Chuyên đề

Nhà văn nặng tình đồng đội…

Câu chuyện văn hoá
08:47 | 25/02/2023
Mỗi lần từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhà văn Đoàn Tuấn lại ghé vào Tam Kỳ tụ bạ với bạn bè lính là những cựu binh Sư đoàn 307. Và lần nào cũng vậy, Đoàn Tuấn và mọi người đều ới tôi tới chung vui. Đoàn Tuấn ít nói hay cười, tính tình dễ mến. Chuyện lính tráng một thời một thuở ở chiến trường K. luôn là “đề tài chủ đạo” khi trò chuyện với nhau…
aa

Mỗi lần từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhà văn Đoàn Tuấn lại ghé vào Tam Kỳ tụ bạ với bạn bè lính là những cựu binh Sư đoàn 307. Và lần nào cũng vậy, Đoàn Tuấn và mọi người đều ới tôi tới chung vui. Đoàn Tuấn ít nói hay cười, tính tình dễ mến. Chuyện lính tráng một thời một thuở ở chiến trường K. luôn là “đề tài chủ đạo” khi trò chuyện với nhau…

Nhà văn Đoàn Tuấn và một số tác phẩm viết về chiến trường K. của ông

Xếp bút nghiên lên đường… đi lính!

Cùng tuổi, cùng có thời gian mặc áo xanh màu của lá, chiến đấu ở chiến trường K. nên Đoàn Tuấn và tôi rất quen thân. Trò chuyện với nhau, anh bảo, mùa thu 1978, khi nhận giấy báo trúng tuyển vào Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng là lúc anh nhận giấy báo gọi nhập ngũ. Không một chút chần chừ do dự, anh quyết định xếp bút nghiên lên đường… đi lính với bao bạn bè cùng trang lứa. Lúc bấy giờ chiến tranh biên giới Tây Nam đã lan ra dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, từ vùng biển đảo Kiên Giang đến Tây Nguyên. Sau ba tháng huấn luyện ở Hòa Bình, những tân binh quê Hà Nội được chuyển vào miền Trung bổ sung quân cho các đơn vị chủ lực Quân khu 5. Đoàn Tuấn và bạn bè tuổi vừa mười tám đôi mươi được phiên chế về Sư đoàn 307. Ngày ấy, học xong cấp 3 là diện có “học vấn cao”, vì vậy, anh trở thành lính thông tin của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29.

Cuối năm 1978, Sư đoàn 307 tràn qua bên kia biên giới, vừa hành quân vừa đánh nhau với Sư đoàn 801 và Sư đoàn 920 lính Pốt. Đơn vị anh đi qua Rattanakiri, Stung Treng rồi vượt sông Mê Kông lên Preah Vihear. Hơn năm năm mặc áo lính, Đoàn Tuấn có gần ba năm làm lính thông tin cõng máy “đi phối thuộc”, xuống các đơn vị chiến đấu, đánh nhau với lính Pốt dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Khi đất nước Chùa Tháp được hoàn toàn giải phóng, chế độ bạo tàn Kh’mer Đỏ bị lật đổ, lính Pốt chạy dạt sang bên kia biên giới. Được các thế lực bên ngoài hà hơi tiếp sức, bọn chúng củng cố lại lực lượng với hai mươi sư đoàn, tìm cách quay về nội địa phản công, chống phá. Những địa danh như Anlung Veng, Chăm Kh’san, Kam Tuất, Kulen, Đồi Tròn, Dông 300, Dông 600… là những nơi thấm đẫm máu của cả hai bên. Đoàn Tuấn bảo với tôi: “Khi đánh nhau, dễ chết nhất là lính liên lạc và lính thông tin. Lính liên lạc phải băng qua lửa đạn truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy đến các tiểu đội, trung đội. Còn lính thông tin, nhất là thông tin hữu tuyến, một mình rải dây, thu dây, lính Pốt mai phục bắn gục lúc nào không hay”.

Ngày ấy, Preah Vihear và Ngã Ba Biên là hai khu vực chiến sự ác liệt nhất vùng đông bắc Campuchia. Không ngày nào không có thương vong. Đến mức Sư đoàn 307 có “sáng kiến” thành lập “Tiểu đội đóng quan tài” đến các điểm chốt cưa xe gỗ để anh em hy sinh có hòm chôn tại chỗ, không chuyển về hậu cứ. Như thế, một người chết không kéo theo nhiều người khác cùng chết vì bị địch gài mìn, phục kích. May mắn lành lặn sau hơn năm năm tham gia chiến trận, Đoàn Tuấn được xuất ngũ.

Giã từ vũ khí, theo đuổi bút nghiên...

Rời chiến trường K., Đoàn Tuấn trở về theo học Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp, anh xuất ngoại sang Nga học Trường Đại học Điện ảnh Liên Xô. Tốt nghiệp, anh về nước, vừa công tác tại Tạp chí Thế giới điện ảnh, vừa giảng dạy tại Trường Sân khấu - Điện ảnh. Xã hội đổi mới, hội nhập, là môi trường giúp anh phát huy hết tài năng của mình, trở thành nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch bản phim… Tuy nhiều “nhà” nhưng “nhà” nào anh cũng gặt hái được thành công, để lại những dấu ấn khó phai nhòa đối với các thế hệ sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh, đối với khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật thứ 7, đối với bạn đọc đam mê văn chương… Dù bận rộn với bao công việc của một nhà báo, dù không thể thờ ơ với chuyện cơm - áo - gạo - tiền của cuộc sống đời thường trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian sáng tác.

Đoàn Tuấn là tác giả các kịch bản phim: Ngõ đàn bà (Chuyện tình trong ngõ hẹp), Chiếc chìa khóa vàng, Đường thư, Sống cùng lịch sử, Trên đỉnh bình yên… Anh cũng là tác giả tiểu thuyết Bùa yêu (1993), Khúc dạo đầu mùa xuân (tập truyện ngắn, 1995), Những người không gặp nhau nữa (tập truyện ký, 2006), Thơ trữ tình E. Exenhin (tập thơ dịch, 1995). Sau một thời gian “tung hoành” ở các mảng đề tài khác nhau, Đoàn Tuấn lại quay về đề tài chiến tranh và người lính từng sống và chiến đấu ở chiến trường K. Đoàn Tuấn tâm sự với tôi: “Càng có tuổi, mình càng cảm thấy mắc nợ với anh em đồng đội. Họ tham chiến ở bên ngoài Tổ quốc, gian khổ hy sinh không bút mực nào diễn tả hết được. Nếu mình không viết ra, theo thời gian, mọi chuyện dần rơi vào quên lãng”. Đúng vậy! Chỉ có những người trong cuộc mới viết được những trang viết chân thực và sinh động về người lính tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia trong những năm tháng ấy…

Nặng tình đồng đội chiến trường K.

Là chàng trai Hà Nội hào hoa lịch thiệp, mê văn chương và có năng khiếu văn chương, khi đang còn là lính sống và chiến đấu ở chiến trường K., Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc (quê Quảng Nam - Đà Nẵng, ở cùng đơn vị) đã làm thơ về đồng đội mình đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Những bài thơ của Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc viết trực diện về sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh gian khổ của người lính tình nguyện Việt Nam ở nước bạn Campuchia. Những người lính ở chiến trường K. yêu thích thơ của hai anh, họ chép vào sổ tay và học thuộc lòng để lúc rảnh rỗi ngâm nga cho đồng đội nghe, đó là sự lạc quan yêu đời của tuổi hai mươi. Sau này, Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc tập hợp những bài thơ ấy in chung thành tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc (1995). Tôi vẫn còn nhớ tập thơ in chung của hai tác giả - hai cựu chiến binh Sư đoàn 307, được bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc từng là lính chiến trường K. nồng nhiệt đón nhận, được dư luận đánh giá cao và gây tiếng vang lớn trên thi đàn lúc bấy giờ.

Nhờ có trí nhớ tuyệt vời nên Đoàn Tuấn không quên “chuyện của lính” ở đơn vị mình. Tôi có cảm giác Đoàn Tuấn xếp chúng trong ngăn ký ức để rồi sau độ lùi thời gian với cái nhìn khách quan hơn, điềm tĩnh hơn, anh lại lôi chúng ra thể hiện trên giấy trắng mực đen. Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (2018) là cuốn sách Đoàn Tuấn viết về những chàng trai Hà Nội nhập ngũ và huấn luyện ở Hòa Bình trước khi vào trận. Mùa linh cảm (2006) là tập ký ghi lại “những cái chết đã được báo trước” của những người lính tình nguyện ở chiến trường K. Họ cảm nhận điều đó và bình thản đợi chờ: “Họ điềm nhiên đi vào cõi chết như một lẽ thường tình. Họ không run sợ. Họ không đảo ngũ. Họ không tìm cách trốn tránh, tụt tạt lại phía sau. Họ đã chết. Đó là những người dũng cảm nhất”. Mùa chinh chiến ấy (2016) là “hồi ức chiến binh” về vùng chiến sự Preah Vihear, mà theo tôi nghĩ, chỉ cần đọc nó, bạn đọc có thể hình dung được Mặt trận 579 ở đông bắc Campuchia tàn khốc thế nào! Cuốn sách mới nhất của Đoàn Tuấn là tiểu thuyết Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt (2022). Thông qua cuốn tiểu thuyết này, nhà sư Ph’teah Saniphap đi khắp đất nước Chùa Tháp cầu siêu cho những linh hồn phiêu dạt của cả hai bên buông bỏ sân si hỉ nộ ái ố… để cùng nương náu với nhau nơi cửa Phật.

Là người rất chịu khó đi thăm đồng đội, hầu như quanh năm với Đoàn Tuấn luôn là những chuyến đi. Lúc ở Tây Bắc. Khi ở Tây Nguyên. Lúc lang thang nơi vùng Nam Trung Bộ. Khi ghé Nha Trang rồi về Tam Kỳ, Đà Nẵng… Bạn bè lính cùng Sư đoàn 307 có mặt khắp nơi. Trò chuyện với tôi, anh bảo: “Khi giã từ vũ khí, giã từ chiến trường K., anh em đồng đội hồi hương phần lớn phải tự thân vận động kiếm sống. Có người, ơn trời, ấm no sung túc. Có người, gia cảnh hết sức khó khăn. Có người, cuối đời ốm đau hoạn nạn… Nghỉ hưu rồi, có thời gian nên mình đến các tỉnh thành thăm bạn bè lính, đến các nghĩa trang liệt sĩ viếng bạn bè đã khuất”. Vào Gia Lai, anh tới Nghĩa trang Liệt sĩ Ia Grai viếng mộ Trần Thanh Biện, Hà Huy Lan, Phạm Xuân Khai… Xuống Nha Trang anh tìm gặp đồng đội Nguyễn Văn Khả, hỏi chuyện trả lại quê quán cho liệt sĩ Nguyễn Đức Toán. Liệt sĩ Nguyễn Đức Toán quê Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam nhưng bia mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ia Grai lại ghi quê Thanh Chương, Hà Tĩnh. Tốn khá nhiều thời gian và công sức, Nguyễn Văn Khả mới trả lại được quê quán cho đồng đội mình hy sinh ở chiến trường K. Chuyện “liệt sĩ” Ngô Văn Lệ (Đà Nẵng) sau mấy năm gia đình hương khói bỗng trở về nhà với bốn lần bị thương. Chuyện Nguyễn Xuân Hoa (Hà Nội) khi chuyển ngành về quê phải chấp nhận rớt từ thiếu tá xuống hạ sĩ quan mới xin được việc làm… Đoàn Tuấn tìm gặp bạn bè lính, hỏi chuyện đồng đội và ghi chép cẩn thận. Ai có hoàn cảnh khó khăn, anh thông báo cho đồng đội cùng anh chung tay giúp đỡ…

“Sẽ có một cuốn sách của Đoàn Tuấn viết về đồng đội chiến trường K. một thời một thuở ra mắt bạn đọc trong thời gian không xa”. Tôi nói. Đoàn Tuấn mỉm cười khiêm nhường.

Nguyễn Tam Mỹ

Nguồn Văn nghệ số 8/2023


Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.