Nội dung Xuất bản số định hình tương lai ngành xuất bản đã được Diễn đàn Xuất bản Số 2025 (DPS 2025) thực hiện với chủ đề "Tương lai ngành xuất bản trong kỷ nguyên số". Sự kiện được Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) bảo trợ.
![]() |
Các chuyên gia thảo luận trực tiếp về những giải pháp ứng dụng công nghệ mới như AI, Blockchain trong quy trình sản xuất, phân phối và bảo vệ nội dung. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Tại diễn đàn, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam cho biết, chỉ tính riêng năm 2024, tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Dù đây chưa phải là con số ấn tượng và tương xứng với quy mô dân số hơn 100 triệu dân, nhưng ngành xuất bản cho rằng, xuất bản số sẽ tạo cú huých cho tương lai ngành xuất bản có thể phát triển lên quy mô 20.000 tỷ đồng mỗi năm.
Cùng điểm nhìn và sự lạc quan về tương lai của xuất bản số, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã thâm nhập sâu rộng, định hình lại cách con người tiếp cận tri thức.
“Đối mặt với cơ hội và thách thức chưa từng có, ngành xuất bản phải coi đây là lối mở quan trọng để thúc đẩy văn hóa đọc số, và quan trọng hơn cả là không chỉ nói về chuyển đổi số mà thực sự hành động để chuyển đổi. Mục tiêu là cùng nhau xây dựng một nền tảng xuất bản số quốc gia phát triển đồng bộ và hội nhập với thế giới,” ông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh.
Là đơn vị tiên phong trong xuất bản số, ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books cho rằng trong quá khứ, xuất bản là in sách. Ngày nay, đó là một hành trình cá nhân hóa, tương tác, liên tục cập nhật thông tin, thông qua các định dạng số như ebooks (sách điện tử), flashcards (thẻ mang thông tin), microlearning (phương pháp học tập bằng cách chia nhỏ nhóm kiến thức)… điều này cho thấy, xuất bản số không chỉ giúp cắt giảm chi phí, rút ngắn chuỗi trung gian mà còn tạo điều kiện để mọi người tiếp cận tri thức dễ dàng hơn.
Trên thực tế, xuất bản số đang khẳng định những giá trị ưu việt như: lưu trữ lớn, tìm kiếm thuận tiện, truyền tải nhanh, tương tác mạnh, chi phí thấp, bảo vệ môi trường và carbon thấp, nên xuất bản số đã trở thành hướng phát triển chính của các ngành công nghiệp mới nổi và chiến lược xuất bản trong ngành xuất bản hiện đại trên thế giới. Đồng thời được xem là “mỏ vàng” của thế giới, với doanh thu toàn cầu lên tới 120 tỷ USD/năm. Tại Việt Nam, “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai thác hiệu quả do vướng mắc về công nghệ, tư duy bảo thủ và đặc biệt là nạn xâm phạm bản quyền chưa được kiểm soát.
Tại diễn đàn, lãnh đạo cơ quan Nhà nước, các đơn vị xuất bản, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ đã cùng nhau thảo luận trực tiếp về những giải pháp ứng dụng công nghệ mới như AI, Blockchain trong quy trình sản xuất, phân phối và bảo vệ nội dung; Đồng thời diễn đàn cũng nhìn nhận có hay không sự cần thiết đa dạng hóa nội dung theo hướng giúp tri thức tiếp cận được cả những người vốn không yêu việc đọc.
Như vậy có thể thấy khi xuất bản bắt tay với công nghệ, từ một nội dung đơn lẻ, các nhà xuất bản có tiềm lực tạo ra một hệ sinh thái nội dung khổng lồ. Tri thức trở thành “sản phẩm hàng hóa” có đủ loại đáp ứng đủ mọi nhu cầu của thị trường. Hệ sinh thái này cũng có lợi cho tất cả các bên tham gia thị trường: Nhà xuất bản mở rộng thị trường, tăng doanh thu; khách hàng có khả năng tiếp cận tri thức phù hợp, giá rẻ, hữu dụng. Đây cũng chính là vai trò của ngành xuất bản, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam
Vai trò đó chính là sự sở hữu kho tư liệu lớn được coi là gốc rễ cho các sản phẩm xuất bản. Và để các sản phẩm này đến được với độc giả trên môi trường số cần các công cụ cần thiết để bảo vệ tác quyền. Bên cạnh đó là sự quảng bá đúng và đủ, để bạn đọc có thể mua sách có bản quyền một cách chính thống trên không gian trực tuyến.
Để giải quyết những điểm nghẽn trong côn tác xuất bản trên môi trường số, diễn đàn cũng đã đi đến thống nhất, có thể ứng dụng công nghệ để ngăn chặn hành vi vi phạm, tương tự như Facebook, YouTube đã dùng công nghệ để chặn các nội dung vi phạm bản quyền ngay khi người dùng vừa đăng tải.