Nổi danh can trường đánh giặc nhưng Quận Cồ cũng khét tiếng sát gái! Không để mắt đến thì thôi, chứ ông đã vui thích ngắm nghía thì thể nào mĩ nhân cũng “chết”. Trong đám người đẹp sa vào lưới tình gai góc của Quận Cồ, đáng kể nhất là cô nàng cùng thôn với ông.
Quận Cồ, cũng gọi là Lãnh Cồ - thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống Pháp ở vùng Linh Chiểu gần tỉnh lị Sơn Tây vào cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Nổi danh can trường đánh giặc nhưng Quận Cồ cũng khét tiếng sát gái! Không để mắt đến thì thôi, chứ ông đã vui thích ngắm nghía thì thể nào mĩ nhân cũng “chết”. Trong đám người đẹp sa vào lưới tình gai góc của Quận Cồ, đáng kể nhất là cô nàng cùng thôn với ông.
![]() |
Minh họa Đào Quốc Huy |
Hằng sáng, lúc rạng đông, Cồ thường đeo kiếm ra bãi cát ven sông để luyện quân, khi qua vườn chuối rộng, ông hay gặp cô gái mơn mởn măng tơ đang miệt mài tập phóng phi tiêu. Có lần, ông hỏi: “Phóng tiêu vào thân cây chuối thì tích sự gì?” “Sẽ có lúc được việc đấy, ông Quận ạ.” Cô gái trả lời nhỏ nhẹ, hơi tránh mặt để tránh ánh nhìn như thiêu đốt và cũng đầy che chở của Cồ. Sau bữa đó, đôi bên thường bắt chuyện với nhau. Biết cá đã cắn câu, nhưng Cồ tảng lờ, không vội. Việc quân cơ ngổn ngang thế kia… Cơm chưa ăn, gạo còn đó. Lo gì. Song, cô nàng nọ dù được lắm trai làng này, làng kia tán tỉnh, vẫn chỉ muốn được theo Cồ ngay, dẫu biết mười mươi ông đã có vợ con đuề huề và mình sẽ phải làm lẽ mọn thứ ba. Thế rồi, hai người nên vợ, nên chồng. Thời ấy, ở vùng quê này cũng giống nhiều vùng quê khác, đa thê là lệ thường. Vợ cả biết cũng chẳng làm gì được chứ chưa nói đến có bà không đẻ được con trai còn tìm vợ lẽ cho chồng để hi vọng gia đình có trai đinh nối dõi tông đường.
Không ai nhớ nhũ danh người vợ thứ ba của ông Quận nên người ta gọi là bà Quận Ba, ngắn gọn hơn: bà Ba. Biết tính chồng nóng như lửa, ngang tựa cành bứa, “coi trời bằng vung” nhưng bà Ba vẫn một niềm cảm phục, chính chuyên, hơn thế, còn rất được lòng bà Cả.
Trong lúc thao luyện, nhiều lần Cồ hỏi vợ: “Nàng theo ta thì giúp được gì, nếu không nói có khi còn làm vướng víu ta nơi đao kiếm?” “Em giúp chàng mát tính để có đầu óc cân nhắc kĩ càng hơn khi dụng binh.” “Nghe được. Thế còn gì nữa?” “Lúc chàng nguy biến sinh mạng em sẽ giải cứu, nếu khi đó em cũng ở giữa trận tiền.” “Không vác được đao, không bồng được súng, em sẽ phi tiêu.” “Thảo nào, ta thường thấy nàng tập phi tiêu vào thân cây chuối. Liệu rằng trăm mũi có trúng một hay không?” “Sẽ bách phát bách trúng, ông Quận ạ.” Cồ tin lời nói đó, bởi không ít lần ông chứng kiến cảnh vợ luyện phóng phi tiêu vào những hình nhân đặt cách chỗ đứng mươi lăm bước. Cùng với câu hô “trúng giữa mặt này, trúng yết hầu này” là những phi tiêu cắm phập vào đúng chỗ chết người đó. Tài nghệ ấy về sau được bà Ba ứng dụng trong trận công đồn giặc. Lúc Quận Cồ xông tới, một tên lính Pháp giương súng trường lên nheo mắt nhắm bắn ông đang di chuyển. Trong chớp mắt, bà Ba phóng phi tiêu vào thái dương tên lính làm hắn gục xuống tại chỗ. Liếc mắt thấy cảnh đó, Cồ nói oang oang giữa trời: “Khá khen, khá khen!”
*
Đã thành cái “dớp”, tức là đã thành tiền lệ, khi thủ lĩnh những cuộc binh biến tự phát hoặc khởi nghĩa nông dân bị tử nạn, hoặc chấp nhận thoái cuộc để cứu muôn người thì phong trào do họ khởi phát cũng dần dà tan rã. Tuy nhiên, sau khi Lãnh Cồ tử trận, cuộc nổi dậy do ông phát động và cầm quân vẫn kéo dài một thời gian đáng kể khiến địch lúng túng, bất an. Thăm dò tên nội gián trong hàng ngũ nghĩa binh Lãnh Cồ, viên quan một Henry, đồn trưởng đồn binh Pháp đóng quân ở rìa tỉnh lị được biết người vợ thứ ba của Lãnh Cồ đã thay chồng đảm nhiệm sứ mệnh cầm quân. Cũng qua kẻ nội gián, Henry gửi tặng bà một tấm khăn san trắng tinh (liệu có ẩn ý gì chăng?), danh thiếp ướp nước hoa thượng hạng cùng với thư ngỏ và cả lời mời gặp mặt để hội đàm về chiến sự. Thời gian, địa điểm do bà lựa chọn cùng với nghĩa quân mang theo vũ khí tháp tùng.
Cuộc hội chiến, nói chính xác là trận đấu khẩu giữa bà Ba và Henry diễn ra gay gắt cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Henry ngạc nhiên tự hỏi đối thủ của mình biết tiếng Pháp từ lúc nào, trong khi y ở đây hàng năm trời mà chỉ trọ trẹ được một dúm tiếng Việt. Y đâu biết ông thân sinh bà Ba là thầy lang thuốc Bắc nổi tiếng khắp vùng nhưng lại cho con trai duy nhất đi học Tây y. Vốn tiếng Pháp khá chuẩn của bà Ba là do anh trai làm y sĩ ở Hà Nội truyền dạy kết hợp với sự chịu khó tự học của bà.
Henry đi một mình, không vũ khí, không hộ tống. Bà Ba cũng vậy. Nếu xảy ra bạo lực, chẳng nhẽ Henry và bà Ba vật nhau thẳng cánh sao? Đang tranh cãi mà Henry vẫn bàng hoàng trước nhan sắc Á Đông thuần hậu nhưng đầy cám dỗ với làn da mỏng mịn như lụa tơ tằm của vợ Lãnh Cồ. Vẻ đẹp mê mị ấy hoàn toàn đối nghịch với khí chất quả cảm và mưu lược của bà Ba. Không thỏa thuận nào được kí kết dù chỉ trên lời nói. Ra khỏi quán rượu nhỏ mà chủ quán tạm vắng mặt để làm nơi hội đàm, lúc đi sóng đôi cùng viên đồn trưởng qua vườn cây ăn quả, bà Ba liếc mắt thấy một con chồn hôi thập thò trong bụi cỏ định chạy qua đường. Thót bụng, lôi ra từ cạp váy một chiếc phi tiêu rồi bà phẩy nhẹ tay như phẩy tay áo dài đâm trúng con vật khiến nó sợ hãi chạy trốn vào hang. “Con chồn kia sẽ chết vào sáng mai ở rãnh nước kia. Trúng độc, loài này sẽ tìm đến chỗ có ánh sáng và nước để uống trước khi chết.” Bà Ba nói. “Làm gì có chuyện ấy.” Henry cười khẩy. “Để rồi xem.” Bà Ba cả quyết. “Ông đừng quên, mai cho lính ra nhặt xác chồn đấy.” “Tôi đánh cược với madame một ăn mười két rượu đỏ Bordeaux, tức là nếu đúng như bà nói, tôi sẽ phải…” Y nhận lại nụ cười nửa miệng cùng cái gật đầu dứt khoát và câu chào hẹn gặp lại bằng tiếng Pháp rất sõi của người đàn bà trẻ đẹp ở đây. Quả nhiên, sáng hôm sau, lính đồn ra đường xách về một con chồn đã chết khá to, xác còn âm ấm.
Giữ lời hứa, Henry cho lính chuyển đến bà Ba đủ mười két rượu. Chỉ nhấp một ngụm làm phép, bà biếu bà Cả mấy chai rồi cho nghĩa sĩ uống thả cửa.
*
Cũng qua tên nội gián, lúc đó đã thành gián điệp hai mang, bà Ba biết Henry đề nghị đôi bên ngừng chiến trong ngày Noël và cả mùa Noël. Chấp thuận, bà suy tính: “Đây chính là thời cơ để ta củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí, lương thảo, thuốc men. Chắc đối phương cũng toan tính như ta?”
Ngay sau ngày cuối cùng của mùa Noël, đích thân Henry lùa quân càn quét Linh Chiểu. Y sửng sốt thấy đường làng, ngõ xóm vắng teo. Chỉ có ông già, bà cả ngồi hóng mát trước cửa và lũ trẻ tồng ngồng chạy nhảy trước sân nhà. Nghĩ mình đã hoài công lên phương án tác chiến cặn kẽ đến thế, Henry tức tối, tự tay phóng hỏa ngôi nhà to nhất được cho là của gia đình Lãnh Cồ. Cũng may, ngôi nhà lá cọ đứng riêng biệt giữa vườn rau quả rộng thênh, chứ không thì cháy lan sang những mái tranh nghèo lụp xụp xung quanh thì khốn khổ dân lành.
Henry cùng lính tráng lếch thếch vừa về đến quân doanh, chưa kịp uống nước để làm dịu cơn khát cháy họng thì đã bị nghĩa quân của bà Ba đồng loạt đánh úp, đốt doanh trại bằng tên lửa cuốn giẻ tẩm mỡ lợn, mỡ bò, dầu lạc, cướp phá kho vũ khí đầy ắp. Trở tay không kịp khiến tổn thất nặng nề, Henry tím mặt thầm bái phục phép dụng binh khôn khéo bất ngờ, đúng binh pháp cổ điển của bà Ba. Theo kế hoạch, bà cùng nghĩa binh của mình nhanh chóng rút khỏi tỉnh lị, sang bên kia sông Cái, tập kết ở sơn trại để ăn mừng chiến công.
Ngay sau cuộc khai quân, bà Ba gọi tên nội gián đến: “Từ lâu, ta đã biết nhà ngươi ăn tiền của Henry để làm gì rồi, nhưng ta tạm bỏ qua vì biết ngươi còn cha già, mẹ yếu, vợ dại, con thơ nheo nhóc. Nếu không, ta chỉ cần đưa mắt là thủ hạ của ta sẽ lấy thủ cấp của ngươi, đóng vào cọc tre rồi cắm giữa chợ làng. Như thế cũng không rửa sạch mối thù vì ngươi mà Lãnh Cồ của ta tử trận.” Tên nội gián quỳ sụp, dập mạnh đầu xuống nền đất sỏi ngay trước mũi chân bà Ba, van lạy, cầu xin tha tội chết. “Muốn chuộc tội thì phải lập công. Ngươi biết phải làm những gì khi vẫn được phép ra vào đồn giặc rồi chứ? Ta cũng báo trước, nếu ngươi còn giở trò cá hai mang như vừa rồi thì đừng oán trách số phận. Cứ liệu thần hồn, thần xác nhà ngươi.” Bà dọa. “Cả vợ chồng con cháu nhà ngươi cũng không đền được tội tày trời của nhà ngươi đâu.”
Sau đó, do có tên này chỉ điểm và mật báo ngày giờ lính đồn Tây đi càn nên nghĩa quân làm tiêu hao không ít sinh lực địch, thu được nhiều vũ khí đời mới trang bị cho mình. Bởi vậy, lính đồn không dám vào làng lùng sục, cướp bóc lợn gà, trêu ghẹo đàn bà, con gái như trước nữa. Bị phục kích vài lần, Henry đoán biết được và định trừ khử kẻ ăn tiền phản trắc. Đi trước một bước, bà Ba lệnh cho tên nội gián không vào đồn nữa mà phải trực tiếp cầm khẩu súng trường mới toanh do hắn vừa thó được ở kho súng giặc để tham chiến cùng đồng ngũ.
*
Là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa, bà Ba muốn ăn gì, mặc gì chẳng được; miễn là chợ làng, chợ huyện có. Trang phục thì bà cũng mặc như các bà, các cô trong làng, song tươm tất hơn một chút. Còn ăn uống hàng ngày cũng xuềnh xoàng, thế nào cũng xong với đứa cháu gái gọi bà là dì ruột. Chỉ thích ăn cơm nấu hơi khô bằng gạo tẻ giã không trắng quá để ngọt miệng. Thích ăn cá bống sông ngòi kho với tương gạo nếp, đậu phụ nướng vàng, rau muống luộc – thứ rau được truyền tụng là rau muống của làng tiến vua có cuống trắng xanh dài như chiếc đũa, loáng thoáng lá nhỏ nên nước rau vàng nhạt, trong văn vắt; nếu có cà pháo, cà bát muối mặn, nén chặt, giòn tan thì còn gì bằng. Xong bữa, chỉ cần bát lá vối nếp tươi ngắt từ cây vối già ở bờ ao là hết ý.
Cuộc chiến kể trên còn giằng co một thời gian khá dài. Viên đồn trưởng Henry bị thượng cấp của y tước lon, cách chức với lí do có đủ quân số, vũ khí và hậu cần mà bao lâu không dẹp nổi một “đám giặc cỏ”. Đám lính đồn Tây chia sẻ nỗi buồn với đồn trưởng, nhưng Henry lại vui thầm và chỉ ước nhân dịp này “được” sa thải về Pháp để thăm bố mẹ già và có điều kiện theo đuổi hội họa mà y có năng khiếu bẩm sinh. Chính cái nhìn của kẻ đam mê nghệ thuật tạo hình đã khiến y thấy được nét uyển chuyển tiềm ẩn sau làn váy áo kín đáo mà gợi cảm của bà Ba. Vẻ đẹp đó khác một trời một vực với sự phô diễn phồn thực của cô nàng trong mối tình đầu của y. Lắm lúc, y ao ước đánh đổi tất cả để có được người đàn bà vừa đẹp quyến rũ vừa tài trí hơn người ở xứ này.
Thế chân Henry là một viên quan hai vừa từ Pháp sang Đông Dương, kéo theo nhiều quân tiếp viện và vũ khí từ Hà Nội lên Sơn Tây. Trước tình thế đó, bà Ba quyết định giải tán nghĩa binh, cho họ về bản quán với gia đình, làng nước. Bà chỉ đem theo vài kẻ tâm phúc để dễ bề sống ẩn nơi đất lạ. Thực ra, bà cũng biết tầm nhìn gái góa hạn chế của mình, hơn nữa, lại thiếu những khối óc, cánh tay đắc lực cùng sách lược, chiến lược trường kì, trong khi lực lượng tương quan hai bên quá chừng chênh lệch.
*
Hôm xuống thuyền qua sông, bà Ba nói riêng với tên từng làm nội gián: “Việc nhà ngươi làm tay sai cho giặc, chỉ ta và người của ta biết thôi. Đừng sợ! Từ mai về làm ruộng nuôi vợ con, phụng dưỡng bố mẹ già. Đừng quên là mọi việc ngươi làm tử tế hay không đều có người của ta ở lại đây cho ta biết hết.” Tên này cúi dập đầu xuống bùn nhão ở bờ sông, thưa: “Con xin đội ơn bà tha tội, con sống để dạ, chết mang đi.”
Ít lâu sau, bà Ba sinh con gái. Vui thì có vui nhưng bà vẫn tiếc là không sinh được quý tử để nối tiếp dòng máu ngạo nghễ của Quận Cồ. Sống ẩn, bà cũng làm ruộng, trồng rau, nuôi lợn gà, đi chợ mua bán như những người đàn bà trong thôn xóm. Ngoài con gái, không một ai hay biết gì về bà, dù đã đứng tuổi nhưng vẫn đẹp hút hồn hút vía, từng có một thời son trẻ vẻ vang, hiển hách. Bà nhất quyết không đi bước nữa, dù có trai trẻ hay nhiều đàn ông giàu có, sang trọng ngấp nghé hay nhờ người mối lái. Trong đám đàn ông ở những độ tuổi khác nhau đó, bà thấy không có ai sánh được chí ít một phần khí phách của Quận Cồ. Vài chục năm sau, bà Ba chết già với nụ cười mãn nguyện chứ không gặp hoạn nạn gì.
*
Lại dăm bảy chục năm nữa trôi qua với bao nhiêu biến cải. Một sáng đẹp trời, có hai mẹ con dáng người nền nã đến làng, nói từ bên kia sông Cái sang tìm hỏi họ hàng, gốc tích của ông Lãnh Cồ. Người làng vỡ lẽ, người đàn bà già yếu là con gái duy nhất của bà Ba, người ít tuổi hơn nhưng cũng cứng tuổi là cháu ngoại của bà Ba, tức là cháu ngoại của Lãnh Cồ. Do có người mách, một người đàn ông luống tuổi đến gặp khách đường xa, tự nói mình là cháu trai út của bà vợ thứ hai của ông Quận. Tưởng ở tận đâu, hóa ra ông ta là người xóm này. “Có gì chứng thực điều ông nói?” Bà già nghi ngờ. Ông ta dốc ngược cái điếu cày mốc meo, để rơi ra một chiếc phi tiêu. Hai mẹ con bà khách nhận ra ngay cái đó y hệt của mẹ mình và bà ngoại mình nhưng vẫn còn ngờ ngợ vì nó nom có vẻ dài hơn, to hơn. Người đàn ông nói, ông được mẹ mình kể cho nghe mấy lần, rằng phi tiêu này là cái thứ một trăm lẻ một do chính tay Quận Cồ vót và tẩm thuốc cực độc, phòng khi bị giặc bắt thì chủ động đâm vào bụng để tự sát. “Vậy làm thế nào mà mẹ con ông lại có được phi tiêu này?” Bà già vừa cầm phi tiêu vừa hỏi. Cũng theo ông ta, bà Hai ngay khi nghe tin chồng tử trận, đã cùng vài người thân lặn lội suốt đêm tìm xác, đã được ai đó dìm giấu dưới đầm nước để đưa về làng mai táng. Bà giao cho con trai để sau này giao cho hậu duệ chiếc phi tiêu đã giải độc, coi như báu vật của gia đình.
Tưởng như đã hòa tan vào dĩ vãng xa xăm tất cả những gì một thời từng khuấy động nhân gian. Theo dòng chảy vô tận của thời gian, nhiều sự kiện, nhiều nhân vật đã kết tinh thành các lớp trầm tích lịch sử và văn hóa lưu truyền muôn đời hậu thế.
*
Sau khi lần tìm được “dây mơ rễ má” nòi giống Quận Cồ, hai nữ khách đi đò qua sông Cái để về nhà họ ở bên kia xóm núi. Bỗng nhiên, mưa to gió lớn ập đến, lật úp con đò nan nhỏ. Hai mẹ con chìm nghỉm. Chỉ có ông lái đò lóp ngóp bơi được vào bờ.
Đang mùa nước lớn, xác hai mẹ con trôi dạt đến tận cửa biển. Dân làng vạn chài ở đó vớt hai người đàn bà xấu số lên, chôn cất thành hai ngôi mộ ở gò đất thấp và cũng hương khói cho họ vào những ngày rằm, mùng một. Mộ vừa xanh cỏ thì ai đấy đã đặt lên ngôi mộ lớn hơn – có thể người ấy đoán đó là ngôi mộ người mẹ - một bia đá khắc tên người mẹ. Ngôi mộ nhỏ hơn cũng có một tấm bia đá nhỏ hơn, khắc tên người con. Phía dưới bia ngôi mộ lớn có dán tờ giấy viết mấy dòng chữ Hán Nôm: “Cháu đích tôn của ông Quận Cồ kính viếng hương hồn dì và em.” Nếu đúng là cháu đích tôn thì người này là con của con trai cả của Quận Cồ và bà vợ Cả. Hôm sau, tờ giấy kia đã bay đâu mất.