Diễn đàn lý luận

Kỷ niệm nhỏ với một nhà thơ lớn Chế Lan Viên

Xuân Đức
Chuyện văn chuyện đời
11:00 | 24/07/2024
Những năm sau này và nhất là gần đây, tôi có nghe và đọc thấy rất nhiều những bình phẩm về thơ của ông, rồi cả về những điều thị phi ngoài thơ nữa... hoang mang
aa

Năm 2019 vừa qua tròn 30 năm nhà thơ Chế Lan Viên qua đời (1989) và sang năm 2020 thì lại tròn 100 năm ông sinh ra (1920). Giao thừa này sẽ là cái đòn gánh (trĩu nặng hay nhẹ bẫng đây?) gánh hai đầu sinh và tử của một con người với vầng hào quang Ánh Sáng cùng thăm thẳm đất bùn Phù sa chứa đựng không ít những thị phi xa xót…

Chiều nay, một chiều muộn cuối năm, gió heo may đượm buồn. Tôi đang chạy xe lên thành phố Đông Hà (Quảng Trị) để tìm mua ít hoa về chưng tết. Đang chạy vội, không hiểu sao tôi lại ghìm phanh. Chỗ tôi dừng xe chính là xã Cam An, huyện Cam Lộ. Một mùi hương đâu đó phảng phất bay ra. Chưa tết sao có nhà lại đốt hương sớm thế? Rồi tôi nhận ra có rất nhiều loại hoa khoe sắc ở trước ngõ của dãy nhà bên đường. Mà lại toàn hoa bản địa, là những thứ hoa dại vốn tồn tại hàng trăm năm nay trên những đồi hoang không ai thèm để mắt, nay bất ngờ sốt giá. Lòng tôi bỗng thấy bần thần. Ngay chỗ tôi đang dừng xe đây, ở đâu đó đằng sau mấy hàng cau kia, mà cũng có thể ngay chỗ đất đang bung nở mấy gốc hoa bản địa trước mặt, có thể là nơi đã chôn núm nhau của một thi nhân? Chế Lan Viên ơi, sao tự dưng kẻ hậu bối này lại nhớ tới ông, mà lại nhớ vào lúc này?

Kỷ niệm nhỏ với một nhà thơ lớn Chế Lan Viên
Vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên - Vũ Thị Thường và hai con gái.

Khi ông đang là rường cột của văn đàn Việt Nam thì tôi chỉ là một cậu lính chiến đang trực tiếp cầm súng ở chiến trường Quảng Trị rồi tập viết văn, sau đó được điều về viết kịch bản sân khấu cho Đoàn văn công Quân khu 4. Năm 1970, tôi đi thực tế ở đảo Cồn Cỏ. Lần đi đó, tôi viết được một bài thơ dài Trăng Cồn Cỏ, được báo Quân đội nhân dân in tràn hết cả trang 3 của báo. Sau đó chừng nửa tháng, Chế Lan Viên có chuyến công tác vào Vĩnh Linh, đúng dịp Ty Văn hóa Vĩnh Linh in tập thơ có tựa đề là “Tuyến Lửa”. Họ xin ông viết cho lời tựa. Sau này mấy anh ở Ty kể lại rằng, Chế Lan Viên đọc hết bản thảo của tập thơ đã hỏi vì sao không có bài Trăng Cồn Cỏ? Các anh ở Ty trả lời là không biết bài thơ đó. Chế Lan Viên tỏ ra ngạc nhiên, rồi ông đã nói về bài thơ của tôi với những lời khen ngợi rất hiếm thấy của một nhà thơ lớn đối với sáng tác của một tác giả mà lúc đấy hoàn toàn là vô danh. Sau đó, trong lời tựa, khi điểm lại phong trào làm thơ của những tác giả đất tuyến, Chế Lan Viên đã dành đúng một dòng nói về bài thơ Trăng Cồn Cỏ. Đại ý thế này: “...Gần đây tôi có đọc được bài thơ Trăng Cồn Cỏ của một chiến sĩ đang chiến đấu trên đảo, thật sáng tạo biết bao!” (Nhà thơ vẫn nghĩ tôi là chiến sĩ của đảo). Đọc dòng chữ ấy mà tôi không dám tin vào mắt mình. Một niềm hạnh phúc bất ngờ trào dâng lên trong tôi.

