Tôi biết đến Nguyễn Vĩnh Tiến lần đầu tiên qua ca khúc Bà tôi được ca sĩ Ngọc Khuê thể hiện rất thành công vào năm 2005. Bẵng đi đến 2017, khi Hồng Nhung ra mắt album phòng thu thứ mười hai mang tên Phố à, phố ơi, tôi mới lại nhìn thấy tên của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đứng đằng sau ca khúc Thư Hà Nội - một nhạc phẩm được Hồng Nhung thể hiện rất thành công với lời ca đầy tính tự sự và tình cảm tha thiết.
Nhà thơ, nhạc sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến. |
Nói như vậy để thấy, có thể sẽ có nhiều độc giả giống như tôi, biết đến Nguyễn Vĩnh Tiến qua danh xưng một nhạc sĩ nhiều hơn là một nhà thơ hay một kiến trúc sư. Ít ai biết rằng, Nguyễn Vĩnh Tiến cũng là một người viết say đắm với những con chữ, cấu trúc, vần điệu và hình ảnh trong thơ.
Khi lật lại tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Tiến qua tập thơ đầu tiên in năm 2001 mang tên Những bình minh khác, người ta sẽ dễ dàng nhận ra những trải nghiệm, kiến thức, cảm xúc, tưởng tượng và quan sát hồn nhiên về thế giới xung quanh được đan cài dày đặc trong mỗi vần thơ của anh.
Đó cũng chính là những điều anh luôn tâm niệm và tự nhận xét về thơ của mình: “Thơ luôn làm tôi ngạc nhiên. Nó mở ra một không gian mà chính tôi - người kiến trúc chữ - cũng cảm thấy thú vị. Nó bất ngờ như khi vẽ tranh màu nước, màu nọ tự nhiên hòa lẫn vào màu kia tạo nên những vết loang diệu kỳ của cảm xúc.”
- Chào anh Nguyễn Vĩnh Tiến. Chúc mừng anh với tập thơ “Hỗn độn và khu vườn” vừa được ra mắt, cảm xúc của anh khi nhìn lại tác phẩm như thế nào?
Tôi rất vui vì thơ vẫn được công chúng đón nhận hồ hởi, rạng rỡ và nâng niu đến như vậy. Trong bối cảnh mà thơ ngập tràn các mạng xã hội nhưng một tập thơ giấy vẫn được công chúng tìm mua, tìm đọc là một điều hạnh phúc với các nhà thơ.
Tập thơ đầu tiên của tôi hơn 20 năm trước có tên là Những bình minh khác cùng với tập truyện ngắn in chung có tên Những giấc mộng kín đã giúp tôi được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam. Kể từ đó, tôi cảm thấy như mình chưa có đủ cống hiến với Hội. Sự cống hiến của nhà văn là tác phẩm. Và tập thơ này đã giúp tôi phần nào giải tỏa được ý nghĩ đó.
- Đọc thơ của anh, người ta nhận xét rằng có thể nhận ra hiện tượng trong đời sống độc đáo vượt ra ngoài giới hạn của thể loại, vần điệu, vừa giàu tính nhạc vừa suy tư, sâu lắng. Anh nghĩ như thế nào về nhận định này?
Về Hỗn độn và khu vườn - thực ra, xuyên suốt trong tập thơ là một bút pháp từ thời tôi lập ra nhóm thơ Hoa Lạ với mục đích là cách tân thơ. Các thành viên của nhóm thơ này từ 1992 đến giờ đều trở thành những tên tuổi văn chương như Đỗ Hoàng Diệu, Lưu Sơn Minh, Vũ Duy Hưng, Lã Thanh Tùng, Phạm Tường Vân, Dạ Thảo Phương...
Tiêu chí của Hoa Lạ là sự “lạ”, thế nên chúng tôi dũng cảm thể nghiệm tất cả các thể loại thơ mới, bút pháp mới, cách tu từ mới và các phương thức biểu đạt mới. Vì là trưởng nhóm (tuy nhỏ tuổi) nhưng thời đó tôi thấy rất nhiệt huyết và luôn tổ chức các diễn đàn thơ, đối thoại thơ, tranh luận thơ. Thậm chí có những buổi sinh hoạt còn chủ trương chỉ được chê nhau. Chính vì quyết liệt “đập” nhau tơi tả như vậy nên mỗi chúng tôi sau này khi viết thơ cũng sẽ trở nên sắc sảo hơn. Có vẻ giống như việc đập và rèn các thanh sắt thành một thanh kiếm sắc vậy.
Cùng thời đầu thập niên 90 ấy còn có các nhóm thơ khác cũng rất vui như Nhóm thơ Thanh Xuân của anh Nguyễn Quang Thiều và Hội thơ sinh viên Thành phố Hà Nội. Chúng tôi giao lưu với nhau suốt. Nhiệt huyết và lao động là như vậy, nhưng thành quả thì để độc giả và các nhà phê bình thẩm định thôi. Còn với chúng tôi thì thơ là một hành trình sáng tạo bất tận.
- Anh hoạt động nghệ thuật rất đa dạng từ kiến trúc sư, nhạc sĩ và cả nhà thơ, tất cả đều như định mệnh không thể khước từ. Vậy anh phân định các công việc như thế nào? Đâu là lĩnh vực anh thấy mình gắn bó nhất?
Khi tham gia các hoạt động nghệ thuật khác như kiến trúc, âm nhạc, tinh thần cách tân thơ lây nhiễm sang cả các lĩnh vực đó. Kiến trúc phải nên thơ, phải vừa kỹ thuật và vừa lãng mạn. Âm nhạc thì cần bay bổng và vạm vỡ... Các lĩnh vực nghệ thuật, thực ra lại tương hỗ rất tích cực cho việc sáng tạo và cân bằng cảm xúc người sáng tạo.
Rồi đến một ngày, danh xưng trở nên không quan trọng nữa. Chỉ còn cái tên thôi. Có ai ghi chữ danh xưng cho Nguyễn Du đâu bởi Nguyễn Du chính là thơ rồi. Lĩnh vực nào bạn làm tốt nhất và có thành quả cống hiến nhất thì danh xưng của bạn sẽ đóng đinh ở đó.
Nhiều cái danh xưng lồng ghép như “Kiến trúc sư chữ” hay “Chàng thơ trong âm nhạc” cũng là để cho vui thôi. Mà vui cũng là tốt mà. Điều quan trọng, cuối cùng, vẫn là tác phẩm và năng lượng sáng tạo ở chặng đường phía trước.
- Thơ ca có ý nghĩa như thế nào với cuộc đời anh?
Tôi viết thơ từ năm 8 tuổi, hồi nhỏ thường hỏi ý kiến bố tôi là nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tuyền rồi học nhạc từ chú tôi là nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Trịnh. Sau lớn dần thì tôi viết rồi học hỏi qua nhiều người tên tuổi hơn như Trinh Đường, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Vũ Duy Thông...
Nhận được sự khích lệ, tôi bắt đầu có thơ đăng ở các báo địa phương rồi lần lượt gặt hái được hơn 10 giải thưởng văn chương ở Việt Nam. Càng gắn bó với thơ tôi càng mê đắm và càng muốn viết hay hơn nữa. Thấm thoắt đã qua 4 thập niên gắn bó với thơ nên tôi thấy nàng thơ đã nhập vào cơ thể của tôi rồi, khó “ly dị” lắm.
- Những dự định của anh sau tập thơ “Hỗn độn và khu vườn” là gì?
Dự kiến thời gian tới của tôi sau “Ồn ào của Hỗn Độn” này, tôi muốn tĩnh lặng và nạp thêm năng lượng bằng cách đọc thơ của người khác và đọc lại những tác phẩm văn chương của các bậc thầy trên thế giới để tiếp tục học tập và có những tiến bộ mới trong hành trình sáng tạo.
Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ phổ nhạc thật nhiều bài thơ nổi tiếng hoặc là tuyệt hay của những thi nhân, văn tài trên thế giới và xung quanh tôi.
ANH THƯ
Báo Văn nghệ số 29/2024