Diễn đàn lý luận

Tự sự lịch sử từ góc nhìn thi pháp thể loại

Mạc Yên
Lý luận phê bình
07:00 | 07/11/2024
Baovannghe.vn - Tự sự lịch sử với tư cách một hình thức kể chuyện về quá khứ lịch sử đã xuất hiện không chỉ trong văn học mà còn trong nhiều loại hình nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, kịch câm (pantomim), điêu khắc, hội họa, kiến trúc.
aa

Tuy nhiên những câu chuyện lịch sử được kể ra một cách thuận lợi và đạt hiệu quả nhận thức thẩm mĩ cao hơn cả là trong văn xuôi và các loại hình nghệ thuật thời gian. Các loại hình nghệ thuật tạo hình do bị chặn lại về thời gian, chỉ tồn tại trong một phạm vi không gian nhất định nên khả năng kể rất hạn chế.

Trong văn học, tự sự lịch sử xuất hiện trong nhiều thể loại văn xuôi tự sự (epic) như tiểu thuyết, kí sự, và có cả trong thơ, như sử thi, trường ca. Tuy nhiên thể loại tự sự lịch sử tiêu biểu nhất vẫn là tiểu thuyết lịch sử.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tiểu thuyết lịch sử mà sự khác biệt xuất phát từ góc nhìn và tiêu chí đánh giá thể loại. Vùng giao thoa của các quan niệm, định nghĩa tiểu thuyết lịch sử nằm trong mấy đặc điểm sau:

- Đề tài tiểu thuyết là những sự kiện, nhân vật thuộc về giai đoạn lịch sử khi mà tác giả tiểu thuyết chưa ra đời và không thể có cơ hội trải nghiệm.

- Câu chuyện được kể trong tiểu thuyết là câu chuyện có độ giãn cách thời gian ít nhất là nửa thế kỉ và được đặt vào những thời điểm xảy ra những biến động xã hội quan trọng.

- Ngôn ngữ trong tiểu thuyết lịch sử thường dễ hiểu, phổ cập nhằm đạt số lượng độc giả tối đa, nhưng vẫn có sự kết hợp với phong cách cổ ngữ nhằm tái hiện không gian văn hóa thời đại được mô tả.

- Tác phẩm thường được giới hạn đến mức thấp nhất kiểu tư duy nghệ thuật hư cấu, nhà văn sáng tác với tinh thần tôn trọng sử liệu và những yêu cầu của chủ nghĩa khách quan lịch sử.

Nhìn chung, các tiểu thuyết lịch sử có khả năng khơi gợi hình ảnh sinh động về một thời đại lịch sử, vì tác giả luôn hướng tới một bức tranh toàn cảnh của thời đại, trong đó các số phận cá nhân đan cài vào nhau, đồng thời đồng điệu với số phận lịch sử của dân tộc. Nhiều tiểu thuyết miêu tả quá khứ không trong trạng thái tĩnh, mà trong tiến trình vận động lịch sử, với khát vọng bổ sung, phát hiện cho độc giả tri thức mới về lịch sử. Nếu tác phẩm chú trọng mô tả đời sống của các danh nhân hoặc những cá nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử dân tộc, nhân loại thì thường được xếp vào thể tiểu thuyết tiểu sử.

Tự sự lịch sử từ góc nhìn thi pháp thể loại
Tạo hình Napoleon Bonaparte. Ảnh Internet

Nguồn gốc ra đời của tiểu thuyết lịch sử có thể được tính từ khi xuất hiện các sử thi cổ đại như Iliat của Homer, các cuốn sách biên niên trung cổ và thậm chí được tính tới cả các tiểu thuyết đen (noir fiction) trong văn học Anh, hay các tác phẩm văn xuôi tự sự của nữ nhà văn Đức Benedikt Naubert (1752-1819). Tuy vậy, tiểu thuyết lịch sử với tư cách một thể loại độc lập ở châu Âu chỉ chính thức xuất hiện vào nửa đầu thế kỉ 19, gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, cùng với nguồn cảm hứng ngỡ ngàng, ngưỡng mộ khi con người nhìn về quá khứ. Từ góc nhìn kinh tế chính trị, sự xuất hiện của tiểu thuyết lịch sử còn gắn liền với sự chấn hưng của chủ nghĩa dân tộc tư sản và các phong trào đấu tranh dân tộc khởi phát sau Cách mạng Pháp và các cuộc chiến tranh của Napoleon. Cuốn Waverley của Waltere Scott xuất bản năm 1814 đã được coi là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên, hội đủ các yếu tố đặc thù thể loại. Trong trào lưu văn học lãng mạn cũng xuất hiện khá nhiều tiểu thuyết lịch sử viết theo hướng mô phỏng (mimesis) hoặc theo hướng truyện li kì - giải trí, như trong sáng tác của W. Scott, V. Hugo, A. Dumas. Sang nửa sau thế kỉ 19 gắn với giai đoạn chủ nghĩa hiện thực phát triển, tiểu thuyết lịch sử đặc biệt chú ý tới chức năng mà nó tự gánh vác là chuyển tải tri thức lịch sử, trang bị cho độc giả nguồn tri thức hiểu biết về đời sống quá khứ. Nhiều cuốn tiểu thuyết có quy mô trường thiên ra đời, không chỉ bao quát một giai đoạn lịch sử lâu dài mà còn mang tầm khái quát tư tưởng sâu sắc, bộc lộ những tìm kiếm suy tư về bản chất, ý nghĩa của quá khứ đối với đời sống hiện tại. Đó là các tiểu thuyết của L. Tolstoy, H. Sienkiewicz, B. Prus, G. Flaubert...

Vào thế kỉ 20, tiểu thuyết lịch sử cho thấy âm hưởng sử thi, hoài cổ không thể độc tôn, chủ đạo. Nhiều tiểu thuyết gia lịch sử đã đưa ra một cách nhìn và cách kể mới. Đó là lối kể truyện lịch sử châm biếm, mang tính phê phán đối với quá khứ và các tiến trình lịch sử. Tiểu thuyết tiểu sử - danh nhân (biography) xuất hiện. Vào giai đoạn nửa sau thế kỉ 20, văn xuôi tự sự lịch sử của các nhà văn L. Feuchtwanger, H. Mann, T. Waltari, U. Eco đã khẳng định sự phát triển liên tục của văn học từ chủ nghĩa hiện đại sang hậu hiện đại.

Thông thường người ta hay lấy nguyên tắc “trung thành với lịch sử” làm căn cứ phân loại tiểu thuyết lịch sử ra thành hai khuynh hướng: lãng mạn và hiện thực, lịch sử hóa hay tiểu thuyết hóa. Nhưng thực chất, cái lịch sử mà người ta bắt phải trung thành ở đây cũng chỉ là sử liệu, hơn nữa là sử liệu có tính quan phương, chính thống, được phổ cập, tuyên truyền, hợp pháp hóa như một thói quen, một quy ước bất tự giác. Hiện thực lịch sử hay chân lí lịch sử là cái không hề tồn tại mà chỉ là hình ảnh kiến tạo mang tính chủ quan của người đời sau và người đương thời. Căn cứ vào đối tượng và nội dung phản ánh cũng có thể nhận biết và định danh một số khuynh hướng tiểu thể: Tiểu thuyết lịch sử - văn hóa, tiểu thuyết lịch sử - danh nhân, tiểu thuyết lịch sử - sự kiện, tiểu thuyết lịch sử - giải trí (như tiểu thuyết ái tình, lãng tử của anh em Alexandre Dumas). Tiểu thuyết lịch sử biên niên là một tiểu thể, trong đó tác giả giữ vai trò thám tử lịch sử, điều tra xác minh thời gian của biến cố, sự kiện lịch sử, thường gắn với việc công bố tài liệu lịch sử như các bút tích, nhật kí của nhân vật lịch sử.

Một kiểu tiểu thuyết có tính giao thoa, nằm ở vùng giáp ranh giữa tiểu thuyết lịch sử với tiểu thuyết thời sự (viết về đời sống hiện tại) hay còn gọi là tiểu thuyết “cận lịch sử” là tiểu thuyết hồi cố (retrspektiv roman), trong đó tác giả giãi bày nhiều kỉ niệm và trải nghiệm lịch sử của mình. Các cuốn tiểu thuyết viết theo kiểu biên niên sử một dòng tộc hay một thế hệ cũng nằm trong vùng giao thoa này.

Về thuật ngữ, trong phê bình văn học hiện đại ở nhiều nước trong đó có cả Việt Nam, có tình trạng đang lạm dụng và sử dụng tùy tiện tính từ “lịch sử”. Đơn cử: “cơn bão lịch sử”, “cơn dịch lịch sử, “trận lụt lịch sử”, “chiến dịch lịch sử”… Lịch sử ở đó được hiểu như cái chưa từng có, khủng khiếp, vĩ đại, có ý nghĩa xã hội trọng đại. Theo xu hướng đó, nhiều khi kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng cũng được gọi là kịch lịch sử, trong khi tác giả sáng tác vở kịch đó sau khi khởi nghĩa Bắc Sơn xảy ra mới chỉ 7 năm. Đây là một vấn đề cần thảo luận về tính giãn cách thời gian của các thể loại tự sự lịch sử.

Bàn về anh hùng ca và tiểu thuyết sử thi, Bakhtin đã có nói tới khoảng cách sử thi như một sự giãn cách thời gian của tự sự. Đó là khoảng cách giữa thời đại tác giả và thời đại xảy ra biến cố. Bakhtin coi đó là một khoảng cách siêu thời gian, “thời gian tuyệt đối”. Giữa tác giả và biến cố lịch sử được miêu tả không còn mối liên hệ trách nhiệm và ảnh hưởng qua lại nữa. Đó là kiểu thời gian vô can đối với quyền lợi của nhà tiểu thuyết. Đã có nhiều ý kiến thống nhất độ lùi thời gian đó là giao động trong khoảng 50 đến 70 năm. Hay nói cách khác, chỉ những tiểu thuyết nào viết về câu chuyện của nửa thế kỉ đã qua thì mới đủ một điều kiện được coi là tiểu thuyết lịch sử. Khi Tolstoy ra đời, cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược Napoléon đã kết thúc chục năm trước. Đến khi Tolstoy viết về sự kiện đó trong Chiến tranh và hòa bình, cuộc chiến đó đã lùi vào quá khứ hơn 70 năm. Chiến tranh và hòa bình nghiễm nhiên là một tiểu thuyết lịch sử vì câu chuyện chiến tranh và chế độ Nga hoàng đầu thế kỉ đó gần như là vô can với tác giả Tolstoy. Tuy nhiên tiêu chí thời gian đó không phải khi nào cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và hoàn cảnh sáng tác ở mỗi tác giả và mỗi nền văn học. Bởi vì không phải sau 50 năm là “lịch sử đã sang trang”, “vết thương đã lành”, một chế độ xã hội hay một thời đại mới đã được mở ra. Nhà văn vẫn không thể là người vô can với thời đại cùng những biến cố xảy ra 50 năm trước. Đơn cử như các tiểu thuyết viết về Cách mạng Tháng Mười Nga viết vào những năm 80 của thế kỉ trước, không có cuốn nào được xem là tiểu thuyết lịch sử vì thành quả lẫn dư chấn động trời của cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn như một áp lực thường trực lên tư tưởng tình cảm các nhà văn sinh sau Cách mạng. Nếu như coi tiểu thuyết viết về các danh nhân lịch sử cũng là một tiểu thể (về đề tài) của tiểu thuyết lịch sử, thì hàng trăm năm nữa tiểu thuyết viết về danh nhân lịch sử Hồ Chí Minh cũng không thể được coi là tiểu thuyết lịch sử. Vì sao? Vì đúng như tinh thần câu khẩu hiệu quen thuộc mà ta từng gặp: “Hồ Chủ tịch sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!”, Bác vẫn “đang cùng chúng cháu hành quân“, tiếp tục “mãi mãi soi đường”. Thời đại Hồ Chí Minh đã mở ra chưa hề khép lại về mặt lịch sử. Các nhà văn Việt Nam không được phép vô can với thời đại lịch sử đó. Nói như vậy để thấy rằng tiêu chí về thời gian giãn cách chỉ mang ý nghĩa tương đối.

