Nhà thơ Giang Nam là một trong những gương mặt văn học tiêu biểu đương đại của nước ta trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vì tuổi cao sức yếu bệnh nặng, ông đã từ trần vào lúc 9h45 ngày 23.01.2023, nhằm mùng 2 Tết Quý Mão, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 96 tuổi. Tang lễ nhà thơ Giang Nam được tổ chức tại tư gia số 46 đường Yersin, Nha Trang…
Nhà thơ Giang Nam còn có các bút danh Châu Giang, Hà Trung, Lê Minh (sử dụng trên báo chí công khai xuất bản ở miền Nam từ 1955 đến 1960). Ông tên thật là Nguyễn Sung sinh năm 1928 (giấy khai sinh đề ngày 02.02.1929) tại ở làng Bình Trị nay thuộc xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nhà nho nghèo. Thuở nhỏ ông học tiểu học ở quê nhà và học trung học ở Trường Quốc học Quy Nhơn, Bình Định.
Ông tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945, làm công tác thông tin tuyên truyền thời 9 năm chống Pháp. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông ở miền Nam hoạt động, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định.
Đất nước thống nhất năm 1975, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II và III, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh cũ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài làm thơ, ông còn viết truyện, bút ký, với các tác phẩm đã xuất bản: Về thơ có “Tháng Tám ngày mai” (1962), “Quê hương” (1962), “Người anh hùng Đồng Tháp” (trường ca, 1969), “Vầng sáng phía chân trời” (1978), “Hạnh phúc từ nay” (1978), “Thành phố chưa dừng chân” (1985), “Ánh chớp đêm giao thừa” (trường ca, 1998), “Mầu nhiệm” (1999), “Sông Dinh mùa trăng khuyết” (trường ca, 2002), “Lắng nghe thời gian” (2008); Về văn xuôi có “Vở kịch cô giáo” (tập truyện ngắn, 1962), “Người giồng tre” (tập truyện – ký, 1969), “Trên tuyến lửa” (truyện ký, 1984), “Rút từ sổ tay chiến tranh” (truyện ngắn và ký, 1987), “Tôi đã học văn theo kiểu của mình” (hồi ký, 1995), “Sống và viết ở chiến trường” (hồi ký văn học, 2004)… Trong đó có một số bài thơ nổi tiếng của ông được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường như “Quê hương”, “Nghe em vào đại học”, “Tiếng nói Việt Nam”…
Nhà thơ Giang Nam đã được nhận các giải thưởng văn học: Giải nhì về thơ Tạp chí Văn Nghệ năm 1961 với bài thơ “Quê hương”, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965) của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cho tập thơ “Quê hương”, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
Nhà thơ Giang Nam từ trần vào lúc 9h45 ngày 23.01.2023, nhằm mùng 2 Tết Quý Mão, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, hưởng thọ 96 tuổi. Lễ nhập quan lúc 19h ngày 23.01.2023. Lễ viếng từ 20h ngày 23.01.2023 đến 14h ngày 25.01.2023 (mùng 4 Tết Quý Mão) tại tư gia số 46 đường Yersin, thành phố Nha Trang. Lễ truy điệu lúc 14h30 ngày 25.01.2023, sau đó di quan an táng tại Nghĩa trang Phước Đồng, thành phố Nha Trang.
Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Báo Văn nghệ xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu quý nhà thơ Giang Nam!
Nguồn VANVN