Chuyên đề

Về miền mơ tưởng

Công Thế
Văn học địa phương
08:00 | 01/08/2024
Baovannghe.vn - “Anh chỉ nghe em hát vang lên trong biển mây/Anh chỉ nghe tiếng cười vang lên giữa rừng cây/Mà người đâu chẳng thấy/
aa

Mặt người thương mặt chẳng thấy… Ôi Sa Pa mù sương /Ôi Sa Pa mù sương” - Cứ vậy, lời ca ca khúc Sa Pa thành phố trong sương của nhạc sĩ Vĩnh Cát quyện vào giai điệu, quyện vào gió núi sương giăng dẫn tâm hồn người ta mơ màng viễn du. Giai điệu của ca khúc đã làm bao trái tim ước ao một lần đặt chân lên xứ sở Sa Pa lãng đãng mây trôi.

Huyền ảo giữa đời thực

Sa Pa đang nổi lên là một thiên đường du lịch của khu vực miền núi phía Bắc Tổ quốc. Nơi hội tụ những tinh túy của đất trời, nơi đầu sông ngọn suối với bao kỳ hoa dị thảo đủ để ru hồn mộng mơ, đủ làm mềm lòng những tâm hồn khó tính nhất. Đến với Sa Pa ta như có cảm giác bước vào một thế giới khác, thế giới của sự thương yêu và lòng thơm thảo. Mỗi ngày mới về là mỗi ngày Sa Pa như khoác lên mình tấm choàng thổ cẩm mới, lộng lẫy và lung linh hơn. Sáu dân tộc anh em, người Hmông, Dao, Giáy, Tày, Xa Phó và người Kinh cùng chung sống bình đẳng, đan xen quanh chân núi Hoàng Liên như những cánh hoa thơm thảo giữa rừng già. Đến với Sa Pa ta sẽ gặp những tâm hồn núi, hồn nhiên chân chất, yêu thương và mến khách, những bàn chân trần trên nương, trên rẫy trong mưu sinh nhọc nhằn khuya sớm. Những tâm hồn biết yêu quý thiên nhiên - di sản mà tạo hoá đã ban cho mảnh đất này, sống với rừng, nương tựa vào rừng, lấy rừng làm mái nhà che chở nâng đỡ cuộc sống.

Tôi đã có lần lang thang trên bản người Hmông Cát Cát, ở Sín Chải, Hầu Thào, ở Tả Van, Séo Mý Tỷ… Nhớ một lần lên bản Sâu Chua, nơi được cho là bản định cư cao nhất đất Việt. Trong mênh mông gió sương, được trò chuyện cùng Nghệ nhân Giàng Seo Gà. Ngồi nghe ông kể chuyện mà như nghe lời sông suối hát ca, lời khèn của nghệ nhân da diết như khúc tình ca một thời thiên di du mục, câu chuyện mối tình bất trắc nỉ non. Tôi cũng đã vài lần được nghe Nghệ nhân dân gian Sần Cháng kể về phong tục tập quán của người Giáy Tả Van, của người Tày Bản Hồ, người Dao Tả Phìn… càng hiểu hơn lòng nhiệt huyết của những cư dân yêu núi rừng quê hương mình, dù cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng người vùng cao nơi đây luôn mang phong vị ngọt ngào của suối nguồn Hoàng Liên, tâm hồn chân chất, thật thà và thẳng thắn cứng cáp như thân sa mu trên núi đá… trân quý biết bao.

Ngày mới bình yên ở Tả Van - Sa Pa
Ngày mới bình yên ở Tả Van - Sa Pa

Có lần tôi theo chân anh Vàng A Châu, người dẫn đường ở thôn Sín Chải lên khám phá thác Rồng. Trong hoang sơ ngọn thác hiện ra giữa núi xanh thăm thẳm, vùng lõi của rừng Quốc gia Hoàng Liên. Con đường mòn len lỏi trong rừng già hoang dại. Dưới tán rừng là bạt ngàn cây thảo quả mà người dân nơi đây canh tác, loại dược liệu quý này chỉ ưa nơi ẩm ướt trên núi cao, dưới tán rừng già. Anh Châu bảo khí hậu lạnh mát quanh năm thì thảo quả mới có chất lượng tốt, cho độ tinh dầu cao trong chế biến dược liệu, rồi anh nói mà như lời rừng tâm sự: “Rừng mất là thảo quả nhà chúng em cũng không còn, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất hạt vàng dưới thung kia nuôi cái bụng cũng không còn. Việc giữ rừng là giữ cuộc sống bà con mình cả đấy anh ạ!”.

