Chuyên đề

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái

Lâm Hạnh
Văn học nhà trường
09:00 | 03/11/2024
Baovannghe.vn - Trong sự nghiệp sáng tác, Cao Duy Sơn ít viết cho thiếu nhi, nhưng trong số ít ấy có truyện ngắn Chích bông ơi! đã được đưa vào Ngữ văn 6, tập 2, bộ Cánh diều.
aa

Cao Duy Sơn là người con của núi rừng Đông Bắc bộ. Lớn lên ở thung lũng Co Xàu (tên cũ của thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), trong ông đã thấm đẫm khí chất nơi đó. Vì vậy, Cao Duy Sơn viết về vùng đất này tự nhiên như hơi thở của mình và dù viết bao nhiêu tập sách đi nữa thì ông vẫn thấy mình vẫn còn mắc nợ quê hương, không sao trả hết.

Một cú sốc cho... người lớn

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái
Nhà văn Cao Duy Sơn

Truyện ngắn Chích bông ơi! là sáng tác đầu tiên mà Cao Duy Sơn dành cho độc giả nhỏ tuổi. Ông viết tác phẩm này vào khoảng cuối những năm 1980, từ câu chuyện có thật của mình, lúc con trai ông gần 4 tuổi. Một buổi sáng, con trai bước ra hàng cây trước nhà, nghe tiếng kêu lích rích của một con chim đang bị mắc kẹt trên đó. Chú bé gọi pa (bố) và được pa giải thích rằng đó là chim chích bông, sau đó thả về bầu trời.

Hình ảnh hai bố con thả chích bông bay đi khiến tác giả của câu chuyện này nhớ về một kỷ niệm đáng buồn của mình. Hồi trạc tuổi con, ôngcũng ham sở hữu một chích bông còn non, rồi làm chết trong tay mình. Đó là một nỗi ám ảnh cho đến lớn.

Hỏi Cao Duy Sơn một sáng tác cho trẻ con mà gợi lên mất mát nặng lòng như vậy liệu có gây sốc cho chúng không, ông trả lời: "Không, đó chính là một cú sốc cho người lớn, với những lỗi lầm sẽ ám ảnh khôn nguôi. Tự sửa mình là một bài học lớn cùng với những bài học khác mà ai cũng phải đối mặt. Ai cũng nên vượt qua mất mát, đau thương để đến với điều đẹp đẽ nhất. Trẻ con biết nghe lời để thả chim bay đi là một điểm tích cực, rằng thế hệ sau đã học được bài học từ người lớn để không lặp lại lỗi lầm ấy".

Ông viết truyện ngắn này trong nỗi tiếc nuối về con chim nhỏ bất động trong tay, nhưng có cả niềm vui vì con trai ông đã có những cảm xúc tốt hơn mình về thiên nhiên xung quanh. Đây là một sáng tác ông viết tặng con trai và những đứa trẻ sẽ lớn lên luôn mang theo tâm hồn trong trẻo.

Từ câu chuyện của mình, nhà văn cho rằng đối với mỗi người, yêu thiên nhiên và quý trọng sự sống phải được giáo dục ngay từ bé. Nhưng nếu chỉ là câu chuyện ấy thì có lẽ truyện ngắn này không nhiều thú vị như nó vốn có. Cao Duy Sơn đã đem đến cho bạn đọc một không gian trải dài trước mắt, ở đó ta cảm nhận được hơi gió, được cái xanh bạt ngàn của nương rẫy và tiếng con người hòa quyện nhẹ nhàng vào thiên nhiên.

Chỉ cần vài dòng sau đây, bạn đọc đã có thể cảm nhận được cái dịu mát núi rừng: "Buổi sáng Vần theo pa lên nương. Gió từ thung sâu vượt lên, thổi lá rừng ào ào nghe như mưa mùa Hạ. Giờ đã vào Thu. Nương lúa nếp nhà Vần đã bắt đầu mượt như lụa đang dập dềnh trong gió".

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái
Truyện ngắn “Chích bông ơi!” xuất hiện từ trang 76 đến trang 79 của “Ngữ văn 6”, tập 2, bộ Cánh diều

Không phải chỉ cần những tên riêng như Dế Vần, Ò Khìn hoặc cách gọi bố mẹ là pa mé là đã có thể đưa bạn đọc đến với rừng núi phía Bắc, mà chính những dòng văn miêu tả trong truyện đã gợi lên không gian nơi ấy rất rõ ràng.

Tiếc nhớ những điều xưa cũ

Trưởng thành ở một nơi mà núi rừng bao la, con người thưa vắng như lũng Co Xàu của Cao Bằng ngày trước, nên Cao Duy Sơn trầm lắng. Giữa không gian không có tiếng ồn ào của con người, chỉ có âm thanh của cây cối bạt ngàn, rẫy nương đầm ấm và các sinh vật sống cùng, có lẽ con người không cần nói nhiều, chỉ với một lượng âm thanh ít ỏi thôi là đủ. Nhà văn tâm sự: "Ở lũng Co Xàu của tôi, nhịp sống rất chậm. Con người ít nói và chỉ gật đầu chào nhau".

Ông tiếp tục theo dòng suy nghĩ của mình: "Có lẽ tôi cũng giống như nhiều nhà văn khác, luôn thấy không đâu đẹp bằng quê hương mình. Nơi đó là thế giới thần tiên với tuổi thơ và dù tôi có đi lại nhiều nơi thì vẫn là để cảm nhận được quê mình nhiều hơn. Nhịp sống có đổi thay nhưng phố xá vẫn còn nguyên, những người mình biết có người còn người mất nhưng câu chuyện về họ thì vẫn còn mãi. Vì vậy, tôi viết về nơi này cả đời không hết. Viết để níu kéo những điều chẳng còn".

Cao Bằng và thị trấn Co Xàu luôn thơ mộng trong mắt Cao Duy Sơn, dù giờ đã nhộn nhịp hơn. Ông chỉ nói về quê hương khi được hỏi thôi, cũng đã rất… văn: "Sự thanh bình của lũng Co Xàu tác động đến tôi nhiều nhất. Thị trấn vắng người, mùa Đông càng vắng. Những cụ già thọc tay vào chiếc áo bông, ngồi trước cửacủa mái nhà tranh bên cạnh chiếc cối đá, nhìn đàn chim sà xuống, nhìn con ngựa, con chó hoang đi ngang qua trong bụi mưa lất phất".

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái
Tiểu thuyết “Đàn trời” đã được dựng thành phim

Chính vì vậy, nên dù biết cuộc sống vốn dĩ phải đổi thay, nhưng ông vẫn nhìn những điều xưa cũ trôi đi trong niềm tiếc nhớ. Đi bộ đội về, nhìn những chiếc đèn điện được thắp lên, cũng khiến ông nhớ những ngày chân đất đi học và học bài bằng ngọn đèn thắp bằng mỡ lợn.

Sống trong thiên nhiên ấy, tầng văn hóa ấy có lẽ con người khó có thể cay nghiệt với nhau, nên hầu hết những tác phẩm của Cao Duy Sơn dù có bao nhiêu nỗi buồn, thì vẫn thắp lên điều nhân ái, khiến chúng tươi sáng. Buồn, đẹp và lãng mạn tựa như làng mạc nơi ông thuộc về.

Cao Duy Sơn suy nghĩ nhiều về ngày xưa và những đổi thay hiện nay, nên dùng những trang văn của mình để níu kéo. Chúng ta sẽ gặp các tập tục, lễ hội của người Tày như tục diễn rối đầu gỗ, hát khai vải Xuân, gọi hồn, chợ tình… Ông nói rằng mình có chút tự hào vì những sáng tác đã được sự đồng cảm của những nhà quản lý văn hóa, nên những tập tục, lễ hộitốt đẹp xưa tưởng chừng bị mất đi đã dần dần được "hồi sinh", dĩ nhiên bằng hình thức khác hơn, nhưng cũng xem như ông đã đóng góp được phần nào cho quê hương.

Nợ những sáng tác cho thiếu nhi

Nhắc lại câu chuyện Chích bông ơi!, Cao Duy Sơn có phần bùi ngùi cho rằng mình sáng tác cho thiếu nhi ít quá, vì mải bận lòng với những điều khác. Ông luôn xem đó là một món nợ và sẽ viết để trả nợ cho bạn đọc nhỏ tuổi trong tương lai không xa.

Ông vẫn còn mải chạy theo những đề tài dành cho người lớn, để suy tư về quê hương, về văn hóa, nên ít quan tâm tới những điều khác, âu cũng là một cách tự nhiên chạy theo cảm xúc của mình. Với ông, viết cho người lớn hoặc thiếu nhi chẳng khác gì nhau, miễn có tài và có duyên thì nhà văn sẽ khẳng định được giá trị của mình.

Nhà văn Cao Duy Sơn: Đến nỗi buồn cũng cần thắp lên điều nhân ái
Tiểu thuyết "Đàn trời" đã được dựng thành phim

Ở tuổi gần 70, gần như ông chỉ còn một suy nghĩ duy nhất là phải đối diện với chính mình để vượt qua những hạn chế của bản thân. Ông nói: "Tôi không có tài lắm đâu, chỉ thích vượt qua các thách thức với đầy ham mê".

Hỏi ông liệu một nhà văn có dễ dàng đối diện với những hạn chế của bản thân không? Ông bảo: "Ai cũng có lúc đối diện với chính mình, quan trọng là có dám nói ra một cách thực tâm, điềm tĩnh và đầy trách nhiệm không mà thôi". Hiện tại, ông đang viết một cuốn tiểu thuyết về vùng đất, con người miền núi thời hiện tại, với những nét văn hóa cũ đang dần phôi pha.

Cao Duy Sơn có tên khai sinh là Nguyễn Cao Sơn, sinh năm 1956 tại Cao Bằng. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Trong rất nhiều tác phẩm đã xuất bản, tiêu biểu có các tiểu thuyết như: Người lang thang, Cực lạc, Hoa mận đỏ, Đàn trời, Chòm ba nhà...; và những tập truyện ngắn như: Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Ngôi nhà xưa bên suối, Những đám mây hình người, Hoa bay cuối trời...

Ông đã được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2009, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2008, Giải A Văn học dân tộc thiểu số của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993...

thethaovanhoa.vn
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.