Văn hóa nghệ thuật

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới

Tú Trinh
Văn hóa nghệ thuật
09:31 | 19/07/2024
Những năm gần đây, nền sân khấu và kịch nghệ Việt Nam chứng kiến sự ra đời của một số “nhà hát” và nhóm kịch độc lập với cách tiếp cận nghệ thuật khác, góp phần làm nên sự đa dạng cho bức tranh kịch nghệ Việt Nam.
aa

Sân khấu độc lập - một hướng đi mới cho kịch nghệ Việt Nam

Sân khấu độc lập hay sân khấu tư nhân là khái niệm được đưa ra để phân biệt với loại hình sân khấu công lập, truyền thống. Đây vừa là kết quả, đồng thời là sự nối tiếp của một truyền thống lâu đời mà ở đó, sân khấu cùng kịch nghệ luôn song hành với những thăng trầm của lịch sử từ những giao lưu văn hóa vô cùng đa dạng.

Từng tham gia hàng trăm vở diễn sân khấu và nhận về nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực này, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Đỗ Doãn Bằng - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu hơn 30 năm nay, tôi đã chứng kiến thời kỳ hoàng kim của nó vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, từ thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều loại hình giải trí mới ra đời khiến khán giả không còn đặt sự quan tâm duy nhất cho sân khấu nữa”.

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới
Sự phát triển của nghệ thuật sân khấu có sức ảnh hưởng đối với cộng đồng và đời sống tinh thần con người. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bên cạnh sự thay đổi của thị hiếu khán giả, NSND Doãn Bằng còn chỉ ra một nguyên nhân khác khiến nghệ thuật sân khấu bị “lãng quên”: “Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, các nghệ sĩ ít được tiếp cận với những trào lưu mới trên thế giới. Họ chỉ loanh quanh với những kiến thức, kỹ năng cũ, thịnh hành từ thập niên 60, 70, dường như giậm chân tại chỗ và gặp nhiều khó khăn trong việc định hướng sáng tạo thực hành sân khấu”.

Từ đó, thực tế đặt ra một yêu cầu đổi mới cho sân khấu nghệ thuật Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng sự ra đời, phát triển của các sân khấu độc lập đã tạo nên sự khởi sắc cho loại hình nghệ thuật này. Đặc biệt, tại khu vực miền Nam, sân khấu tư nhân và các nhóm kịch độc lập hoạt động vô cùng mạnh mẽ, đi theo một dòng riêng, đáp ứng thị hiếu của khán giả. “Trong khi đó, ở miền Bắc, đôi khi yếu tố thị hiếu, sự quan tâm của khán giả lại bị bỏ quên, những người thực hành không thực sự hiểu khán giả cần gì và muốn gì” - NSND Doãn Bằng đánh giá.

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới
NSND Doãn Bằng chia sẻ, sự xuất hiện của sân khấu độc lập như một làn gió mới tạo nên sự khởi sắc cho kịch nghệ Việt Nam. Ảnh: Fanpage Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam

Những thách thức đặt ra đối với thực hành sân khấu độc lập

Theo NSND Doãn Bằng, yếu tố nhân lực là một thách thức lớn đối với việc thực hành sâu khấu độc lập tại Việt Nam, đặc biệt khu vực miền Bắc. Từ quan sát thực tế, ông đưa ra nhận định: “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh được xem là cái nôi đào tạo nghệ sĩ sân khấu tại miền Bắc, tuy nhiên lại không mở được Khoa Lý luận phê bình hay Thiết kế sân khấu vì không có học viên. Điều đó chứng tỏ bộ môn này đang kém sức hấp dẫn đối với đại đa số người trẻ ngày nay. Đồng thời, một số tác phẩm chưa thỏa mãn được sự quan tâm của công chúng, chưa dung hòa được yếu tố chiều sâu, ý nghĩa xã hội và yếu tố giải trí”.

Việc thiếu vắng người thực hành ở các lĩnh vực mang tính học thuật của sân khấu tại miền Bắc và thiếu khán giả có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. NSND Doãn Bằng cho rằng điều này xuất phát từ sự đứt gãy về cơ hội cập nhật lý luận và phương pháp thực hành của loại hình nghệ thuật sân khấu cách đây khoảng 20 năm: “Thời gian trước, nghệ sĩ bị ‘chững’ về kiến thức, kỹ năng thực hành. Cùng với đó, sự quan tâm của khán giả cũng không còn nồng nhiệt do nhiều yếu tố tác động, vì vậy, nghệ thuật sân khấu khó trở lại thời kỳ phát triển ngay lập tức. Điều này đặt ra yêu cầu cần có một môi trường mang tính chia sẻ, giáo dục cho cả người thực hành và khán giả. Sân khấu vốn là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, có sự liên quan đa ngành, mỗi người tham gia đều có vai trò ngang nhau”.

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới
Nghệ thuật sân khấu vẫn luôn tìm kiếm những diễn viên tài năng. Ảnh: Fanpage Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam

Ngoài ra, hoạt động của các sân khấu độc lập còn đối mặt với những trở ngại về nguồn lực kinh phí và tài chính hỗ trợ. Theo đánh giá của chị Ngụy Hải An (Trung tâm bảo trợ và Phát triển nghệ thuật APD), người từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện nghệ thuật cộng đồng, hiện nay nguồn lực hỗ trợ cho các dự án sân khấu độc lập nói riêng và dự án nghệ thuật độc lập nói chung tại Việt Nam còn tương đối hạn hẹp.

Để giải bài toán tài chính này, chị An cho rằng: “Có một số từ khóa chính cần lưu ý: đa dạng hóa nguồn lực – từ các quỹ, tổ chức, trung tâm văn hóa, nghệ thuật cho đến các doanh nghiệp, các cá nhân có khả năng bảo trợ, từ hỗ trợ hiện kim đến cơ sở vật chất, kỹ thuật, in ấn, truyền thông…; linh hoạt hóa về các điều kiện tổ chức trong phạm vi khả thi của dự án như không gian, sân khấu, ánh sáng, âm thanh… Đặc biệt, cần hướng đến mô hình phát triển bền vững, bản thân dự án cần xây dựng cơ chế vận hành tài chính phù hợp, đảm bảo nguồn thu tự thân để duy trì hoạt động lâu dài, thay vì chỉ phụ thuộc toàn phần vào nguồn lực bên ngoài, ví dụ như bán vé buổi diễn, xây dựng cộng đồng hội viên, mạng lưới khán giả tích cực để hỗ trợ, đồng hành cùng nhau”.

Mở ra những khả thể mới cho nghệ thuật sân khấu

Trước những khó khăn, thử thách đó, Đạo diễn sân khấu và dàn dựng bối cảnh Hà Nguyên Long (Giám đốc Nghệ thuật XplusX Studio) đề xuất việc nghiên cứu, triển khai các khả thể của thực hành sân khấu độc lập nhằm tăng sức hấp dẫn của loại hình này đối với khán giả. Không chủ đích mở ra những lối mới trong nghệ thuật sân khấu Việt Nam, anh cùng đội ngũ XplusX Studio chỉ muốn tìm ra những cách nhìn nhận tác phẩm, tiếp cận khán giả mới, có tính liên ngành và không đi vào lối mòn.

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới
Đội ngũ XplusX Studio luôn muốn tìm ra những cách nhìn nhận tác phẩm mới, có chiều sâu và phù hợp hơn với bối cảnh xã hội hiện tại. Ảnh: Fanpage Antigone - Âm Mù

Đặc biệt, khi tiếp cận thế hệ khán giả mới ở Việt Nam, anh Long cho rằng họ sẽ là người nuôi dưỡng nghệ thuật sân khấu cùng những người thực hành. Học tập, rèn luyện trong môi trường hội họa từ bé, có cơ hội tiếp cận với sự phát triển của nghệ thuật sân khấu tại Pháp, đạo diễn Hà Nguyên Long cũng nhận thức được khả năng giao tiếp và phản biện xã hội của loại hình nghệ thuật này.

Do đó, trong quá trình dàn dựng và giới thiệu tác phẩm, anh thường tự hỏi làm thế nào để người thực hành và khán giả có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện, cọ xát nhau thường xuyên hơn. “Người sáng tạo phía sau sân khấu và diễn viên đứng trên sân khấu phải liên tục thử nghiệm, tìm cách đến gần hơn với khán giả dù trong điều kiện nào” - anh Long khẳng định.

Từ quá trình hơn 5 năm thực hiện nhiều dự án để thể nghiệm các khả thể mới, anh Long đúc kết một số phương án khả thi. Một khả thể phổ biến, phù hợp với bối cảnh Internet phát triển mạnh mẽ là việc thu lại các vở kịch hay tổ chức phát trực tiếp trên không gian mạng để tăng khả năng tiếp cận công chúng. Bên cạnh đó, đọc kịch cũng là một hình thức sân khấu độc lập sáng tạo nhằm đặt khán giả vào một không gian dễ tiếp cận hơn với nội dung vở kịch, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất. Đặc biệt, audio là một khả thể hoàn toàn mới được đội ngũ XplusX Studio thử nghiệm nhằm tìm kiếm hướng đi mới cho sân khấu độc lập.

Sân khấu độc lập: Nghệ thuật sân khấu song hành cùng thời đại mới
Vở diễn “Những đối thoại thường nhật”. Ảnh: Fanpage Cổ động

Khán giả từng có cơ hội thưởng thức một lối kịch “y như đời” trong vở diễn “Những đối thoại thường nhật” do XplusX Studio thực hiện tại một nhà hát tư nhân nhỏ gần hồ Tây. Từ việc diễn viên nấu ăn, cắm hoa, ăn uống thật ngay trên sân khấu đến những cuộc trò chuyện “rất đời”, tất cả khiến khán giả cảm giác như đang chứng kiến một buổi tối của gia đình hàng xóm chứ không phải xem kịch.

“Trong quá trình tạo nên các khả thể biểu diễn mới của sân khấu độc lập, điều quan trọng là tư duy và nhìn nhận một cách cởi mở hơn về ‘tính sân khấu’ hay ‘như thế nào là một tác phẩm sân khấu’. Khi ấy, các hàm nghĩa mới của loại hình nghệ thuật này có thể được mở rộng và tạo ra nhiều hướng tiếp cận khán giả” - anh Hà Nguyên Long kết luận. Tính sân khấu không bị giới hạn trong các không gian chuyên biệt, anh Long cho rằng lựa chọn các không gian khác sẽ giúp việc nhìn nhận nghệ thuật sân khấu trở nên cởi mở hơn, đồng thời hỗ trợ phát triển nội dung vở diễn, tạo nên nhiều cách kể chuyện mới mẻ, độc đáo nhằm chuyển tải thông điệp tốt hơn.

Theo Tú Trinh - Báo Quân đội nhân dân

Kịch bản sân khấu: Vì sao thiếu hấp dẫn? Lý luận, phê bình vẫn là "khoảng trống" của sân khấu Lấp khoảng trống nhạc kịch trên sân khấu Việt "Đối diện với vô cùng" cách tiếp cận di sản sân khấu truyền thống Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024: Đổi mới và thích ứng
www.qdnd.vn
Săn mây.  Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Săn mây. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Baovannghe.vn - Hình như trải qua bao thay đổi, miền biên viễn này vẫn cất giấu những điều rất khó lý giải. Con người và lịch sử. Huyền thoại và sự thật.
Thời tiết ngày 10/11: Bắc Bộ ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 10/11: Bắc Bộ ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 10/11: Bắc Bộ đêm trời rét, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày nắng.
Chuyện bất ngờ. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Phụng

Chuyện bất ngờ. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Phụng

Baovannghe.vn - Thích xem voi đẻ không? - Ama Tâm (1) đột nhiên hỏi, khiến tôi ngơ ngác.
Erik là khách mời đặc biệt của nhóm nhạc huyền thoại Michael Learns To Rock

Erik là khách mời đặc biệt của nhóm nhạc huyền thoại Michael Learns To Rock

Baovannghe.vn - Sự góp mặt của nam ca sĩ Erik hứa hẹn sẽ góp phần mang đến một đêm nhạc đầy ấn tượng trong lòng người hâm mộ Việt Nam.
Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể

Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể

Baovannghe.vn - Từ 11-30/11, hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được tổ chức.