Giọng thơ ấy, ngay từ khi xuất hiện với tập thơ Nghẹn ngào (khi tác giả mới 18 tuổi) đã được Tự Lực văn đoàn trao giải khuyến khích. Nhà văn Nhất Linh đã tiên đoán: “Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc, và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ”. Nhận xét đó quả tinh tế nhưng chưa đủ bởi tập thơ Nghẹn ngào sở dĩ được đánh giá cao không chỉ bởi nhà thơ có “linh hồn rất phong phú”, “rung động rất sâu sắc”… mà còn bởi giọng thơ ấy luôn ở trong một cõi đi về, đó là Quê hương.
Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) . Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Sinh ra ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, quê nhà của Tế Hanh là biển rộng, sông dài, là con đường quê chạy giữa cánh đồng bao la… Bóng làng quê dường như luôn ướp đẫm hồn thi nhân, làm dậy men trong những câu thơ hoài vọng: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông/ Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng/ Lũ trai tráng bơi thuyền ra đánh cá…” (Quê hương) hay “Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng/ Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng/ Hương đồng quyến rũ hát lên vang…” (Lời con đường quê), cả những mảnh vườn quê cũng đong đầy ký ức: “Cây ổi, cây xoài vẫn đứng đây/ Cây lê vẫn ngả ở bên này/ Ngoài kia hàng chuối thân trơn mát/ Đôi lứa hay ôm áp má đầy…” (Vườn cũ).
Tế Hanh cũng có thể coi là tài năng chín sớm khi có nhiều bài thơ trong tập thơ Nghẹn ngào viết vào cỡ tuổi 17,18. Tài không đợi tuổi qua cái nhìn đầy suy tưởng, tuy vẫn giọng điệu chân tình, vẫn hình bóng quê nhà nhưng hoài niệm đã chắp cánh cho thơ. Bài thơ Những ngày nghỉ học viết năm 1938 chẳng hạn: “Những ngày nghỉ học tôi hay tới/ Đón chuyến tàu đi đến những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa/ Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Có chi vướng víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau…”. Hay sớm hơn nữa là bài thơ Lời con đường quê viết năm 16 tuổi (1937): “Tôi sống mê man tránh tẻ buồn/ Miệt mài, hể hả, đắm say luôn/ Tôi thâu tê tái trong da thịt/ Hương đất, hương đồng chẳng ngớt tuôn…”. Chắc hẳn vì giọng thơ “chân quê” đầy say đắm, trữ tình nhưng rất tinh tế, giàu suy tư mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã giới thiệu Tế Hanh trong Thi nhân Việt Nam (xuất bản năm 1942) đầy trân trọng: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ…”.
Sau ngày tập kết ra Bắc năm 1954, nhà thơ Tế Hanh ở nhiều cương vị khác nhau, vẫn tiếp tục sáng tác. Giai đoạn này, thế giới quan của ông chắc hẳn bị chi phối bởi khí quyển thời cuộc, gánh vác thêm nhiệm vụ tuyên truyền. Nhưng xuyên suốt trong mạch ngầm thơ ông vẫn là gương mặt quê hương. Bài thơ Nhớ con sông quê hương chẳng hạn, là dấu gạch nối dài thêm của Quê hương ngày trước cộng thêm nỗi niềm của người chiến sĩ từ miền Bắc gửi về miền Nam ruột thịt: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng/… Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến/ Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển/ Vẫn trở về lưu luyến bên sông/… Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc / Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền nam”...” (Nhớ con sông quê hương). Và trong nhiều bài thơ khác, bóng dáng quê hương núi Ấn, sông Trà còn đọng mãi những âm ba: “Tôi nói đến một vùng duyên hải/ Ở miền Nam êm ái quê tôi/ Chiếc tổ ấm cánh chim thường trở lại/ Trên con đường vạn dặm xa khơi/…Hồn tôi mở trong cánh buồm lộng gió/ Đi, ta đi, đến những chân trời xa/ Tim tôi thả neo trong bến đỗ/ Về, ta về, trở lại quê nhà…” (Tiếng sóng), “thuyền ra khơi chạy tới bình minh/ chiếc buồm trắng cánh chim câu nắng chói/ nhìn vô bến một vệt dài: hòn Dọi/ phía chân trời ghi dấu quê hương…” (Ngoài khơi trong lộng), “Anh thường bảo quê anh như thế đấy/ giống quê em trời nước một màu xanh/ Ngày thống nhất về với anh em sẽ thấy/ biển trời em chẳng khác biển trời anh…” (Chung bến chung lòng), “Tên quê gợi cả/ Cuộc đời của ta/ Hàng dừa nắng tỏa/ Cánh đồng bao la/ Con sông trước ngõ/ Dãy núi xa xa/ Bướm bay vườn cỏ/ Sương đọng cành hoa…” (Tên quê hương).
Chắc hẳn nhà thơ đã thỏa lòng khi trở lại quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Vì thế, những sáng tác sau này của Tế Hanh cũng mở rộng hơn về đề tài: đất nước, tình yêu, cuộc sống… trong các tập thơ Giữa những ngày xuân, Con đường và dòng sông, Bài ca sự sống, Em chờ anh... Nhưng giọng thơ thì vẫn vậy, luôn thấp thoáng hình bóng quê nhà, những người thân yêu ruột thịt và ký ức xa xăm thời tuổi trẻ: “Đứa cháu về xây lại mộ ông bà/ Mẹ được về yên nghỉ trên sườn núi cạnh bên cha/ Mẹ ơi? Quên đi, quên đi, ba mươi năm cách trở/ Con dế mèn bỗng nằm im trong đám cỏ/ Khi trăng lên soi tỏ/ Hai ngôi mộ bên nhau” (Phần mộ mẹ cha), “Cám ơn thành phố tuổi thơ/ Cho tôi sống lại những giờ xưa xa/ Từ nay - cùng với thi ca/ Tình yêu, Tuổi trẻ không già trong tôi” (Giấc mộng xuân).
Nhìn lại một đời sáng tác của nhà thơ Tế Hanh, không phải ở đề tài nào ông cũng thành công. Thi pháp sáng tác của ông, ngay thuở ban đầu cũng không vượt thoát được những nhà thơ cùng thời trong trào lưu Thơ Mới. Ông là nhà thơ của những câu thơ thi thoảng lóe sáng tài hoa: “Em đang ương giống, anh chào/ Bóng anh lái máy ngả vào tay em/… Nông trường ta rộng mênh mông/ Trăng lên, trăng lặn vẫn không ra ngoài” (Nông trường cà phê), “Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thắm lại/ Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi” (Bão). Tuy nhiên, với đề tài quê hương và tình cảm dành cho quê hương, không thể không ghi nhận ông với tư cách là nhà thơ. Nếu những nhà thơ cùng thời với ông, như Xuân Diệu nổi tiếng là ông Hoàng thơ tình, Huy Cận với giọng thơ mang tâm thức hòa cùng vũ trụ, Chế Lan Viên với nỗi buồn ma mị… thì Tế Hanh đã đóng đinh thi nghiệp của mình bằng căn cước công dân có tên Quê hương.
Nhà thơ Thanh Thảo, đồng hương Quảng Ngãi nhận xét về ông: “Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, thơ Tế Hanh đã là “hiện tượng” vì sự mộc mạc, chân thành, vì sự “trong trẻo, giản dị như một dòng sông”. Qua tháng năm, dòng sông thi ca nặng phù sa quê hương ấy vẫn còn thao thiết chảy trong lòng bạn đọc.
Và nói như nhà thơ Thanh Thảo cũng là để xác tín trong di sản thơ của nhà thơ Tế Hanh sẽ có những bài thơ, những câu thơ sống lâu bền với thời gian. Bởi lẽ không ai sinh ra ở đời mà không có quê hương…
Phạm Xuân Hùng | Báo Văn nghệ