Diễn đàn lý luận

Nhà văn và giải thưởng trong lòng bạn đọc

Diễn đàn lý luận
09:38 | 27/06/2020
Phần đông các nhà văn viết khỏe lúc còn trẻ hoặc giai đoạn trung niên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lại viết khỏe, cho ra đời 2 kịch bản phim nhựa là “Giai điệu xanh” và “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc” được công chiếu, đình đám một thời cùng 5 cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông ở tuổi ngoài 70, trong lúc bệnh gout, rồi di chứng bệnh đột qụy… hành hạ làm ông khốn khổ.
aa

Phần đông các nhà văn viết khỏe lúc còn trẻ hoặc giai đoạn trung niên, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng lại viết khỏe, cho ra đời 2 kịch bản phim nhựa là “Giai điệu xanh” và “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc” được công chiếu, đình đám một thời cùng 5 cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông ở tuổi ngoài 70, trong lúc bệnh gout, rồi di chứng bệnh đột qụy… hành hạ làm ông khốn khổ.

Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2020, chúng tôi đến thăm nhà văn Nguyễn Khoa Đăng tại phường 2, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn đã yếu, không tự ngồi dậy được. Một người vốn to cao, khỏe khoắn, nhanh nhẹn, luôn nói cười ồn ào đâu rồi? Nằm trên giường là một ông lão gầy gò, hai cẳng chân như hai ống giang, râu tóc phờ phạc. Ông vẫn còn tỉnh táo nhận ra chúng tôi. Nhưng muốn tiếp chuyện tôi phải ghé sát tai vào ngực để nghe ông thều thào, vẫn là hỏi thăm về gia đình tôi, bạn bè văn chương… Bỗng ông thở gấp, ngực phập phồng, vẻ đau đớn, ra hiệu cho vợ ông vuốt ngực, đấm nhẹ lên người, có lẽ ông xúc động có bạn văn đến thăm chăng? Nhìn vợ nhà văn chăm sóc cho chồng tôi lại bồi hồi. Bà đã ngoài bảy mươi rồi, mấy năm nay luôn túc trực chăm sóc cho ông từ tắm giặt đến chén cơm, viên thuốc. Đúng là “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, chỉ đến khi ta già yếu rồi mới cảm được nghĩa của tình chồng vợ. Thế mà cách đây khoảng hơn chục năm nhà văn Nguyễn Khoa Đăng cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Nắng chiều bảng lảng giống như là tự thuật về cuộc đời mình. Cái lão Thổ Trì, ngoài sáu mươi rồi, vợ con đùm đề còn đi ngoại tình, mà có lần nào lão chủ động đâu, toàn người ta tấn công cả. Có người còn trẻ, bằng tuổi con gái lão. Tất nhiên là vợ lão ghen, sóng gió gia đình nổi lên. Cuộc sống gia đình lão như trong địa ngục. Cô Bé Hai ấy vẫn chung thủy chờ lão, cuối cùng vợ lão cũng ký giấy ly hôn, giải phóng cho lão, nhưng lão vẫn không làm chủ được cuộc đời mình. Cái tuổi xế chiều đi tìm lại hạnh phúc cho mình mới muộn màng, mới bi kịch làm sao! Đúng như cô nhân tình Bé Hai đã nhắn nhủ lão: “Kỳ này đi hay đứng, nhớ phải dứt khoát đấy. Có là mây cũng mây chiều rồi. Đừng bảng lảng nữa…”. Oái oăm thay đó là tiểu thuyết nhưng sao nó giống chuyện ngoài đời của tác giả đến thế. “Ớt nào mà ớt chẳng cay”. Thói thường là thế nhưng nay thấy bà chăm ông thì biết, bà yêu ông lắm, yêu mới ghen. Chỉ tại ông viết hay quá, bịa cứ như thật, ai mà chả tin! Hai ông bà gắn bó với nhau đã hơn nửa thế kỷ, từ ngày họ còn là giáo viên cùng trường. Đến lúc ông về già bắt đầu sinh bệnh, khổ nhất là bệnh gout, làm chân ông sưng đỏ tấy, “đau như thống phong” quả không sai, nó làm ông khổ sở, nhưng bởi yêu văn học, ông vẫn nghiến răng viết, say sưa có lúc quên cả đau. Rồi ông bị huyết áp cao, dẫn đến đột quỵ, may mà qua khỏi được, nhưng di chứng làm ảnh hướng đến tư duy ít nhiều.

Cuộc đời nhà văn Nguyễn Khoa Đăng có nhiều cái lạ lắm. Hồi dạy học ở Thái Bình, sở trường là văn học, nhưng ông lại xin sang dạy toán và sinh vật cũng vì quá ngưỡng vọng đến “nàng văn”, chỉ sợ không đủ tài hiểu thấu lòng nàng, sợ nàng buồn, nên chỉ “kính nhi viễn chi”. Rồi khi vào Kiên Giang, đang làm Phó chủ tịch Hội Văn nghệ thì được chủ tịch tỉnh chỉ định ông tham gia Hội thẩm đoàn, làm luật sư bào chữa tại tòa hình sự mặc dù ông không qua ngành luật. Chỉ tại người ta thấy ông nói năng khúc triết, mạch lạc, lập luận logic, hiểu sâu về luật pháp. Cả hai việc trái nghề trên ông đều tỏ ra xuất sắc, dạy sinh vật thì chuyển những phần quan trọng sang văn vần ra làm cho học sinh dễ nhớ, thêm yêu thích môn học; làm “thầy cãi” có khi đem cả thơ Hồ Xuân Hương ra làm lập luận bào chữa. Ông “luật sư” bất đắc dĩ này đã dự 216 phiên tòa hình sự, bào chữa thành công cho rất nhiều thân chủ, phần đông họ là những người nghèo, được ông giúp đỡ một cách vô tư, làm cho dân Kiên Giang yêu mến và biết ơn. Lúc trẻ thì ông nổi tiếng bởi thơ thiếu nhi, nhất là bài thơ Em đi giữa biển vàng. Bài thơ nhí nhảnh, hồn nhiên hợp với lứa tuổi thiếu nhi: “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mang trên đồng lúa hát/ Hương lúa chín thoang thoảng bay/ Hương lúa trĩu trong lòng tay/ Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi/ Của bao người nuôi lúa lớn lúa ơi…”. Bài thơ in trên báo Tiền Phong năm 1966 nổi tiếng đến nỗi nhiều người cứ nhầm ông với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, ông bèn đổi tên thật Nguyễn Đăng Khoa thành Nguyễn Khoa Đăng. Bài thơ trên được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc, các em nhỏ yêu thích, được phát liên tục trên đài phát thanh, trên truyền hình, đặc biệt là trong chương trình Giai điệu tự hào được hội đồng bình luận hết lời khen ngợi, đánh giá rất cao. Năm 2000 bài hát được bình chọn trong top 50 bài hát viết cho thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX. Khi về già ông lại nổi tiếng bởi giữ chuyên mục Gỡ rối tơ lòng dành cho lớp trẻ trên tạp chí. Lúc đã ngoài 70 tuổi ông lại là diễn viên thứ chính xuất hiện liên tục trong bộ phim truyền hình Lấy chồng Hàn dài đến 30 tập. Phần đông các nhà văn viết khỏe lúc còn trẻ hoặc giai đoạn trung niên, Nguyễn Khoa Đăng lại viết khỏe, cho ra đời 2 kịch bản phim nhựa là Giai điệu xanh và Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc (Xí nghiệp phim Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sản xuất) được công chiếu, đình đám một thời cùng 5 cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông ở tuổi ngoài 70, trong lúc bệnh gout, rồi di chứng bệnh đột quỵ… hành hạ làm ông khốn khổ...

Trong 5 cuốn tiểu thuyết cuối đời, Nguyễn Khoa Đăng chủ yếu viết về quê hương ông, thời cải cách ruộng đất, tranh chấp đất đai… Như Ngõ tre rì rào, Khúc tâm tình bi tráng, Nước mắt một thời. Tiểu thuyết Ngõ tre rì rào dày gần 200 trang lấy bối cảnh một làng quê Bắc bộ những năm chống Mỹ cứu nước, với những con người hiền lành nhân hậu, sống yêu thương trong đạo lý làm người. Bắt đầu từ những sự kiện có thật trong gia đình mình, quê hương mình, Nguyễn Khoa Đăng đã khái quát thành câu chuyện của bao số phận trong bối cảnh của những năm tháng chống Mỹ. Nhà văn Bút Ngữ dẫn lại bài của nhà giáo Biên Linh viết về Ngõ Tre rì rào đăng trên báo Bình Phước như sau: “Tiểu thuyết “Ngõ tre rì rào” là một khúc tâm tình bi tráng. Tác phẩm không dừng lại ở mức độ phản ánh hiện thực, mà đã chuyển tải sự thực lịch sử đến với người đọc bằng cảm xúc máu thịt, bằng tài năng nghệ thuật của người cầm bút, đã nâng giá trị của tác phẩm đến với ý nghĩa và giá trị lớn hơn. Đó là làm sống lại lịch sử, sống dậy những tâm hồn, những lẽ sống cao đẹp. Quả là lịch sử đã đi qua, nhưng văn chương còn mãi mãi”. Còn bình về tiểu thuyết Hoàng hôn lạnh, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn viết: “Lòng tin vẫn gửi ở nước mắt! Cuộc sống đầy biến động xung quanh người đàn bà ngồi khóc mỗi chiều suốt bốn lăm năm trong cuốn sách này, nhắc chúng ta như vậy. Lịch sử một dân tộc, lịch sử một dòng họ và lịch sử một số phận đều có những khúc quanh trớ trêu và nhọc nhằn. Xã hội nông nghiệp hình thành ý thức sở hữu đất đai. Chính thói tham lam và ích kỷ đã làm sụp đổ nhiều mối quan hệ tình cảm và tạo ra nhiều mảnh đời mang vết thương ân nghĩa… Kiến giải được lỗi lầm sẽ tha thứ được lỗi lầm. “Hoàng hôn lạnh” chứng minh rằng, tranh đoạt và thù hận không phải phương pháp trưởng thành của những con người trót gánh vác nỗi bất hạnh. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đánh thức hồi ức đầy bóng tối để khẳng định sự thật đơn giản: Sốt ruột về công lý cũng là một cách nâng niu giá trị nhân phẩm”.

Nổi bật nhất trong 5 cuốn tiểu thuyết cuối đời của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng là Nước mắt một thời. Hồi ấy tôi đã đọc nó còn ở dạng bản thảo. Truyện dựng lại thời cải cách ruộng đất sôi động ở miền Bắc. Tôi đặc biệt thích thú về những chi tiết trong tác phẩm, cực kỳ ấn tượng, rõ là người trong cuộc mới có được những chi tiết đắt giá như thế. Nói chung đọc cuốn tiểu thuyết này dễ bị ám ảnh bởi chi tiết được tác giả chắt lọc, làm người đọc nhớ, vừa đau đớn vừa thương cảm cho các nhân vật bị sự ấu trĩ một thời gây ra. Cuốn tiểu thuyết không nhằm tố cáo ai mà chỉ muốn chúng ta nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, đừng để lặp lại một lần nào nữa, đó cũng là mong mỏi rất nhân văn của tác giả. Cuốn tiểu thuyết được độc giả đón nhận, truyền tay nhau đọc, nhất là ở quê hương Thái Bình của ông. Đã có học viên cao học Văn học Việt Nam lấy tiểu thuyết Nước mắt một thời của nhà văn làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Bản luận văn có đoạn viết: “Vượt khỏi giá trị văn chương, “Nước mắt một thời” còn góp phần minh họa cho lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp qua những bài học xương máu của dân tộc. Bao nhiêu đắng cay, bao nhiêu uất nghẹn, bao nhiêu sợ hãi, bao nhiêu căm thù đều được thể hiện trên trang giấy. Nhưng “Nước mắt một thời” không rơi vào khuynh hướng bôi đen, phủ nhận lịch sử. Tình yêu, sự thủy chung, sự bao dung và lòng nhân ái đã làm cho độc giả nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm để mà đi theo, để mà hy vọng” (Vũ Thị Thu Trang). Còn trong bài Công án thiền với “Nước mắt một thời”, Tiến sỹ Lê Thanh Hải (Khoa Triết và Xã hội học - Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan) nhận định: “Có rất nhiều điểm tương đồng giữa tác phẩm văn học của Nguyễn Khoa Đăng và những công trình khoa học nghiên cứu chính trị xã hội của triết gia Hannah Arendt, người nổi tiếng với các phân tích về hành vi tội phạm khi người ta lên đồng tập thể… Đó cũng chính là điều mà Nguyễn Khoa Đăng đã lột tả khi dẫn dắt người đọc bước vào cõi tư duy của nhân vật mà ông đã xây dựng cho không gian văn học của một thời cải cách ruộng đất, nơi mà sự sống hay cái chết sẽ được quyết định sau một cuộc cách mạng chóng vánh mà đỉnh điểm là phiên đấu tố và kết thúc bằng tòa án nhân dân”.

Nổi tiếng như thế nên tiểu thuyết Nước mắt một thời đã hai lần dịch sang tiếng Pháp, được hai nhà xuất bản ở Paris ấn hành. Song kỷ lục của nhà văn phải kể đến là cuốn Cài hoa vào quá khứ (Nhà xuất bản Thanh Niên) tái bản đến 13 lần, có lần in đến 5.000 cuốn. Có truyện đã được đưa vào sách giáo khoa lớp 9. Tính đến nay, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đã xuất bản 22 tác phẩm gồm tập truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, trong đó phải kể đến là các tập truyện ngắn: Khói đốt đồng, Nước xanh biêng biếc, Tình yêu một thuở; các tiểu thuyết: Cuộc tình nghiệt ngã, Ngõ tre rì rào, Hoàng hôn lạnh, Chim mặt người v.v…

Mới đây, nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, các em thiếu nhi thuộc câu lạc bộ Mực Tím ở địa phương đã mang theo nhạc cụ đến nhà, hát chúc mừng nhà văn, tất nhiên có cả bài hát Em đi giữa biển vàng. Nhà văn râu tóc bạc phơ cười thật tươi, chưa bao giờ hạnh phúc đến thế. Được bạn đọc, nhất là các em thiếu nhi yêu mến, phải chăng đó là giải thưởng lớn nhất của một đời văn nghiệp.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...