PGS-TS Nguyễn Văn Dân là một trong những cuốn sách lý luận phê bình như thế.
Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian gây tò mò trong giới học thuật có lẽ bởi vì khái niệm mới mẻ mà tác giả đề xuất “quan hệ liên không gian” trong văn hóa – xã hội. Đến với cuốn sách này, người đọc được trang bị một số thuật ngữ, khái niệm và lý thuyết về lý luận phê bình liên quan đến văn học – văn hóa như: quan hệ liên không gian, tự do văn hóa, lựa chọn văn hóa, lý thuyết không gian văn hóa xã hội, phê bình sinh thái, sinh thái học tinh thần, chân lý nghệ thuật, chân lý khoa học, văn hóa học… Trên cơ sở lý thuyết đó, Nguyễn Văn Dân mở ra cho độc giả cách tiếp cận mới – nhìn văn hóa – văn học từ góc độ toàn cầu hóa. Nếu như Hoài Thanh khi bàn về tinh thần thơ mới từng nói rằng: “muốn hiểu tinh thần thơ mới cho đúng đắn, phải sánh bài hay với bài hay vậy” và “muốn rõ đặc sắc mỗi thời phải nhìn vào đại thể” thì khi bàn về vấn đề văn hóa – văn học, Nguyễn Văn Dân cũng đưa ra quan điểm: “Muốn thấy tầm cỡ một tác phẩm, phê bình cần có cái nhìn so sánh và đặt đối tượng phê bình trong mối quan hệ với các giá trị văn học đỉnh cao của thế giới. Phê bình không nên chỉ là nhấm nháp thưởng thức tác phẩm, mà quan trọng hơn là nên chỉ ra tác phẩm đó đứng ở nấc thang nào trong bối cảnh văn học của thời đại. Phải đứng từ quan điểm toàn cầu để thấy một điểm. Muốn hiểu rõ cây thì phải thấy cả rừng”. Mọi vấn đề được bàn đến trong cuốn Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian luôn được Nguyễn Văn Dân nhìn nhận trong các mối tương quan so sánh đối chiếu một cách cẩn trọng để từ đó đưa ra những kết luận khách quan, thuyết phục nhất. Độc giả sẽ thấy văn hóa được nhìn nhận trong mối liên quan với phát triển, thấy vai trò của văn hóa, quan hệ liên không gian đối với phát triển đất nước, vai trò của quan hệ trung tâm – ngoại vi văn hóa, thấy sự cần thiết phải thoát khỏi không gian địa lý khép kín.
Nội dung đáng chú ý của cuốn sách chính là những lý giải một số vấn đề nhận thức văn hóa xã hội và phê bình đối với một số hiện tượng văn hóa xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó là những bài viết bàn về những vấn đề văn học đương đại như: Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học là trách nhiệm đạo đức của mỗi nhà văn; Xã hội hóa văn học nghệ thuật như thế nào; Phê bình với lý luận và phương pháp luận văn học; Lý luận với phê bình văn học hôm nay; Phê bình sinh thái, sinh thái học tinh thần hay là văn hóa học; từ một quan điểm của Bakhtin nghĩ về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại; một số vấn đề trong tiếp nhận Kafka vở Việt Nam; Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại – một số xu hướng chủ yếu…, tất cả đều được tác giả nhìn nhận trong mối tương quan so sánh đối chiếu giữa văn học Việt Nam với văn học nước ngoài, giữa phương Đông và phương Tây, giữa giai đoạn văn học đương đại với những giai đoạn văn học trước đó. Nhờ thế, tác giả có được những nhận định xác đáng, khách quan về thành tựu cũng như hạn chế của văn học trong từng giai đoạn cụ thể.
(Tác phẩm “Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian” của Nguyễn Văn Dân, Nxb. Thế giới, 2020.)
Và điểm nhấn của cuốn sách chính là ở những nhận định xác đáng, khách quan ấy – những nhận định mang tính định hướng cho sự phát triển văn học. Với bài viết Văn hóa – văn học với nhân cách con người, Nguyễn Văn Dân chỉ ra “Văn học đấu tranh chống cái ác / cái xấu luôn khó hơn nhiều so với văn học đề cao và xây dựng cái tốt”. Đến bài Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học là trách nhiệm đạo đức của mỗi nhà văn, ông khẳng định: “Chống cái ác / cái xấu là thiên chức, là trách nhiệm tối cao và muôn thuở của nhà văn chân chính mọi thời đại và mọi dân tộc. Đó cũng là nhân cách của nhà văn và là nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người của văn học”. Trong Phê bình với lý luận và phương pháp luận văn học, tác giả cũng không ngần ngại gọi tên một số căn bệnh của phê bình văn học Việt Nam hiện nay như: phê bình dễ dãi, lập luận đơn giản, định kiến lý thuyết, phức tạp hóa lý luận, sử dụng thuật ngữ tùy tiện, thiếu lý luận, bệnh sính ngoại…, từ đó nêu ra một số yêu cầu quan trọng đối với nhà phê bình. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến yêu cầu phải sử dụng các khái niệm một cách nghiêm cẩn và chính xác. Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam sẽ được biết thế nào là “lựa chọn trung tâm”, thế nào là “xã hội hoá”, “chính trị” với “chính thống” khác nhau như thế nào, sự khác biệt giữa “ngoại vi” và “ngoại vi hoá” ra sao, khi nào thì “môi trường” mang ý nghĩa “sinh thái”, “sinh thái học tinh thần” hay “sinh thái học tâm linh” là gì?… Bàn về Quan hệ trung tâm – ngoại vi nhìn từ góc độ văn hóa, tác giả khẳng định: “Những xu hướng sáng tác mới đã làm cho diện mạo của văn học Việt Nam hiện đại trở nên phong phú, đa dạng. Không còn có chủ nghĩa và phương pháp độc tôn. Các nhà văn không còn phải chịu sự bó buộc của một phương pháp duy nhất. Tự do sáng tác đã được mở rộng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tự do vô giới hạn. Tự do phải đi đôi với trách nhiệm công dân.” Trước đây, khi bàn về lĩnh vực sáng tác văn học, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của văn nghệ minh họa “Tổn thất to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn” (Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa – Nguyễn Minh Châu). Có thể nói, nếu như văn học minh hoạ đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu đọc lời ai điếu, thì phần nhiều lý luận phê bình đương đại của ta vẫn chưa đoạn tuyệt được với sự minh hoạ, kể cả minh hoạ cho nghị quyết lẫn minh hoạ cho lý thuyết nước ngoài. Nhưng Nguyễn Văn Dân đã tự tìm cho mình một lối đi riêng, lý luận phê bình của Nguyễn Văn Dân không phải lý luận phê bình minh hoạ. Ông tiếp thu những lý thuyết, các quan điểm văn học và những phương pháp nghiên cứu văn học nước ngoài một cách có hệ thống và có ý thức phê phán, vận dụng một cách khoa học, không lệ thuộc vào một lý thuyết nào để nghiên cứu các vấn đề văn học, trong đó có những vấn đề chưa ai chạm tới. Trong bài viết Quản lý văn nghệ ở Việt Nam: thực trạng, vấn đề, giải pháp, tác giả nêu rõ thực trạng quản lý văn nghệ ở Việt Nam hiện nay, đồng thời gợi ý một số giải pháp quản lý văn nghệ – vấn đề rất ít nhà lý luận phê bình dám bàn đến một cách thấu đáo. Nếu như Nguyễn Minh Châu từng nói “Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.”, thì Nguyễn Văn Dân cũng mong muốn “văn nghệ cần phải được quan niệm như là một lĩnh vực sáng tạo tinh thần của con người trong xã hội, vì thế cần phải coi nó là một sản phẩm xã hội và được quản lý bằng luật pháp”. Như vậy, Văn hóa – văn học dưới góc nhìn liên không gian không chỉ là cuốn sách dành cho những ai muốn nghiên cứu sâu hơn về lý luận phê bình văn học mà đây còn là những trang sách rất hữu ích và cần thiết cho những nhà lãnh đạo và quản lý liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Tất cả những nội dung trên được trình bày trong một cuốn sách mang vẻ đẹp trang nhã, khoa học từ hình thức trình bày không chỉ ở trang bìa, mà còn ở tất cả các trang tiếp theo. Cách sắp xếp thứ tự các bài tiểu luận phê bình, cách đặt tiêu đề, chú thích trong từng bài phê bình được tác giả trình bày một cách cẩn thận, khoa học cũng góp phần giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc tiếp nhận tri thức. Sự chỉn chu đó gợi cho người đọc cảm giác cần trân trọng, gìn giữ khi lần giở từng trang sách. Chính vì thế mà độc giả mỗi khi đọc sách dễ liên tưởng đến việc mình đang được trò chuyện với một cô gái xinh đẹp và thông thái.
Tuy nhiên, để trò chuyện được với một cô gái vừa xinh đẹp, vừa thông thái thì thật không phải là điều dễ dàng. Văn hóa –văn học dưới góc nhìn liên không gian đòi hỏi độc giả phải có một nền tảng kiến thức nhất định về văn hóa, về văn học lẫn chính trị học mới có thể lĩnh hội được những quan điểm, tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải. Đặc biệt, có một số vấn đề thuộc lĩnh vực triết học xã hội rất kén người đọc, nhưng đó là những vấn đề quốc gia đại sự rất cần thiết cho các nhà lãnh đạo và quản lý.
Nguồn : Vanvn