Những điều nghe xưa như trái đất, ấy vậy mà vẫn có người không hiểu và cố tình không hiểu vì lợi ích trước mắt mà xâm hại môi trường, huỷ hoại mẹ thiên nhiên. Những điều to tát ấy có khi Vàng A Châu chưa hiểu hết nhưng đã ý thức bảo vệ nguồn lợi cho chính cuộc sống chúng ta.

Tạo hoá đã ưu ái ban phát cho Sa Pa thành thiên đường trong sương gió, cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, nơi có đỉnh thiêng Phansipăng cao 3.143m so với mực nước biển, còn được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Một điểm đến kỳ thú trong những kỳ thú trên mảnh đất hình chữ S chỉ cần đặt chân đến một lần đã bị mê hoặc: “Đã đến rồi ơ say lắm người ơi/say từ lúc chạm câu dân ca em hát/chạm lời da diết khèn anh/lúng liếng mắt nai/ô nghiêng/nụ đào chúm chím/ rối lòng anh lửa cháy vòng xoè/dùng dằng đi ở/dùng dằng biêng biếc mắt Tả Van/Chả lỡ hẹn đường xa gối mỏi/Cát Cát chiều vương mây tím ngang trời/anh vớt câu thơ ai thả giữa dòng/giữa thung mây trầm mặc/chiều xoã tóc Ô Quy Hồ khắc khoải/vũ vần mây bay gió thổi/vũ vẫn đời người sương gió Hoàng Liên/…”.

Quá khứ hào hùng, tương lai rạng rỡ

Đến nay Sa Pa đã bước vào hơn 120 năm hình thành và phát triển. Điều đáng mừng xứ sở này vẫn giữ được dáng vẻ thơ mộng về cảnh quan, vẫn đủ duyên níu chân bao lữ khách nhọc lòng ngày đêm mơ tưởng. Để càng ngày xứ sở trong sương lại càng lộng lẫy, xứng tầm một trung tâm du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế. Trong nhộn nhịp của những bước chân, ríu rít của tiếng cười du khách về nghỉ dưỡng và khám phá những kỳ vĩ Sa Pa, một quá khứ hào hùng trong dựng xây, gìn giữ và phát triển qua nhiều thăng trầm.

Ngày nay, mỗi du khách đến với Sa Pa không khỏi ngỡ ngàng vì sự đổi thay về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển. Đổi thay là hệ quả tất yếu của quy luật cuộc sống hiện đại song sự ứng xử của con người dù ở tầm vĩ mô hay vi mô thì điều cốt lõi là phải tôn trọng truyền thống văn hoá bản địa, phải có một tầm nhìn mang tính bền vững. Mất cốt cách bản địa, mất văn hoá dân gian dân tộc là mất hết. Hài hoà hai vấn đề giữa bảo tồn để phát triển là yếu tố then chốt. Phát triển để nâng tầm bảo tồn, tìm ra lời giải hoàn mỹ, thuyết phục. Nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dorunes: “Nếu phải hiểu để mà có thể yêu thì hãy yêu để rồi có thể hiểu”. Tôi tin như vậy, hãy cứ yêu say đắm đi rồi tình yêu sẽ mách bảo mình nhiều điều hơn.

Với bề dày lịch sử 120 năm kể từ khi đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương tìm ra cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả năm 1903. Nghĩa là trước đó người Dao, người Hmông… của làng Lồ Suối Tủng, Sa Pả đã định cư từ nhiều thế kỷ trước. Các nhà thám hiểm người Pháp khi đó ngỡ ngàng phát hiện về cảnh quan thiên nhiên cũng như khí hậu mát mẻ được ví như một góc trời châu Âu. Núi non, sông suối nơi đây là sản phẩm của tạo hoá hàng triệu triệu năm. Quan niệm của những minh triết bản địa thì nơi nào núi cao, vực sâu hiểm trở thì nơi ấy thần linh càng nhiệm màu huyền bí, họ tin vào thần linh, thần sông, thần núi, thần rừng. Theo các nhà phong thuỷ dãy Hoàng Liên Sơn là phần cuối của dãy Ai Lao Sơn bắt nguồn từ Himalaya, là một trong bốn long mạch lớn, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Hoàng Liên Sơn một huyết mạch linh thiêng của đất nước mà tâm huyệt là đỉnh thiêng Phansipăng. Hồn núi non, sông suối cũng hoà vào cốt cách văn hoá của cư dân bản địa tạo nên khí tiết con người. Đó là không gian tín ngưỡng, tôn thờ vào siêu nhiên, những phong tục tập quán như cúng thờ thần rừng, thần sông, thần suối, các lễ hội như Gầu Tào, Lồng Tồng, lễ Cấp sắc… Các làn điệu dân ca, dân vũ nhuốm màu huyền thoại. Những bản làng treo mình bên vách đá mang trên mình những trầm tích văn hoá, những giá trị lịch sử, giá trị vật thể và phi vật thể, là tài sản vô giá mà miền mây trắng này sở hữu.

Nhìn lại ngày ấy, toàn quyền Đông Dương đã có ý định biến Sa Pa thành nơi nghỉ dưỡng cho các quan binh “Mẫu quốc” và tầm nhìn lâu dài trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Khi Cao trạm Sa Pa được đặt, coi như mốc hình thành Khu du lịch Sa Pa. Điều đáng nói năm 1905 một đoàn khảo sát người Pháp đã tổ chức vượt núi băng rừng trong thời tiết khắc nghiệt, trong hoàn cảnh khó khăn tìm đường thám hiểm đỉnh thiêng Phansipăng. Đây là bước chân ghi dấu đầu tiên thám hiểm khám phá ra đỉnh cao, nóc nhà Đông Dương, mà cho đến ngày nay trí tuệ Việt Nam đã chinh phục đỉnh cao biến di sản thành tài sản phục vụ ước mơ của con người.

Nhà thơ đá cổ ở Sa Pa
Nhà thơ đá cổ ở Sa Pa

Qua những dòng tư liệu để lại. Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa và hàng loạt các mốc thời gian đánh dấu quá trình phát triển của Sa Pa. Năm 1924 mở rộng thành đường ôtô nối Lào Cai với Sa Pa và các hạ tầng cơ sở hình thành một thị trấn Sa Pa thời sơ khai Pháp thuộc - mốc quan trọng đầu tiên mở đường cho ngành du lịch lúc bấy giờ và cho đến ngày nay. Năm 1912 khách sạn đầu tiên có tên là Tào Sứ được xây dựng, đồng thời các đồn điền, công sở phục vụ mẫu quốc thực dân được hình thành. Các cơ sở hạ tầng phát triển, với tốc độ đô thị nhanh, các biệt thự lộng lẫy mọc lên. Năm 1939 lần đầu tiên Sa Pa hẻo lánh xa xôi đã có 3.000 du khách viếng thăm, một con số ấn tượng như mơ thời đó. Rồi những năm tháng dài đất nước trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến tranh, thời gian đã huỷ hoại các công trình kiến trúc, đến nay chỉ còn một vài biệt thự như minh chứng dấu tích một thời thực dân. Mãi đến những thập niên 90 của thế kỷ trước và nhất là từ năm 2000 trở lại đây Sa Pa mới thực sự được đánh thức. “Nàng công chúa” ngủ quên trong rừng mờ sương, bừng tỉnh sau những năm dài bị lãng quên.

Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch và xác định du lịch là ngành công nghiệp không khói, nền kinh tế mũi nhọn. Các cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Bản đồ du lịch đã thấy Sa Pa nổi lên như một địa chỉ đỏ đầy ma lực. Những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sa Pa dần dần được đánh thức đáp ứng nhu cầu càng ngày càng cao của “thượng đế”. Du khách trong nước và quốc tế đến với Sa Pa ngày một đông hơn. Người Sa Pa đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội chuyển đổi ngành nghề, dịch vụ để đáp ứng cho du khách. Các loại hình du lịch được mở rộng như: nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm sinh thái, bản sắc văn hoá được gìn giữ và phát huy có hiệu quả. Biến di sản thành tài sản như thắng cảnh Hàm Rồng, bãi đá cổ, thác Bạc, cầu Mây, Cát Cát, ruộng bậc thang… là cú hích cho tăng trưởng du lịch Sa Pa bùng nổ. Năm 2016 khu du lịch cáp treo Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất, lượng khách du lịch đến với Sa Pa tăng trưởng đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc.

Con đường phát triển du lịch Sa Pa đang rộng mở theo nhịp cất cánh của thời hiện đại. Có lẽ, người nghệ sĩ tài hoa Vĩnh Cát là người đầu tiên đem ý tưởng định hướng về một thành phố Sa Pa ngay từ khi nơi đây còn rừng rậm, hoang sơ. “Sa Pa thành phố trong sương, bốn mùa hoa trái ngát hương mây mù mưa bay gió lạnh… Nơi đây thành phố tương lai”. Những dự cảm về một thành phố của người nghệ sĩ thật tài tình. Nay Sa Pa đã trở thành thị xã đô thị, bản làng xa xôi hẻo lánh đã lên phố, lên phường, cuộc sống người dân đang đổi thay từng ngày. Cũng từ đó đặt ra tầm nhìn cho các nhà quản lý, hoạch định cho bước ngoặt mới để Khu du lịch Sa Pa bứt phá xứng tầm. Sa Pa đã và đang được đầu tư phát triển với các dự án lớn, như: Sân bay Sa Pa, đường kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khu tổ hợp công viên văn hóa Mường Hoa, khu vui chơi giải trí do Sun Group đang được đầu tư đưa vào vận hành sẽ tạo điểm nhấn, cơ hội lớn để du lịch Sa Pa bứt phá nhanh mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu và tiêu chí ngày càng cao của du khách.

Tình người góp những mùa hoa

Tôi có diễm phúc bởi những tháng năm ngang dọc miền mây trắng, rồi cứ hỏi điều gì đã làm tôi mê mẩn xứ núi này. Những núi cao vực thẳm? Những cánh rừng cổ tích? Những thung mây ỡm ờ mơ ngủ? Những văn hoá trầm tích thấm sâu hồn cốt dân tộc? thật khó bề giải nghĩa ngọn nguồn. Các mạch nguồn dù nhỏ to gì thì vẫn ngày đêm lích rích tuôn chảy, đều khởi thuỷ từ thượng nguồn đây đó để đắp bồi. Và nữa, miền mơ tưởng mờ sương này đã cho tôi yêu quý hơn bởi những công dân nơi đây có những người thuộc máu mủ họ hàng nội, ngoại nhà tôi. Có những gia đình lên đây thời làm phu hồ xây dựng các biệt thự cho chủ nghĩa thực dân từ những năm 1937 - 1945. Họ đã bám trụ nơi này, dắt díu các thế hệ con cháu, người làng lên tìm sinh kế cho cuộc sống. Và rồi cái thị trấn nhỏ bé ấy đã bao dung, rộng mở đón những người làng tôi, nơi cái rốn nước đồng bằng Bắc Bộ, chiêm khê mùa thối thuộc huyện Bình Lục - Hà Nam, đến nay ai cũng an cư lạc nghiệp và coi đây là quê hương của mình. Tôi đã chuyện trò với ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai. Ông chính là cháu nội của cụ Phạm Khả Vòi - người đầu tiên khởi xướng cho dân quê tôi lên xứ mờ sương này lập nghiệp ở những năm 40 thế kỷ trước, câu chuyện đó đã được ghi chép trong cuốn “Sử ký đất và người Đồng Du” được Hội Nhà văn xuất bản tháng 3/2023. Chuyện kể xuất phát từ đói nghèo của những thập niên 40 thế kỷ XX, cụ Phạm Khả Vòi và những công dân Hà Nam lúc bấy giờ đi làm thuê, làm mướn dọc con đường thiên di và khi đến đất này đã dừng lại, định cư, mở mang đất đai nơi thung lũng Mường Hoa màu mỡ, làm trang trại trồng hoa và hạt giống rau quả. Rồi từ chỗ làm thuê ông cụ đã đi thuê người làm. Với suy nghĩ phải đưa những người bà con anh em lên cùng khai phá, cùng hưởng lợi. Đất lành chim đậu, cộng đồng người quê tôi càng ngày càng góp mặt, góp phần tạo dựng những vườn rau sản xuất hạt giống cung cấp cho các nơi, sau này lớn mạnh, thành lập hợp tác xã hạt giống rau Sa Pa. Cũng sau đó Nông trường quốc doanh rau quả và bò sữa Sa Pa ra đời. Người quê tôi đã góp một phần nhỏ những nhân tố dựng xây mảnh đất để bây giờ khi nghe: “Ta gặp nhau vườn thơm quả chín/Anh tặng em một cành mận tím/Gửi ra tiền phương hạt giống em ươm trồng/Gửi tới biên cương cả tình em yêu thương…” mà lòng xao xuyến bâng khuâng…

Vào một chiều nắng đẹp, tôi lang thang, đứng từ lầu vọng cảnh khu du lịch Cát Cát ngước nhìn về thị trấn, mới thấy hết được dáng vẻ kiều diễm của Sa Pa mà lòng lâng lâng cảm xúc. Các tầng lớp nhấp nhô bám vào sườn non, trong xanh bên những thân cây sa mu cao vút, ảo mờ dưới nắng chiều, Sa Pa như tráng lên mình lớp kem huyền ảo yêu kiều. Miền mơ tưởng trong tôi đã hiển hiện mà ngỡ ngàng như đang mơ./.

Trải nghiệm khám phá cao nguyên đá Đồng Văn- miền trầm tích cực Bắc tổ quốc Đến hẹn lại về Khách ở quê ra - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu Ba người lính trong rừng Lào - Truyện ký của Phạm Quang Đẩu Cây Cà Na và ký ức tuổi thơ. Tản văn Kim Quyên
Nguồn Tạp chí Phansipăng (số tháng 6/2024)
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...