Sáng tác

Những con tem và những lá thư. Tạp văn của Nguyễn Trác

Nguyễn Trác
Tản văn 09:00 | 08/05/2025
Baovannghe.vn - Bây giờ chẳng những ít người viết thư, thùng thư khó gặp, mà cả những con tem cũng hiếm. Tem thư đã đi một chặng đường gần 200 năm kể từ khi nó ra đời ở Vương quốc Anh năm 1840. Cùng với sự ra đời của tàu hỏa, vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thế kỷ...
aa

Ngày chúng tôi còn trẻ, đất nước vẫn nghèo, internet chưa ra đời, điện thoại rất hiếm thì những lá thư với con tem xinh xắn trên góc phong bì là phương tiện chính để trai gái vợ chồng bè bạn thông tin liên lạc và tìm đến với nhau. Nhất là mỗi dịp xuân về Tết đến.

Những con tem và những lá thư. Tạp văn của Nguyễn Trác
Tem Việt Nam. Ảnh báo tin tức - TTXVN

Những thùng thư màu vàng đặt trước nhà bưu điện luôn đầy ắp thư. Ngày hai lần - trưa và chiều - anh bưu tá ra mở để lấy thư chuyển tới tay người nhận.

Dù đã bỏ thư vào thùng, nhiều người thấy thùng đầy quá lại tần ngần tìm một cái que để ấn nhẹ lá thư của mình cho nó xuống sâu hơn rồi mới yên tâm ra về.

Thời chiến, có khi không gặp thùng thư, người ta chỉ cần đề địa chỉ người nhận lên phong bì rồi gửi bác tài hay ai đó đang trên ô tô hay xe lửa, nếu ô tô hoặc chuyến tàu hỏa đó đi tới hướng gửi là thể nào thư cũng đến nơi. Nhất là khi người nhận lại đang ở chiến trường.

Những lá thư sinh viên tranh thủ viết trên giảng đường khi bạn bè nghỉ trưa, lá thư người lính viết trên đường hành quân, lá thư dưới ánh đèn dầu hỏa nơi sơ tán của cô giáo trẻ. Tất cả đều nặng hơn nhiều số gram cơ học của nó và đều thấm đẫm những yêu thương xa cách.

Hà Nội, Sài Gòn… và hầu hết các nơi khác ở nước ta giờ ngày càng ít những thùng thư, và trong thùng thư giờ chủ yếu cũng là các công văn giấy tờ hành chính công vụ. Người ta ngại viết hơn. Nhớ nhau hẹn nhau đã có điện thoại để gọi hoặc nhắn tin. Những dòng tin nhắn với những ký tự tắt và ngôn ngữ nói tuy khô khan nhưng nhanh và tiện. Sang hơn thì “chát chít” hoặc email. Cả lớp trẻ lẫn trung niên người già đều vậy. Trong một thế giới đang tất bật từ fastfood đến broadband và mạng internet thì mọi thông tin cần phải cực kỳ nhanh chóng và tiện dụng.

Người ta cũng quên dần những bài hát từng nổi tiếng về anh lính quân bưu, người bưu tá, hay cô gái giao liên…

Gắn liền với lá thư xưa là chiếc phong bì và những con tem. Cả chúng cũng chứa đựng nhiều những sắc thái tình cảm khác nhau tùy nội dung thư và tâm trạng người gửi.

Tôi nhớ, hồi năm 1972 trong đoàn cán bộ đi chiến trường B1 chúng tôi có một thầy giáo trẻ quê Hải Dương. Anh cao gầy lại mang tên con gái - Hồng Liên - nhưng đặc biệt thông minh và hóm hỉnh. Dọc đường anh kể cho chúng tôi nghe chuyện cưới vợ của mình. Không rõ thật đến đâu, hay chỉ là chuyện vui cho quên bớt mệt nhọc đường dài. Anh bảo, hồi ở quê anh yêu một cô gái cùng xóm và cô cũng yêu anh, quyết tâm lấy anh. Tình yêu họ chân thành, trong sáng và đằm thắm nhưng không hiểu sao có mấy bà cô ông chú lại cứ nhất quyết phản đối. Bảo vệ tình yêu của mình, anh nhất quyết xin bố mẹ hai bên cho cưới trước ngày lên đường. Thiếp mời được gửi đi như mọi đám cưới khác. Duy chỉ có điều đặc biệt là thiếp gửi mấy bà cô ông chú thích “phản đối” kia, anh bỏ vào một loại phong bì riêng. Đó là loại phong bì in sẵn có hình một đoàn xe ra trận cùng dòng chữ đậm bên dưới “Địch phá ta cứ đi”. Loại phong bì này hồi đó Bưu điện nào cũng có.

Ôi những phong bì và con tem thời chiến. Còn trước mắt tôi giờ là những con tem thời bình tôn vinh chủ quyền Tổ quốc. Đó là bộ tem “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” mang tính thời sự sâu sắc.

Bác tôi ngày còn sống từng kể cho tôi nghe về những con tem thuộc lớp đầu tiên ở Đông Dương, do các họa sĩ Việt Nam thiết kế. Đó là những con tem mang phong cảnh Việt Nam, chữ Việt Nam, giá tiền Việt Nam, phát hành những năm 20 thế kỷ trước, như tem Phụ nữ Nam kỳ búi tóc (còn gọi là tem cô Ba), tem Chùa Thiên Mụ, tem Vịnh Hạ Long… Trước đó không lâu, thư từ công văn ở xứ ta vẫn được chuyển đi theo cách bỏ vào những ống tre, hai đầu bịt kín bằng nhựa thông và do các phu trạm đảm trách.

Nhà thơ lớn Hy Lạp A. Rít-xốt từng có một câu thơ nổi tiếng trong tù về niềm thương nhớ Mẹ và sự thiếu thốn, đại ý “không còn cả nước bọt để dán một con tem gửi thư về cho Mẹ”.

Bây giờ chẳng những ít người viết thư, thùng thư khó gặp, mà cả những con tem cũng hiếm. Tem thư đã đi một chặng đường gần 200 năm kể từ khi nó ra đời ở Vương quốc Anh năm 1840. Cùng với sự ra đời của tàu hỏa, vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai thế kỷ 18 và 19, những chiếc tem thư nhỏ bé đã góp phần cho việc truyền thông liên lạc trên thế giới phát triển mạnh.

Máy móc và dịch vụ ngày nay đang dần thay thế. Chúng làm nhanh và hiệu quả hơn nhiều trong việc giúp đỡ con người thông tin liên lạc với nhau. Nhưng mỗi lần gặp trên đường một thùng thư, mỗi dịp giở lại một bức thư viết tay xưa, trên giấy pơ-luya mỏng để quên trong tủ, hay nhìn ngắm một con tem cũ, tôi chắc nhiều người vẫn không khỏi bâng khuâng nhớ tới những kỷ niệm về một thời nghèo khó và chiến tranh chưa xa.

Đó là những kỷ niệm thách thức thời gian, thách thức sự đổi thay đào thải và khẳng định sự trường tồn của tình cảm con người.

Chợt biết tháng năm màu hoa lửa - Thơ Khaly Chàm

Chợt biết tháng năm màu hoa lửa - Thơ Khaly Chàm

Baovannghe.vn- Có sự lựa chọn nào đã giống nhau đâu/ nên phải tự thưởng cho mình những đôi cánh mỏng
Thao thức sông quê. Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

Thao thức sông quê. Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

Baovannghe.vn - Xa quê hơn bốn chục năm, ông Định vẻn vẹn hai cuộc trở về. Một lần cách nay tròn một giáp, ông rước hũ di cốt thân phụ về làng an táng cạnh mộ phần thân mẫu.
NSND Trần Quốc Chiêm hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên”

NSND Trần Quốc Chiêm hồi sinh vở chèo cổ “Trinh Nguyên”

Baovannghe.vn - Ngày 24/5, vào hồi 20h, tại Rạp Đại Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội chính chức công diễn vở chèo cổ Trinh Nguyên do NSND Trần Quốc Chiêm phục dựng. Đây là một trong bảy vở chèo cổ kinh điển đầu tiên của nghệ thuật sân khấu chèo Việt Nam.
Chỉ dấu quê - Thơ Cao Nguyên Quyền

Chỉ dấu quê - Thơ Cao Nguyên Quyền

Baovannghe.vn- Cửa Hà hằn nếp nhăn/ sông núi khói mây nhang nhảng
Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Bộ GD&ĐT: Thành lập 2 Hội đồng ra đề riêng cho Chương trình GDPT 2006 và 2018

Baovannghe.vn - Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, ngày 22/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng làm việc với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2025.