Cho đến năm 1972, tôi ra Hà Nội theo học khóa 5 Trường bồi dưỡng viết văn trẻ Quảng Bá của Hội nhà văn Việt Nam. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn của Hội đã đến giảng dạy hoặc trao đổi về nghề như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng, Kim Lân… Nhưng riêng Chế Lan Viên thì không đến lần nào. Ông không hề đến nhưng không hiểu sao lại biết có tôi đang học ở đấy. Và một buổi sáng, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, thời ấy là Bí thư Chi bộ và cũng là người phụ trách lớp học, bảo rằng Chế Lan Viên nhắn tôi xuống Hà Nội gặp ông. Cái tin nhắn ấy không chỉ làm cho cá nhân tôi bồn chồn khấp khởi mà rất nhiều bạn học khác trong lớp cũng không giấu nổi niềm phấn khích. Họ kể cho tôi nghe rất nhiều về cá tính của nhà thơ (có thể thật mà cũng có thể chỉ là giai thoại), để tôi có sự chuẩn bị. Trong số bạn thơ ấy có Yên Đức, người cùng ở một phòng với tôi đã kể một câu chuyện về việc nhà thơ Chế Lan Viên từng phải “tiễn khéo” một anh bạn trẻ đến phòng ông và đọc thơ thao thao bất tuyệt. Không biết câu chuyện đó là có thật hay chỉ là một giai thoại mà anh bạn thơ tôi đã bịa ra để hù tôi. Tuy nhiên, tôi bỗng thấy chờn chợn, lo lo, rồi tự dặn lòng rằng, khi xuống thăm ông, tuyệt đối không được nói nhiều, không được ngồi lâu, càng đặc biệt tuyệt đối không đọc thơ, tốt nhất là thưa với nhà thơ một lời cảm ơn, hỏi thăm sức khỏe, đại để thế rồi xin phép lui.

Bây giờ nhớ lại, tôi thấy rất ân hận vì đã quá tin lời anh bạn nên lỡ mất một cơ hội cực hiếm.

Chế Lan Viên ở và làm việc trong một căn phòng hẹp ở khu tập thể. Bữa đó, khi tôi bước vào, ông đang chăm chú đọc một cuốn sách gì đó. Tôi dừng lại ở cửa, Chế Lan Viên ngẩng lên. Nét mặt ông không hề lộ ra chút biểu cảm gì. Rồi ông khẽ nghiêng đầu, đôi mắt hơi nhíu lại. Mặc dù đã chuẩn bị tư thế từ trước nhưng thú thật là tôi vẫn rất ngại. Tôi đứng ở cửa, chưa dám bước hẳn vào trong. Ngắc ngứ một tí rồi tôi khe khẽ cất tiếng:

- Dạ thưa anh, em là Xuân Đức, đang học trên Quảng Bá, nghe thầy Sanh nói là anh bảo em xuống để anh gặp…

Chế Lan Viên im lặng. Hình như ông ngạc nhiên. Tôi bỗng thấy lo lắng. Chẳng lẽ ông ấy đã quên, hay nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh nhớ sai? Nhưng chỉ vài giây, bất ngờ ông mở to mắt nhìn tôi, ánh mắt như cười: Xuân Đức, Trăng Cồn Cỏ đúng không? Tôi như trút được gánh nặng.

Tôi vừa ngồi xuống ghế thì nhà thơ đã nhanh nhẹn đứng lên đi vào trong, nhoáng cái quay ra, trên tay cầm tờ báo. Ông đưa cho tôi. Tôi nhận ra ngay đấy là tờ báo Quân đội nhân dân có đăng bài thơ tôi. Đến mức ấy thì tôi thật sự bàng hoàng, thật sự cảm động. Bởi bài thơ đã được đăng hơn 2 năm, lại chỉ đăng trên một tờ nhật báo giấy chứ không phải trên một cuốn tạp chí, nếu không phải là tác giả thì có lẽ chẳng ai bận tâm mà lưu một số báo cách đây đã mấy năm như thế. Hơn nữa, chắc chắn tờ báo đó phải được xếp ở một vị trí thuận lợi trên giá sách của ông, nếu không với một người bộn bề công việc như ông, trong cái căn phòng chật hẹp, ngổn ngang sách vở, tài liệu như thế mà ông chỉ quay vào mấy giây đã lấy ra được ngay. Tôi ngước nhìn ông, thật sự không thể nói được gì.

Có vẻ Chế Lan Viên không chú ý gì tới cảm xúc của tôi. Ông vừa rót trà vào chén vừa nói, mái tóc xoăn hơi gật gật. Giờ thì tôi không thể nhớ được nguyên văn những lời của Chế Lan Viên sáng đó. Chỉ nhớ đại ý thế này. Ông khen cách viết sáng tạo. Ông nói đọc bài thơ, biết tác giả có ý viết như một diễn ca với mong muốn kể hết lịch sử chiến đấu và những chiến công của chiến sĩ trên đảo, tuy nhiên thông thường khi viết diễn ca, người ta thường chọn thể loại lục bát, hoặc song thất lục bát, nhưng ở Trăng Cồn Cỏ lại chọn thể thơ tự do, lại bằng bút pháp tự sự trữ tình nên rất ngọt, rất thuyết phục… Đại để như thế. Tôi cứ há hốc mồm nghe ông nói bởi thực ra khi viết bài thơ này tôi chẳng hề nghĩ gì đến thủ pháp, cũng không có ý sáng tạo gì đó khác người. Tôi viết bằng cảm xúc thực của mình, thế thôi!

Chế Lan Viên nói một lúc và hình như nhận ra là tôi không nói gì. Ông bất ngờ hỏi: Hiện nay em đang viết gì? Tôi hơi lúng túng rồi thưa thật: Dạ… em đang viết kịch. Tôi nhận ra ngay thái độ của nhà thơ, ông có vẻ như bị hụt hẫng. Tôi thấy chột dạ. Trời ạ, sao tôi lại ngây ngơ và thật thà đến thế không biết. Tại sao mình không nói là đang tập làm thơ, rồi xin ông chỉ dạy cho vài điều hữu ích? Chắc là tôi quá ám ảnh bởi câu chuyện của thằng bạn Yên Đức. Tôi định nói thêm câu gì đó thì rất nhanh, Chế Lan Viên đã đứng lên quay vào phòng trong. Lần này có lâu hơn một chút. Rồi ông quay ra, tay cầm một cuốn tạp chí cũ, rất cũ, bìa đã ố vàng. Ông nói: Anh có cuốn này bàn về kịch, cũng thú vị lắm đấy. Em cầm về đọc.

Tôi đón lấy cuốn tạp chí mỏng, khổ như tạp chí Tác phẩm mới hồi đó. Rồi nhớ tới câu chuyện mà bạn thơ Yên Đức đã kể, tôi tự nghĩ có lẽ thời gian mình ngồi đã đủ lâu, liền đứng lên, khe khẽ: Dạ thưa anh, em biết ơn anh đã dành thời gian cho em… Em cũng rất biết ơn anh đã đọc thơ em… Giờ xin phép anh, em về trường…

Chế Lan Viên cũng không có ý giữ. Ông đứng lên, bắt tay tôi rất chặt rồi tiễn ra tận sân. Ông lại gật gật đầu: Viết kịch cũng hay đấy. Mình cũng thích nhưng không viết được. Nhưng, theo mình, cậu vẫn nên làm thơ.

Đấy là câu cuối cùng tôi được nghe trực tiếp ở nhà thơ lớn Chế Lan Viên. Trời ơi, chân tình đến thế là cùng!

Những năm sau này và nhất là gần đây, tôi có nghe và đọc thấy rất nhiều những bình phẩm về thơ của ông, rồi cả về những điều thị phi ngoài thơ nữa. Đôi lúc tôi cũng có chút hoang mang tự hỏi, một đóa hoa rực rỡ cả một thời, cứ ngỡ như sẽ không có khi nào tàn phai, sao lại vẫn phải trút chút hương cuối cùng vào những bài trong Di cảo thơ mà cứ đọc đến là thấy nao lòng?

Trong lời tựa tự đề cho tuyển thơ của mình, Chế Lan Viên thú nhận: Tuyển tập này tổ chức từ quê, giống như người đi xa biệt tích nay bỗng chốc trở về. Gần mấy chục năm trời tôi chưa có dịp sống ở quê hương. Nay trở về, người thân ở quê có nhận ra không đấy? Quả thật, nếu ông được về Cam An và nếu không có ai đó giới thiệu thì có lẽ hầu hết những con dân làng này chẳng thể biết ông. Thế nhưng, khi ông vừa rời cõi tạm ở cái xứ xa xôi tận chân trời phương nam để đi về cõi tiên, thì ở Cam An này lập tức có mái trường dạy trẻ mang tên ông, lại cũng vừa mọc lên ngôi nhà lưu niệm cuộc đời và sự nghiệp của ông. Rồi, những bông hoa dại như hoa bông trang, hoa mười giờ hay ngũ sắc… vốn suốt đời chỉ là thứ lùm bụi lang thang trên đồi hoang, bất ngờ bung nở ngay trước mọi lối ngõ của đất Cam An này. Bất giác tôi thốt lên, cõi tiên mà ông đã tới là cõi nào? Phải chăng đấy chính là Cõi Quê Hương?

Xuân Đức |Báo Văn Nghệ

Nhà văn Xuân Thiều và những "tài sản" để lại Giáo sư Đào Duy Anh - Nhà sử học, nhà văn hóa lớn thời hiện đại Nhà văn Nguyên Hồng: Tuy nghèo túng nhưng rất hào phóng khi mua sách Nhà văn Mai Phương, đã sống và tin yêu mãnh liệt Nhà văn Đỗ Chu với những người Mẹ
Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ duy trì lạnh về đêm và sáng, ngày nắng hanh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 22/11: Bắc Bộ đêm và sáng sớm trời rét, ngày nắng hanh.
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.