Tản văn này có mặt lần đầu trong sách tập đọc dành cho học sinh miền núi vào thập niên 1960, hiện là tác phẩm được dạy trong sách Tiếng Việt 5, tập 2, bộ sách Cánh Diều.
PGS.TS Nguyễn Đức Hạnh (Hội Nhà văn Việt Nam) - từng là sinh viên của tác giả Hoàng Hữu Bội - chia sẻ: Thầy Hoàng Hữu Bội được sinh viên yêu thích vì ông gắn bó, giảng dạy nhiều năm ở vùng cao, lại là thầy giáo công tác từ môi trường cấp 2 lên, nên nhiều tình cảm, gắn bó, chia sẻ. Tác phẩm Buổi sáng mùa Hè trong thung lũng của thầy vừa nên thơ vừa khỏe khoắn.
Nhà giáo Hoàng Hữu Bội thời trung niên |
TS Hoàng Hữu Bội có nhiều năm dạy học ở miền núi. Bởi vậy, những mẩu chuyện nhỏ của ông, trong đó có tác phẩm Buổi sáng mùa Hè trong thung lũng, đậm sắc thái miền núi ở cả hai phương diện: bức tranh thiên nhiên và cuộc sống lao động của đồng bào vùng cao.
Trong tác phẩm, bức tranh thiên nhiên - con người lao động miền núi được khắc họa tinh tế, sống động qua ba thời điểm. Có thể nói bước chân của thời gian khi đi qua đã để lại những "dấu vết đẹp đẽ" trong không gian, trong cảm nhận của nhà văn.
Ví dụ về ban mai. Đó là sau cái nhìn toàn cảnh với hình ảnh rừng núi còn chìm trong màn đêm, bầu không khí đầy hơi ẩm, lành lạnh, mọi người còn ngon giấc trong chiếc chăn đơn... Nếu không từng ở miền núi, không thể cảm nhận và miêu tả những "tín hiệu ban mai" khó gặp này.
Ban mai đi thêm một bước chân nữa, với ba âm thanh rộn rã và một màu sắc ấm nồng đã gợi tả sự thức dậy của bản làng khi đêm sắp qua và ngày mới sắp về. Ba âm thanh xuất hiện theo xu thế to dần, ấm áp dần như những ngón tay âm thanh đang đánh thức vạn vật. Từ một tiếng gà gáy vang khắp thung lũng, tiếng ve đồng ca náo nức. Một sắc màu nồng nàn xuất hiện là "tín hiệu đẹp đẽ" của cuộc sống con người đã bừng thức: Ánh lửa hồng bập bùng trong các bếp.
Lúc tảng sáng. Vòm trời cao xanh mênh mông, với chuyển động mát rượi của gió từ đỉnh núi tràn xuống thung lũng, ba sắc màu kế tiếp nhau xuất hiện để gợi tả về thời điểm này. Đó là màu ửng đỏ của khoảng trời phía Đông, nắng non màu lá mạ, nắng chuyển vàng...
Một hình ảnh nắng được miêu tả với ba cấp độ sắc màu đậm nhạt để gợi tả bước chân của buổi sáng ở nơi đây, từ ban mai sang tảng sáng, chuẩn bị cho sự xuất hiện của đoạn kết khỏe khoắn, ấm áp của tác phẩm.
Và cuối cùng là lúc gần trưa. Chỉ cần hai hình ảnh và một chuyển động được miêu tả trong cái nhìn yêu mến, tự hào, một buổi sáng gần gũi, thân thương tuyệt vời đã được tái hiện. Đó là ánh nắng ngày càng gay gắt khi trời chuyển dần sang trưa. Sự tươi vui của từng tốp nam nữ thanh niên thoăn thoắt gánh lúa về bản.
Đặc biệt tác phẩm được khép lại bằng một âm thanh vui tươi, vang vọng ngân nga mãi, trong không gian và trong lòng người đọc: "Tiếng cười giòn tan của nam nữ thanh niên đang gánh lúa vọng vào vách đá".
"Không có tài năng, tâm huyết, sự gắn bó, am hiểu sâu sắc với đồng bào miền núi, tác giả không thể viết thành công như vậy" - PGS Nguyễn Đức Hạnh khẳng định.
Nhà giáo Hoàng Hữu Bội chia sẻ, ông chưa từng có suy nghĩ mình là nhà văn. Nhu cầu viết và những tác phẩm của ông trước hết là để chia sẻ, là vì những cảm xúc dâng trào mà ông muốn bày tỏ cùng mọi người.
Trang sách "Tiếng Việt 5", tập 2, bộ sách Cánh Diều |
Hơn 30 năm công tác ở các tỉnh Hà Giang và Thái Nguyên, ông từng là giáo viên và quản lý cấp 2; chuyên viên của Khu giáo dục Việt Bắc và Ty giáo dục Bắc Thái; giảng viên của Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên). Bên cạnh công việc chính là giảng dạy, ông vẫn giữ tình yêu với việc viết. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lĩnh vực phương pháp dạy và học văn trong nhà trường, đây là cách để ông chia sẻ tình yêu văn chương, tình yêu với việc dạy văn, học văn trong nhà trường.
Một số sách đã xuất bản như: Dạy và học thơ cổ trường cấp 2 - 3 miền núi, Thiết kế bài học tác phẩm văn chương ở nhà trường phổ thông, Thiết kế bài học ngữ văn theo hướng tích hợp từ lớp 6 đến 12... Có đầu sách in lên tới 10.000 bản. Bộ sách Thiết kế bài học ngữ văn theo hướng tích hợp từ lớp 6 đến 12 của ông còn đoạt giải thưởng Cuộc thi biên soạn sách tham khảo do Bộ GD&ĐT và NXB Giáo dục tổ chức.
Vào năm 1959, học xong Sư phạm Trung cấp Trung ương tại Hà Nội, chàng trai Hoàng Hữu Bội tình nguyện lên tỉnh Hà Giang dạy học. Ông được phân về nhận công tác tại trường cấp 2 Việt Vinh ở Bắc Quang, Hà Giang, là nơi tạo cảm hứng sáng tác Buổi sáng mùa Hè trong thung lũng. Trường nhìn ra thung lũng Tân Cương, thuộc thị xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang.
"Mỗi sáng sớm tôi dậy tập thể dục, nhìn xuống thung lũng. Quang cảnh đẹp đẽ, mới lạ, hiện ra trước mắt rất ấn tượng vì từ nhỏ đến lớn tôi chỉ quen những khung cảnh vùng xuôi, ruộng đồng và sông nước ở tỉnh Nghệ An mà thôi. Tôi đã ghi nhận lại những cảm nhận của mình về vẻ đẹp thiên nhiên, về vẻ đẹp của cuộc sống miền núi xung quanh. Đúng y như trang sách tôi viết ra..." - tác giả chia sẻ.
Và ông nói thêm: "Năm 1963 tôi được điều về Ty Giáo dục Việt Bắc để biên soạn sách tập đọc miền núi. Tôi đã viết Buổi sáng mùa Hè trong thung lũng và được hội đồng biên tập quyết định đưa vào sách tập đọc lớp 4 miền núi và sau đó được đưa vào sách lớp 5. Sau nhiều lần thay đổi sách, tác phẩm vẫn được giảng dạy đến nay. Ngoài ra, tôi còn có bút ký Phiên chợ Quản Bạ được đưa vào sách Tiếng Việt 4, dành cho học sinh miền núi phía Bắc".
Nhà giáo Hoàng Hữu Bội nói về niềm vui và những ấn tượng sâu sắc khi tác phẩm được lan tỏa: "Có lần trở về quê sau nhiều năm xa, những người bạn rất vui khi chia sẻ có dạy tác phẩm của tôi trong SGK. Điều này khiến bạn bè trở nên gần gũi, thân mật và thú thực, tôi có chút tự hào khi tác phẩm của mình được lan tỏa rộng. Có lần trở lại tỉnh Hà Giang, gặp một học trò cũ, giờ là giáo viên dạy văn, cô ấy đem cuốn SGK ra hỏi tôi về bài bút ký của thầy, lòng thấy bồi hồi, thấy rất nhớ những năm tháng gắn bó với miền núi năm xưa".
Niềm vui lan tỏa văn hóa đọc
Trang sách thời xưa, lúc chưa ghi tên tác giả Hoàng Hữu Bội |
Một trong những ấn tượng của nhiều học trò và những người biết tới nhà giáo Hoàng Hữu Bội là tình yêu của ông đối với sách. Ông kể, hiện ông có thư việc riêng lên đến hàng nghìn cuốn sách, dù qua nhiều lần chuyển chỗ ở, sách có bị thất lạc. Những người con trong gia đình ông đều theo gương bố mẹ, yêu quý sách.
Tiến sĩ Hoàng Mai Lê, con trai cả của Hoàng Hữu Bội chia sẻ: "Từ rất lâu rồi, khi tôi còn nhỏ, bố đã có con dấu hình bầu dục để đóng vào sách, gồm tên bố và quê Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An. Từ bé tôi được bố mẹ cho tiền đi mua truyện, những tác phẩm văn học mà chúng tôi rất yêu thích như Hai vạn dặm dưới biển, Ngôi nhà trống, Chiếc thảm bay... của NXB Kim Đồng tại hiệu sách ở phố Đu (xã Động Đạt, Phú Lương, Bắc Thái, nay là thị trấn Đu, Phú Lương, Thái Nguyên). Tôi còn đọc Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (Nguyễn Đổng Chi), Những người khốn khổ (Victor Hugo), Cái sân gạch (Đào Vũ), Không gia đình (Hector Malot)... trong tủ sách của bố. Chúng tôi luôn được bố dặn là lấy sách ở vị trí nào thì đọc xong để lại đúng vị trí đó; không được gấp ngược sách hoặc gấp đánh dấu trang để không làm hỏng sách... Bố là người rất yêu quý và giữ gìn kỹ lưỡng sách".
Có một điều ít ai biết, tác phẩm có hàng chục năm đi vào lòng độc giả, học sinh, giáo viên, nhưng sau nhiều năm có mặt trong sách giáo khoa thì tác giả mới biết. Hoàng Mai Lê kể: "Thời tôi học cấp 1, những năm cuối thập niên 1970 thì bài của bố ghi tác giả là PV (có thể là phóng viên), sau này mới được ghi tên tác giả Hoàng Hữu Bội. Có thể vì ban đầu tác phẩm chỉ đăng báo nào đó, sau mới đưa vào sách giáo khoa. Ngay cả khi đưa bài và tên tác giả Hoàng Hữu Bội vào sách giáo khoa thì bố cũng không biết, về sau một đứa cháu học lớp 5 (em họ tôi, giờ là nhà giáo, dạy THPT ở tỉnh Bắc Giang) thấy trùng tên nên hỏi, bố tôi mới biết".
"Anh em chúng tôi được như bây giờ chắc chắn nhờ bố mẹ tần tảo nuôi dạy, vừa nghiêm khắc vừa bao dung, độ lượng" - anh Hoàng Mai Lê chia sẻ.
Nhà giáo Hoàng Hữu Bội sinh năm 1938, quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, gắn bó với miền núi phía Bắc suốt quá trình đi học, đi dạy và cầm bút. Hiện ông đã nghỉ hưu, sinh sống tại Hà Nội. |