Sáng tác

Sự sụp đổ của dòng tộc Votický

Karel Čapek / Phạm Công Tú dịch
Văn học nước ngoài 06:00 | 08/05/2025
Câu chuyện “Sự sụp đổ của dòng tộc Votický” được trích từ Túi truyện thứ nhất (První kapesní povídka) của Karel Čapek – nhà văn lớn của văn học Séc thế kỷ XX. Vẫn với giọng văn hóm hỉnh, thông minh và đầy chất trinh thám triết lý đặc trưng, Čapek để cho vị thanh tra Mejzlík hợp tác bất đắc dĩ với một người quản lý tư liệu lịch sử, để cùng điều tra một vụ án đã xảy ra từ thời vua Jiří của Poděbrady. Những mảnh vụn từ bia mộ, thư tay cổ và cả suy đoán logic tạo nên một màn phá án ngoạn mục – nhưng cũng là cái cớ để nhà văn suy tư về lịch sử, sự thật, và giới hạn của nhận thức con người. Một truyện ngắn đặc trưng cho phong cách Čapek: vừa hài hước, vừa trí tuệ, vừa nhẹ nhàng mà vẫn ám ảnh đến lâu dài.
aa

SỰ SỤP ĐỔ CỦA DÒNG TỘC VOTICKÝ(1)

Ngày hôm ấy có một người đàn ông thân hình nho nhỏ, mắt đeo kính gọng vàng và khuôn mặt lo âu, đến văn phòng của vị công chức cảnh sát Dr. Mejzlík(2). “Tôi là Divíšek, làm quản lý tư liệu lịch sử,” ông ta nói khẽ. Thưa ông doctor, tôi đến xin ông tư vấn … vì ông là nhà điều tra hình sự trứ danh; người ta nói với tôi, rằng ông có thể chiếu cố ... nhất là... khi có các vụ phức tạp – vì rằng vụ này là vụ bí ẩn khác thường,” ông ta nhấn mạnh.

“Thì ông cứ nói đi, vụ này ra sao,” dr. Mejzlík nói và cầm lấy bút và quyển sổ ghi chép.

“Lẽ ra phải điều tra,” người người quản lý tư liệu lịch sử Divíšek nói, “ai đã giết ngài Petr Berkovec, em trai ông ta Jindřich Berkovec chết như thế nào và điều gì đã xảy ra với vợ ông ta, bà Kateřina.”

“Berkovec Petr,” dr. Mejzlík cố nhớ ra, “nếu tôi biết thì chúng tôi không có bất cứ báo cáo nào về cái chết của ông ấy. Ông muốn đề nghị khởi tố, đúng không?”

“Không, không đâu,” người quản lý tư liệu nói, “Tôi chỉ muốn đề nghị ông tư vấn thôi, ông biết không? Chắc là đã xảy ra chuyện gì đó rất khủng khiếp.”

“Xảy ra khi nào?” dr. Mejzlík đỡ lời, “đề nghị ông cho biết ngày tháng.”

“Ừ, hẳn là năm một nghìn bốn trăm sáu mươi nhăm,” ông Divíšek nói, mắt nhìn người cảnh sát qua đôi kính với vẻ trách móc. “Cái này thì, ông phải biết chứ, vào thời trị vì tốt lành của vua Jiří từ Poděbrady.”

“À,” dr. Mejzlík nói, vứt bút và sổ sang bên. “Thế này nhé, ông thân mến ạ,” ông ta nói với sự thân thiện rõ ràng, “với những vụ như thế này thì ông hãy đến gặp dr. Knoboch.” Để các bạn biết, ông này là bác sĩ ngành cảnh sát. “Tôi sẽ gọi ông ấy cho ông nhé?”

Người người quản lý tư liệu nét mặt buồn hẳn. “Thật đáng tiếc,” ông ta nói, “người ta giới thiệu ông cho tôi mà. Ông biết không, tôi đang chuẩn bị một tác phẩm lịch sử về triều đại vua Jiří từ Poděbrady, nhưng tôi gặp phải một việc khó, vâng, tôi vướng phải cái vụ mà tôi không biết phải làm thế nào nữa.”

