“Ngày tận thế” là có thật chăng? Làm thế nào để cứu giúp nhân loại và “giải cứu” hành tinh của chúng ta? Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – khi viết Lời giới thiệu cho cuốn sách chuyên đề về Tình thương của tác giả Hà Huy Thanh, đã khẳng định: “Ngày tàn lụi của thế gian không phải là ngày băng tan ở Bắc Cực, không phải ngày mà những cơn động đất, sóng thần khủng khiếp xảy ra, không phải ngày một thiên thạch đâm vào trái đất, không phải ngày một đại dịch bùng phát, không phải ngày thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sụp đổ, không phải ngày một cuộc chiến tranh hạt nhân được khai hỏa… mà đó là ngày trong mỗi con người đang sống trên thế gian rộng lớn với một thiên nhiên kỳ vĩ, với những công trình hiện đại và văn minh do con người làm ra, đã tắt đi ngọn lửa của tình yêu thương...”.
Học sinh Trường TH & THCS Tam Văn, thuộc xã Tam Văn, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa vui mừng nhận phòng máy tính thuộc Chương trình Phòng tin học cho em do Trung tâm Tình Nguyện Quốc Gia triển khai. Ảnh: Nuôi Em |
Khẳng quyết như trên là một cách nói về vai trò “chìa khóa” của tình thương trong xây dựng xã hội văn minh cũng như “hóa giải” mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Quả thực, chúng ta tồn tại được do sự ban tặng. Cha mẹ ban tặng ta một hình hài; vũ trụ ban tặng ta năng lượng sống thông qua nước, ánh sáng mặt trời và không khí; xã hội ban tặng ta tri thức; cuộc sống ban tặng ta kinh nghiệm; con người ban tặng ta tình thương; thiên nhiên ban tặng ta nguồn sống... Sự tồn tại của mỗi chúng ta trong bất cứ xã hội nào, bất cứ đẳng cấp hay giai tầng nào... đều nương nhờ từng giây từng phút vào sự ban tặng. Được ban tặng thì phải biết ơn. Lòng biết ơn như là một liều thuốc giúp chúng ta làm việc tích cực hơn, tự tin hơn. Càng biết ơn chúng ta lại càng sẵn sàng ban tặng, vì ta biết điều đó cũng có ý nghĩa đối với người khác như thế nào.
Biết ơn và ban tặng là “chỉ dấu” của tình thương. Trong cấu trúc của nguyên lý tình thương thì phẩm chất ban tặng và biết ơn là yếu tố nền tảng của sự thấu hiểu và chia sẻ. Sự chia sẻ chỉ có thể thực hiện một cách tự nhiên và mạnh mẽ nếu như chúng ta sống với ban tặng và biết ơn một cách tự nhiên như chúng ta hít thở để duy trì sự sống. Để thấu hiểu người khác thì nhất thiết phải đặt mình vào vị trí họ để hiểu tại sao họ phải làm vậy. Khi đó họ sẽ rất cảm động mở lòng với chúng ta và ta sẽ thấu hiểu được họ. Chỉ khi ta thấu hiểu họ bằng năng lượng tình thương, ta mới cảm thông và chia sẻ được. Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương.” Thấu hiểu nhu cầu người khác là một việc rất tinh tế và ý nhị, đòi hỏi chúng ta phải thực sự nhạy cảm và nhìn nhận đúng với tất cả tình thương và thiện chí.
Trong tình thương thì chia sẻ là một cây cầu nối liền thấu hiểu và kiến tạo giải pháp. Nếu không chia sẻ là chúng ta tự nhốt mình trong ốc đảo của sự cô đơn và tự hủy diệt chính bản thân mình. Vào năm 2000, không ai ngờ cậu bé 16 tuổi Mark Zuckerburg, chục năm sau sẽ là một đại gia có trên 51 tỉ đô la. Đó là phần thưởng xứng đáng cho cậu khi đã giúp mọi người có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn qua Facebook. Hơn thế nữa là vào đúng ngày sinh cô con gái đầu lòng, anh đã công bố ban tặng 99% cổ phần của mình để làm từ thiện, ước tính 45 tỉ đô la. Phải chăng mặc dù không nói ra nhưng Mark đã thực hành một cách triệt để nguyên lý là chỉ có thể đi đến điều mình muốn bằng sự ban tặng và biết ơn thông qua tinh thần chia sẻ. Trong nguyên lý tình thương, kiến tạo giải pháp là phần cuối cùng, là hoa trái của thấu hiểu và chia sẻ. Thấu hiểu càng sâu, chia sẻ càng mạnh thì chúng ta càng có khả năng kiến tạo giải pháp để xử lý mọi vấn đề trong cuộc sống.
Nếu mỗi người trên hành tinh xanh của chúng ta cần trồng một “cây tình thương” thì có lẽ nơi đầu tiên là chúng ta sẽ trồng trong gia đình mình; vì nơi đó đang rất cần sự thấu hiểu, cần chia sẻ và cũng cần cùng nhau kiến tạo giải pháp xây dựng tổ ấm gia đình. Vì vậy, thấu hiểu - chia sẻ - kiến tạo giải pháp nên là những việc được làm thường xuyên trong mỗi gia đình như một thói quen. Nếu không làm 3 điều ấy, chúng ta không tạo được năng lượng tình thương cho nhau mà chỉ là sự chấp nhận nhau và không khí gia đình luôn nặng nề khó chịu. Gia đình là tế bào của xã hội, vậy nên tình thương trong gia đình là yếu tố quyết định để xây dựng một xã hội giàu tình thương. Một nữ bác sĩ tâm lý ở Mỹ kể rằng, sau khi tìm hiểu hồ sơ của các tội phạm giết người không ghê tay thì phát hiện ra họ đều có gia cảnh chung là sinh sống trong những gia đình bất hạnh. Vì không được thấu hiểu, không được chia sẻ, thậm chí là bị bỏ rơi... đã khiến họ không có tình thương từ nhỏ. Con người khi đã không có khái niệm gì về tình thương thì nói gì đến việc thực hành nguyên lý của tình thương. Môi trường gia đình là mảnh đất quý để gieo hạt giống tình thương. Theo đó, sự thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp đã trở thành một thái độ sống cho mỗi thành viên trước khi họ bước ra xã hội. Nếu trong công việc chúng ta cũng có tình thương như trong gia đình thì lúc đó cuộc sống của chúng ta sẽ chan chứa niềm vui và sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ, trù phú cho sự sáng tạo và phát triển bền vững.
Chìa khóa cho tất cả vấn đề quốc tế hiện nay cũng là tình thương. Chỉ có tình thương với ý nghĩa đầy đủ của nó, mới là nguồn năng lượng để xử lý được các vấn đề nan giải. Tình trạng nhập cư chẳng hạn: hãy thấu hiểu được nguyên nhân tại sao họ phải từ bỏ quê hương yêu dấu trên những quốc gia đã có hơn 10.000 năm lịch sử như Syria, Afghanistan, Iraq... Họ phải ra đi vì những nhu cầu cơ bản của họ không có được; vì chiến tranh liên miên, nghèo đói và dịch bệnh. Cho nên, các cuộc họp về vấn đề di cư nên tổ chức tại các nước có dân di cư. Sự thấu hiểu, chia sẻ và các giải pháp nên được kiến tạo ngay tại đó. Để làm điều đó chúng ta cần có năng lượng tình thương. Hãy mang nguồn năng lượng tình thương ra khỏi những trung tâm phồn hoa, ra khỏi hàng rào thép gai với súng đạn và hơi cay, vượt qua các khoảng cách về văn hóa và địa lý, đến nơi những con người khốn khổ phải ra đi để thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp cho họ.
Nhìn từ không gian vũ trụ, các nhà du hành vũ trụ đã nói rằng hành tinh chúng ta khác với các hành tinh khác là rất xanh. Hành tinh xanh có những rừng cây xanh để điều hòa không khí; có biển xanh ban tặng cho ta sự sống tràn trề. Rừng và biển đã nuôi sống nhân loại từ thuở hồng hoang và vẫn mãi như vậy cho đến khi chúng ta văn minh hơn, tiến bộ hơn. Và dù có văn minh đến đâu thì tất cả các tiến bộ của nhân loại đều phải dựa vào các nguồn lực tự nhiên và phải học từ thiên nhiên để sinh tồn và phát triển. Vậy nên trên hành tinh xanh đã có sẵn tình thương vô điều kiện cho bất cứ sinh linh nào tồn tại trên hành tinh này. Hiện thực đó như cha mẹ của chúng ta đã tồn tại khi mỗi chúng ta được sinh ra và thương yêu chúng ta vô điều kiện. Vậy nên mỗi cá nhân sống trên hành tinh này được ban một đặc ân là có cơ hội trở thành sứ giả của tình thương trước khi ta ý thức được về sứ mệnh của mình. Khi là sứ giả của tình thương, bạn sẽ là người mang hạt giống tình thương đến những nơi đang cần đến nó. Tôi có một niềm tin tuyệt đối rằng, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một sứ giả của tình thương, cho dù đó là ai và từ đâu tới. Bằng sự thấu hiểu và chia sẻ, năng lực sáng tạo của nhân loại sẽ được tập trung để giải quyết những vấn đề sinh tử mà chúng ta không thể trốn chạy. Và khi ta giải quyết được thì chúng ta sẽ tạo ra những vùng đất đáng sống, ở đó những rừng cây yêu thương sẽ nở hoa kết trái thịnh vượng và hạnh phúc.
Báo Văn nghệ số 27/2024