Diễn đàn lý luận

Nhà văn và những phận đời

Chân dung văn học
07:35 | 27/05/2023
Dẫu nói một cách khiêm tốn thì nhà văn Đức Ban vẫn có một vị trí đáng nể trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ.
aa

Dẫu nói một cách khiêm tốn thì nhà văn Đức Ban vẫn có một vị trí đáng nể trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ.

Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp. Duyên nghiệp văn chương của anh không đơn giản như cách nói của anh “thú chơi” mà là một phận người. Thời chiến tranh lăn lộn trên nhiều cung đường, sau hoà bình tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. “Nghiệp Văn” đối với anh là con đường không đơn thuần chỉ có sự say mê mà còn là một thử thách, một kinh nghiệm sống.

Nhà văn Đức Ban

Quê anh nằm cạnh một con sông không lớn lắm với cái tên ngồ ngộ Sông Nghèn, nhưng cũng khá gắn bó với tên tuổi nhiều nhà văn danh tiếng xưa nay như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và cũng cách không xa làng quê tác giả Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), chỉ mười lăm phút xe theo con đường liên huyện. Nơi đây từng ra đời những câu ca dao tình yêu đặc trưng Xứ Nghệ, trầm buồn, dữ dội không mơ màng, dịu dàng như những nơi khác: Tay em cầm bốn quả dưa/ Quả ăn quả để quả đưa cho chàng/ Tay em cầm bốn lạng vàng/ Lấy vàng thì lấy bỏ chàng thì không/ Dù rằng bỏ rọ trôi sông/ Đánh em em chịu, đánh chàng em xin… cùng những làn điệu ví dặm mộc mạc , sâu lắng và rất nhiều câu chuyện cười kiểu “trạng”.

Con người Đức Ban vừa nghiêm cẩn vừa hài hước, công việc thì nghiêm chỉnh nhưng giao lưu thì tếu táo, ưa nói “trạng”, cách nói đùa đặc sệt xứ Nghệ, từ những câu chuyện to tát “biến hải vi tang điền” cho đến những mẩu chuyện nhân thế nhỏ nhặt “trên bộc trong dâu” đều giòn giã trong những trận cười làm người nói và người nghe bỗng trở nên gần gũi không còn xa cách, xã giao hay gò bó. Với bạn bè anh luôn làm sống lại những kỷ niệm một thời gian khó, những tác giả đã đi xa như Quốc Anh, Xuân Hoài, Chính Tâm, Đặng Văn Ký… Cảnh cũ người xưa khiến chúng tôi bùi ngùi nhớ lại một thời kham khổ các gia đình phải làm thêm đủ nghề để sống, nhà thơ sản xuất tăm tre, nhà báo mở cửa hàng cháo lòng, nhà văn quấn thuốc sợi.., thời mà nhuận bút một bài thơ chỉ đủ mua chục cá trích đãi đằng nhau trong bữa cơm đã đùa vui rằng “kẻ nhắm vào đĩa cà mà gắp sang đĩa cá”, nhưng anh em không xa rời con đường văn chương nhọc nhằn để tìm mưu sinh một chốn khác. Anh là một trong số các nhà văn hiếm hoi của xứ này được bầu vào Hội đồng nhân dân Tỉnh, chọn làm giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, với vị trí của mình khi còn tại nhiệm cũng như khi đã về hưu luôn đề xuất với Tỉnh cần lưu ý đến phong trào văn nghệ địa phương, ưu tiên giúp đỡ cho các nhà văn già đã một đời cống hiến cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh, những ngày cuối đời đau ốm liên miên chính anh luôn đi lại thăm viếng lo toan bao việc, đặc biệt góp công nhiều cho việc hoàn thành Tuyển tập Thái Kim Đỉnh được tỉnh tài trợ xuất bản 2019. Rồi việc anh giúp nhà giáo Lê Trần Sửu 90 tuổi, sưu tầm biên soạn tập sách nghiên cứu, sưu tầm của mình. Lúc cầm trên tay tập sách dầy dặn công phu, in ấn rất trang trọng, tôi thấy giọng nói rất xúc động về tập sách khi thầy nhắc tới công lao của nhà văn (tập sách sau này được giải Nguyễn Du lần 7 - 2020).

Các nhà văn tỉnh bạn đi ngang Hà Tĩnh thường ghé vào Hội, có khi vào nhà riêng thăm anh, đều cảm thấy thân tình, thoải mái về sự thân mật nhưng trọng thị của ông chủ tịch Hội và còn hứng khởi vì những câu nói trạng vừa tục vừa thanh rặt chất Nghệ của anh. Có lần vui chuyện nhớ lại thời bao cấp khó khăn, anh bảo: Cười thế nhưng lo toát mồ hôi khi có những đoàn khách đông vì… Hội nghèo quá mà! Việc viết lách anh em thường bảo Đức Ban rất có ý thức về nghề. Viết xong các tác phẩm anh có thói quen gửi bản thảo nhờ các bạn xem góp ý, những góp ý anh đều có phúc đáp về sự tiếp thu của mình và không phải không có lúc tranh luận nhẹ nhàng một vài nhận xét chưa thuận tình. Có truyện anh viết đi viết lại nhiều lần.

Với con mắt sắc sảo của một nhà văn từng trải, anh phát hiện nhanh các tác giả có triển vọng, đề nghị Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng và bản thân chỉ bảo tận tình, nhiều tác giả với sự giúp đỡ của anh đã nhanh chóng trưởng thành có người nay đã trở thành những cây bút có uy tín. Con người cả làm văn, cả làm công tác quản lý khá thành đạt này lại là một kẻ sùng bái tâm linh, hay đi các đền chùa những dịp lễ tết, thích tham quan các thắng cảnh. Anh tâm sự, đi đền chùa không để cầu tài cầu lộc, cũng không phải đi chỉ để nắm bắt đời sống mà đi để còn thanh lọc tâm hồn, đến với những nơi ấy muốn hay không con người cũng vươn đến “tính thiện” thăng bằng được tâm hồn. Văn anh chất tâm linh, chất hư ảo trở thành một thủ pháp nghệ thuật có lẽ cũng được vun đắp từ những chuyến đi này.

Đức Ban có hai sở thích lái xe và rượu. Có lần hỏi đùa, mấy năm làm chủ tịch hội, rồi giám đốc sở về anh được cái gì? Anh nhỏ nhẹ đáp: “Được cái xe và nghề lái xe. Lái xe thuận lợi đi đây đó lại còn rèn luyện được tai mắt, tay chân và cái tính điềm tĩnh, nhường nhịn!”. Lần dẫn chúng tôi đi vãn cảnh Chùa Hương (Hà Tĩnh) anh đã chứng tỏ được tay lái “lụa” của mình. Đường dốc quanh co, lồi lõm, trơn tuột, chiếc xe vẫn bò đi nhẹ nhàng, anh tay lái đánh qua lại liên tục vẫn chuyện trò thoáng đạt như không có gì, còn chúng tôi có chỗ thót tim. Rượu, Đức Ban có cái thích theo kiểu riêng: Chè ngon uống đến nước hai, Rượu ngon uống đến say say vừa vừa… Anh cho rằng sau nước hai uống mất vị trà. Rượu ngon cũng vậy, một lần say say để hương vị rượu ngà ngà thơm lâu, đó là lúc tâm hồn lâng lâng, quá đi chỉ còn cái say trần tục. Có lần người nửa thật nửa đùa bảo anh là “nhà văn sâu róm” không nhằm nói đến những nhân vật cộm cán, những cốt truyện giằng xé trong văn anh mà như có ý nhắc lại cuộc hành trình khó nhọc có khi cay đắng và những phản ứng sắc sảo của anh trong cuộc sống mà nhân thân anh đã trải qua, từ một cán bộ TNXP với những khó khăn về thành phần xuất thân, đi học Trường viết văn Nguyễn Du trưởng thành nhiều năm đứng vững trên cương vị Chủ tich Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, rồi Giám đốc Sở văn hoá Tỉnh khá uy tín trong giới văn nghệ, anh bình thản đáp: “không sâu róm thì dễ bị kẻ xấu dẫm đạp lắm!”

*

Bao nhiêu năm làm quản lý, công việc sự vụ rất bận rộn, ngòi bút văn chương của anh vẫn tuôn chảy đều đặn trên nhiều thể loại, đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại truyện, bút ký, kịch, chân dung văn học... nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc, nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước.

Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết Đức Ban có những trăn trở về một khuynh hướng trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước, không đơn giản hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý. Nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh trước Cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ xây dựng XHCN. Anh chọn một lối đi riêng đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh với một bút pháp hiện thực mới. Viết về nông thôn Đức Ban không kể nhiều về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện mùa màng được mất, mà anh trình bày miêu tả những thân phận, những kiếp người. Những nhân vật của Đức Ban đa phần tội nghiệp, bé nhỏ, sống với những ước vọng cũng bé nhỏ, nhưng trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về thân phận, luôn chịu những hàm oan. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phẩm chất người dẫu có khi lay lắt như một mầm cây trước giông bão. Đó là những ông lão bị vùi dập sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa (Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần), những nạn nhân không tự giác của những định kiến, của thói vụ lợi, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những ký sinh sống bám vào thành quả Cách mạng, phát triển nhan nhản trong thời kỳ đầu xây dựng khi xã hội chưa định hình được các chuẩn tắc. Là những “hồng nhan phận bạc” như chị Nghĩa, chị Len, chị Thảo, cô gái điên (Đêm thức, Sóng bến Duềnh, Hoa bần, Tiếng đêm), nạn nhân của thói hám danh, sự lừa gạt, phụ bạc cũng như bao tập tục khác còn nặng nề ở nông thôn đọng lại nơi tiếng hát mẹ con người đàn bà điên về “con lươn” cồm cộm trong đêm, hay tiếng than của mẹ con cô Lài nơi bến Duềnh, dư âm khốn khó một kiếp người. Những người phụ nữ yếu đuối không may mắn (chị Nhàn, chị Thảo, em Nợi, cô Tề, người đàn bà điên) nhưng cũng chính ở họ tiềm tàng những mầm sống.

Viết về mặt trái của cơ chế thị trường ở nông thôn, với nhiều nghịch cảnh nhưng tác giả không đem đến cho người đọc những bi quan tuyệt vọng, nó như những “âm án” mà trong đông y các thầy thuốc giàu kinh nghiệm thường nói đến về những bài học thất bại “chết người”, là những liệu pháp tinh thần giúp con nguời cảnh tỉnh, giữ vững ý chí đấu tranh trong những hoàn cảnh cam go. Vì trong bối cảnh tuy nghịch lý, nơi ấy đã có những tiền đề hiện thực mới, nông thôn nơi âý trong vật vã vẫn loé sáng bởi những con người, những tấm lòng nhân nghĩa. Đó là những chị Nhàn, anh Thắng, cô Tề, những người đã thẳng thắn đấu tranh, dám hy sinh vì người khác không phải vì giàu có, danh lợi mà chỉ với cái nghĩa lý giản đơn là để cho “lương tâm thanh thản”.

Hiện thực trong mắt nhìn Đức Ban phong phú đa dạng, nghệ thuật bởi vậy cũng có nhiều thay đổi. Đó là lối kể chuyện pha màu sắc “cổ tích thời hiện đại” (Khúc hát ngày xưa, Miếu làng, Chuyện cổ tích). Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong tác phẩm như một thành phần không thể thiếu của cấu trúc hình tượng (Đêm thức, Hoa đại). Khi là ánh lửa mờ ảo, khi là tán cây nhập nhoàng, cái lò gạch hoang tàn, khi thì người đàn bà hát ca điên dại, khi là tiếng vọng bên sông... Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức.

Anh khá thành công với những mẫu nhân vật giàu chất “Nghệ”, đa phần có một hoàn cảnh sống không may mắn nhưng lại có một nghị lực sống rất đáng trọng. Những lão Trìu, ông Dụt, con Hệ, con Nợi... ngay cái tên cũng gợi nhiều uẩn khúc. Họ đều là sản phẩm của một nông thôn đang trên đường thay đổi, cái cũ cái mới lẫn lộn. Thành kiến, hủ tục, gia trưởng chi phối bao số phận, đặc biệt là phụ nữ, họ là hiện thân những mẫu người quanh quẩn con sông Nghèn quê anh. Có một cái gì gần gũi giữa họ với Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, những con người Xứ Nghệ nghèo khổ, chân thật gan góc nhưng rất độ lượng và giàu tình thương, luôn vượt lên trên những bất hạnh để sống.

Đức Ban là một nhà văn có nghề, luôn trăn trở với nghề, với những tìm tòi, mạnh dạn, một số tác phẩm của Đức Ban gây được ấn tượng trong độc giả, nhiều yếu tố trở thành phương thức nghệ thuật được phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả. Anh được phong tặng Giải thưởng nhà nước (2016), niềm tự hào chung cho làng văn miền ví giặm.

Hà Quảng

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.