Chắc là việc vô hại, dr. Mejzlík quyết định. “Đúng không thưa ông?” Ông ta nói nhanh, “tôi e rằng tôi chẳng giúp gì được ông. Tôi xin thú thực với ông là tôi rất yếu môn lịch sử.”

“Ông có lỗi,” ông Divíšek nói giọng nghiêm khắc. “Ông phải biết lịch sử chứ. Nhưng ông ạ, các tư liệu lịch sử ông không thể kiếm ra đâu, tôi sẽ dẫn giải cho ông tất cả các tình huống đã được phát hiện; tiếc rằng quá ít ỏi. Trước hết là bức thư của ông Ladislav Pcháč từ Olešná gửi ông Jan Bošovský từ Čerčany. Bức thư này tất nhiên là ông phải biết.”

“Thưa, tôi không biết đâu,” dr. Mejzlík thú nhận với vẻ ăn năn của cậu học trò học giốt.

“Nhưng này,” ông Divíšek như bị sốc, “bức thư ấy đã được nhà lịch sử học Šebek đăng lên cách đây mười bảy năm trên tạp chí Regesty của ông ta, cái này ít ra ông nên biết! Nhưng,” ông ta vừa nói vừa chỉnh lại kính, “Šebek hay Pekař và ngay cả Novotný, và cả những người khác nữa đều không quan tâm đầy đủ đến bức thư này. Và chính bức thư này, mà lẽ ra ông phải biết, đã chỉ cho tôi dấu vết của vụ án.”

“À ra vậy,” dr. Mejzlík nói. “Ông tiếp đi.”

Sự sụp đổ của dòng tộc Votický

“Đầu tiên là bức thư,” người người quản lý tư liệu nói. “Tôi tiếc là không biết nội dung bức thư ấy, nhưng có một điểm liên quan đến vụ của chúng ta đây; rõ ràng là ông Pcháč đã viết cho ông Bošovský, rằng chú của ông Jan – vâng tức là ông Ješek Skalický từ Skalice vào năm 1465 không được đón tiếp trong cung đình ở Praha, vì chính Đức Vua tự tay viết cho ông Ješek “sau những chuyện bất hạnh ở Votice Velenova”, như trong thư viết, không cho phép ông ta tiếp tục đến cung vua vì sự nóng nảy đáng tiếc và ông ta sẽ phải chờ đợi sự phán xử của Thượng đế. “Ông hiểu chứ,” người quản lý tư liệu nói, “chúng ta có thể nói rằng, Đức Vua đã tịch thu của cải và đất đai của ông Ješek, ông ạ, ông có thấy gì lạ không?”

“Hiện vẫn chưa thấy,” dr. Mejzlík nói, đồng thời vẽ lên giấy một đường cong kỳ lạ.

“À,” ông Divíšek reo lên đắc thắng. “Ông thấy không, Šebek cũng không nhìn ra cái này. Nó rất đáng chú ý, ông ạ, cái hoàn cảnh mà Đức Vua không triệu tập ông Ješek – dù cho hoàn cảnh này bất hạnh – đến phán xử trước phiên tòa thế tục, mà hướng ông ta đến phiên phán xử của Thượng đế. Đức Vua đã thể hiện rõ,” người quản lý tư liệu nói với sự tôn kính, “rằng những điều không may xảy ra đã đến mức mà Đức Vua đã loại nó ra khỏi công lý của thế tục. Nếu mà ông được biết Đức Vua, ông ạ, ông sẽ thấy đây không phải là vụ bình thường; vua Jiří với trí nhớ tuyệt vời đã gìn giữ việc xử lý tư pháp rất nguyên tắc và chặt chẽ.”

“Hay là nhà vua sợ ông Ješek,” dr. Mejzlík nói. “Ông ạ, thời ấy-”

Người quản lý tư liệu phẫn nộ nhảy dựng lên. “Ông ạ,” ông ta lắp bắp, “ông nói gì thế hả? Vua Jiří còn sợ ai ư? Mà sợ ai trong đám các hiệp sĩ?”

“Hay là có sự lạm dụng quyền hành,” dr. Mejzlík nói. “Ông biết đấy, ở xứ mình …”

“Làm gì có lạm dụng quyền hành,” ông Divíšek quát lên, mặt đỏ bừng. “Thời vua Vladislav ông có thể nói đến lạm dụng quyền hành, chứ thời vua Jiří thì không đâu, ông không thể tìm ra việc lạm dụng quyền hành được! Người sẽ tống khứ ông ngay!” Người quản lý tư liệu bình tĩnh lại. “Không có bất kỳ việc lạm dụng quyền hành nào đâu. Ông ạ, ở đây phải có cái gì đó đặc biệt trong cái hoàn cảnh bất hạnh, nên Đức Vua mới để vụ này cho Thượng đế phán xử.”

“Và những việc như thế nào đã xảy ra vậy?” dr. Mejzlík thở dài hỏi?

Người quản lý tư liệu Divíšek ngạc nhiên. “Cái đó ông phải tìm ra cho tôi chứ,” ông ta nói giọng khô khan và sửng sốt. “Thế ông làm nghề điều tra hình sự để làm gì? Vì lẽ này tôi mới tìm ông chứ.”

“Trời ạ,” dr. Mejzlík tự vệ, nhưng người quản lý tư liệu không để ông ta nói tiếp. “Trước hết ông phải nắm được sự kiện,” ông ta giảng giải. “Khi tôi không để ý thấy những dấu hiệu rõ ràng, tôi bắt đầu điều tra các sự kiện bất hạnh xảy ra ở Votice Velenova. Tiếc rằng không còn tài liệu gì; nhưng trong nhà thờ tôi tìm thấy bia mộ của ông Petr Berkovec, tấm bia đá ấy ông ạ, từ năm 1465! Ông biết chứ, ông Petr Berkovec là con rể của ông Ješek; ông Petr lấy con gái ông ta – Kateřina làm vợ. Đây là bức ảnh của cái tấm bia mộ - à, ông không thấy gì đặc biệt à?”

“Không,” dr. Mejzlík nói trong lúc xem cả hai mặt bức ảnh của tấm bia mộ, trên đó người ta đã đục hình của một vị hiệp sĩ nào đó với đôi tay đặt trên ngực và xung quanh là dòng chữ kiểu gotic. “Khoan nào, ở góc này có dấu vân tay.”

“Dấu vân tay này có lẽ từ ngón tay tôi đấy,” người quản lý tư liệu nói, “nhưng ông hãy để ý dòng chữ này nhé!”

“Anno Domini MCCCCLXV ,” dr. Mejzlík đọc một cách vất vả. “Năm 1465 tính theo tuổi Chúa (3). Đây là năm ông này chết phải không?”

“Tất nhiên rồi, nhưng ông không thấy gì à? Một số chữ rõ ràng là to hơn, ông xem này!” Và ông ta viết nhanh bằng bút chì ANNO DOMINI MCCCCXLV. “Người thợ tạc bia đá cố tình đẽo các chữ O,C,C to hơn, đây là mật mã, ông hiểu không? Ông hãy viết các chữ OCC – ông có liên tưởng gì không?”

“OCC, OCC,” dr. Mejzlík gầm lên, “đây có thể là, à ra thế, viết tắt của OCCIUS đúng không? Có nghĩa là ông này bị sát hại một cách ác độc.”

“Đúng rồi, người quản lý tư liệu reo lên một cách hoành tráng, “người thợ tạc tượng đã cố tình gợi ý cho thế hệ sau là ông Petr Berkovec de Wotice Welenova đã bị sát hại. Đúng rồi!”

“Và người bố vợ đã sát hại ông ta, ông Ješek Skalický,” dr. Mejzlík tuyên bố sau khi bỗng ngộ ra về lịch sử...

“Vô nghĩa,” ông Divíšek nói đầy miệt thị. “Nếu ông Ješek sát hại ông Berkovec thì Đức Vua đã đưa ông ấy lên giá treo cổ rồi. Nhưng đây không phải tất cả, ông xem này: bên cạnh là bia mộ này là bia mộ thứ hai, nơi yên nghỉ của Henicus(4) Berkovec Wotice Welenova, người em trai của ông Petr; trên bia mộ này cũng ghi năm 1465, nhưng không có mật mã! Và trên bia mộ ông Jindřich tay cầm kiếm; người tạc bia muốn gợi ý, rằng ông này chết danh dự sau một cuộc đấu (kiếm). Và bây giờ ông nói đi, hai cái chết liên quan với nhau như thế nào?”

“Có thể chỉ là ngẫu nhiên thôi,” dr. Mejzlík nói, “ông Jindřich cũng qua đời cùng năm đó-”

“Ngẫu nhiên,” người quản lý tư liệu khó chịu quát lên, “Ông ạ, bọn nghiên cứu lịch sử chúng tôi không công nhận những cái ngẫu nhiên! Chúng ta sẽ đến đâu nếu chúng ta công nhận những cái ngẫu nhiên cơ chứ. Ở đây phải có những mối quan hệ nguyên do! Đây chưa phải là tất cả. Một năm sau đó, năm 1466 ông Ješek Skalický cũng về Trời; và tất cả của cải ở Skalice và Hradek được người em họ ông ta – Jan Bošovský từ Cercan thừa kế. Ông biết, điều này có nghĩa gì chứ? Điều này có nghĩa là con gái ông ta, bà Kateřina, người mà ông Petr Berkovec cưới làm vợ năm 1464 đã chết rồi. Và cái bà Katuše(5) ấy không có mộ ở bất cứ nơi nào ông ạ. Ông có cho phép việc này là việc ngẫu nhiên không? Bà Katuše hoàn toàn biến mất sau cái chết của chồng mình? Sao? Ông nghĩ đây là ngẫu nhiên mà bà Katuše ấy không có mộ ở bất cứ nơi nào? Ngẫu nhiên ư? Hay là đây chính là những việc bất hạnh mà vì thế Đức Vua mới giành việc phán xử về số phận của ông Ješek cho Thượng đế chăng?”

“Có thể là như vậy,” dr. Mejzlík nói với sự quan tâm nhiều hơn một chút.

“Cái này hoàn toàn rõ ràng,” ông Divíšek tuyên bố và không cho phép bất kỳ nghi ngờ nào. “Và bây giờ là việc, ông hiểu chứ, ai đã giết ai và tất cả mọi thứ liên quan đến nhau ra sao. Chúng ta không quan tâm đến cái chết của ông Ješek, vì ông đã trải qua những việc bất hạnh; nếu không thì vua Jiří đã không ra lệnh để giành việc phán xử về số phận của ông Ješek cho Thượng đế. Chúng ta phải phát hiện ai đã giết ông Petr, ông Jindřich đã qua đời như thế nào, bà Kateřina biến mất đi đâu và ông Ješek Skalický đã biết gì và đã làm gì.”

“Khoan đã,” dr. Mejzlík nói, “chúng ta hãy ghi lại các nhân vật:

  1. Petr Berchovec – bị sát hại;
  2. Jindřich Berchovec – chết trong cuộc đấu (kiếm), đúng không?
  3. Katuše – biến mất không vết tích;
  4. Ješek Skalický - số phận của ông Ješek để cho Thượng đế phán xử. Đúng không?”

“Đúng,” người quản lý tư liệu nói và nháy mắt. “Nhưng ông nên gọi ông Petr Berkovec, ông Ješek v.v. nhé. Nào, tiếp đi.”

“Nhưng trong việc này ông loại trừ,” dr. Mejzlík nghĩ, “khả năng ông Ješek giết con rể của mình là Petr Berkovec, vì nếu thế ông ta sẽ bị đưa ra Tòa.”

“Sẽ bị đưa ra tòa của vua,” người quản lý tư liệu chỉnh lại. “Ngoài ra đúng là như vậy.”

“Khoan đã: thế thì chỉ còn khả năng là người em của Petr là Jindřich. Chắc là Jindřich đã sát hại anh mình-”

“Điều này không thể,” người quản lý tư liệu kêu lên giận dữ. “Nếu ông này giết anh trai thì ông Ješek đã không dựng bia mộ cho ông ta – và ngay bên cạnh nữa.”

“À. Như vậy Jindřich đã kiếm kẻ giết anh mình và sau đó đã hy sinh trong cuộc đấu (kiếm), đúng không?”

“Thế thì tại sao ông Ješek lại bị vua khiển trách về việc nóng tính? ” người quản lý tư liệu giãy nảy lên. “Và bà Kateřina biến đâu mất? Nào?”

“Đúng,” dr. Mejzlík giận dữ nói. “Ông nghe này, đây là vụ án phức tạp. Hay là Petr tóm được Kateřina ngoại tình với Jindřich và đã giết bà ta. Cha bà ấy được tin và trong lúc nóng giận đã giết con rể của mình -”

“Cái này cũng không ổn,” ông Divíšek phản đối. “Nếu ông Petr giết bà Kateřina vì ngoại tình thì cha bà ta sẽ đồng tình, Trời ạ, thời ấy người ta nghiêm khắc lắm.”

“Khoan đã,” dr. Mejzlík nghĩ ngợi. “Thử tưởng tượng việc ông ấy giết bà ấy chỉ vì họ cãi nhau-”

“Cũng không ổn. Ông ạ, tôi đã nát đầu cả năm nay về chuyện này, tôi vẫn không nghĩ ra.”

“Hừm,” dr. Mejzlík nói, nhìn cái danh sách nhỏ và cân nhắc. “Việc này khó nhá đây. Có thể chúng ta không biết về người thứ năm.”

“Ông muốn gì với người thứ năm cơ chứ?” ông Divíšek trách. “Ngay cả chỉ có bốn người ông đã bí rồi.”

“Thế thì chỉ có một trong hai người đó giết Berkovec: hoặc bố vợ, hoặc anh trai – Nhưng quỉ ạ,” ông hét lên, “ông nghe này, có thể bà ấy, bà Kateřina đã làm việc này!”

“Trời,” người quản lý tư liệu thở dài day dứt, “tôi không muốn nghĩ đến cái này! Trời ạ, bà ấy có thể làm việc ấy ư? Thế rồi bà ấy sau đó ra sao?”

Đôi tai của dr. Mejzlík đỏ lên vì ông tập trung suy nghĩ. “Khoan,” ông ta nhảy dựng lên, đi đi lại lại và căng thẳng. “Ái à, ái à,” ông kêu lên, “tôi bắt đầu nhìn thấy vấn đề!” Bố khỉ, đây đúng là vụ án! Vâng, nó trùng hợp với nhau, - Ông Ješek trong vụ này có vai trò chính! À ra thế, vòng tròn đã khép kín! Vì thế mà vua Jiří – bây giờ tôi mới hiểu! Ông nghe này, vua Jiří là người thông minh”.

“Đức Vua quả là thông minh,” ông Divíšek sung sướng nói. “Trời, Đức Vua là người trị vì sáng suốt!”

“Vậy thì ông xem này,” dr. Mejzlík nói trong khi ngồi xuống …., “Khả năng lớn nhất là thế này; tôi thề độc nếu vụ này khác đi nhé! Tất nhiên là giả thuyết khi mà chúng ta chấp nhận tất cả các sự kiện; bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được mâu thuẫn với giả thuyết này. Việc thứ hai là phải đưa những việc này vào sự kiện duy nhất; sự kiện càng đơn giản, càng chặt chẽ và càng liên quan thì xác suất càng cao là mọi việc đã xảy ra như vậy mà không khác đi. Cái này chúng tôi gọi là tái hiện lại vụ án, đúng không? Giả thuyết mà tất cả các sự kiện được phát hiện được đưa vào những mảng liên kết nhất và rõ ràng nhất sẽ được chấp nhận vô điều kiện? Ông hiểu chứ?” dr. Mejzlík nói và nghiêm khắc nhìn người quản lý tư liệu. “Cái này là phương pháp nguyên tắc.”

“Đồng ý,” người quản lý tư liệu chấp thuận.

“Như vậy các sự kiện mà chúng ta phải thấy rõ sẽ như sau:

  1. Petr Berkovec lấy Kateřina làm vợ;
  2. Ông ta bị sát hại;
  3. Kateřina biến mất, không có mộ,
  4. Jindřich đã chết trong cuộc đấu;
  5. Vua đã khiển trách ông Ješek Skalický về việc nóng nảy;
  6. Nhưng vua không đưa ông ta ra tòa: có nghĩa là Ješek Skalický về mặt nào đó không phạm pháp. Đây đã đủ tất cả các sự kiện chưa? Rõ ràng là đủ. Tiếp theo: khi so sánh tất cả các sự kiện ta thấy rằng Petr không bị Jindřich hay Ješek giết hại; như vậy ai có thể giết ông ta? Rõ ràng là Kateřina. Phỏng đoán này được xác nhận ở chỗ là Kateřina không có mộ; rõ ràng là đã bị chôn như súc vật. Tại sao bà ta không bị đưa ra xử trước tòa? Rõ ràng là người nào đó đã giết bà ta tại chỗ. Có phải Jindřich không? Rõ ràng là không; nếu Jindřich trừng phạt Kateřina bằng cách giết bà ta thì ông già Ješek sẽ không cho; và tại sao vua lại khiển trách ông Ješek về việc nóng nảy? Rõ ràng là bà Kateřina đã bị người cha nổi nóng và giết chết. Và bây giờ là câu hỏi ai đã giết chết Jindřich trong cuộc đấu? Ông ạ, ai nhỉ?”

“Tôi không biết,” người quản lý tư liệu thở dài mệt mỏi.

“Rõ ràng là Ješek,” dr. Mejzlík hét lên. “Ông xem này, ở đây không còn ai nữa! Đến đây vòng tròn của câu chuyện đã khép lại, ông hiểu chưa? Bởi vì Kateřina, vợ của Petr Berchovec, hừm, đã yêu nồng cháy và tội lỗi người em trai của ông ta là Jindřich.”

“Ông có bằng chứng không?” ông Divíšek hỏi với vẻ cực kỳ quan tâm.

“Cái này là từ logic của sự kiện,” dr. Mejzlík trả lời mạch lạc.

“Ông nghe đây, nguồn cơn của những vụ án hình sự là tiền hoặc tình; cái này chúng ta biết. Jindřich đáp trả sự say đắm của Kateřina đến mức nào thì tôi không biết; nhưng ở đây chúng ta phải tìm nguyên nhân, tại sao Katuše đã giết chồng mình; tôi xin nói thẳng với ông là mụ đàn bà ấy đã làm việc đó!”

“Tôi đã linh cảm việc này,” người quản lý tư liệu thở dài buồn bã.

“Và bây giờ người cha của bà ta, Ješek Skalický xuất hiện, với vai trò của người trả thù của gia tộc. Ông ta đã giết con gái mình, vì không muốn nộp con mình cho đao phủ; sau đó ông ta đã thách đấu Jindřich vì rằng người thanh niên bất hạnh này về mặt nào đó là đồng phạm trong tội ác của con gái ông ta. Trong cuộc đấu ấy Jindřich đã ngã xuống với thanh kiếm trong tay. Tất nhiên là có khả năng thứ hai: Jindřich bảo vệ Kateřina bằng chính thân mình trước người cha giận dữ và đã ngã xuống sau trận đấu. Nhưng khả năng thứ nhất đúng hơn. Vậy là ta đã thấy rõ những sự kiện bất hạnh.Và vua Jiří đã thấy rằng việc xử cái vụ hoang dại này bằng tòa án thế tục sẽ không nhân đạo, Ngài đã để người cha khủng khiếp ấy – một người trả thù nóng nảy, cho Thượng đế phán xử. Bất cứ đoàn hội thẩm công bình nào cũng sẽ phán quyết như vậy. Trong vòng một năm ông già ấy đã chết dần chết mòn bởi đớn đau và cô đơn; chắc ông ta chết do tai biến.”

“Amen,”(6) người quản lý tư liệu vừa nói vừa bẻ tay. “Sự việc là như vậy. Vua Jiří, như tôi biết, không thể làm khác đi. Ông nghe này, cái ông Ješek là con người tuyệt với và góc cạnh, đúng không? Bây giờ vụ án đã sáng tỏ và hoàn chỉnh; người ta đã nhìn thấy rõ trước mắt mình. Và tất cả mọi việc đều liên quan đến nhau như thế nào,” người quản lý tư liệu lạ lùng. “Ông ạ, ông đã cung cấp một dịch vụ tuyệt vời cho môn khoa học lịch sử của chúng ta; nó làm sáng tỏ màn kịch của con người thời bấy giờ và tất cả …” Ông Divíšek giơ tay thể hiện sự biết ơn. “Bao giờ quyển sách Lịch sử triều đình vua Jiří từ Poděbrady được xuất bản, tôi xin phép được gửi tới ông; ông sẽ thấy tôi xử lý vụ này khoa học đến thế nào!”

Một thời gian sau dr. Mejzlík nhận được một quyển sách khổng lồ mang tên Lịch sử triều đình vua Jiří từ Poděbrady với lời đề tặng của nhà quản lý tư liệu lịch sử Divíšek. Ông đọc kỹ từ đầu đến cuối, vì – chúng ta phải công nhận – ông ta rất đỗi tự hào là có đóng góp cho tác phẩm khoa học; nhưng ông không tìm thấy gì. Mãi ở trang 471 trong phần chú thích thư mục ông ta mới đọc được mấy dòng chữ: Šebek Jaroslav, nguồn tư liệu thế kỷ XIV và XV, trang 213, bức thư của ông Pcháč viết cho ông Jan Bošovský từ Čerčany. Ghi chú thú vị về Ješek Skalický ở Skalice cho đến nay chưa được xử lý khoa học và xứng đáng được đặc biệt quan tâm.

________________

  1. Dòng tộc quí tộc vùng Votice.
  2. Ở các nước Trung Âu thì Dr. (hoặc dr.) là viết tắt học vị doctor, tương đương Thạc sỹ (thí dụ JUDr.= luật sư, MUDr.= bác sỹ, PhDr.= Thạc sĩ triết học…).
  3. Tức là sau Công nguyên.
  4. Henricus là tên Latin của Jindřich.
  5. Katuše là cách gọi tắt tên Kateřina.
  6. Hết.

Bình luận

avatar-comment
Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Ban Chỉ đạo Triển lãm thành tựu KT-XH chính thức có Quy chế hoạt động

Baovannghe.vn - Quyết định số 65/QĐ-BCĐ ngày 22/5/2025 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo “Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2025)” đã được Phó Thủ tướng Mai Văn Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Nhà hát Chèo Việt Nam: Công diễn hai vở chèo cổ

Baovannghe.vn - Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ công diễn vở “Trương Viên” và “Súy Vân” vào tối 28/5 và 28/6 tại Rạp Kim Mã (71 Kim Mã, Hà Nội).
Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Khai mạc Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025

Baovannghe.vn - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp cùng Sở VHTT TP Huế đã Khai mạc Chương trình giao lưu, sáng tác Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam lần thứ 3 năm 2025.
Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Triển lãm tranh màu nước "Bóng xưa sắc hoa"

Baovannghe.vn - Chiều 23/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Bóng xưa sắc hoa, giới thiệu các tác phẩm màu nước của GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính.
“Cello Fundamento 8”: Kỷ niệm 75 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Rumani

“Cello Fundamento 8”: Kỷ niệm 75 năm quan hệ hữu nghị Việt Nam - Rumani

Baovannghe.vn - Tối 23/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân đã dự chương trình nghệ thuật Cello Fundamento 8 nhân kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Rumani (1950 - 2025) do Đại sứ quán Rumani tại Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức.