Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1921, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (sau thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Ông mất ngày 20 tháng 7 năm 2007 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi. Bút danh Kim Lân của ông gắn với nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu mà đôi bạn thân Nguyễn Đăng Bẩy và Nguyễn Văn Tài yêu thích. Nghệ sĩ nhân dân, nhà quay phim Nguyễn Đăng Bẩy lấy tên là Khương Linh Tá, còn Nguyễn Văn Tài lấy bút danh là Đổng Kim Lân. Bút danh đó đã đi cùng văn nghiệp của ông.
Nhà văn Kim Lân - Ảnh: Tư liệu |
So với nhiều bạn bè cùng trang lứa trong làng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện, Kim Lân chỉ được học hết bậc tiểu học rồi phải đi làm. Thấu hiểu hoàn cảnh và gia đình nghèo của mình, ông luôn biết phận mình, không dám đòi hỏi gì, chỉ cặm cụi học hành và sớm phải lo kiếm sống. Ông chăm chỉ đi phụ việc như sơn guốc, khắc tranh bình phong... giúp gia đình. Ngoài thời gian trên, Kim Lân tham gia tích cực hoạt động văn nghệ ở địa phương.
Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941, tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Năm 1942, Kim Lân trình làng truyện Đứa con người vợ lẽ trên tuần báo Trung Bắc chủ nhật và từ đó hàng loạt tác phẩm Đứa con người cô đầu, Người kép già, Nên vợ nên chồng, Con mã mái... xuất hiện đều đặn trên báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật, tạo được sự chú ý của độc giả.
Văn nghiệp Kim Lân không thể tính đếm, đong đo bằng lượng, mà phải cảm nhận bằng chất, bằng tinh hoa văn hóa Kinh Bắc được chưng cất, chắt lọc nên những tác phẩm có giá trị bền bỉ, độc đáo, đặc sắc trên hai phương diện văn học và nghệ thuật. |
Năm 1944, Kim Lân tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Cách mạng và kháng chiến bùng nổ, ông làm phóng viên cho các báo của lực lượng vũ trang cách mạng như: Chi Lăng, Xông pha, Dân quân Việt Bắc. Từ năm 1948, ông làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam. Truyện ngắn Làng viết trong thời gian này. Sau hòa bình 1954, nhà văn công tác ở các cơ quan văn nghệ, tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, được in trong tập truyện Con chó xấu xí, có tiền thân từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm bị mất bản thảo khi đang viết dang dở. Sau hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện Vợ nhặt. Sau nhiều năm "gác bút", năm 1969, ông viết truyện Bà mẹ Cẩm. Ông từng là Ủy viên Ban phụ trách Nhà xuất bản Văn học, trải qua nhiều vị trí công tác ở Trường bồi dưỡng những người viết trẻ, tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Tác phẩm mới cho đến khi nghỉ hưu.
Tranh của họa sĩ Văn Quân |
Kim Lân là nhà văn tài hoa của làng quê. Ông viết không nhiều, nhưng những tác phẩm đều để lại dấu ấn trong lòng người đọc. Văn nghiệp Kim Lân không thể tính đếm, đong đo bằng lượng, mà phải cảm nhận bằng chất, bằng tinh hoa văn hóa Kinh Bắc được chưng cất, chắt lọc nên những tác phẩm có giá trị bền bỉ, độc đáo, đặc sắc trên hai phương diện văn học và nghệ thuật.
Kim Lân là người chỉn chu, ý tứ, tinh tế, trau chuốt kỹ lưỡng. Ông rất kỹ tính trong nghề văn, không cho phép sự cẩu thả với nghề. Một chữ viết ra ông đều trân trọng, nâng niu.
Về văn xuôi là nghề của tôi, trước sau tôi thần phục có ba người là ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này, viết lách được cái gì, thường cũng lấy văn của ba ông làm chuẩn (nhà văn Nguyễn Khải). |
Tính tự truyện được thể hiện rất rõ trong những tác phẩm của Kim Lân. Đọc những trang viết của ông có thể cảm nhận chúng được chắt lọc ra từ cuộc đời, làng quê ông ngôi làng Chợ Giầu - Phù Lưu quê hương ông - một ngôi làng cổ truyền thống văn hiến lịch sử với những con người bé nhỏ, lam lũ, vất vả, khốn khó nhưng rất mực nhân hậu, yêu quê hương, chăm chỉ lao động. Nhân vật trong tác phẩm của ông có thể mang hình thức bên ngoài xấu xí, thô tháp, nhưng ẩn giấu trong đó là chất người, tình người thấm đượm.
Nói về tác phẩm của ông, nhà văn Nguyễn Khải thán phục: "Về văn xuôi là nghề của tôi, trước sau tôi thần phục có ba người là ông Nguyễn Tuân, Nam Cao và Kim Lân. Sau này, viết lách được cái gì, thường cũng lấy văn của ba ông làm chuẩn". Qua truyện ngắn Làng và Vợ nhặt, nhà văn Nguyễn Khải coi Kim Lân là: "Thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ".
Viết ít và gác bút sớm, nhưng lý do "nhà văn của làng quê" được nhớ đến, theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, là do "sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào". Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Như cách nói của Nguyên Hồng, Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với "đất" và "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của đời sống nông thôn.