Tự sự lịch sử từ góc nhìn thi pháp thể loại
Tạo hình Trần Quốc Toản . Ảnh Internet

Tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam gần đây với những thành quả đáng ghi nhận và tôn vinh của Nguyễn Xuân Khánh đã bộc lộ những dấu hiệu dân chủ hóa đề tài. Lịch sử trong tiểu thuyết không còn là lịch sử của những danh nhân, vĩ nhân mà lịch sử của nhân dân đông đảo. Trong tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, từ Hồ Quý Ly đến Mẫu Thượng ngàn, có thể nhận ra khuynh hướng kiến tạo văn hóa trong lối kể. Qua những tiểu thuyết thuần túy lịch sử về đề tài của Hoàng Quốc Hải, đặc biệt là bộ tiểu thuyết 6 tập Bão táp triều Trần, có thể nhận ra một sự chuyển biến tích cực về thi pháp thể loại. Trong văn xuôi tự sự Hoàng Quốc Hải, lịch sử không phải “tự lên tiếng” mà bản thân nhà văn lên tiếng. Người đọc nhận ra tiếng nói của người kể cũng như cách kể chuyên nghiệp. Sức hấp dẫn của tiểu thuyết lịch sử không dừng lại ở nội dung câu chuyện kể mà ở cách kể và giọng điệu của chủ thể nhà văn. Khoảng cách giữa tự sự lịch sử và tự sự hư cấu đang bị thu hẹp dần. Người đọc đến với văn xuôi lịch sử không phải đi tìm sự thật lịch sử mà để cảm thụ thẩm mĩ về thời đại mà mình không trải nghiệm. Do vậy tính xác thực lịch sử và độ tin cậy đối với văn bản không phải là yêu cầu bức thiết đối với độc giả. Viết về lịch sử, điều quan trọng nhất đặt ra đối với nhà văn lẫn độc giả là chân lí nghệ thuật chứ không phải sự thật đời sống. Và xét cho cùng, viết về quá khứ lịch sử nhà văn vẫn là người kể chuyện khéo léo mà thôi.

Văn học trung đại Việt Nam đã có một bề dày truyền thống tự sự lịch sử. Nội dung tự sự lịch sử xuất hiện trong nhiều thể loại văn xuôi và cả văn vần. Nếu coi Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái là một tác phẩm già kí non truyện, tức là một kí sự lịch sử trên con đường vận động, phát triển để trở thành tiểu thuyết, thì một trăm năm sau, năm 1905, cuốn Trùng Quang tâm sử đã trở thành tác phẩm đánh dấu sự xuất hiện chính thức của thể tiểu thuyết lịch sử. Mặc dù viết bằng chữ Hán, có động cơ giáo dục và nóng hổi tính chính luận, Trùng Quang tâm sử vẫn được học giả Đào Duy Anh thừa nhận ngay là một tiểu thuyết lịch sử. Dấu mốc quan trọng tiếp theo về phương diện thi pháp thể loại chính là bộ ba tiểu thuyết Bà chúa Chè, Loạn kiêu binhChúa Trịnh Khải của Nguyễn Triệu Luật. Nối tiếp và đồng hành với tác phẩm bộ ba này là hàng loạt tiểu thuyết lịch sử gây tiếng vang ở hai miền Nam Bắc như: Đinh Tiên Hoàng (1929), Vua Bố Cái (1929), Lê Đại Hành (1929) của Nguyễn Tử Siêu; Giọt máu chung tình (1926) của Tân Dân Tử; Việt Nam Lê Thái Tổ (1929) của Nguyễn Chánh Sắt; Lê triều Lý thị (1931), Tiền Lê vận mạt (1932), Trần Hưng Đạo (1933) của Phạm Minh Kiên; Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1944) của Nguyễn Huy Tưởng. Dưới áp lực của chế độ kiểm duyệt thực dân Pháp, tiểu thuyết lịch sử phát triển như một hình thức diễn ngôn tinh tế của lòng yêu nước và khát vọng độc lập tự do dân tộc. Chậm bước và nhường đường cho đề tài chiến tranh cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ thời kì từ năm 1946 đến 1975, tiểu thuyết lịch sử chính thức trở lại với ưu thế văn đàn từ sau năm 1986. Đáp ứng và tận dụng yêu cầu đổi mới tư duy, trong đó có đổi mới tư duy nghệ thuật, nhiều nhà văn đã thực sự nâng cao bút lực với đề tài lịch sử. Các tác phẩm tiêu biểu lần lượt kế tiếp nhau như Loạn 12 sứ quân (Nguyễn Đình Tư); Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn (Nguyễn Xuân Khánh); Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác); Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý (Hoàng Quốc Hải); Minh sư (Thái Bá Lợi); Nguyễn Du, Thông reo Ngàn Hống (Nguyễn Thế Quang); Phùng Vương, Ngô Vương (Phùng Văn Khai); Trần Khánh Dư (Lưu Sơn Minh)… đã thực sự tạo được một “mùa vàng” thứ hai cho thể loại.

Tuy nhiên một sự đổi mới thực sự từ bình diện quan niệm nghệ thuật tới thi pháp truyện kể vẫn chưa được nhận ra trong tiểu thuyết lịch sử hiện tại. Phần lớn tiểu thuyết dẫn trên đều là những tiểu thuyết về danh nhân lịch sử. Ở đó nhân vật lịch sử có thể hiện ra sinh động nhưng tác giả vẫn chưa nắm bắt được những nét tính cách đặc trưng cho mỗi danh nhân, đặc biệt là tâm trạng con người thời đại vẫn dừng lại như những “câu hỏi lớn không lời đáp”. Từ góc nhìn của mĩ học tiếp nhận, rõ ràng là chân trời đón đợi của người đọc hôm nay đã khác xưa. Chính những điều kiện thuận lợi của truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện đã đẩy văn hóa đọc rơi vào tình thế khủng hoảng. Những thế hệ độc giả mới của “thời đại 4.0” ra đời đang lặng lẽ đẩy các tiểu thuyết lịch sử đậm đà tính dân tộc và giáo dục đạo lí lâu nay vào phạm trù thể loại truyền thống. Đã đến lúc văn xuôi tự sự không cần sự ưu tiên cho sự tái hiện nhân vật và sự kiện lịch sử nữa. Nhân vật đã không còn quan trọng bằng tác giả. Đối tượng mô tả không quan trọng bằng cách tả, cách kể, người kể. Hình thức kể dần dần lấn át, chiếm vị thế chủ âm trước các yếu tố nội dung kể. Sự xuất hiện đậm đặc các nhân vật hư cấu và các tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử cũng như nội dung văn hóa, phong tục trong các tiểu thuyết về đề tài lịch sử gần đây báo hiệu những khám phá, tìm tòi về hình thức kể. Điều đó cũng báo hiệu sự đổ vỡ của các “đại tự sự”, dẫn tới nhường ngôi cho các “tiểu tự sự” trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Với những bằng chứng và lí do đó, chúng ta có thể nói tới một kiểu tiểu thuyết lịch sử mới đang xuất hiện: tiểu thuyết lịch sử hậu hiện đại. Theo chúng tôi, đó là một xu thế tự nhiên, vì suy cho cùng tiểu thuyết lịch sử không thể và không nên gánh hộ phần việc của sử học hay khảo cổ học. Vì thiên chức của tiểu thuyết cũng như bất kỳ một thể loại văn học nào, vượt qua mọi biến thiên của đời sống lịch sử vẫn phải trở về với cái cứu cánh nguyên thủy, muôn đời của nó, là cái đẹp.

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương