Diễn đàn lý luận

Thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng: Mĩ cảm hài hòa với thiên nhiên

Nguyễn Thùy Trang
Lý luận phê bình
10:54 | 17/09/2024
Baovannghe.vn - Trong dòng chảy thi ca Việt Nam đương đại, số người làm thơ khá lớn; nhưng để ghi dấu “triện” ở mảng thơ thiếu nhi, quả thực không nhiều. Sáng tác cho thiếu nhi đến nay đã ba mươi năm, có thể nói, nhắc đến nhà thơ thiếu nhi, không thể không nhắc đến Nguyễn Lãm Thắng.
aa

Qua hai thi phẩm Giấc mơ buổi sángMùa xuân em yêu, tuổi thơ yên bình, mộc mạc và hồn nhiên được khắc họa với nhiều màu sắc, thanh âm và xúc cảm chân thành. Mỗi bài thơ của Nguyễn Lãm Thắng là một câu chuyện thú vị, đáng yêu được nhìn dưới ánh mắt trẻ thơ. Qua những dòng trữ tình trìu mến, thân thương ấy, mỗi độc giả đều rút ra cho mình bài học sâu sắc. Trong đó, mĩ cảm hài hòa với thiên nhiên được Nguyễn Lãm Thắng nhấn mạnh như một chỉ dẫn quan trọng hướng con người đến với sự thiện lành, trong trẻo.

Nhân sinh chỉ thực sự hạnh phúc và tốt đẹp khi biết sống tôn trọng tự nhiên. Tinh thần “Thiên - Địa - Nhân” như mạch nguồn văn hóa phương Đông, cũng là đích hướng của con người hiện đại, khi vấn nạn môi trường đang diễn ra nghiêm trọng hiện nay. Thiên nhiên là người mẹ dung dưỡng, bảo bọc và cung cấp những kinh nghiệm quý giá. Hiểu thấu chức năng giáo dục của văn học đối với thiếu nhi, hơn nữa, ấp ủ mong muốn gìn giữ cho thế hệ tương lai một Trái đất xanh, Nguyễn Lãm Thắng đã đan cài vào thơ hệ thống mĩ cảm hài hòa thiên nhiên trên các phương diện: đề cao vai trò của tự nhiên trong việc khai mở nhận thức cho trẻ thơ; ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên qua hương sắc bốn mùa; hình thành lối sống hài hòa cùng vạn vật và bảo vệ môi trường.

Thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng: Mĩ cảm hài hòa với thiên nhiên
Nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng.

1. Đề cao vai trò của tự nhiên trong việc khai mở nhận thức cho trẻ thơ

Từ lúc chào đời cho đến khi về miền miên viễn, con người luôn gắn bó và là một phần của tự nhiên. Chắt chiu những kinh nghiệm cũng như tâm tình của một người cha, một nhà giáo, Nguyễn Lãm Thắng khẳng định tự nhiên là người thầy vĩ đại, dẫn lối cho trẻ thơ tìm tòi, khám phá những điều kì thú xung quanh; qua đó, hiểu sâu hơn về thế giới. Ngay từ lời ru trên nôi, mẹ đã truyền cho bé những huyền diệu cảnh vườn: À ơi! Con mẹ ngủ ngoan/ Con chim sâu nhỏ hót vang sau vườn/ Đung đưa cành bưởi tỏa hương/ Con ong chăm chỉ lên đường tìm hoa/ À ơi! Cái ngủ thật thà/ Nắng mùa đậu xuống hiên nhà vàng ươm (Lời ru). Bước chân đầu tiên của bé là chập chững rong chơi, khám phá thiên nhiên: Con đuổi theo nắng sớm/ Con đua cùng cỏ xanh/ Này đôi chân bé xíu/ Chạy vòng quanh, vòng quanh (Bước chân đầu tiên). Dường như, có sợi dây vô hình kết nối trẻ thơ và thiên nhiên, ngỡ một sự đưa đường dẫn lối của tạo hóa đối với những “thiên thần nhỏ”.

Giấc mơ buổi sáng là tập thơ minh chứng cho sự định hướng của tự nhiên trong tâm thức trẻ. Trong giấc mơ buổi sáng/ Em gặp ông mặt trời/ Mang túi đầy hoa nắng/ Rải hoa vàng khắp nơi/ Trong giấc mơ buổi sáng/ Em qua thảo nguyên xanh/ Có rất nhiều hoa lạ (Giấc mơ buổi sáng). Giữa khí quyển xanh tươi của đất trời, trẻ em luôn được nhà thơ đặt ở vị trí trung tâm, như những bông hoa rực rỡ cần được bảo bọc, chăm sóc và dạy dỗ. Bởi thế, thiên nhiên còn là nơi lưu dấu những kí ức đẹp cho trẻ, từ đó, góp phần bồi dưỡng tâm hồn tinh tế: Có một khúc dân ca/ Thơm lừng hương cỏ dại/ Có tuổi thơ đẹp mãi/ Là đất trời quê hương (Nơi tuổi thơ em). Tâm hồn trẻ được vun đắp, tưới thấm giữa không gian “biêng biếc mây trời”, trong “tiếng chim vui ngọt”, dưới “ban mai nắng ấm”, giữa “hoa thơm thơm mãi”.

Đến với tập thơ Mùa xuân em yêu, người đọc lại vừa được đắm chìm trong điệu valse mùa xuân êm ái, xanh trong vừa được cùng thiếu nhi tiếp nhận nhiều bài học bổ ích. Bé nhận thức được sự mạnh mẽ vươn lên từ câu chuyện dưa hấu vượt sỏi cát, nắng gió để mang đến trái ngọt cho đời (Dưa hấu); sự cần thiết phải mở cửa giao lưu bên ngoài (Cửa sổ); vai trò quan trọng của những đồ vật bình thường như cái đinh, kim chỉ, cây chổi, biển báo, giỏ rác, chiếc ô… Mỗi bài thơ trong tập Mùa xuân em yêu là một bức tranh sinh động, nơi từng nét vẽ thấm đẫm ánh sáng bình minh và rực rỡ lá hoa. Vì đâu quả ớt lại cay/ Quả bòng the, quả chanh này lại chua/ Quả cam thì ngọt suốt mùa/ Quả mướp đắng mới lạ chưa? Lắc đầu/ Chịu thua, bé hỏi vì đâu?/ - Mỗi loài, mỗi quả, ngọt ngào, đắng, cay/ Giống như trên cõi đời này/ Mỗi người mỗi vẻ, chẳng ai giống mình/ Cây thì cho trái trĩu cành/ Trái thì cho hạt tạo thành cây non/ Nhà mình bố, mẹ và con/ Con là quả ngọt, phải ngoan thật nhiều (Bé đã hiểu). Lối so sánh và dẫn nhập “con là quả ngọt” với “phải ngoan” vừa như giảng giải cho bé, vừa thủ thỉ tâm tình. Điều này khiến bé dễ dàng “ngoan”, biết nghe lời mà không cảm thấy bị ép buộc hay áp đặt tiêu chuẩn của người lớn. Ấy là vì Nguyễn Lãm Thắng đã “mượn” thiên nhiên để khai mở cho bé biết về những điều hay lẽ phải một cách ý vị, chân thành.

Nguyễn Lãm Thắng luôn nhìn dưới góc độ trẻ thơ với trái tim tràn đầy hồn nhiên; đồng thời tìm kiếm những cách biểu đạt đơn giản, gần gũi để khắc họa vạn vật bằng những nét vẽ tinh tế và chân phương. Vì thế, thiên nhiên trở thành đối tượng để bé lí giải về thế giới, đặc điểm sự vật, cách thức hoạt động của các thuộc tính xung quanh. Qua thiên nhiên, bé nhìn ngắm, quan sát, học hỏi những điều thú vị mà không lớp học, máy tính, phương tiện truyền thông nào có thể làm được!

2. Ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên qua hương sắc bốn mùa

Bắt mạch vào tự nhiên, thơ Nguyễn Lãm Thắng là những khúc ca tán dương vẻ đẹp thiên nhiên, đặc biệt xuân hạ thu đông trở thành chủ điểm của nhiều thi phẩm. Hương sắc bốn mùa được nhà thơ khắc họa với những nét đặc trưng, mỗi mùa là một hương thơm, phong vị khác nhau. Xuân đến mai vàng nở/ Hè lại phượng khoe hồng/ Thu sang cúc vàng rộ/ Ðiên điển rợp ngày đông (Bốn mùa hoa).

Trong mắt trẻ, mùa xuân luôn lấp lánh phép màu và được mong chờ nhất. Bởi xuân mang nhịp điệu tươi trẻ như bé thơ, mùa hồi sinh cây cỏ, tết đoàn viên muôn nhà, bé được lì xì, thăm ông bà, ngắm những chồi non nảy lộc. Hiểu điều này, Nguyễn Lãm Thắng viết rất nhiều bài về mùa xuân và khéo léo tạo ra chủ thể trữ tình với đôi mắt trong sáng, say mê trước sự chuyển mình thời gian. Chợt mùa xuân đến mượt mà chồi non/ Đàn chim vui hót véo von/ Từng đôi bướm lượn rập rờn dưới hoa/ Trời xanh, xanh thật xanh thà/ Đem tơ nắng rắc la đà ngõ xuân (Đón xuân). Mùa xuân với đàn chim hót vang và bướm bay rập rờn khoác lên không khí đầy năng lượng. Ánh trời xanh trong và tia nắng nhẹ nhàng rắc tơ trên ngõ, khiến tâm hồn bé nhỏ bâng khuâng, hồi hộp đón chào mùa mới. Những hình ảnh giản dị nhưng giàu sức biểu đạt đã khắc họa rõ nét niềm vui, sự tươi mới của mùa xuân, đồng thời gợi lên cảm giác mong chờ, háo hức.

Đến mùa hè, trẻ được đánh thức mọi giác quan bởi những thanh âm sống động, màu sắc rực rỡ, hương thơm ngạt ngào, dễ cảm chạm vào nắng, gió và mây. Hè về trong tiếng chim/ Hót mừng mùa trái chín/ Mùi hương dắt bé tìm/ Quả đầu mùa ngọt lịm (Bạn trong vườn xanh); Mùi hương bay mong mỏng/ Thơm đẫm vào ban mai/ Gió chạm khóm hoa lài/ Mang hương đi khắp lối (Buổi sáng quê nội). Hương dìu dặt lan tỏa, dẫn lối cho trẻ trong hành trình khám phá phong vị mùa màng. Những quả đầu mùa chín mọng không chỉ mang đến sự thích thú mà còn gợi nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ; qua đó khởi sinh tình yêu thiên nhiên và sự hân hoan đời sống. Mỗi bài thơ về mùa hè đều gợi lên bức tranh rực rỡ, dắt người đọc đi giữa miền du dương của hương thơm và thanh sắc.

Mùa thu trong thơ Nguyễn Lãm Thắng lại quyến dụ hoa cúc ươm nồng, “nắng mùa thu nhuộm vàng ươm quả thị” (Mùa thị vàng), “con đường đến lớp trong ngần tiếng chim” (Mùa thu xanh), “cặp sách thơm lừng hương vở mới” (Hương mùa thu), “đêm thu tràn hương lúa, thơm nức con đê làng” (Đêm mùa thu); và không thể thiếu tiếng trống lân rộn rã, ông trăng hóm hỉnh cùng chị Hằng xinh tươi (Đêm trung thu). Những điều này đã khiến lễ hội Trung thu trở thành niềm nô nức với trẻ. Ông trăng ơi! Xuống đây chơi/ Cùng với bé/ Đừng lặng lẽ/ Trên trời cao Xuống đây nào! Cùng múa hát (Ông trăng ơi). Lời gọi “Ông trăng” được lặp lại nhiều lần thể hiện mong muốn giao hòa chân thành của bé. Trăng được nhân cách hóa như người bạn, người đồng hành trong đêm rằm, cùng bé múa hát và phá cỗ. Nhờ đó, thơ Nguyễn Lãm Thắng không chỉ gợi nhớ về những đêm trung thu đầy ắp tiếng cười mà còn nhắc nhở về những giá trị đơn sơ, giản dị trong cuộc sống. Viết về mùa thu, nhà thơ đã tạo nên hình ảnh em bé ngây thơ, trong trẻo, luôn mong mỏi có sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên.

Sang đông, khi cái lạnh tràn về, cũng là lúc con người cần hơi ấm của yêu thương và đùm bọc. Thiên nhiên, vì thế, mang cái đẹp của tình người. Mĩ cảm hài hòa tự nhiên được Nguyễn Lãm Thắng nâng lên tầm nhập thân vào vạn vật, để cùng khắc trải sương gió tuyết mưa và thẩm thấu niềm thương cảm muôn loài. Cỏ xác xơ trong gió/ Mưa thấm lạnh chiều đông/ Cỏ không mang áo ấm/ Đứng run run bên đường/ Thương anh em nhà kiến/ Lạc mẹ hôm bão về/ Mồi không còn một miếng/ Một đàn không áo che (Con đường mùa đông). Từ nỗi xúc động, đồng cảm với thiên nhiên, nhà thơ hướng thiếu nhi yêu thương đồng loại, chia sẻ và biết ơn. Là Thương ông già Noel/ Đi ngoài trời gió rét (Ông già Noel); thương cha mẹ tảo tần: Mẹ rút từng sợi mưa/ Trên đôi tay lạnh cóng/ Mẹ đan sớm vào trưa/ Thành chiếc khăn ấm áp/ Mẹ choàng vào cổ con/ Dải tình thương nồng ấm/ Con đi giữa chiều đông/ Gió mưa dường bớt lạnh (Chiếc khăn mùa đông)… Nguyễn Lãm Thắng có nhiều bài thơ mùa đông nhẹ nhàng mà sâu lắng như thế, vừa khơi lên lòng nhân ái bao la, vừa như một lời nhắc nhở rằng, khi con người biết yêu thiên nhiên, chúng ta mới dễ dàng chia sẻ tình thương và sưởi ấm nhau vượt qua những ngày tháng lạnh lẽo cuộc đời.

Phần nhiều trong thơ Nguyễn Lãm Thắng, độc giả thường bắt gặp những hình ảnh thiên nhiên hết sức bình dị, nhỏ bé, tầm thường mà người đời thường hay bỏ quên. Nhưng đối với thiếu nhi, chúng lại trở thành những đối tượng thẩm mĩ dễ cảm thấu, dễ chiếm lĩnh bằng trực giác nguyên sơ, xúc giác hồn nhiên, đôi mắt tinh khôi của người trẻ mới bước vào đời. Mỗi mùa đi qua bánh xe thời gian nhẹ nhàng như con thoi, không vướng bận những cặn lắng lo toan, xô bồ, chỉ có cái đẹp của vạn vật luyến lưu lòng người.

3. Hình thành lối sống hài hòa cùng vạn vật và bảo vệ môi trường

Giá trị của thơ thiếu nhi không giúp trẻ nhận thức và khám phá thế giới, mà còn giáo dục và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp cho trẻ thơ. Yêu thiên nhiên là vậy, nên thơ thiếu nhi Nguyễn Lãm Thắng luôn hướng đến hình thành lối sống hài hòa cùng vạn vật. Dường như không có bài thơ nào tác giả tách rời chân dung các bé với tình cảm gia đình và thiên nhiên. Em vươn vai đứng dậy/ Trái đất đã xanh rồi/ Giữa biêng biếc mây trời/ Tiếng chim vui ngọt quá/ Quàng khăn xanh biển cả/ Khoác áo thơm hương rừng/ Trái đất mang trên lưng/ Những đứa con của đất (Em nghĩ về Trái đất). Trẻ thơ như một biểu tượng cho sự thức tỉnh, khởi đầu ngày mới, mở ra một hành trình khám phá Trái đất. Những chi tiết “quàng khăn xanh biển cả”, “khoác áo thơm hương rừng” thể hiện sự hợp nhất giữa con người và thiên nhiên - mối liên kết không thể tách rời. Trái đất không chỉ là hành tinh vô tri, mà còn là người mẹ nuôi dưỡng “những đứa con của đất”, bao gồm cả con người và toàn bộ sinh vật sống. Các bài thơ Nghĩ về Trái đất, Trong giấc mơ buổi sáng, Mùa xuân em yêu… đều gửi gắm tình yêu và sự trân trọng thiên nhiên, đồng thời gợi lên niềm lạc quan về thế giới xanh tươi.

Từ tình yêu và lối sống hợp nhất cùng tự nhiên, nhà thơ còn gửi gắm ý thức bảo vệ hệ sinh thái cho thiếu nhi. Qua những hành động nhỏ như quét nhà, nhặt rác nơi công cộng, không bẻ hoa công viên, làm sạch vệ sinh trường lớp…, nghĩa là bé đã biết giữ gìn cảnh quan môi trường. Bé cũng có thể ươm những mầm xanh, trồng những chồi non để lá phổi của Trái đất ngày càng sinh khí. Mùa xuân em đi trồng cây/ Nắng lên từ phía bàn tay em trồng/ Đồi hoang sẽ hoá rừng thông/ Núi loang lổ cháy sẽ bùng màu xanh/… Nắng xuân xanh biếc khắp miền/ Ngày mai xanh biếc phủ trên núi đồi (Mùa xuân em trồng cây). Hình ảnh nắng lên từ bàn tay người trồng cây, đồi hoang hóa thành rừng thông, và những ngọn núi loang lổ cháy bỗng chốc ngập tràn màu xanh mang đến một cảm giác hi vọng và tái sinh mạnh mẽ. Những câu thơ như lời ca ngợi tinh thần lao động cần cù, đoàn kết của con người, khi tất cả cùng chung tay vun gốc, nâng cành để tạo nên Trái đất xanh biếc. Thơ không chỉ tôn vinh sự lao động mà còn gửi gắm niềm tin vào tương lai tươi sáng, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện cùng nhau tạo nên những điều kì diệu.

*

Einstein từng nói: “Điều kì diệu nhất của thế giới là con người có thể hiểu biết thế giới.” Nhưng có lẽ chúng ta nên nói thêm rằng: Điều kì diệu nhất của thế giới chính là con người không chỉ hiểu biết mà còn biết thương yêu thế giới. Vậy, hiểu biết, thương yêu thế giới có phải là phẩm chất cao cả và sứ mệnh lớn lao nhất của con người? Dễ dàng nhận thấy, chừng nào con người còn đối kháng tự nhiên như kẻ thù, hay nô lệ, lúc đó, không thể có hạnh phúc. Hạnh phúc thực sự là khi ta sống hòa hợp với tự nhiên, kết nối toàn bộ sự sống, tạo nên mạng lưới sinh thái thống nhất, bện chặt. Nguyễn Lãm Thắng đã lựa chọn đến với thiếu nhi, gieo vào đó những mầm xanh, khúc xạ ánh sáng lấp lánh của mĩ cảm hài hòa thiên nhiên như một cách thức xóa tan định kiến rằng thơ thiếu nhi chỉ là những câu từ sáo rỗng. Nhà thơ gửi vào thơ những triết lí nhân sinh sâu sắc, chạm đến tận cùng cảm xúc của trẻ thơ và độc giả mọi lứa tuổi.

Nguyễn Thùy Trang | Báo Văn Nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Khoảng trống thơ thiếu nhi Sự khác biệt trong thơ thiếu nhi của Đông Trình Thơ viết cho thiếu nhi: Khi cảm xúc được nuôi dưỡng "Mùa hè ra biển" của Hồ Huy Sơn: Khi thơ thiếu nhi không chỉ dành cho thiếu nhi Chùm thơ thiếu nhi của Lê Hồng Thiện
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng