Sự kiện & Bình luận

Đời sống nghệ thuật: Khi nhà phê bình cô đơn, chực chờ “chạy làng”

Thu Cúc
Đời sống
12:19 | 08/07/2024
Lý luận phê bình sân khấu chưa làm được “tròn vai” bởi thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng cây bút và bởi “đời chưa trọng, sân khấu chưa cần, nghệ sĩ chẳng ưa
aa

Thiếu mọi thứ trừ sự hiểu nhầm

Nói về những khó khăn của một nhà lý luận phê bình sân khấu, PGS.TS Trần Trí Trắc khẳng định, ngành lý luận phê bình sân khấu ở Việt Nam chưa có truyền thống. Nó mang tính phong trào, tự do, ngẫu hứng, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Những ai đã được gọi là “nhà lý luận, phê bình” đều nhận thấy mình chưa xứng đáng với danh hiệu đó vì họ chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn của mình. Bài viết của họ có công phu đến mấy, đăng trên báo thì cũng chỉ được ít tiền nhuận bút, không tương xứng với giá trị của cái “đầu vào”.

Khi nhà phê bình cô đơn,  chực chờ “chạy làng”
Hình ảnh trong vở kịch nói Chén thuốc độc tác giả Vũ Đình Long, đạo diễn Bùi Như Lai.

Vì thế, một nhà lý luận phê bình tài năng dù phải làm việc cật lực suốt đời cũng không thể thu được số tiền nhuận bút bằng một tác giả bình thường trong một vở diễn bình thường. Do đó, nhiều người được đào tạo làm nghề lý luận phê bình sân khấu hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, sớm muộn cũng phải “chạy làng” sang những ngành khác để tồn tại như dạy học, sáng tác, đạo diễn và đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Cũng theo PGS.TS Trần Trí Trắc, những ai được đào tạo làm nghề lý luận phê bình sân khấu cũng đã phải kinh qua thực tiễn sân khấu trên dưới 10 năm. Tốt nghiệp ra trường thì tuổi đời cũng ngót nghét “40 xuân”. Nhưng đời lại chưa trọng, ngành sân khấu lại chưa cần và anh em nghệ sĩ cũng chẳng ưa gì! Mặt khác, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ hầu như chưa bao giờ coi nhà lý luận phê bình sân khấu là thành viên thân thiết của mình trong sáng tạo. Họ có thể lao đi tìm tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa… để xây dựng tiết mục mới, còn nhà lý luận phê bình thì không cần. Họ cho rằng nhà lý luận phê bình đến chỉ thêm rắc rối, phiền toái.

Nguyên nhân của thực trạng này là bởi lý luận phê bình đã đối lập với văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa duy tình với phương châm đạo đức “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Hầu như con người Việt Nam thích được khen hơn là bị chê. Phần lớn các nghệ sĩ đều quan niệm phê bình là chê, phê, choang, đánh… nên họ xa cách nhà phê bình, ghét nhà phê bình, “cách ly” nhà phê bình, làm nhà phê bình “cô đơn” trong nghệ thuật sân khấu của mình.

Vì lương thấp, bị ghét mà công sức chất xám bỏ ra quá lớn nên hiện nay, giới trẻ không còn mặn mà với nghề lý luận. Tại các trường đại học đào tạo chuyên ngành Lý luận phê bình sân khấu như Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu TP.HCM đều không tuyển được sinh viên. 20 năm qua không mở được lớp đào tạo lý luận phê bình sân khấu. Trong các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, không có mã ngành lý luận phê bình sân khấu.

Giải pháp nào cho thế lưỡng nan?

Điều này khác hẳn với thời gian trước đây, đội ngũ lý luận phê bình sân khấu trong nước chủ yếu được đào tạo từ Trung Quốc, Liên Xô về. Còn đội ngũ các cây bút viết phê bình sân khấu được đào tạo bài bản ở nước ngoài hoặc tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Sân khấu Điện ảnh trước kia đã già yếu hoặc cưỡi hạc về trời. Vì vậy, lực lượng lý luận phê bình sân khấu hiện nay đang thiếu hụt nghiêm trọng, lộ ra một khoảng trống lớn về đội ngũ kế cận.

Trong khi đội ngũ lý luận phê bình bị khủng hoảng, giới báo chí đã bổ sung cho khoảng trống này. Tuy nhiên, những bài viết này phần lớn mới dừng lại ở kiểu “điểm báo, điểm phim, điểm vở diễn”, nghĩa là tóm tắt nội dung là chính. May ra có thêm vài nhận xét hay, dở và vài ba câu về đạo diễn hoặc diễn viên... Và như thế những bài viết kiểu này thường na ná như nhau. Từ đó, đã xuất hiện cụm từ “phê bình kiểu báo chí” để chỉ kiểu viết hời hợt này?

Khi nhà phê bình cô đơn,  chực chờ “chạy làng”
Phê bình sân khấu vốn không dễ "Một cảnh trong vở diễn Thiên mệnh Nhà hát kịch Việt Nam"

TS Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) cho rằng, phê bình sân khấu Việt Nam hiện nay vừa yếu, trống vắng, vừa có dấu hiệu lệch hướng. Cái yếu thể hiện ở chỗ đa phần là bài phê bình không chuyên, viết nhằm mục đích lăng xê tác phẩm hay cá nhân nghệ sĩ, mang ý kiến chủ quan, yêu ghét cá nhân để bình phẩm. Cái trống vắng thể hiện ở chỗ có rất ít công trình, bài viết, chuyên luận phê bình thực sự sắc bén, có chiều sâu, mang tính toàn diện, tính phát hiện, tính sáng tạo, có vai trò định hướng cho sáng tạo của văn nghệ sĩ.

Cái lệch hướng thể hiện ở chỗ vai trò của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp bị lép vế, nhiều bài viết phê bình trên báo chí phát triển mạnh nhưng chỉ mang tính chất giới thiệu và giúp nghệ sĩ, đơn vị biểu diễn quảng cáo, trở thành trợ thủ của thủ thuật marketing cho nghệ sĩ, đơn vị biểu diễn. Thậm chí có một số đánh giá phê bình vì mang quan điểm yêu ghét cá nhân, hoặc vì mục đích marketing mà làm sai lệch giá trị của tác phẩm, làm ảnh hưởng đời sống sân khấu.

Trước thực trạng này, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. NSND Thanh Trầm, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho rằng, cán bộ quản lý phải thấy rõ tầm quan trọng của lý luận phê bình văn học nghệ thuật giá trị, chất lượng để có khả năng tổ chức hoạt động cuốn hút công chúng, dẫn dắt để họ phát huy năng lực và có tác động tới sáng tác. Đó là cách triển khai hiệu quả nhất. NSND Thanh Trầm cũng đề cao vấn đề đào tạo và vấn đề chi trả nhuận bút cho người viết lý luận phê bình. Theo đó, cần tăng cường chất lượng đào tạo sinh viên, nhất là sinh viên các chuyên ngành nghệ thuật và tăng mức chi trả nhuận bút hiện nay đang ở mức quá bèo bọt đối với người viết lý luận chuyên nghiệp.

Còn tác giả - đạo diễn Hoàng Thanh Du lại đề xuất một giải pháp khác. Theo ông Du, lý luận trong văn học nghệ thuật hiện đại chính là để tìm cách “chữa trị” chứng tật của nó. Với sân khấu, lý luận phê bình có vẻ đang chìm dần bởi bệnh đã trầm kha nhưng không phải không thể chữa trị. “Theo tôi, có hai cách chữa, đó là mở rộng, tiếp thu và vận dụng có sáng tạo các hệ hình lý luận phê bình; tăng cường tính đối thoại, bình đẳng, tranh luận trong hoạt động của nghệ thuật sân khấu.”

Để lý luận phê bình sân khấu phát triển và hòa nhập với xu hướng chung của văn học nghệ thuật thì hơn ai hết các nhà lý luận phê bình cần tiếp thu có sáng tạo thành tựu của các hệ hình phê bình trên thế giới như: phê bình thi pháp học, phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc học, phê bình bản thể luận, phê bình ký hiệu học, phê bình hậu hiện đại... Nếu người viết lý luận phê bình sân khấu nghèo nàn trong sự hiểu biết về các hệ hình và chỉ vận dụng một hệ hình lý luận phê bình để đánh giá các tác phẩm sẽ dẫn đến tình trạng lý luận phê bình sân khấu trở nên lạc hậu và độc tôn, không khám phá được những giá trị sáng tạo mới lạ tìm tòi của các vở diễn.

Báo Văn nghệ số 27/2024

Hoàng Đăng Khoa và phê bình đối thoại Can đảm viết, bản lĩnh trao (giải) Truyện thiếu nhi của Thâm Tâm
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn