Diễn đàn lý luận

Bài thơ "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm
Tác phẩm và dư luận
15:00 | 24/07/2024
Bài thơ "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
aa

Mẹ và Quả

NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh ?

Bài thơ
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Lời bình của : Trần Trung

Mẹ và quả - Tâm tình và triết lí

Ngay từ tên bài thơ “Mẹ và quả”, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi mở ra ấn tượng tương giao giữa hình ảnh người mẹ tảo tần, lam làm với thiên nhiên hoa trái theo nhịp chảy trôi của thời gian. Ăm ắp dâng đầy trong ba khổ của bài thơ là vẻ đẹp của nghệ thuật tu từ so sánh và liên tưởng:

“Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng”

Dùng cách điệp lại hình ảnh “Những mùa quả”, nhà thơ vừa diễn tả mùa cây trái theo thời gian, lại vừa dựng nên hình ảnh lượm hái của con người. Mùa quả cũng vì thế đồng hiện với hình ảnh người mẹ theo những tháng năm qua. Nhất là hình ảnh “quả lặn rồi lại mọc”, được sử dụng thật khéo và cũng thật tình. Đấy là nhịp đi như “mùa đi nhịp hải hà (Nguyễn Xuân Sanh),lại mở tiếp ra liên tưởng sáng tạo, khi nhà thơ đem quả ra mà đối sánh với mặt trời, mặt trăng.

Có một thứ qui luật tuần hoàn của sự sống, lại cũng có một thứ qui luật của lòng người biết tri ân trời đất. Và, sự hiện hữu của hình ảnh người mẹ : “hái được” hay “vun trồng” những mùa quả mới, đẹp một vẻ đẹp bình dị và lớn lao làm sao !

Nguyễn Khoa điềm có cách chuyển dịch ngữ nghĩa và sắc thái của ngôn từ thật thú vị và cũng thật sâu xa. Nếu như ở khổ thơ đầu hàm chứa cách nhìn xuất phát từ tấm lòng biết ơn của người con với tạo hóa và với mẹ; Thì, đến khổ thơ tiếp là sự lên tiếng của lòng con hướng về mẹ :

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống”

Hai chữ “lớn xuống”là một cách dụng chữ bạo lạ và ấn tượng, rất thi sỹ ! Cách diễn tả mang cảm nhận thật ân tình, thật thẳm sâu.. Hính ảnh về sự “lớn lên” của người, hay “lớn xuống” của “bí và bầu”, tất thảy đều gắn với công sức và tâm đức lặng thầm của người mẹ thương yêu và vô vàn quí hóa !. Người con đang cất lên lời cảm thương hay cũng đang cất lên lời hát ca về hình ảnh người mẹ cưu mang, người mẹ sinh thành:

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”.

Bài thơ của Nguyễn Khoa điềm giọng điệu thì tự nhiên mà thực sự lại dụng công, hàm súc trong ý tưởng gửi gắm. Bởi, “Mẹ và quả” tỏa ra hai chiều cảm xúc và ý tưởng. Nếu như ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh về “quả”, gợi sự sinh thành của quả cây, hoa trái tự nhiên; Thì,thật bất ngờ trong cách diễn tả hình ảnh “quả” trong khổ thơ kết, lại gợi sự liên tưởng tới thứ Quả-Người, còn “non xanh” theo năm tháng : “ Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”

Những lời tự bạch của chủ thể trữ tình, hóa ra lại thành những lời tự thú chân thành và cảm động của tình Tử-Mẫu trước bước đi lặng lẽ mà cũng thật nghiệt ngã của thời gian. Bài thơ, cũng vì thế vừa là lời tâm tình, vừa đậm đà và thấm thía chất triết luận-Nhân sinh. Mà, khó có thể tường minh ngọn ngành khi câu chữ khép lại…

Trần Trung |Báo Văn Nghệ

Về giải thưởng Lý luận phê bình Văn học năm 2019 Nền tảng tư tưởng lý luận Văn nghệ Việt Nam Người trăn trở với những vấn đề lý luận phê bình* Chuyển động đời sống lý luận phê bình văn học - nhìn từ hai công trình được tặng thưởng Lê Quang Trang và những trang viết về lý luận phê bình
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà