Văn hóa nghệ thuật

Nhật ký nữ tính của thể thao và điện ảnh

Dương Dương
Điện ảnh
09:00 | 06/11/2024
Baovannghe.vn - 10 năm sau tiếng vang của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm trở lại. Vẫn là câu chuyện về những người phụ nữ
aa

Đã là phim tài liệu, lại khai thác chủ đề thể thao, những tưởng “Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể” sẽ khô khan, khó tiếp cận. Nhưng ngược lại, đây là cuốn phim bình dị dễ xem đậm màu tính nữ, duyên dáng uyển chuyển với câu chuyện về hành trình dệt mộng World Cup của các cô gái vàng Việt Nam.

10 năm sau tiếng vang của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm trở lại. Vẫn là câu chuyện về những người phụ nữ nhưng tác phẩm lần này có độ phổ quát, theo chân những nhân vật ít nhiều có tên tuổi và sức ảnh hưởng đại chúng. Bắt tay vào dự án từ cuối năm 2022, ê-kíp của Thắm đã theo chân đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đến bốn đất nước, 12 thành phố; khai thác tư liệu hơn 300 trận đấu; trải qua 300 giờ ghi hình và 100 tiếng phỏng vấn các nhân vật liên quan.

Những thế hệ “bông hồng thép” song hành

Lựa chọn mạch truyện hành trình, phim vạch ra nhiều mốc thời gian quan trọng. Gần 30 năm trước, bóng đá nữ “chào sân” ở Việt Nam. Cầu thủ chủ yếu tuyển chọn từ hai đội hình được đào tạo bài bản của TP.HCM và Hà Nội, phần nhiều đi lên từ bóng đá “phủi” đường phố. Từ những trận cầu vắng khán giả trong nước đến những huy chương vàng tại SEA Games, các cô gái dần định vị trong bản đồ thể thao nước nhà, làm nên những tên tuổi như Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Kim Hồng… Thế nhưng, giữa bối cảnh thể thao nội địa còn ít hạng mục mở cửa với nữ giới, các chị khó tránh những đàm tiếu, thậm chí bỡn cợt của đại chúng. Sự phản đối của người thân và thái độ ghẻ lạnh của các nhà đầu tư khiến họ tủi thân và thổn thức dù mấy chục năm đã đi qua.

Thời gian chảy trôi, thế thời đổi khác, lứa “chân sút” của hiện tại xem chừng may mắn hơn thế hệ đi trước. Sự động viên của gia đình, tình yêu thương của khán giả và điều kiện tập huấn lý tưởng của Liên đoàn Thể thao - chẳng thứ gì họ còn thiếu. Dẫu vậy, những định kiến “Con gái đá bóng chân to, người thô”, “Bỏ bóng đá về lấy chồng tốt hơn” vẫn quẩn quanh bám riết họ.

Cái hay nhất của Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể là khơi gợi cuộc đối thoại trên màn ảnh giữa hai thế hệ chân sút nữ của Việt Nam. Dù ra sao, những gương mặt tiên phong và những diện mạo đương thời cũng gặp nhau ở giao điểm của đam mê thể thao thuần khiết. Trong hành trình của Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Tuyết Dung… ngày nay luôn có bóng dáng của thế hệ trước, trong vai trò huấn luyện viên hay tấm gương truyền cảm hứng. Ngọn lửa của thể thao vua cứ thế truyền thừa qua các thế hệ, hun đắp những giấc mộng tham vọng hơn trong hành trình làm nghề. Hoài niệm thời tuổi trẻ, một cựu tuyển thủ tâm sự: “Càng tủi thân, chúng tôi càng phấn đấu”. Như một sự đáp lời, tiền vệ trẻ Bích Thùy thổ lộ: “Những điều các cô, các chị ngày xưa chưa có điều kiện làm được, chúng tôi phải nỗ lực thực hiện”.

“Cuộc giải cứu” mật danh World Cup

Nhật ký nữ tính của thể thao và điện ảnh
Câu chuyện truyền cảm hứng của thầy trò HLV Mai Đức Chung lần đầu được kể trên màn ảnh rộng.

Sau hai lần nuốt nước mắt vì tấm vé World Cup tưởng chạm tay đến nơi lại vụt mất, tuyển nữ Việt Nam sẵn sàng phục thù vào mùa giải 2023. Ấy vậy mà, đại dịch ùa đến làm giấc mơ thiêng liêng của họ bị đẩy tới bờ vực tan vỡ. Chuyện này vốn đã được đăng tải trên báo chí, truyền hình. Nhưng so với những hình ảnh mang tính khoảnh khắc và những câu chữ mang tính tường thuật từ người ngoài, sự hồi tưởng của người trong cuộc có giá trị kể chuyện và đưa đẩy cảm xúc hơn gấp bội.

Chuyện đã lâu mà khi nhớ về ba ngày trước vòng loại châu Á, đội hình rơi rớt vì Covid-19, chỉ còn ba người tập luyện trên sân, đội trưởng Huỳnh Như vẫn chau mày, bặm môi, vẹn nguyên cảm giác bất lực. Bích Thùy, Vạn Sự thì nhớ mãi không quên niềm hân hoan thoát được “ngục tù” cách ly, kịp sang Ấn Độ sát ngày thi đấu.

Chất liệu hiện thực đầy gay cấn và ít nhiều phủ màu may rủi của số phận làm nên câu chuyện hấp dẫn trên màn ảnh. Nhịp dựng hối hả với những khung hình cận chặt vào khuôn mặt của từng nhân vật, bộ phim dẫn dắt diễn biến không thua gì các bom tấn đề tài khủng bố hay giải cứu con tin. Nhạc nền kịch tính nâng đỡ thêm cảm xúc. Và việc đào sâu tâm lý từng nhân vật ở đa góc nhìn - cầu thủ, huấn luyện viên, lãnh đạo VFF - là yếu tố cốt lõi làm nên sức cuốn hút cho tác phẩm, làm nó xứng đáng với tiêu đề Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể.

Dõi theo hành trình đến World Cup của tuyển nữ Việt, khán giả lắm lúc cười rộ vì những tuyên ngôn dí dỏm của các cô gái; nhiều khi lại rớt nước mắt vì chứng kiến những va chạm, chấn thương của họ trước đối thủ “người khổng lồ” hay tình cảnh ngặt nghèo mà dòng đời đặt họ vào đó. Đó còn là những khoảnh khắc thực sự của giọt nước mắt, khi Việt Nam dẫn 2:1 trước tuyển nữ Đài Loan, để tiến vào World Cup. Thầy trò ông Mai Đức Chung hòa giọng bài ca bất hủ Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Các cô gái nhảy nhót tưng bừng, nói cười hỉ hả. Chỉ riêng Chương Thị Kiều - người có công san bằng tỉ số ở hiệp một trận đấu - lủi thủi khóc nghẹn một góc. Giây phút gọi về nhà khoe chiến tích vẻ vang cũng là lúc cô gái gốc Kiên Giang bàng hoàng hay tin ông ngoại mới mất.

Nhật ký điện ảnh nữ tính

Truyện phim trải dài gần 40 năm, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm pha trộn hình ảnh thực tế ở hiện tại với lời kể của các nhân vật và hình ảnh mang tính mô phỏng chuyện quá khứ. Mở màn, phim gây ấn tượng thị giác với loạt đồ họa trong phần tóm tắt thuở sơ khai của sân cỏ nữ Việt Nam. Thông tin đầy ăm ắp về người, thời điểm và sự kiện, nhưng không làm người xem bội thực hay ngán ngẩm, ngược lại còn khiến người ta tìm được sự thi thú. Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể còn cho thấy tư duy mới trong việc dùng nhạc, với âm hưởng bắt tai, hiện đại, hòa hợp với chủ đề chung cũng như từng tình huống. Đây là yếu tố quan trọng làm nên cảm xúc cho phim.

Gieo được sự tin tưởng trong lòng các cầu thủ, nhà làm phim thuyết phục các cô gái thoải mái bộc lộ cá tính, chất riêng, thói quen giao tiếp thường ngày mà chẳng hề bận tâm máy quay kề cận. Niềm tự hào “ở quê quen chạy, làm ruộng, lên phố chạy không thua ai” của Huỳnh Như; giọt nước mắt áy náy vì sơ suất trên sân cỏ của Thanh Nhã hay nỗi lo “Các cô này con gái ăn ít nhưng hay ăn vặt” của HLV Mai Đức Chung đều khơi gợi bản năng nữ tính của các cầu thủ. Ở họ có nhiều sự gai góc, thậm chí gan lì đặc trưng của dân thể thao; một chút kiêu hãnh của những kẻ thực tài; nhưng cũng không mất đi vẻ ủy mị đôi khi và những sự “lắm chuyện” trong sinh hoạt đời thường. Ghi chép trung thực hành trình của họ, cuốn phim cứ tự nhiên phủ lên mình sắc màu nữ tính.

Không đơn thuần chắp vá các đoạn tự sự để cung cấp thông tin, phim lưu giữ nhiều chi tiết đắt giá. Đó là chất keo để mạch truyện lên bổng xuống trầm và cho khán giả cơ hội trông vào những góc nhỏ rất con người của họ phía sau hình ảnh thường được biết đến trên sân cỏ. Người ta thấy mối quan hệ tứ xứ tụ họp mà không khác gì tình thân máu mủ giữa “người cha già” Mai Đức Chung, những “người mẹ” cựu tuyển thủ với các cô con gái mỗi đứa một tính một nết.

Phim tài liệu đối với một quốc gia thường được ví như cuốn album ảnh trong một gia đình. Nếu như vậy, Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể đã làm rất trọn vẹn vai trò của nó - một tác phẩm giàu cảm xúc, lưu trữ hiệu quả hành trình dài hơi với nhiều dấu mốc vàng son của thể thao Việt Nam.

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Con mộng trắng. Truyện ngắn của Song Ngư

Baovannghe.vn - Cái chuồng trâu nằm dưới gốc nhãn. Nó sơ sài, được quây bốn xung quanh bởi mười bốn thân cây gỗ to bằng bắp chân. Mái chuồng lợp tranh, trong mái tranh có đôi vợ chồng thằn lằn sống đã nhiều năm, đôi lần con mèo mướp tìm được mấy quả trứng thằn lằn nhỏ như đầu ngón tay út trẻ con, hình trái xoan, vỏ trắng mềm nhẵn nhụi.
Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Baovannghe.vn - Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.
Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Đêm cồng chiêng - Thơ Nguyễn Hoài Nhơn

Baovannghe.vn- Đất nén thở còn đêm thì quánh lại/ Bật vỡ không gian theo nhịp chiêng cồng
Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Hãy nhớ lấy lời tôi!

Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi: Hãy nhớ lấy lời tôi!

Baovannghe.vn - Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng anh Trỗi vẫn giữ khí phách hiên ngang, kiên quyết không khai ra tổ chức, nhận mọi trách nhiệm về mình để bảo vệ tính mạng đồng đội.
Đọc truyện: Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Đọc truyện: Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương